Nghiên cứu xã hội học

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 30 - 34)

Bên cạnh hướng nghiên cứu hình thức thể loại, sau 1945 các nhà nghiên cứu theo quan điểm marxist ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam phần lớn quan tâm đến nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội của thơ Đường, còn phần nghiên cứu nghệ thuật thơ thì xem nhẹ, coi như sản phẩm của lối nghiên cứu cũ. Tuy vậy, phương diện hình thức vẫn được đề cập đến, chỉ có điều nó ít được quan tâm một cách thích đáng. Tiêu biểu là cuốn sách giáo trình Lịch sử văn học Trung Quốc do tập thể tác giả của Sở Nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, và các bài giới thiệu về thơ Đường đầu các cuốn sách dịch thuật cùng một số công trình khác.

Các nhà nghiên cứu xã hội học thường chú ý tới chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống của văn học, thiên về việc đứng từ góc độ xem xét sự biến đổi của kinh tế, chính trị để giải thích sự biến đổi của Đường thi, đồng thời coi trọng nghiên cứu mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp giữa cuộc sống nhân dân và sáng tác của các tác giả… Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến sự thống nhất nội tại giữa khuynh hướng chính trị tư tưởng và biểu hiện nghệ thuật của tác phẩm.

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng này, nên khi tiếp cận từng tác giả, tác phẩm cụ thể người ta thường chú ý xem xét tác giả, tác phẩm đó có thái độ như thế nào đối với nhân dân, đồng thời đứng từ góc độ phát triển xã hội để bình giá ưu điểm, khuyết điểm của tác phẩm văn học. Các tác giả như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,…là những tác giả đầu tiên được nghiên cứu một

cách nhiệt tình kỹ càng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một cách xuất sắc các tầng quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và cuộc sống hiện thực. Giới nghiên cứu lúc bấy giờ đã bàn luận về mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế, xã hội thời Đường với văn học thời Đường, thảo luận về nguyên nhân phồn vinh rực rỡ của Đường thi, bình luận về các phái “thơ biên tái thi phái”, “thơ sơn thuỷ điền viên”, “phong trào cổ văn”, “phong trào tân nhạc phủ”,… Người ta đã chốt lại nhận thức: phái thơ biên tái phản ánh cuộc sống nơi biên ải, gắn liền với chiến tranh; phái thơ điền viên – sơn thủy ca ngợi cuộc sống ẩn dật, giữ mình nơi thôn xa xóm vắng, ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên thanh tịnh, êm đẹp; phái thơ hiện thực phản ánh hiện thực cuộc sống trong thời loạn An - Sử, phản ánh sự bất công của chiến tranh phong kiến gây đảo lộn cuộc sống bình yên của nhân dân; phái thơ lãng mạn nói lên khát vọng và ước mơ táo bạo vượt lên hiện thực đen tối của thời đại, với một phong cách thơ bay bổng. Nói như Phạm Liễu nhận xét trong Đường thi: “nội dung Đường thi thì muôn mặt nhất là nói về con người, tình cảm lãng mạn, tả cảnh, chiến tranh đều không thiếu” [53, 159].

Điển hình cho những nội dung trên là công trình Lịch sử văn học Trung Quốc do tập thể tác giả của Sở nghiên cứu văn học thuộc viện khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn từ những năm 60 (thế kỷ XX) và được sửa chữa in lại trong những năm 1980. Đây là giáo trình chính thức tại các trường đại học Trung Quốc và được Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1964 do Trương Chính, Hồng Dân Hoa, Đức Siêu dịch. Đến 1991, nó được Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp xuất bản thành 3 tập do Lê Huy Tiêu, Lương Duy Thứ dịch sang tiếng Việt,… Đây là công trình rất công phu khái quát một bức tranh toàn cảnh về văn học Trung Quốc nói chung và thơ Đường nói riêng. Khi đi xem xét những nguyên nhân hưng thịnh của thơ Đường, các tác giả nhấn mạnh nguyên nhân hoàn cảnh lịch sử xã hội, lòng trọng văn thơ của

vua chúa, sự phát triển của tôn giáo và các ngành nghệ thuật khác ở thời Đường như hội hoạ, âm nhạc,… Họ nhận xét: “Từ Khai Nguyên đến Thiên Bảo, thế nước thịnh vượng, văn hoá phát triển và kinh tế phồn vinh, hiện thực đó đã tạo nên tinh thần phấn khởi, sôi nổi của thời đại và đưa lại nhiệt tình và lí tưởng lãng mạn cho các nhà thơ. Chủ nghĩa lãng mạn của Lí Bạch là tiêu biểu là dòng thơ chủ đạo của thơ ca thời đó. Còn hiện thực kiệt quệ, khốc liệt sau loạn An Sử không thể không làm các nhà thơ phải quan sát và suy nghĩ về hiện thực khách quan một cách tỉnh táo, cho nên dòng thơ chủ đạo của Trung Đường rất tự nhiên là đi theo con đường chủ nghĩa hiện thực, và phát triển rầm rộ” [60, 419]. Công trình đã khái quát quá trình diễn biến của thơ Đường với các phái phái “biên tái thi phái”, “sơn thuỷ điền viên thi phái”, “phong trào cổ văn”, “phong trào tân nhạc phủ” v.v… Bên cạnh đó, các tác giả đã giới thiệu về các nhà thơ Đường tiêu biểu của bốn giai đoạn trên, tập trung nhất là sự nghiệp của ba đại thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Trong đó, tuy thành tựu nghệ thuật của các tác giả có được phân tích nhưng đó không phải là phần trọng tâm so với nội dung.

Nam Trân trong “Lời giới thiệu” cuốn sách Thơ Đường (Tập 1) đã giới thiệu sơ lược các nhà thơ chính và các phong trào sáng tác cơ bản của thơ Đường qua bốn giai đoạn: Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường, Vãn Đường. Trong từng giai đoạn, Nam Trân chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử xã hội đến nội dung sáng tác của các tác giả theo từng đề tài với kết luận: “Đặc sắc nhất của thơ Đường là nội dung cực kỳ phong phú phản ánh rộng rãi các mặt sinh hoạt xã hội, khác hẳn với thơ ca Lục triều chỉ bó hẹp trong một số đề tài liên quan với lối ăn chơi xa xỉ của vua quan” [73, 16]. Như vậy, giá trị thơ Đường mà Nam Trân khẳng định trước hết và hơn nhất chính là giá trị nội dung xã hội.

Trong cuốn sách Thơ Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông đã khẳng định vị trí của thơ Đỗ Phủ trong thi đàn Trung Hoa: “Tiếng thơ của Đỗ Phủ chính là đã cất cao lên từ nỗi đau khổ vô tận của nhân dân Trung Quốc đời Đường, và Đỗ Phủ đã trở thành tấm gương lớn của một thời đại phong kiến Trung Hoa liên miên những chiến tranh và đói khổ” [70, 10]. Xuyên suốt sự nghiệp của Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông chỉ nhìn thấy khía cạnh “biểu hiện nỗi thống khổ của nhân dân”, “cảm xúc trước thời sự chính trị nhậy bén và sắc sảo” [70, 16]. Từ đó, ông đi sâu ca ngợi lòng thương người, tấm lòng yêu mến đối với nhân dân lao động, tố cáo xã hội, phơi bày mâu thuẫn xã hội, lên án chiến tranh phi nghĩa,… với sự phân tích những dẫn chứng cụ thể. Nhìn chung, đó đều là các phương diện nội dung xã hội trong sáng tác của Đỗ Phủ. Hình thức nghệ thuật trong trước tác nhà thơ không được chú trọng, chỉ được nhắc đến trong vài nhận xét chung chung như: “đóng góp quan trọng của Đỗ Phủ vào thơ ca Trung Quốc là thơ tự sự (kể chuyện)” [70, 43]; “Đỗ Phủ đã mạnh dạn đưa ngôn ngữ quần chúng vào trong thơ” [70, 45]; “Đỗ Phủ là một thiên tài nghệ thuật ngôn ngữ tuyệt diệu, một phong cách nghệ thuật độc đáo và rất phong phú” [70, 45]. Chính vì vậy, những danh xưng ca ngợi Đỗ Phủ hầu như đều tập trung vào khía cạnh giá trị nội dung và phản ánh xã hội trong thơ của thi hào: “Người ta gọi Đỗ Phủ là ông thánh thơ, là nhà sử thơ, là bậc đại thành, là nhà thơ nhân dân, nhà thơ hiện thực, nhà thơ xã hội, nhà thơ yêu nước,v.v…” [70, 11].

Thậm chí dưới góc nhìn xã hội học, Hoàng Trung Thông còn cho rằng: “Người ta có thể lấy Đỗ Phủ làm thí dụ minh chứng cho cách giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề thơ ca: Thế nào là thơ ca phản ánh thời đại ? Tư tưởng chính trị và nghệ thuật thơ ca? Nhà thơ có cần đi vào cuộc sống không ? Thế nào là thơ thời sự ?...” [70, 11].

Đặc biệt, có đôi chỗ Hoàng Trung Thông đã rơi vào suy diễn, áp đặt thơ Đỗ Phủ theo cách nhìn xã hội học dung tục: “Đọc thơ Đỗ Phủ, ta càng yêu

mến thêm chế độ tốt đẹp của chúng ta, một chế độ quanh năm lo vì dân, đã vĩnh viễn xoá bỏ chế độ người bóc lột người, cùng với những cảnh ngoài đường xương chết buốt, vì thuế vì tô cắt khúc lòng. Nhưng ở miền Nam nước ta, nơi bọn chó sói Mỹ đang nhe răng “cắn người” thì cảnh sống ở đây chẳng khác gì cảnh sống thời Đỗ Phủ” [70, 47]. Và để minh hoạ cho ý kiến trên, ông đã dẫn tên Binh xa hành, Ba bài lại, Ba bài biệt làm ví dụ.

Bùi Thanh Ba trong Nghiên cứu văn học cổ (1962), cũng khái quát về nội dung xã hội trong thơ ca đời Đường: “Các nhà thơ cùng thời với Đỗ Phủ như Lý Bạch, Vương Duy, Sầm Tham, Cao Thích, Nguyên Kết, v.v… nói chung đều ca ngợi cuộc đời phồn vinh của thời đại Thịnh Đường hoặc chỉ phản ánh một phần nào đời sống cùng khốn của nhân dân. Riêng Đỗ Phủ, trước sau như một, luôn nhìn thẳng vào mắt bọn gian ác, và mạnh dạn bóc trần những hành động bỉ ổi của chúng” [53, 146]. Nhận xét này nhằm khẳng định giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ, và cũng phần nào khái quát được nội dung xã hội trong thơ của một số thi nhân đời Đường khác.

Như vậy, các công trình đi theo hướng xã hội học chủ yếu quan tâm đến nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội của thơ Đường, còn phần nghiên cứu nghệ thuật thơ ít được quan tâm một cách thích đáng.

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(146 trang)
w