Những giới hạn trong nghiên cứu thơ Đường qua các tài liệu xuất bản bằng tiếng Việt trước

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 37 - 44)

xuất bản bằng tiếng Việt trước 1980

1.3.1. Chưa quán triệt cái nhìn lịch sử

Nhìn chung, mỗi hướng nghiên cứu qua các công trình xuất bản bằng tiếng Việt trước 1980 đều có những thế mạnh riêng, nhưng còn tồn tại những giới hạn trong nghiên cứu thơ Đường. Trước hết, các nhà nghiên cứu hầu như

chưa quán triệt cái nhìn lịch sử. Họ chỉ tập trung khám phá thơ Đường hoặc từ phương diện nội dung xã hội hoặc phương diện hình thức thể loại mà họ ít thấy mối liên hệ và sự kế thừa, sáng tạo của thơ Đường với các nền thơ trước đó của Trung Quốc. Khi đi xem xét những nguyên nhân hưng thịnh của thơ Đường, phần lớn các nhà nghiên cứu nhấn mạnh nguyên nhân hoàn cảnh lịch sử xã hội, lòng trọng văn thơ của vua chúa, sự phát triển của tôn giáo và các ngành nghệ thuật khác ở thời Đường như hội hoạ, âm nhạc, thư pháp,… Đó đều là những yếu tố đồng đại. Họ chưa chú ý đặt thơ Đường trong dòng chảy của thơ ca Trung Hoa từ Kinh Thi, Sở từ, Nhạc phủ Hán – Ngụy đến thơ ca thời Lục triều, …

Vô hình trung, họ đã tách biệt thơ Đường ra khỏi quá trình phát triển thơ ca Trung Hoa. Chính vì vậy, họ chưa làm sáng tỏ được sự phát triển tư duy nghệ thuật, sự thừa kế và phát triển hợp quy luật của thơ thơ Đường từ Kinh thi, Sở từ, qua Nhạc phủ Hán – Ngụy đến thơ ca muôn màu của thời Lục triều.

Có người còn cực đoan khi khẳng định thơ Đường như một thành tựu duy nhất, mà không có sự kế thừa, sáng tạo như Trần Trọng San trong Thơ Đường khi khẳng định: “Nói đến Trung Quốc, người ta chỉ nói đến thơ Đường” [53, 156] và Kinh thi, tác phẩm của Khuất Nguyên, Tống Ngọc trong Sở từ,… “chỉ là những ngôi sao sáng rời rạc, lẻ tẻ, sáng sao được cả bầu trời đầy tinh tú, có chị Hằng, có sông Ngân, có sao Bắc Đẩu như thơ Đường” [53, 157].

Tuy nhiên, một số công trình như Lịch sử văn học Trung Quốc đã có đề cập đến vấn đề này. Khi phân tích những nguyên nhân hưng thịnh của văn học đời Đường nói chung và thơ Đường nói riêng, các tác giả nhận định: “do điều kiện lịch sử cụ thể và phức tạp đương thời quyết định, cùng do các nhân tố truyền thống của bản thân các hình thức văn học ấy quyết định” [60, 407]. Nhưng “nhân tố truyền thống” mà họ phân tích chỉ là những trường hợp phục cổ cách tân cụ thể, đơn lẻ của từng tác giả Trần Tử Ngang, Lý Bạch, Đỗ Phủ,

… từ thanh luật Nam triều, truyền thống của Hán, Nguỵ, chứ chưa có tính khái quát cho toàn bộ sự kế thừa và cách tân của thơ Đường.

Điều này đã được các nhà nghiên cứu sau này khắc phục. Nguyễn Khắc Phi trong “Thay phần khảo luận” của cuốn Đường thi tứ tuyệt đã khẳng định: “Sự phát triển của Thơ Đường cuối cùng còn là sự kế thừa và phát triển hợp quy luật của cả một quá trình phát triển lâu dài của thơ Trung Quốc. Tinh thần hiện thực của Kinh Thi, Nhạc Phủ, thơ Kiến An, bút pháp châm biếm của thơ Chính Thuỷ, tinh thần yêu nước và bút pháp lãng mạn của Khuất Nguyên, phong cách hào phóng của dân ca Bắc triều, phong cách uyển chuyển nhẹ nhàng của dân ca Nam triều, những lí luận, cách thẩm định đánh giá thơ của Chung Vinh, Lưu Hiệp cho đến cả thuyết “Tứ thanh bát bệnh” của Thẩm Ước… đều được các nhà thơ và các nhà lí luận đời Đường kế thừa một cách sáng tạo” [44, 15]. Cũng bàn về vấn đề này, trong Thi pháp thơ Đường, Nguyễn Thị Bích Hải cho rằng: thơ ca Trung Quốc đến thơ Đường là một sự đột biến, nhưng nó không phải là sự áp đặt từ bên ngoài hay phủ nhận truyền thồng mà là “một sự đột biến do một quá trình tích luỹ lâu dài những kinh nghiệm nghệ thuật của hơn 10 thế kỷ thơ ca đã đạt đến độ chín muồi. Sự đột biến này thể hiện rõ kiểu tư duy nghệ thuật mới mẻ, độc đáo, tạo nên mốc quan trọng trên con đường phát triển của thơ ca Trung Quốc” [14, 14].

1.3.2. Quá chú trọng nội dung xã hội

Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu xã hội học lại quá chú trọng nội dung xã hội của tác phẩm. Đây là giới hạn của nghiên cứu phê bình Việt Nam trước 1980 nói chung và những nghiên cứu về thơ Đường nói riêng. Trần Đình Sử cũng từng chỉ ra điều này: “Từ Cách mạng tháng Tám đến hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm các nhà lí luận và sáng tác văn học cách mạng dường như chỉ quan tâm nội dung phản ánh hiện thực mà hầu như bỏ quên phương

diện thi pháp, mặc dù đây đó có lúc quan tâm đến phong cách, bút pháp sáng tác của nhà văn” [66].

Đến với thơ Đường, những nhà nghiên cứu theo hướng này hầu như thường chú ý tới chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống của văn học, chỉ tập trung chú ý vào các nội dung: sơn thuỷ điền viên hay biên tái, khao khát lãng mạn tự do, ca ngợi sự phồn thịnh hay phê phán hiện thực đen tối trong đời sống, … Họ không thấy hết đặc thù nghệ thuật của thi phẩm, dễ dẫn đến đánh đồng thế giới được miêu tả trong bài thơ với thế giới ngoài đời. Một thời gian dài, người nghiên cứu đã xuất phát từ góc độ nội dung xã hội để bình giá ưu điểm, khuyết điểm của tác phẩm văn học. Vì vậy, những bài thơ Đường mang nội dung xã hội sâu sắc được đánh giá cao, trong khi những thi phẩm thiên về trữ tình, bộc lộ chủ thể hay cách tân nghệ thuật, trau chuốt ngôn từ chưa được quan tâm thích đáng và dường như bị bỏ qua trong nghiên cứu thơ Đường lúc bấy giờ. Chính vì vậy, phần lớn công trình nghiên cứu theo khuynh hướng này trượt theo đà đánh giá giá trị của các bài thơ Đường ở chỗ nó phản ánh được cái gì của đời sống? Họ coi đó như thước đo quan trọng nhất và gần như là duy nhất để khẳng định giá trị của bài thơ hay đóng góp của thi nhân. Đành rằng, nội dung xã hội là một phương diện quan trọng của sáng tác, bởi không một tác phẩm nào lại không có mối liên hệ với hiện thực xã hội dù ít hay nhiều. Nhưng chỉ nhấn mạnh hay tệ hơn là tuyệt đối hoá nội dung xã hội, họ đã quên mất phần chủ thể, chiều sâu nội tâm của thi nhân gửi gắm qua thế giới nghệ thuật trong tác phẩm.

Bên cạnh đó, việc chú trọng xem xét mối quan hệ giữa các tác giả, tác phẩm với đời sống xã hội, với nhân dân ngoài việc mang lại những đóng góp tích cực thì cũng dẫn tới những ứng xử cực đoan. Do tất cả đều xuất phát từ tính nhân dân, tất cả các tác giả, tác phẩm đều bị người ta chia thành tiến bộ và lạc hậu, tích cực và tiêu cực. Nó làm cho phạm vi nghiên cứu của các tác

giả trở nên hạn hẹp, chủ yếu tập trung ở một số tác giả có tính nhân dân lớn như: Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Rất nhiều tác giả với những bài thơ Đường đặc sắc bị bỏ qua không thương tiếc. Bức tranh về thơ Đường hiện lên có phần phiến diện. Không khó nhận ra sự phóng đại một cách quá đáng những ảnh hưởng có tính chất quyết định của kinh tế, chính trị đối với văn học mà không chú ý những ảnh hưởng của nhân tố văn hoá khác đối với nó, phiến diện đề cao giá trị nội dung xã hội mà xem nhẹ giá trị nghệ thuật, chưa chú ý đến những nhu cầu thẩm mĩ phong phú đa dạng của con người... Vô hình trung, người ta đã bỏ qua những mối liên hệ nội tại của bài thơ; đồng nghĩa với rất nhiều giá trị đặc sắc, độc đáo, những tìm tòi, cách tân của nhà thơ chưa được chú ý đúng mức. Chính điều đó làm hạn hẹp tầm mắt nghiên cứu và đã thủ tiêu hướng tìm hiểu về nghệ thuật thi ca trong các công trình viết về thơ Đường.

1.3.3. Mô tả hình thức vụn vặt

Những công trình nghiên cứu hình thức thể loại thì lại sa vào mô tả hình thức vụn vặt, hình thức của hình thức, tách biệt hẳn với phần nội dung. Các công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Lược khảo thơ Trung Quốc của Doãn Kế Thiện, Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại

của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức,… đều đặt trọng tâm nghiên cứu là hình thức thể loại với các yếu tố niêm, luật, vận, đối, bố cục,… Họ chưa thoát khỏi sự mô tả hình thức một cách vụn vặt theo kiểu: niêm như thế nào? Gieo vần ra sao? câu nào đối với câu nào? Phối thanh như thế nào?... Xin dẫn một ví dụ, Dương Quảng Hàm trình bày về “bất luận” và “khổ độc” như sau: “Vì sự theo đúng luật bằng trắc như trên đã định là một việc rất khó, nên có lệ bất luận (không kể), nghĩa là trong câu thơ có một vài chữ không cần phải đúng luật. 1/ Trong bài thơ ngũ ngôn thì chữ thứ nhất và chữ thứ ba không cần đúng luật: tức là nhất, tam bất luận. 2/ Trong bài thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ

ba và thứ năm không cần đúng luật: tức là nhất, tam , ngũ bất luận. Tùy theo lệ bất luận có thể thay đổi luật mấy chữ trong câu thơ, nhưng đáng trắc mà đổi ra bằng thì bao giờ cũng được, chứ đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong vài trường hợp, sự thay đổi làm cho câu thơ thành ra khổ độc (khó đọc) không được. Những trường hợp ấy là: 1) Trong bài thơ ngũ ngôn, chữ thứ nhất các câu chẵn và chữ thứ ba của cả các câu đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc. 2) Trong bài thơ thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các câu lẽ đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc” [17]. Rõ ràng, tác giả đã đi sâu mô tả quá chi tiết, rườm rà.

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, khi nghiên cứu hình thức tác phẩm, sự mô tả chi tiết bao giờ cũng rất cần, đặc biệt là hình thức thể loại của thơ Đường thì không thể không đề cập đến những yếu tố đặc trưng là niêm, luật, vận, đối,… Nhưng điều đáng nói ở đây là cả Dương Quảng Hàm và Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức đều chưa tránh khỏi việc chỉ dừng lại ở sự mô tả hình thức một cách vụn vặt, dẫn đến công trình của họ không tránh khỏi những nội dung bị trùng lặp. Sự khái quát của họ chỉ dừng lại ở những mô hình âm luật có phần cứng nhắc của thể thơ Đường luật. Nói cách khác, mô hình ấy đúng với cả thơ Đường luật đời Đường, thơ Đường luật đời Tống và thơ Đường luật Việt Nam,… Họ chưa chỉ ra được nét riêng, độc đáo, riêng biệt làm nên đặc thù của thơ Đường.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, hình thức luôn mang tính quan niệm, mang tính chỉnh thể. Vì vậy, sự mô tả hình thức chi tiết, vụn vặt không giúp cho việc nghiên cứu đầy đủ tính chỉnh thể của hình thức. Hơn nữa, chính vì chỉ dừng lại ở mô tả hình thức vụn vặt, các công trình này chưa chạm đến đặc điểm ngôn ngữ, vấn đề cấu trúc của thi phẩm, một góc nhìn đắc dụng để khám phá thơ Đường.

Mặt khác, đặt trọng tâm nghiên cứu hình thức thể loại, hình thức của hình thức, những nhà nghiên cứu này chưa thấy được mối liên hệ khăng khít giữa hình thức và nội dung: những hình thức đó có tác dụng như thế nào trong việc chuyển tải nội dung? Vấn đề đối ngẫu trong thơ Đường đặc sắc như thế nào? Tác dụng biểu hiện của nó? Vì sao các nhà thơ Đường lựa chọn hình thức này? Hay những trường hợp thất luật trong các bài thơ Đường thể hiện điều gì? Thi nhân đời Đường thường gieo vần nào? Nó góp phần tạo nên âm điệu như thế nào? Bài thơ này phối thanh bằng trắc có gì đặc biệt? góp phần diễn tả điều gì? Rất nhiều yếu tố hình thức mang tính nội dung chưa được chú trọng khai thác như dùng từ, đặt câu, …

Giới hạn của những hướng nghiên cứu này đòi hỏi các nhà phê bình nghiên cứu phải tìm một hướng đi mới khoa học và hiện đại hơn. Và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự nở rộ của những nghiên cứu về thơ Đường theo hướng thi pháp sau 1980 trong các công trình xuất bản bằng tiếng Việt.

Chương 2

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(146 trang)
w