Những khám phá mới về thơ Đường do vận dụng thi pháp học hiện đại (qua các tài liệu xuất bản gần đây bằng tiếng Việt)

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 47 - 101)

hiện đại (qua các tài liệu xuất bản gần đây bằng tiếng Việt)

2.2.1. Nghiên cứu theo hướng thi pháp học truyền thống

Ra đời từ thời Hy Lạp cổ đại, thi pháp học truyền thống (cổ đại, trung đại) xem nghệ thuật như những vật được sáng tạo tinh xảo bằng chất liệu, bắt

đầu từ các yếu tố nhỏ nhất rồi xem xét nghệ thuật như là sự tổng cộng của các yếu tố đó. Nó xem nghệ thuật là những nguyên lý ngàn năm bất biến, xuất phát từ đối tượng, từ chân lý tự nhiên để bàn về nghệ thuật. Như vậy, thi pháp học truyền thống thiên về nghiên cứu thể loại, ngôn từ, quan tâm đến quy tắc sáng tác để chỉ đạo sáng tác, đề xuất các lời khuyên. Thi pháp học truyền thống, vì vậy, còn được gọi là thi pháp học sáng tác. Công trình Thi pháp thơ Đường của Quách Tấn tuy xuất hiện cuối thế kỉ XX nhưng mang đặc trưng thi pháp học truyền thống.

Công trình Thi pháp thơ Đường của Quách Tấn vẫn mang nặng mục đích chuyển tải phép làm thơ, những lời khuyên bảo về sáng tạo nghệ thuật. Lật giở từng trang, chúng ta gặp khá nhiều những câu như: “ các bạn nên…”, “chúng ta nên…”, “các bạn nên tránh…”,… Những lời khuyên ấy, đúng như Quách Tấn tự nhận “tuy không phải khuôn vàng thước ngọc, nhưng cũng có thể làm những mũi tên chỉ đường” [67, 13] cho những người muốn tìm hiểu về thơ đường luật nói chung. Mặc dù những chỉ dẫn của ông còn mang tính chất của những lời khuyên về phép làm thơ với những dẫn giải khá cụ thể, chi tiết mà có thể đối với độc giả ngày nay, đó là những kiến thức quen thuộc. Với độ lùi thời gian cần thiết, đặt trong hoàn cảnh mà nó ra đời, chúng là những chỉ dẫn cần thiết và có giá trị.

Công trình của Quách Tấn đã chứa đựng những tri thức có giá trị về thi pháp thơ Đường. Dưới hình thức là những bức thư gửi “các bạn ham làm thơ Đường luật”, đứng ở góc độ người sáng tác, Quách Tấn đã bàn về thơ Đường luật nói chung trên các phương diện: thi đề, cách lập ý và cấu tứ, chương pháp, hiệp vần, cách gieo vần, thanh, đối ngẫu, dụng điển, đề tài, nhịp điệu, …

Quách Tấn khẳng định: “…phép tắc thơ Cận thể, tức thơ Đường luật, rất chặt chẽ. Mỗi thiên có định số câu, mỗi câu có định số chữ, mỗi chữ có định tiếng bằng trắc, và câu nào đối với câu nào, câu nào niêm với câu nào...

người làm thơ phải tuân thủ nghiêm chỉnh” [67, 40]. Ông đi sâu giải thích cặn kẽ các quy định cụ thể về chương pháp, cú pháp, vần, nhịp, niêm, đối, tự pháp,... trong thơ Đường luật. Vì đối tượng hướng đến là những người mới học làm thơ Đường luật nên tác giả giải thích khá cặn kẽ, chi tiết về luật thơ với sự phong phú, đa dạng về dẫn chứng.

Chương pháp là phép tắc trong toàn bài thơ. Luật thi lấy tám câu làm chính, mỗi câu 5 hoặc 7 chữ. Bài thơ gồm các phần theo các cách gọi khác nhau: khởi, thừa, chuyển, hiệp hay phát đoan (khởi liên), hạm liên, cảnh liên, kiết cú; đề,trạng, luận, kết. Trong đó, cặp 3-4 và cặp 5-6 phải đối với nhau. Các câu niêm theo luật: câu 1 với câu 8, câu 2 với câu 3, câu 3 với câu 4, câu 4 với câu 5, câu 5 với câu 6, câu 6 với câu 7. Về vận, tác giả trình bày chi tiết về hai loại vần bằng và vần trắc, nhưng chủ yếu là bàn về vần bằng vì “thơ luật ít khi dùng vần trắc” [57, 60]. Dựa vào khuôn âm, người ta chia ra vần chính và vần thông. Người làm thơ phải cố tránh ghép vần ép. Theo tác giả, nên tránh ghép những vần không có G với vần có G (như nhan mang), và tránh ghép những vần ua, u, ư với ô, o, ơ. Khi hiệp vần, để tạo nhạc điệu cho bài thơ, vần thông cũng như vần chính, “không nên dùng toàn vần trường bình hay toàn vần đoản bình” [67, 72]. Về gieo vần, “luật thi chỉ dùng vần cách và vần gieo ở cuối câu chẵn, trừ câu đầu nhiều khi có vần” [67, 86].

Về cú pháp, Quách Tấn khẳng định: “Câu trong thơ luật khác câu trong thơ cổ. Khác ở điểm là thơ cổ không quy định bằng trắc, còn thơ luật thì bằng trắc sắp xếp theo thứ tự phân minh” [67, 104]. Bằng trắc trong thơ Luật phối theo luật quân bình. Trong đó, thơ ngũ ngôn theo luật “Nhất tam bất luận, nhì tứ phân minh”, còn thơ thất ngôn theo luật “Nhất tam ngũ bất luận, nhì tứ lục phân minh”. Trong các đặc điểm cú pháp thơ Đường, tác giả dành một dung lượng không nhỏ (ba bức thư) để trình bày cặn kẽ về đối ngẫu. Ông cho rằng: “đối với thơ Đường luật, biến thể cũng như chánh thể, đối ngẫu là then chốt

về mặt hình thức. Và đối ngẫu cần phải công chỉnh, không trùng phức, không lộ liễu, nhưng phải cho tự nhiên” [67, 223]. Ông cũng khuyên người làm thơ đối chỉnh về bằng trắc, từ loại, vế trên dùng điển thì vế dưới cũng phải dùng điển. Trong đó, phải chú trọng ý nghĩa nhiều hơn tự diện, tự loại.

Về dụng tự, Quách Tấn chỉ ra rằng “Thơ Đường thường dùng thực tự ít dùng hư tự” [67, 125]; những từ được chọn làm thi nhãn thường là thực từ (danh từ, động từ) và chúng đều là Hưởng tự. Tuy vậy, người làm thơ phải sử dụng từ sao cho thích ứng, cân xứng, không nên quá câu nệ thực hư. Dùng nhiều thực từ thì thơ cô đọng nhưng nếu không khéo thì lời thơ nặng nề; dùng nhiều hư từ thì thơ nhẹ nhàng, bay bổng nhưng nếu sử dụng không khéo thì câu thơ trở nên non nớt, không truyền cảm. Tác giả khuyên người làm thơ nên tránh thừa chữ, tránh dùng lặp chữ trừ khi muốn nhấn mạnh hay làm nổi bật một tứ thơ. Ngoài ra, còn phải tránh những “bệnh” của thơ như: điệp thanh (ở chữ thứ 2 và thứ 3 trong thơ Ngũ ngôn, chữ thứ 4 và chữ thứ 7 trong thơ Thất ngôn); điệp âm; điệp vận (ở chữ thứ 2 và thứ 3 trong thơ Ngũ ngôn, chữ thứ 4 và chữ thứ 7 trong thơ Thất ngôn),…

Điểm làm nên khác biệt của công trình này là Quách Tấn không tách biệt hình thức với nội dung, không sa vào hình thức thể loại. Tác giả cho rằng: “Đề tài là nguyên tố cấu thành thi phẩm. Thể cách (tự, cú, chương,…) chỉ là công cụ, là thủ đoạn để biểu đạt đề tài được chọn” [67, 296]. Vì vậy, bên cạnh việc trình bày về thể cách, Quách Tấn còn chú trọng đến thi đề. Theo ông, “tất cả những gì ở trong vũ trụ, hữu hình hay vô hình, hữu tình hay vô tình, đều có thể dùng làm đề tài” [67, 296]. Trong đó, theo ông nên tránh những đề mục thông thường có tính cách xã giao hay những vấn đề rộng lớn, những đề tài mà người ta dùng đi dùng lại nhiều quá nếu chúng ta không khám phá thêm được những gì tân kỳ, độc đáo; “chúng ta chỉ nên chọn những chủ đề mà đời sống thường ngày cống hiến cho chúng ta” [67, 15]. Đó là những nỗi buồn

những niềm vui những khát vọng, những tư tưởng… thoáng hiện trong tâm hồn, những vẻ đẹp nhìn thấy trước mắt, nhớ lại trong ký ức, trông thấy trong mơ mộng… Ông chia đề tài thành nhiều loại: nghĩ cố (bắt chước xưa) gồm

nghĩ tác (bắt chước mà làm) và đại tác (thay người xưa mà làm); cảm khái ký hứng (là loại đề tài có ý vị thương cảm hoặc khí vị phóng dật, phong lưu) gồm Đăng lâm, Bằng điếu, Lữ ngụ, Đề ký, Vịnh cổ, Vịnh sử,…; Luyến ái chia làm nhiều loại như truy mộ mỹ nhân đã qua đời, cảnh vợ ở nhà nhớ mong chồng đi xa, hay tình trai thương gái, gái thương trai cùng nhau tư mộ,…; Chiến tranh chia làm các dòng Chủ chiến, phi chiến và thơ biên tái; Nhân sự gồm những loại thơ ứng thù, phúng gián, tặng đáp, kỹ thuật, thời sự, trào hý,…Xét cho cùng, đề tài dù bao la cũng không ra ngoài phạm vi Tình, Sự, Cảnh, Vật.

Sau khi bàn về đề tài ông chuyển sang cách lập ý và cấu tứ. Theo ông “ý là tình, là lý, là cảnh, là sự…” [67, 26]. Người làm thơ cần xem xét kỹ đề mục của mình thuộc thơ tả cảnh hay thơ tức sự, thơ diễn tình, thơ triết lý, để từ đó tìm ý, chọn ý nổi bật đưa lên làm chủ đề. Đó là lập ý. Và từ những ý đã tìm được, người làm thơ “phải luyện những ý ấy cho có một sắc thái một hương vị, một âm vị đặc biệt và đặt để chúng vào những địa vị thích đáng, xứng hợp. Đó là cấu tứ” [67, 27]. Mục tiêu hướng đến của việc cấu tứ và lập ý là “Ý lập định thật vững vàng, Tứ cấu kết thật chặt chẽ” [67, 37].

Có thể thấy, thi pháp học truyền thống của Quách Tấn khá gần với thi pháp học hiện đại về nội dung nhưng khoảng cách về phương pháp nghiên cứu, quan điểm nghiên cứu, đối tượng hướng đến của những kết quả nghiên cứu,… lại khá xa. Trần Đình Sử khái quát: “Thi pháp học hiện đại khác thi pháp học truyền thống (cuối thế kỉ XIX về trước) ở mấy điểm sau: Hiểu thi pháp học như lĩnh vực nghiên cứu “đặc trưng” văn học hay “tính văn học” và ngôn ngữ biểu hiện của nó chứ không đóng khung trong nghệ thuật thi ca hay phép làm thơ. Lấy việc nghiên cứu tính hệ thống, tính chỉnh thể thay cho việc

nghiên cứu các yếu tố cá biệt, khác biệt để khái quát theo quan niệm nguyên tử luận; lấy việc nghiên cứu các biến số lịch sử thay cho nghiên cứu các nguyên lí bất biến, vĩnh hằng; nghiên cứu hướng tới người đọc hơn là dạy dỗ nhà văn về cách sáng tác; lấy việc khái quát các phương thức phương tiện từ trong bản thân sáng tác hơn là đưa ra những công thức quy phạm” [65,14].

2.2.2. Nghiên cứu theo hướng thi pháp học cấu trúc

Trường phái cấu trúc chủ nghĩa có cội nguồn từ ngôn ngữ học F.de Saussure, được đề cập trong trước tác của chủ nghĩa hình thức Nga với R.Jakobson, của M. Bakhtin, phát triển với trường phái ngữ học Praha và trở thành trào lưu ở Pháp từ những năm 60 với các tên tuổi như Claude Levi – Strauss, R. Barthes, Tz. Todorov,… Đặc điểm chung của thi pháp học cấu trúc là dựa vào mô hình ngôn ngữ. Sự nhấn mạnh tính hệ thống đòi hỏi xem văn bản là một hệ thống hoàn chỉnh, họ không quan tâm ý nghĩa câu cụ thể mà coi trọng phân tích hình thức là yếu tố có ý nghĩa then chốt. M. L. Gasparov nói: “Thi pháp học cấu trúc không phải là thi pháp của các yếu tố tách rời, mà là thi pháp về các quan hệ của các yếu tố tạo nên tác phẩm” (Dẫn theo Trần Đình Sử). Chủ nghĩa cấu trúc khác phê bình mới ở chỗ không đi phân tích ý nghĩa của tác phẩm văn học cụ thể mà họ chỉ đi tìm quy luật chung tạo ra văn bản nói chung.

Sau 1980 ở Việt Nam đã xuất bản một số công trình thi pháp học cấu trúc về thơ Đường đáng chú ý như Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường của Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân, Bút pháp thơ ca Trung Quốc của Fransois Cheng (in trong Về thi pháp thơ Đường do Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi biên soạn, dịch thuật), Thử tìm hiểu tứ thơ trong thơ Đường của Phan Ngọc (sau được tác giả in lại trong cuốn Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học với tên gọi

Cái hay của thơ Đường),…

Đặc điểm nổi bật nhất trong cấu tứ và bút pháp thơ Đường được nhà nghiên cứu Phan Ngọc khẳng định là tạo dựng các mối quan hệ. Các nhà thơ Đường không vẽ sự vật mà tạo ra quan hệ đồng nhất hoá giữa sự vật này với sự vật khác. Những mối quan hệ này được xây dựng dựa trên sư thống nhất những mặt đối lập căn cứ vào những hiện tượng cá biệt, ngẫu nhiên nhằm đưa đến một sự chiếm hữu thú vị. Trong bài viết Cái hay của thơ Đường, Phan Ngọc khẳng định: “…Cái hay của thơ Đường là ở cách nó khám phá hiện thực, lý giải hiện thực, hay nói một cách triết học, cách chiếm hữu hiện thực. Đó là cách xác lập tính đồng nhất của những hiện tượng mà giác quan cho là đối lập nhau” [35, 116]. Đó là sự đồng nhất giữa chiều cao và chiều rộng, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa mộng và thực, giữa không gian mênh mông và thời gian khoảnh khắc, giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người và ngoại vật, … Chính bởi đặc trưng này mà “Thơ Đường không thể đọc bằng mắt mà phải đọc bằng quan hệ” [35, 119]. Đây là đặc điểm tư duy của thơ Đường, là cơ sở để khu biệt của nó với thơ trước và sau đời Đường.

Sự thống nhất giữa các mặt đối lập được biểu hiện phong phú trong thơ Đường. Trước hết là những quan hệ mà Phan Ngọc gọi là “thống nhất đơn” được thể hiện ở tất cả phương diện: không gian, thời gian, con người,... Ông khẳng định: “vì nhiệm vụ trong thơ Đường là nêu lên tính thống nhất cho nên không gian chiếm một chỗ rất lớn trong thơ Đường” [35, 120]. Đi vào phân tích cụ thể, nhà nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ thống nhất giữa không gian mênh mông và thời gian khoảnh khắc:

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận Khinh chu dĩ quá vạn trùng san

(Tảo phát Bạch Đế thành – Lý Bạch) (Bên bờ tiếng vượn chưa xong,

Ở phương diện thời gian, đó là sự thống nhất giữa hiện đại và quá khứ, như trong Sơn phòng tức xuân sự của Sầm Tham, cây vẫn nở những bông hoa ngày xưa:

Đình thụ bất tri nhân khứ tận Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa

Đó còn là sự thống nhất giữa cái hữu hạn và cái vô hạn. Chúng ta có thể thấy được sự thống nhất giữa cái cao hữu hạn - thác Lư Sơn - và cái cao vô hạn - sông Ngân Hà - trong câu thơ của Lý Bạch:

Phi lưu trực há tam thiên xích Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

(Vọng Lư Sơn bộc bố)

Nhưng theo Phan Ngọc, tiêu biểu nhất cho thơ Đường là “cách đồng nhất hoá người với người, giữa người với vật, giữa vật với vật, nhưng vật ở đây là để chỉ con người” [35, 124]. Thi nhân đời Đường có thể đồng nhất vầng trăng, cây cỏ, ngọn núi, chòm mây,… với con người tạo ra những liên tưởng thú vị. Có thể dẫn câu thơ của Lý Bạch đồng nhất người với trăng và bóng thành “ba người” trong Nguyệt hạ độc chước làm dẫn chứng:

Cử bôi yêu minh nguyệt Đối ảnh thành tam nhân

(Cất chén mời trăng sáng Trước bóng thành ba người)

Bên cạnh thống nhất đơn, còn có những câu thơ xuất hiện nhiều lần đồng nhất hoá giữa các hiện tượng đối lập. Phan Ngọc chỉ ra thơ Đường còn có sự xuất hiện của “một mâu thuẫn mới để làm nổi bật tính thống nhất” [35, 127]. Chẳng hạn, quá khứ hiện tại mâu thuẫn trong khi sự vật vẫn thống nhất. Trong câu thơ sau của Lý Bạch, quá khứ và hiện tại mâu thuẫn trong khi sự vật vẫn thống nhất:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du

(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu) (Hạc vàng cất cánh không quay lại

Ngàn năm mây trắng ngẩn ngơ bay)

Đây là sự thống nhất giữa cái khoảnh khắc (hạc vàng) với cái muôn đời (mây trắng).

Phan Ngọc không chỉ phân tích về đặc điểm cấu tứ “xác lập tính đồng nhất của những hiện tượng mà giác quan cho là đối lập” mà còn chỉ ra sự liên hệ của đặc điểm này với các yếu tố khác trong cấu trúc chặt chẽ của một bài thơ Đường. Theo ông, chính vì đặc điểm cấu tứ đặc trưng này đã dẫn đến hệ quả là thiên nhiên chiếm vai trò to lớn trong thơ Đường với nguyệt, nhật, thiên, vân, phong, bởi vì “thơ Đường cốt nêu lên tính thống nhất của con người với ngoại vật cho nên nó hướng về tự nhiên, và tự nhiên là cách giải thích con người” [35, 130]. Cũng vì để làm nổi bật đặc điểm này, ngôn ngữ thơ Đường giản dị và “cố tình đơn giản hoá ngôn ngữ” [35, 131] với cấu trúc vốn từ là những thực từ đơn thuần, loại trừ các từ láy âm, “gạt bỏ thẳng tay mọi biện pháp suy luận, mỗi từ mang màu sắc của sự chứng minh” [35, 137],

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 47 - 101)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(146 trang)
w