Là tinh hoa của thơ ca cổ điển Trung Hoa, thơ Đường đã có một lịch sử lâu dài được dạy và học ở phần văn học nước ngoài trong chương trình phổ thông ở nước ta. Điều đáng lưu ý là giai đoạn từ 1956 đến 1979, kể cả sau đợt chỉnh lí sách giáo khoa năm 1979, sách giáo khoa môn Văn vốn không giới thiệu thơ Đường trong chương trình phổ thông. Từ năm 1989 đến 1990 bắt đầu tiến hành hành đợt cải cách chương trình phổ thông với quy mô rộng, trong đó có môn Văn nói chung và bộ phận văn học nước ngoài nói riêng. Đến năm 2000, sau khi rút kinh nghiệm những ưu nhược điểm của bộ sách thí điểm, sách giáo khoa môn văn ở THPT được tổ chức lại thành một bộ duy nhất (sách giáo khoa Ngữ Văn chỉnh lí hợp nhất) dùng trong cả nước.
Tuy nhiên quan điểm lựa chọn tác phẩm đưa vào chương trình phổ thông ở mỗi thời điểm là khác nhau. Trước đây, việc lựa chọn các tác phẩm trong trường phổ thông bị chi phối bởi quan điểm xã hội học độc tôn thời đó. Vì vậy, người ta lựa chọn: Thạch Hào lại (Đỗ Phủ), Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Đỗ Phủ), Hành lộ nan (Lí Bạch), Thái liên khúc (Lí Bạch),…hầu như đều thiên về nội dung xã hội. Vì vậy, sự phân tích cũng không nằm ngoài trọng tâm là nội dung xã hội, kéo người ta chú ý giá trị xã hội, giá trị tố cáo, giá trị phản ánh. Đến nay, những bài thơ đó hoặc vẫn được đọc thêm trong chương trình hoặc chỉ được nhắc đến trong những bài khái quát về thơ Đường. Các nhà biên soạn sách giáo khoa hiện nay lại hướng việc chọn bài thơ đưa vào nhà trường là những bài thể hiện rõ đặc điểm thi pháp Đường thi:
Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác núi Lư - Lí Bạch), Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Lí Bạch), Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê - Hạ Tri Chương), Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá - Đỗ Phủ), Phong Kiều dạ bạc (Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều- Trương Kế), Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng - Lí Bạch),
Thu hứng (Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ), Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc - Thôi Hiệu), Khuê oán (Nỗi oán của phòng khuê - Vương Xương Linh), Điểu minh giản (Khe chim kêu - Vương Duy). Như vậy, riêng việc chọn bài đưa vào nhà trường đã thể hiện một cách nhìn khác. Thơ Đường hay không phải ở chỗ nó lãng mạn, thể hiện ước mơ hay tố cáo một hiện thực đen tối mà nó hấp dẫn ở chỗ khám phá ra một hình thức mới làm giàu cách biểu đạt, và sự nhận thức nghệ thuật của con người.
Không chỉ thể hiện ở cách chọn bài, cách nhìn mới này còn chi phối mục đích, yêu cầu của từng bài giảng thơ Đường trong nhà trường. Cách tiếp cận tác phẩm là thể hiện ở việc người biên soạn đưa ra các câu hỏi gợi ý
để giáo viên và học sinh tìm ra nội dung cũng như nghệ thuật của nó. Ở mỗi lần biên soạn, số lượng và mức độ khó của câu hỏi là khác nhau. Xin dẫn ví dụ bài thơ Vọng Lư Sơn bộc bố của Lí Bạch. Năm 1989, sách giáo khoa lại đưa vào biên soạn văn học Trung Quốc sau thời kì gián đoạn do mâu thuẫn giữa Việt Nam - Trung Quốc. Trong sách giáo khoa lớp 9 năm 1989, người biên soạn đưa ra hai câu hỏi:
C
â u 1 : Dựa vào nội dung bài thơ, hãy tưởng tượng xem cảnh thác núi Lư đẹp như thế nào? Và hình ảnh nào là đẹp nhất? Vì sao?
C
â u 2 : Qua cách Lí Bạch nhìn và tả thác núi, em có nhận xét gì về thơ Lí Bạch?
Do tính chất “thử nghiệm” của nó cùng với những hạn chế chung của công tác biên soạn sách giáo khoa lúc bấy giờ nên tác phẩm đưa vào chỉ mới dừng lại ở việc giảng nghĩa là chủ yếu. Vì vậy, người biên soạn không đưa vào phần phiên âm, câu hỏi hướng dẫn học bài cũng sơ sài và thiên về nội dung. Câu 1 là câu hỏi về nội dung xen lẫn những phát hiện từ cảm nhận và lí giải của cá nhân. Câu 2 yêu cầu trình bày về bút pháp nghệ thuật, thông qua đó khái quát đặc điểm phong cách thơ Lí Bạch.
Trong sách giáo khoa lớp 7 năm 2003, nội dung bài học được sắp xếp thành các phần: Kết quả cần đạt, văn bản, đọc hiểu văn bản, ghi nhớ và luyện tập. Vì thế Vọng Lư sơn bộc bố trong sách giáo khoa năm 2003 có thêm hai phần này. Kết quả cần đạt do người soạn sách đưa ra là: “Giúp học sinh: Cảm thụ được vẻ đẹp thiên nhiên mà Lí Bạch miêu tả qua bài thơ Xa ngắm thác núi Lư. Bước đầu nhận biết mối quan hệ gắn bó gữa tình và cảnh trong thơ cổ” [49, 109]. Về xác định đối tượng của việc học, do việc đề cao lấy người học làm trung tâm do vậy các câu hỏi được thiết kế sâu hơn, có tính phân loại cao hơn, thể hiện khả năng chủ động, tích cực của HS, do vậy thay vì “Hướng dẫn học bài” là “Đọc – hiểu văn bản” với 5 câu hỏi:
“C â u 1 : Căn cứ vào đầu đề và câu thơ thứ hai, chú ý nghĩa của hai chữ “vọng” và “giao”, xác định vị trí đứng ngắm thác nước của tác giả, vị trí đó có lợi như thế nào trong việc phát hiện vẻ đẹp của thác nước.
C
â u 2 : Câu thứ nhất tả cái gì và tả như thế nào? […] Hình ảnh được miêu tả trong câu thơ này đã tạo nền cho việc miêu tả ở ba câu sau như thế nào?
C
â u 3 : Nêu vẻ đẹp khác nhau của thác được Lí Bạch miêu tả trong ba câu thơ tiếp. (…)
C
â u 4 : Qua đặc điểm cảnh vật được miêu tả, ta có thể thấy được những nét gì trong tâm hồn và tính cách nhà thơ.
C
â u 5 *: Về hai cách hiểu câu thứ hai (cách hiểu trong bản chú thích và cách hiểu trong bản dịch nghĩa), em thích cách hiểu nào hơn, vì sao?” [49, 111-112].
Có thể thấy, nếu như yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa cũ chủ yếu thiên về nội dung, câu hỏi về nghệ thuật khá chung chung thì sách giáo khoa hiện nay, trong kiến thức cần đạt, không chỉ đề cập đến đặc sắc nội dung bài thơ mà còn yêu cầu học sinh thấy được một đặc điểm thi pháp thơ Đường là mối quan hệ gắn bó giữa tình và cảnh, với những câu hỏi rất cụ thể, mang tính gợi mở. Như vậy, với cách tiếp cận mới về bài thơ, nhà soạn sách đã tránh cho học sinh trượt theo đà chỉ nhìn giá trị bài thơ ở phương diện nội dung phản ánh; đồng thời, còn hướng chú ý vào đặc điểm riêng biệt của thơ Đường trong sự khu biệt với các nền thơ khác.
Vì vậy, hiện nay, khi dạy những bài thơ Đường như : Vọng Lư Sơn bộc bố (Xa ngắm thác núi Lư - Lí Bạch), Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Lí Bạch), Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê - Hạ Tri Chương), Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá - Đỗ Phủ), Phong Kiều dạ bạc (Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều -
Trương Kế), Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng - Lí Bạch), Thu hứng (Đỗ Phủ),… không ai phủ nhận giá trị hiện thực của bài thơ nhưng chúng ta sẽ không có đi chi tiết miêu tả bài thơ như một thế giới hiện thực của đời sống; mà chú ý nhiều hơn đến phần chủ thể, chiều sâu nội tâm của bài thơ, những giá trị riêng biệt, độc đáo, không thể thay thế của thơ Đường.
Chúng ta hãy xét cách nhìn của các nghiên cứu khác nhau khi cùng phân tích một bài thơ theo quan điểm cũ và quan điểm mới. Trong cuốn Thơ Đỗ Phủ (1962), Hoàng Trung Thông đã phân tích bài thơ Mao ốc vị thu phong sở phá ca và kết luận “Lòng nhân đạo của Đỗ Phủ là lòng thương của những người cùng chung số phận, nó cao hơn lòng nhân đạo của nhiều nhà thơ sau ông” [70, 28]. Tác giả so sánh bài thơ đó với bài thơ Mới may áo bông của Bạch Cư Dị và cho rằng với Bạch Cư Dị đó là “lòng thương người rét mướt của một người có áo ấm và mong ai cũng được ấm như mình”; “là ông quan thương dân” [70, 29] khác với Đỗ Phủ là “một người đau khổ thương những người đau khổ” [70, 29]. Đó là cách nhìn xã hội học có phần dung tục, lấy quan điểm giai cấp vào phân tích thơ. Cũng bàn về bài thơ này, trong cuốn “Thơ Đường bình giải”, Nguyễn Quốc Siêu trích lời bình của nhà thơ Hoàng Triệt đời Tống: “Thơ Đỗ Phủ là thà mình khổ để lợi người, còn thơ Bạch Cư Dị là từ mình có lợi mà lợi người. Thơ Bạch không bằng thơ Đỗ (Củng Khê thi thoại)” [59, 33]. Có thể nói, ý kiến này gần với lời bình của Hoàng Trung Thông trong Thơ Đỗ Phủ. Đây là nhận xét hàm chứa cách nhìn xã hội học có phần dung tục, và kết luận “Thơ Bạch không bằng thơ Đỗ” là một kết luận võ đoán, không có căn cứ.
Vận dụng cách nhìn thi pháp học trong Bình giảng thơ Đường, Nguyễn Thị Bích Hải đã có những khám phá thú vị về bài thơ này, thoát khỏi cách nhìn xã hội học trước đó. Bà xuất phát từ những tín hiệu nghệ thuật đặc sắc
của bài thơ như gieo vần, dùng từ, để thấy được vẻ đẹp của bài thơ: “Tấm lòng nhà thơ rộng mở, bao dung hết cảnh khốn cùng”, “ở đây ta cũng chứng kiến sự kết hợp tất yếu, tự nhiên giữa bút pháp hiện thực và tinh thần lãng mạn” [14, 75]. Riêng về câu thơ cuối “Ngô lư độc phá thụ đống tử diệc túc!
(Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được), bà cho rằng đó là “ước mơ lãng mạn bay bổng nhất”, nhưng “vẫn không hề quên hiện thực” [14, 74]. Như vậy, cách nhìn của Hoàng Trung Thông, Nguyễn Quốc Siêu và Nguyễn Thị Bích Hải có sự khác biệt rõ nét. Trong khi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Quốc Siêu đều thiên cách nhìn xã hội học để đánh giá về giá trị nội dung tác phẩm thì Nguyễn Thị Bích Hải nhìn bài thơ trong chiều sâu, thấy được vẻ đẹp tâm hồn Đỗ Phủ cũng như đặc sắc trong bút pháp nghệ thuật trong bài thơ.
Như vậy, quan điểm đánh giá văn học đã có sự chuyển biến. Từ việc chọn tác phẩm đưa vào nhà trường, định hướng phân tích tác phẩm nhẹ chỗ này, nặng chỗ kia, yêu cầu cần đạt cũng khác, thể hiện quan điểm mới, cách nhìn mới về giá trị của thơ Đường so với trước. Vậy theo quan điểm mới, yếu tố cốt tử làm nên giá trị tác phẩm là gì? Đó không phải là giá trị hiện thực hay thể hiện khát khao lãng mạn hay tự do mà nó còn là cái gì sâu hơn. Những khao khát và miêu tả đó chỉ mới nói được mối quan hệ xã hội của tác phẩm, còn chưa đủ sức nói đến giá trị riêng biệt độc đáo và không thể thay thế của những thi phẩm thơ Đường đó trong lịch sử văn học với tư cách là một sáng tạo nghệ thuật mà bản thân sáng tạo nghệ thuật là phải đưa lại một cái nhìn mới mẻ. Thơ Đường đã khám phá ra một hình thức mới làm giàu cách biểu đạt của con người, làm giàu sự nhận thức nghệ thuật của con người.