Nghiên cứu phê bình văn học Trung Quốc trung đại, các học giả rất quan tâm đến các thể thơ, nhất là thể thơ cách luật, về niêm, luật, vận, đối; về cách sử dụng từ ngữ - tức là tập trung nghiên cứu về loại thể và ngôn ngữ, nghiên cứu hình thức của hình thức. Có thể kể đến công trình Việt Nam văn học sử yếu (1943) của Dương Quảng Hàm, Lược khảo thơ Trung Quốc (1943, Mai Linh xuất bản) của Doãn Kế Thiện, Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại (1971) của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức,…
Trong Lược khảo thơ Trung Quốc, Doãn Kế Thiện nhận xét: “Đến đời Đường, về phép thanh luật đối ngẫu càng thêm tinh mật. Bọn Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn nghiêm luật càng kĩ, cách điệu ổn thuận, tập theo đã lâu, mới định ra lối ngũ ngôn bát cú. Đến lối thất ngôn luật thi, toàn thể là do người đời Đường làm ra, hơi khác với thể ngũ ngôn, lấy câu thứ nhất áp vận làm chính cách, không thể áp vận làm biểu cách” [53, 137]. Và “Thi cận thể mỗi thiên có định câu, mỗi câu có định chữ, chữ có định tiếng, lời văn giản ước, ngụ ý sâu xa” [53, 137]. Những nhận xét này có tính chất khá chung chung.
Việt Nam văn học sử yếu - một cuốn sách của Dương Quảng Hàm biên soạn và đã được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1943 và năm 1968 được Bộ Giáo dục – Trung tâm học liệu xuất bản lại. Đây là một bộ sách giáo khoa văn học Việt Nam thời kỳ đó. Không kể những đề mục phụ, như: Biên tập đại ý,
Những chữ viết tắt, Tổng kết, Biểu liệt kê, Mục lục…; Việt Nam văn học sử yếu
gồm 48 chươngtrong đó có nhiều phần có giá trị. Trong mục Các thể văn của Tàu và của ta, ông đã trình bày về thể thơ Đường luật - “Thi pháp của Tàu và âm luật của ta” theo hai “lối”: tứ tuyệt và bát cú. Trong đó “Lối Đường luật bát cú là lối chính và thông dụng nhất” [17] được xét ở năm phương diện: vần, đối, luật, niêm, cách bố cục.
Bàn về cách gieo vần, Dương Quảng Hàm viết: “1/ Thơ Đường luật thường dùng vần bằng; gián hoặc mới dùng vần trắc. 2/ Suốt bài thơ Đường luật chỉ hiệp theo một vần, tức là theo lối độc vận. 3/ Trong một bài bát cú có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và cối các câu chẵn” [17]. Về đối, ông chỉ ra những câu phải đối trong một bài thơ bát cú là “Trừ hai câu đầu và hai câu cuối, còn bốn câu giữa thì câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6” [17].
Dương Quảng Hàm định nghĩa luật thơ là “cách xếp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các câu của một bài thơ”. Ông chia ra hai luật: Luật bằng (luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng) và luật trắc (luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc). Đáng chú ý là ông còn giải thích cặn kẽ về “Bất luận” và “khổ độc”; sự trình bày của ông tuy chi tiết nhưng khá rườm rà.
Về niêm, Dương Quảng Hàm cũng chỉ ra: “Niêm (nghĩa đen là dính) là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường luật” [17]. Trong một bài thơ bát cú, những câu này niêm với nhau: 1 với 8; 2 với 3; 4 với 5; 6 với 7; 8 với 1.
Một bài thơ bát cú có bốn phần: 1) Đề gồm có phá đề (câu 1) là mở bài và thừa đề (câu 2) là nối câu phá mà vào bài. 2) Thực hoặc trạng (hai câu 3-4)
là giải thích đầu bài cho rõ ràng. 3) Luận (hai câu 5 -6) là bàn bạc cho rộng nghĩa đầu bài. 4) Kết (hai câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại.
Theo quan niệm của Dương Quảng Hàm, thể tứ tuyệt “là ngắt lấy bốn câu trong bài thơ bát cú mà thành” [17]. Ông mô tả các cách làm thơ tứ tuyệt: “1/ Ngắt bốn câu trên, thành ra bài thơ ba vần, hai câu trên không đối nhau, hai câu dưới đối nhau. 2/ Ngắt 4 câu giữa, thành ra bài thơ 2 vần, cả bốn câu đối nhau 3/ Ngắt 4 câu dưới, thành ra bài thơ hai vần, hai câu trên đối nhau, hai câu dưới không đối. 4/ Ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối, thành ra bài thơ 3 vần, cả 4 câu không đối. 5/ Ngắt hai câu 1-2 với hai câu 5-6, thành ra bài thơ 3 vần hai câu cuối đối nhau” [17].
Cũng nhìn thơ Đường từ hình thức thể loại là công trình Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại của Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức. Hai tác giả đi sâu mô tả hình thức thể loại của các thể thơ từ thơ cổ, thể thơ mô phỏng thơ ca Trung Quốc, các thể văn vần và biền văn, các thể thơ ca trong phong trào thơ mới, thơ tự do, thơ văn xuôi,… Trong phần Các thể thơ mô phỏng thơ ca Trung Quốc, hai tác giả đã giành một số trang khá lớn cho thơ Đường luật mà hai ông gọi một cách khái quát là thơ cách luật. Họ chỉ ra “Điểm nổi bật về sự khác nhau giữa thơ cách luật và thơ cổ phong là: sự qui định thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và trong toàn bài (mà người ta gọi một cách khái quát là niêm luật) ở trong cách luật rất chặt chẽ khác với thơ cổ phong là phóng túng” [38, 279].
Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã xem xét hình thức thơ Đường ở các phương diện: luật bằng trắc, niêm, cách gieo vần, cấu trúc,... Về luật bằng trắc, hai ông chỉ ra rằng “Hệ thống thanh bằng, thanh trắc cân xứng được kể từ câu đầu ở từ thứ nhì. Nếu từ thứ nhì thanh bằng là thể bằng, từ thứ nhì thanh trắc là thể trắc” [38, 279]. Trong đó thể trắc được coi là chính thể còn thể bằng là biến thể. Về niêm, hai ông lập bảng khá chi tiết niêm vần bằng, niêm vần
trắc với qui tắc hợp niêm: “nhất - bát, nhị - tam, tứ - ngũ, lục- thất” [38, 281] theo ““mốc chuẩn” là từ thứ nhì câu I niêm với từ thứ nhì câu VIII” [38, 281]. Về cách gieo vần, thơ Đường luật “chỉ dùng vần bằng, và chỉ được gieo một vần (độc vận), theo hai cách: hoặc hạn vận, hoặc phóng vận” [38, 281], trong đó vần bằng được coi là chính vận, vần trắc coi như không chính qui và rất ít dùng. Thông thường bốn câu ba vần, tám câu năm vần.
Hai ông cũng chỉ ra những biệt lệ trong thơ Đường luật, gồm: “lệ bất luận” (biệt lệ về luật bằng trắc) và “chiết vận” (biệt lệ về cách trốn vần). Trong “lệ bất luận” có nhất tam bất luận và nhất tam ngũ bất luận, từ biệt lệ này gây ra khổ độc. Còn “chiết vận” phải theo nguyên tắc “hai câu có vần trốn đó (tức hai câu đầu của một bài bốn câu hay một bài tám câu) phải đối nhau gọi là song phong (hai đỉnh đồi đối nhau). Một bài bát cú trốn vần như vậy là phải có sáu câu đối nhau” [38, 283]. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã lập bốn bảng thành niêm luật khá chi tiết: bảng 1 thể trắc ngũ ngôn bát cú, bảng 2 thể bằng ngũ ngôn bát cú, bảng 3 thể trắc thất ngôn bát cú, bảng 4 thể bằng thất ngôn bát cú với các lệ chứng cụ thể.
Về thơ tuyệt cú, khác với Dương Quảng Hàm, Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức cho rằng: quan niệm thể thơ này là một nửa của bài bát cú là không chính xác và không thuyết phục. Hai ông khẳng định, thơ tuyệt cú có trước thời Đường và có khi là thể tiền thân của thơ bát cú “tự nó là một đơn vị hoàn chỉnh về thơ, chứ không nhất thiết cắt ra từ một bài bát cú” [38, 299].
Bên cạnh việc bàn về hình thức thể loại về niêm, luật, vận, đối của thể Đường luật, Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức còn đề cập đến việc sử dụng từ ngữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú: “Thơ Đường luật yêu cầu phải gây âm vang và xạ ảnh cao, lời và câu có hạn, nhưng ý thì vô hạn” [38, 289]. Trong bố cục bài thơ bát cú theo bốn phần đề thực, luận, kết và “56 từ thành 56 hạt ngọc… tránh dùng hư từ càng nhiều càng tốt. Lời thơ hết sức cô đọng, các từ
trong câu thơ tự nó gắn với nhau theo cấu trúc nội tại của nó không cần hư từ đưa đẩy, giống như những tảng đá lớn ở một ngôi thành cổ áp sát nhau mà không cần hồ vữa gắn liền” [38, 293]. Nhận xét trên, hai ông đã có sự gắn kết giữa hình thức và nội dung của lời thơ, hình thức không chỉ đơn thuần là hình thức của hình thức nữa.