Thi pháp – một hướng nghiên cứu văn học đầy hiệu năng

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 44 - 47)

Thi pháp học là bộ môn cổ xưa nhất của ngành nghiên cứu văn học, xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại với tác phẩm Nghệ thuật thơ ca (Poetica) của Aristote. Thời trung đại ở châu Âu và châu Á cũng ra đời nhiều tác phẩm bàn về phép tắc sáng tác văn chương. Người ta xếp những tác phẩm này vào loại thi pháp học truyền thống. Còn thi pháp học hiện đại thì phải đến đầu thế kỷ XX mới hình thành. Trải qua những bước thăng trầm và hồi sinh, ngày nay, thi pháp học trở thành một trong những hướng chủ yếu có ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu văn học thế kỉ XX và vẫn đang tiếp tục ở thế kỷ XXI. Theo Trần Đình Sử khái quát, “thi pháp học chủ yếu là một lĩnh vực nghiên cứu về đặc trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc làm nên giá trị thẩm mĩ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản. Đó là lĩnh vực nghiên cứu quy luật nội tại của tác phẩm, cấu tạo và phong cách, nó phân biệt (chứ không đối lập) với các lĩnh vực nghiên cứu khác. Thi pháp về thực chất là hệ thống ngôn ngữ (kí hiệu) nghệ thuật, mang tính mở” [65, 13].

Từ thời trung đại, thi pháp học truyền thống từ Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam. Nửa đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều công trình lý luận phê

bình ứng dụng các học thuyết văn nghệ phương Tây vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam nhưng thi pháp chỉ được nhắc đến lẻ tẻ trong một số công trình mà chưa phải là một phương pháp luận của một trào lưu, một xu hướng thẩm mỹ. Từ 1945 đến 1975, nói chung các nhà lí luận và sáng tác văn học cách mạng dường như chỉ quan tâm nội dung phản ánh hiện thực mà ít chú ý đến phương diện thi pháp, mặc dù đôi lúc có quan tâm đến phong cách, bút pháp sáng tác của nhà văn. Họ không thấy hết đặc thù nghệ thuật của tác phẩm, dễ dẫn đến đánh đồng thế giới được miêu tả trong bài thơ với thế giới ngoài đời. Quan điểm đó hạn chế, kìm hãm sự tìm tòi trong nghiên cứu phê bình. Với quan niệm phản ánh hiện thực được hiểu nhiều khi thô thiển, giản đơn và phương pháp hiện thực chủ nghĩa không cho phép người ta đi sâu vào các vấn đề thi pháp bởi nếu đi sâu vào các vấn đề thi pháp sẽ bị gán tội “chủ nghĩa hình thức” hoặc “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Ở miền Nam trong vùng kiểm soát của chính quyền cũ, tuy có điều kiện giới thiệu về lí thuyết cấu trúc song chưa nêu vấn đề nghiên cứu thi pháp văn học. Đã có một số công trình lí luận, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các giáo sư bậc đại học nhưng còn tản mạn, phân tán và về cơ bản, thi pháp học vẫn chỉ được quan niệm như là phép tắc làm thơ, kiến thức về thi ca.

Sau năm 1975 nghiên cứu văn học trong cả nước có một thời gian trì trệ, giáo điều. Đến những năm 80 của thế kỷ XX với ảnh hưởng từ Liên Xô cũ, nhiều tư tưởng của thi pháp học hiện đại được du nhập với các khuynh hướng ngôn ngữ học, kí hiệu học, cấu trúc luận, phân tâm học, phong cách học, thi pháp học lịch sử, tự sự học…, Thi pháp học ở Việt Nam nổi lên như một trào lưu nghiên cứu, tạo hứng thú mạnh mẽ cho các nhà nghiên cứu phê bình. Các công trình của Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Xuân Kính, Đỗ Lai Thuý… xuất hiện, được coi như là hiện tượng mới của nghiên cứu văn học. Trần Đình Sử nhận định: “Đó là

hướng nghiên cứu xuất hiện như là sự phản ứng lại hướng nghiên cứu xã hội học độc tôn một thời. Chính luồng nghiên cứu đó đã ảnh hưởng tới tư tưởng thi pháp học ở Việt Nam, khuấy động sự trì trệ của nghiên cứu văn học lúc đó. (…) Thi pháp học Việt Nam góp phần đổi mới, tạo ra một giai đoạn mới của phê bình văn học, thay thế dần lối phê bình tán chủ quan thịnh hành theo phương pháp giảng văn (Explication) của Lanson, Beard du nhập vào Việt Nam trước 1945…” [66]. Mặc dù không phải hướng nghiên cứu duy nhất nhưng thi pháp học là hướng nghiên cứu nổi bật nhất trong bức tranh nghiên cứu phê bình văn học từ sau 1980 đến nay.

Thi pháp học nghiên cứu hệ thống hình thức thể hiện nội dung; chú trọng đến loại hình sáng tác, phương diện hình thức của sáng tác, từ đó thấy được tài nghệ sáng tạo của nhà văn này trong sự khu biệt với các nhà văn khác. Thi pháp học tập trung khám phá vào văn bản, cụ thể là thế giới nghệ thuật được biểu hiện trong đó, từ đó thấy được sáng tạo của nhà văn. Thi pháp học giải quyết được mối quan hệ giữa nội dung và hình thức tác phẩm văn học, tránh được những hạn chế do căn cứ các yếu tố bên ngoài.

Trước khi thi pháp học xuất hiện, có nhiều hiện tượng văn học đã được phê bình rất kỹ, tưởng như cạn kiệt không còn gì để khai thác. Tuy nhiên khi vận dụng thi pháp vào việc phê bình các hiện tượng đó, các nhà nghiên cứu đã thu được những kết quả ngoạn mục, làm cho tác phẩm lộ ra những chiều kích thẩm mỹ mới. Vì vậy có thể nói thi pháp học đã đem đến sức sống mới, làm trẻ hoá phê bình văn học Việt Nam.

Người ta nhận thấy thi pháp học có thể giải quyết được nhiều vấn đề đang bế tắc lúc bấy giờ. Chẳng hạn, nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhưng lâu nay bị đánh giá thấp chỉ vì nội dung tư tưởng, cần phải đánh giá lại. Nhiều nhà văn đang phá bỏ những nguyên tắc sáng tác cũ lỗi thời và dẫn đầu công cuộc đổi mới nền văn học, như vậy, sẽ đánh giá tác phẩm của họ theo

tiêu chí nào?... Người ta thấy không thể chỉ căn cứ vào tiêu chí nội dung tư tưởng để đánh giá tác phẩm. Hướng nghiên cứu hình thức nghệ thuật tác phẩm đang mở ra nhiều hướng đi mới, tránh những lối mòn cũ kỹ. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học buộc phải đổi mới để tránh sự bế tắc.

Thi pháp học đem lại những phạm trù mới, những khái niệm mới cho nghiên cứu văn học, như con người, không gian, thời gian, trần thuật, điểm nhìn, đối thoại, giễu nhại, mỉa mai,... có tác dụng làm mới bộ công cụ phê bình văn học, mở rộng các cánh cửa tiếp cận văn bản. Nhưng quan trọng hơn, theo Trần Đình Sử, “thi pháp học đem lại cách tiếp cận mới, phương pháp mới nghiêng về tính nội tại. Nó tuy là nghiên cứu phương diện nội tại, song không tách rời hiện thực, lịch sử, bởi đó vẫn là căn cứ để giải thích mọi sự biến đổi văn học. Đó là một hiện tượng chưa từng có trong phê bình, lí luận văn học Việt Nam trước những năm 80” [65, 30]. Hàng loạt công trình nghiên cứu văn học có vận dụng thi pháp học ra đời. Sự xuất hiện của thi pháp học ở Việt Nam từ những năm 80 đã mở ra những triển vọng mới, những chân trời mới trong nghiên cứu phê bình, trong đó có nghiên cứu thơ Đường.

Thi pháp học có nhiều bộ phận, trường phái: thi pháp học truyền thống, thi pháp học hiện đại (thi pháp học lịch sử, thi pháp học cấu trúc, thi pháp học so sánh,…). Bởi vậy, cũng theo thi pháp học nhưng các công trình khác nhau đạt được những thành tựu khác nhau, ngay cả khi chúng cùng hướng về một đối tượng - thi pháp thơ Đường.

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(146 trang)
w