Một số học giả lại tìm hướng đi cho mình bằng việc bình giá, khám phá cái hay, cái đẹp của các bài thơ Đường cụ thể. Họ chú trọng vào phát hiện những đặc sắc về nội dung và những khám phá về hình thức của tác phẩm. Một số bài viết của Nguyễn Khắc Phi, Hoàng Trung Thông, Thê Húc, Phạm Văn Diêu,… được đăng trên các báo, tạp chí trước 1980 là những dẫn chứng tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này.
Việc bình giá, khám phá cái hay, cái đẹp của các bài thơ Đường cụ thể trước 1980 phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của khuynh hướng xã hội học, đánh
giá một tác phẩm trên phương diện nội dung xã hội hoặc đi vào bình - có khi tán - từng chữ, từng câu. Có nhiều bài viết sa vào diễn dịch tác phẩm văn học.
Từ trước đến nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu về thi phẩm Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị như: Thê Húc, Phạm Văn Diêu... Trong cuốn sách
Bài hát Tỳ bà (Nxb Nam Việt, 1952), bên cạnh phần dịch thuật, Thê Húc đã nhận xét nhiều phương diện của bài thơ, trong đó đáng chú ý là tác giả đã so sánh bản dịch và nguyên tác của bài thơ này. Theo tác giả, bản dịch đã chuyển từ thể thơ thất ngôn cổ phong đều một giọng và gieo vần cuối câu sang thể song thất lục bát với những câu nhiều chỗ ngắt hơn kết hợp với việc gieo vần vừa ở cuối câu vừa ở giữa câu khiến nhịp điệu thêm phần phong phú, uyển chuyển. Đồng thời, những “tiếng đôi” trong bản dịch đã dịch thoát được nhiều từ ngữ rườm rà hoặc khô khan của nguyên tác và chứa nhiều sức khêu gợi hơn, chẳng hạn như từ “lau lách”. Những yếu tố trên đã cho thấy những thành công của Tỳ bà hành về mặt dịch thuật. Tác giả khẳng định: “Xét về mặt tác giả, dịch giả, nội dung, hình thức, phổ nhạc, bài Tỳ bà hành là một kiệt tác văn chương, dù sao cũng biểu chứng một thời kỳ lịch sử và một tình trạng xã hội nhất định, trong đó thân phận người đàn bà cũng như người làm tôi chỉ phát lộ được nỗi uất hận trong một tiếng đàn” [53, 135]. Nhận xét này đã bao quát được những thành công mà bài thơ đạt được, nhưng dù vậy yếu tố ý nghĩa xã hội của tác phẩm vẫn được nhấn mạnh hơn cả. Trong Việt Nam văn học giảng bình (1958), Phạm Văn Diêu cho rằng bài thơ Tỳ bà hành nghiêng về chất trữ tình thể hiện tâm trạng riêng của Bạch Cư Dị. Phạm Văn Diêu đã phân tích khá chi tiết bài thơ này. Ông diễn giải tác phẩm theo các luận điểm chính, đó là: 1 – Cảm giác cô đơn, lạnh lẽo (cô đơn trong khung cảnh, cô đơn của người đánh đàn, cô đơn của người nghe đàn), 2 – Cảm giác buồn nhớ mênh mông (buồn vì cảnh vật, buồn vì tiếng đàn, buồn vì câu chuyện của người kỹ nữ, buồn vì cảnh ngộ của tác giả), 3 – Tâm sự của tác giả hòa hợp với tâm sự
của người đánh đàn, 4 – văn chương (kết cấu và lời thơ). Như vậy, trong các luận điểm trên, nội dung tác phẩm vẫn được xem là trọng tâm, phần nghệ thuật chỉ được dành một vị trí khiêm tốn hơn hẳn. Về nghệ thuật, ông phân tích kết cấu – nghệ thuật tả tiếng đàn, kể chuyện của tác phẩm và lời thơ của tác phẩm. Tác giả đi sâu phân tích ngôn từ của Tỳ bà hành. Chuyển tải nội dung mô tả nỗi bi thương, cuộc đời tan vỡ của những mẫu đời tài hoa thanh quý, bài thơ mang vẻ “cổ kính, đĩnh đạc trong cách đặt câu; cổ kính đường hoàng và rất quý phái trong nhạc thơ và cả trong lối dùng lại cái đề xưa cũ nữa (Tỳ bà hành). Lại thêm tính chất hàm súc của lời phô diễn ý tứ thơ, lối chuyển mạch kín đáo, nên câu chuyện được phong kín một cách ý vị” [53, 157-158]. Tác giả đi đến khẳng định: “chính nhờ màu sắc cổ kính và hàm súc này Tỳ bà hành là bài thơ cổ điển có tác dụng hấp dẫn, diễn đạt được nguyên vẹn màu sắc hoài cảm xa xưa, kín đáo của câu chuyện, gây thành một không khí minh diễn thanh tao, một âm hưởng nhẹ nhàng, vừa mênh mông trong cảm quan người thưởng thức văn chương xưa nay” [53,158]. Chính vì lẽ đó mà Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị đã có sức sống mạnh mẽ, có ảnh hưởng lớn đến các tác giả, tác phẩm đời sau như Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Xuân Diệu… Có thể thấy, công trình của Phạm Văn Diêu bao quát khá toàn diện về thi phẩm này, nhưng có phần thiên về phân tích nội dung tác phẩm; khi trình bày về nghệ thuật lại chủ yếu thiên về “bình” mà ít “giảng”, dẫn đến lời bình có tính khái quát, chung chung.
Với bài Đăng cao (Đỗ Phủ), trong khi khái quát về sự nghiệp văn học của Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông phân tích: “Bài thơ đối chọi nhau từng câu từng chữ từng lời từng ý đã mở ra một trời thơ cảm xúc rộng lớn… Từ cao nhìn xuống: bát ngát mênh mông vô biên vô tận. Trăm phương dồn về một hướng: tàn tạ suy vong, đau thương khổ nạn, vừa nói thân thế, vừa nói thời đại, thâm trầm u uất cực độ, tình cảm bi phẫn rộng lớn vô cùng” [70, 42]. Ông
đi đến nhận xét: “Đây là một bài thơ trữ tình dồi dào hàm súc cả cảnh, cả ý, cả tình mang khá đậm cái phong cách thâm trầm ưu uất của nhà thơ” [70, 43]. Chỉ với nhận xét ngắn gọn trên, Hoàng Trung Thông đã khái quát được một cách cô đúc thành công của bài thơ này.
Do ảnh hưởng bởi cách nhìn xã hội học độc tôn một thời trong nghiên cứu văn học trước 1980 nên một số nhà nghiên cứu chỉ phân tích các bài thơ Đường chủ yếu ở phương diện nội dung xã hội của thi phẩm. Chẳng hạn trong cuốn Thơ Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông đã phân tích bài thơ Mao ốc vị thu phong sở phá ca và kết luận “Lòng nhân đạo của Đỗ Phủ là lòng thương của những người cùng chung số phận, nó cao hơn lòng nhân đạo của nhiều nhà thơ sau ông” [70, 28]. Tác giả so sánh bài thơ đó với bài thơ Mới may áo bông
của Bạch Cư Dị và cho rằng với Bạch Cư Dị đó là “lòng thương người rét mướt của một người có áo ấm và mong ai cũng được ấm như mình”; “là ông quan thương dân” [70, 29] khác với Đỗ Phủ là “một người đau khổ thương những người đau khổ” [70, 29].
Nhìn chung, những bài viết cũng như những nhận xét, bình giá về các bài thơ Đường của các nhà nghiên cứu trước 1980, hầu như đều mang tính chung chung, nhất là những lời bình về nghệ thuật. Sự phân tích về nội dung có phần thiên về nội dung xã hội. Do chú trọng vào từng thi phẩm cụ thể nên ở những bài viết theo hướng bình giá này, sức khái quát về đặc điểm thơ Đường không cao.