Dạy học học văn nói chung, dạy đọc hiểu văn bản văn học nói riêng không phải chỉ là chuyện thuần túy cảm xúc, chuyện huy động, khơi dậy, phát triển các yếu tố tâm lý thuộc phạm trù cảm xúc trong học sinh và trong cả giáo viên. Bởi vậy, một sự nghiên cứu sâu sắc, khoa học về đối tượng được dạy học luôn là điều kiện cần để giáo viên có thể có được những giờ dạy học có chất lượng, đảm bảo thông tin đưa đến cho học sinh có độ tin cậy cao, mang tính cập nhật. Dạy học thơ Đường không thể dạy học như mọi loại sáng tác văn thơ khác. Điều này thúc đẩy các nhà nghiên cứu, các nhà giáo phải triển khai nghiên cứu cả một chiến lược chuyển giao những hiểu biết khoa học về thơ Đường đến với học sinh.
Từ những năm 1980 đến nay, với sự ra đời của một loạt các công trình nghiên cứu có giá trị, các nhà nghiên cứu đã có những đánh giá từ những góc nhìn rất mới, đưa lại cái nhìn mới về thơ Đường. Đó là một bước tiến rõ rệt trong nghiên cứu về thơ Đường. Trong đó, nổi bật lên là những nghiên cứu theo thi pháp học. Các nhà thi pháp học đã vận dụng những kết quả nghiên cứu đạt được về thơ Đường vào việc khám phá các văn bản Đường thi trong nhà trường. Phan Huy Dũng nhận định, thi pháp “sau khi liên tiếp tạo được các sự kiện trong nghiên cứu, phê bình văn học, đang đòi hỏi được vận dụng rộng rãi ở hoạt động dạy – học văn do tính mới mẻ và hiệu quả của nó trong việc khám phá thế giới nghệ thuật của các sáng tác văn học – đối tượng dạy học chính của giáo viên – học sinh phổ thông” [10, 510].
Trên cơ sở nền tảng hiểu biết đó, chúng ta hoàn toàn có thể kế thừa, vận dụng vào nghiên cứu các bài thơ Đường trong nhà trường một cách thuận lợi, dễ dàng.