Xuất trong phần điểm lịch sử vấn đề

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 101 - 104)

Một công trình nghiên cứu ngoài phần đóng góp của riêng tác giả, bao giờ cũng có sự kế thừa, học tập thành tựu đã đạt được từ những người đi trước. Vì vậy, phần lịch sử vấn đề là phần rất quan trọng. Nó giúp nhà nghiên cứu khái quát lịch sử vấn đề nghiên cứu làm tiền đề cho việc nghiên cứu của bản thân, đồng thời giúp người đọc có cái nhìn toàn diện về vấn đề đó. Trong đó, phần điểm lịch sử vấn đề bao giờ cũng duyệt lại lịch trình nghiên cứu để thấy được tiến triển của việc nghiên cứu đó và chỉ ra được những hạn chế, bất cập của những xu hướng nghiên cứu trước đây. Quan trọng trong phần này

không phải là chỉ ra, liệt kê ai đã nói cái gì mà là đánh giá những đóng góp và giới hạn của từng quan điểm, từng xu hướng, từng phương pháp nghiên cứu ấy. Như vậy, bản thân việc điểm lịch sử vấn đề phải hàm chứa sự phê phán, đánh giá của người viết.

Thực chất của lịch sử vấn đề nghiên cứu về thơ Đường như chúng tôi đã nói ở các phần trên đã được tiến hành qua nhiều chặng, là sự tiến triển về phương pháp nghiên cứu cũng như sự mở rộng về phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết hợp với nhiều thông tin khác nữa. Như vậy, ở đây, chúng tôi thấy việc nghiên cứu về thơ Đường trong giáo trình Văn học Trung Quốc của Nguyễn Khắc Phi còn thiếu hẳn phần lịch sử nghiên cứu thơ Đường. Vì vậy, người học khi tiếp nhận giáo trình này cảm thấy đây là tài liệu gần như bị đóng kín khiến họ không cảm nhận được sự kích thích để tìm hiểu tiếp về thơ Đường theo hướng nào. Giáo trình này chỉ trình bày tình hình lịch sử xã hội đời Đường, những nguyên nhân làm cho thơ Đường phát triển mạnh mẽ, diễn biến và thành tựu của thơ Đường cùng những tác giả tiêu biểu: Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Theo quan điểm của mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss trong Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học (1970), lịch sử văn học- bên cạnh lịch sử sáng tác - còn là lịch sử tiếp nhận, hay rõ hơn, trực tiếp hơn có thể nói theo cách của Haral Weinrich mà Jauss rất tán thành: “Lịch sử văn học của người đọc”. Xét theo quan điểm đó, hầu như các giáo trình được xuất bản ở nước ta vẫn còn thiếu phần lịch sử tiếp nhận. Điều này dẫn đến hệ quả là khi đọc xong một công trình nghiên cứu văn học, người đọc không bị kích thích bởi việc phải làm gì tiếp theo về vấn đề đó. Chính vì vậy, trong khi điểm lịch sử vấn đề, thông qua việc nhận xét, đánh giá về những công trình thuộc các hướng nghiên cứu trước đó, người viết cần có sự gợi mở hướng tiếp cận mới từ lí thuyết phương Tây như chủ nghĩa cấu trúc, hiện tượng học, thi pháp học,…

Trong phần mở đầu của công trình Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường, Nguyễn Sĩ Đại cũng đã có sự khái quát về việc nghiên cứu thơ Đường ở Việt Nam thế kỷ XX. Đó là những nghiên cứu theo các hướng: giới thiệu, dịch thuật, bình chú; nghiên cứu về hình thức thể loại, hướng nghiên cứu thi pháp. Đánh giá dưới góc độ nghiên cứu thơ tứ tuyệt,tác giả đã chỉ ra giới hạn của những nghiên cứu này là “chưa một công trình nào nghiên cứu có tính toàn diện thẳng vào thơ tứ tuyệt đời Đường” [7, 21]. Tuy nhiên, khi điểm lịch sử vấn đề, Nguyễn Sĩ Đại đã bỏ qua một hướng nghiên cứu đã tồn tại và chiếm địa vị độc tôn thời gian dài ở Việt Nam là nghiên cứu xã hội học.

Công trình Thi pháp thơ Đường của Nguyễn Thị Bích Hải, trong khi điểm lịch sử vấn đề, đã hàm chứa gợi ý về phương pháp. Tác giả khái quát hai hướng nghiên cứu chính của việc nghiên cứu thơ Đường ở Trung Quốc cũng như trên thế giới trong hơn 1000 năm qua: nghiên cứu về loại thể và ngôn ngữ, tức là nghiên cứu hình thức của hình thức; và nghiên cứu nội dung tư tưởng và ý nghĩa xã hội của thơ Đường, ít quan tâm thích đáng về hình thức. Nguyễn Thị Bích Hải không phải đơn thuần liệt kê hai hướng nghiên cứu trên mà bà đã có kết hợp với sự phê phán về những giới hạn của chúng. Đó là hoặc quá thiên về hình thức thuần tuý, bỏ qua nội dung; hoặc đặt trọng tâm nghiên cứu là nội dung xã hội mà xem nhẹ hình thức. Đồng thời, bà cũng khẳng định sự kế thừa thành tựu những nghiên cứu ở cả hai khuynh hướng trên trong một hướng nghiên cứu mới: nghiên cứu thi pháp - nghiên cứu hệ thống hình thức thể hiện hệ thống nội dung. Tuy nhiên, sự kế thừa này không phải là con đường chiết trung mà là “con đường đi tìm cái lý của hình thức, tìm nguyên nhân làm nên sự hấp dẫn của thơ Đường” [11, 6] với mục đích “góp phần hiểu thơ Đường một cách chính xác, toàn diện hơn” [11, 6].

Như vậy, trong khi làm lịch sử vấn đề, người viết cần có sự phê phán, đánh giá giới hạn những hướng nghiên cứu trước đó như dịch thuật, bình chú, bình giá, nghiên cứu xã hội học hay nghiên cứu hình thức thể loại,.. để làm rõ được hiệu năng của hướng nghiên cứu thi pháp học.

Một phần của tài liệu Việc nghiên cứu của thơ đường trong một số công trình xuất bản bằng tiếng việt từ 1980 đến nay (Trang 101 - 104)