Sự đặc biệt của “mã” thơ Đường

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 114 - 115)

Đối với giáo viên, thơ Đường không phải là xa lạ vì nó là đối tượng đã được học tập và nghiên cứu khá kĩ ở trường đại học. Nhất là trong thời điểm hiện nay, lượng tài liệu về thơ Đường có thể nói là rất phong phú, đa dạng. Nhưng đối với học sinh phổ thông, thơ Đường vẫn là khó. Điều này cũng có thể giải thích được: vì thơ Đường cách xa chúng ta cả về không gian, thời gian, cả về phương thức tư duy nghệ thuật.

Để hiểu một tác phẩm vượt cả không gian và thời gian như thơ Đường không phải là dễ, nhất là học sinh phổ thông. Đặc biệt là lại phải tiếp xúc chủ yếu qua bản dịch (dịch nghĩa, dịch thơ) nên việc tìm hiểu giá trị của thi phẩm không trọn vẹn, mất đi cái hay, cái đặc sắc riêng của thơ Đường. Hơn nữa, thơ Đường lại có những đặc trưng thi pháp riêng để chứa đựng những thông điệp mà người xưa gửi gắm.

Tính tài tình, độc đáo của thơ Đường là nén chặt một lượng lớn thông tin thẩm mĩ trong khuôn khổ rất hạn chế về số lượng từ. Thơ Đường vốn rất hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”, nói ít gợi nhiều, lời ít ý nhiều… Mỗi tác phẩm,

mỗi bài thơ có khi chỉ vỏn vẹn 4 câu, 20 chữ. Ngôn ngữ thơ thường đơn giản mà tinh luyện, có khả năng diễn đạt vô cùng tinh tế, phong phú. Đặc trưng của thơ Đường là tạo lập nên những mối quan hệ, sử dụng phổ biến phép tỉnh lược cú pháp, cú pháp độc lập và ngôn ngữ ý tượng, với những quan niệm riêng về con người, không gian và thời gian nghệ thuật, thể loại,…Hơn nữa, thơ Đường lại sử dụng điển tích điển cố nhiều. Nhờ công phu tinh luyện của các nhà thơ, với một số mã tối thiểu, bài thơ Đường có thể đưa lại một thông tin mới mẻ, tối đa. Vì vậy, để giải mã thơ Đường, đặc biệt là đối với học sinh phổ thông không thể giải mã theo cách thông thường được mà cần có chìa khoá riêng.

Giữa lượng tài liệu khá lớn, phong phú về thơ Đường, những nghiên cứu theo hướng thi pháp hướng tới nhà trường đã sử dụng cách nhìn, phương pháp mới vào phân tích, góp phần gợi ý về chìa khoá riêng để giải mã thơ Đường ấy, và góp phần giúp việc giảng dạy nó trong nhà trường đạt hiệu quả cao hơn.

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 114 - 115)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(146 trang)
w