Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con người

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm của triết học mác lênin về con người vào vấn đề xây dựng con người việt nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (Trang 50 - 56)

6. Kết cấu của luận văn

2.2.1.1. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con người

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, cho nhân dân ta, cho dân tộc ta một kho tàng vô giá, đó là di sản tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng khoa học về con người. Đảng ta luôn lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho hành động. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã chỉ rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; Về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…” [39; 475].

Theo đó, có thể nói, cái cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là “tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người”, là đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân, vì quyền làm chủ của nhân dân, vì sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng thế hệ

cách mạng cho đời sau… Nói tóm lại, đó là tư tưởng vì con người và giải phóng con người.

Việc xác định nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con người nói riêng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ bản chất Tư tưởng Hồ Chí Minh. Về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác – Lênin, là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin. Có ý kiến cho Tư tưởng Hồ Chí Minh cơ bản là tư tưởng của dân tộc Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, đã được thăng hoa nhờ có Chủ nghĩa Mác – Lênin. Lại có ý kiến cho rằng Hồ Chí Minh đi từ tư tưởng Nho giáo đến Chủ nghĩa Cộng Sản v.v.” [55; 29]. Tuy nhiên, cho đến nay, giới nghiên cứu về cơ bản đã có sự nhất trí về ba nguồn gốc chủ yếu của Tư tưởng Hồ Chí Minh. “Đó là Chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa, nhân ái Việt Nam; tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây; Chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò, vị trí của mỗi yếu tố, nhưng phần lớn đều nhất trí Chủ nghĩa Mác – Lênin là nguồn gốc chủ yếu nhất. Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài những nguồn gốc về tư tưởng – lý luận, cần phải chú ý đến cả cơ sở hoạt động, đến thực tiễn, đến phẩm chất, nhân cách cá nhân của Hồ Chí Minh” [55; 29].

“Các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ: mọi học thuyết tư tưởng ra đời, một mặt là sự kế thừa những tư tưởng, học thuyết trước đó, mặt khác là sự phản ánh quy luật vận động của hiện thực, đồng thời là kết quả hoạt động nhận thức, sáng tạo của một con người gắn với phẩm chất, nhân cách cá nhân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của một giai cấp, một dân tộc trong một thời đại nhất định” [55; 29].

Theo đó, chúng tôi cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là sự kết tinh của những quan điểm về con người trong lịch sử tư tưởng phương Đông, phương Tây; đặc biệt là tư tưởng về con người trong Triết học Mác - Lênin; được thể hiện một cách cụ thể, sinh động ở Việt Nam. Những tư tưởng ấy, được hình thành, phát triển và quán xuyến trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Tư tưởng Hồ Chí Minh về

con người là một tất yếu lịch sử, là sản phẩm của sự kết hợp những điều kiện lịch sử - xã hội với phẩm chất, năng lực cá nhân của Người. Những cơ sở cơ bản để hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, đó là:

Thứ nhất, nhu cầu khách quan của lịch sử - xã hội

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới. Trong điều kiện đó, ngoài các mâu thuẫn vốn có trước đây như: mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong các nước tư bản, thì giờ đây trên thế giới lại xuất hiện thêm mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa bị áp bức, bóc lột với các nước đế quốc thực dân đi xâm lược, các mâu thuẫn này càng ngày càng trở nên gay gắt và trở thành những mâu thuẫn cơ bản của thời đại. Cũng trong thời gian này, với sự thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 ở nước Nga, cùng với sự ra đời của hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, điều này đã mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Cùng thời gian này, ở trong nước, do bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân Pháp. Trong suốt hơn 80 năm đô hộ nước ta, với chính sách thực dân cũ, nhằm vơ vét tài nguyên khoáng sản và bóc lột sức lao động của nhân dân ta mang về làm giàu cho chính quốc. Đế quốc Pháp đã đẩy cuộc sống của người dân Việt Nam vào cảnh khốn cùng, cơ cực, người dân lao động bị bóc lột đến “tận cùng xương tủy”, sống chìm trong đau khổ, tủi nhục vì bị mất nước, “đến cái tên của dân tộc Việt Nam cũng không có trên bản đồ thế giới”… Nhưng với một truyền thống yêu nước nồng nàn, với một tinh thần kiên cường bất khuất, không cam chịu cúi đầu làm nô lệ, trong suốt thời gian này, cha ông ta đã tổ chức rất nhiều phong trào yêu nước, phong trào kháng chiến nhằm đánh đuổi thực dân Pháp giành lại độc lập tự do cho dân tộc, như các phong trào của: Nguyễn Trung Trực, của Hoàng Hoa Thám, của Phan Bội Châu, của Phan Chu Trinh… nhưng tất cả các phong trào này đều thất bại. Trước tình hình ấy, đòi hỏi phải tìm ra được một con đường để giải phóng dân tộc, để cứu dân, cứu nước, đòi hỏi ấy đã trở thành một đòi hỏi tất

yếu khách quan của lịch sử dân tộc đối với mỗi người dân Việt Nam yêu nước và đối với cả dân tộc Việt Nam. Trong điều kiện như vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người nói riêng đã từng bước được hình thành.

Thứ hai, truyền thống văn hóa Việt Nam

Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên rất nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như: Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, đoàn kết, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, ý thức độc lập tự cường dân tộc, ý chí lao động cần cù, thông minh, sáng tạo… Trong đó, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần yêu nước đã trở thành đạo lý sống, niềm tự hào của dân tộc và là một giá trị đứng đầu trong bảng giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Bác Hồ đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước…” [44; 171]. “Truyền thống đó không chỉ là một tình cảm, một phẩm chất tinh thần, mà phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính” [55; 30]. Chính sức mạnh ấy của truyền thống yêu nước đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Người đã tiếp thu lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin bắt đầu từ lý luận về dân tộc và thuộc địa. Do vậy, có thể nói rằng, truyền thống văn hóa Việt Nam, nổi bật là truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, cố kết dân tộc là một trong những nguồn gốc chủ yếu của Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người nói riêng.

Thứ ba, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây

Ngoài truyền thống văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng và kế thừa những tinh hoa văn hóa của nhân loại như: ảnh hưởng của văn hóa phương Đông (Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo), ảnh hưởng của văn hóa phương Tây (tư tưởng dân chủ, nhân văn của thời kỳ Phục Hưng, của Thế kỷ Ánh sáng, của cách mạng tư sản phương Tây và của cách mạng Trung Quốc). Ngoài ra, trên con đường bôn ba đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh còn

biết kế thừa một cách có phê phán, có chọn lọc mọi tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho vốn trí tuệ của mình. Người viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta

Khổng tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn: “mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” [55; 31]

Xuất thân từ trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước, ngay từ thuở thiếu thời Người đã được học đạo Nho, đã tiếp thu triết lý, đạo đức Khổng – Mạnh, do vậy những tư tưởng trung, hiếu, nghĩa, lễ, trí, tín …đã in đậm trong tâm trí của Người, trở thành một bộ phận trong tư tưởng nhân văn của Người. Song với một trí tuệ anh minh, với một tầm nhìn xa trông rộng, Người tiếp thu Nho giáo không phải rập khuôn, máy móc mà đã sớm khắc phục những hạn chế, hẹp hòi, thiển cận của nó để đi đến một quan niệm mới về tình hữu ái giai cấp, hướng tới những giá trị nhân văn, phổ quát hơn về các vấn đề này.

Tiếp thu những giáo lý của Phật giáo với những tư tưởng “từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn, cứu nhân độ thế” của nó, nhưng Hồ Chí Minh lại cho rằng, những giáo lý, chủ trương ấy của Phật giáo chỉ có tác dụng hữu ích khi mà chúng được sử dụng để “cứu chúng sinh khỏi khổ nạn”, để giải phóng dân tộc, giành độc lâp tự do cho dân tộc thoát khỏi xích xiềng nô lệ mà thôi.

Tiếp thu chủ trương cứu vớt chúng sinh của Đức chúa Giêsu, đưa con người tới cuộc sống hạnh phúc ở thiên đường, song Hồ Chí Minh lại cho rằng, hạnh phúc thực sự chỉ có được khi đưa ước mơ, khát vọng vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con người thoát khỏi bị áp bức, bóc lột, đè nén, bất công, là vươn tới một xã hội mới tốt đẹp ở trần thế, nơi đó con người và loài người sống bình đẳng, bác ái, tự do, hạnh phúc.

Người cũng tìm hiểu, tiếp thu những tư tưởng của nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Dật Tiên và tỏ lòng ngưỡng mộ những tư tưởng về độc lập, tự do, hạnh phúc của ông.

Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn tìm hiểu, tiếp thu những giá trị đích thực trong tư tưởng văn hóa phương Tây như: tư tưởng “tự do – bình đẳng – bác ái” của Đại cách mạng tư sản Pháp. Tư tưởng về “quyền bình đẳng”, “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của con người, quyền của nhân dân kiểm soát chính phủ…

Thứ tư, chủ nghĩa Mác – Lênin

Có thể nói, nguồn gốc lý luận quyết định sự phát triển mới về chất của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người nói riêng, chính là Chủ nghĩa Mác – Lênin. Như ở trên đã trình bày, Hồ Chí Minh trên cơ sở truyền thống văn hóa Việt Nam, nổi bật là truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, cố kết dân tộc, trước cảnh nước mất nhà tan, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Trong quá trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, Người không ngừng tìm tòi, học hỏi, kế thừa những tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, tinh hóa văn hóa nhân loại để làm giàu cho trí tuệ của mình. Và khi Người bắt gặp Chủ nghĩa Mác – Lênin, thì đây chính là “ bước ngoặt cơ bản trong quá trình tìm đường cứu nước và quá trình phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa yêu nước đã gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giác ngộ dân tộc đã phát triển và kết hợp với giác ngộ giai cấp, cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng vô sản. Bước ngoặt đó đánh dấu sự định hình và khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng của giai cấp vô sản – Chủ nghĩa Mác – Lênin, mang bản chất cách mạng và khoa học triệt để” [55; 36]

Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” [42; 268].

Tiếp thu Chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh tiếp thu ở đó cái cốt lõi nhất đó là: thế giới quan duy vật, phương pháp luận duy vật biện chứng, nhân sinh quan Cộng sản chủ nghĩa, Người coi đây như là cẩm nang kỳ diệu, ngọn

đuốc sáng soi đường cho tư tưởng và hành động nhằm thực hiện triết lý nhân sinh của mình, thực thi chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn trên chính Tổ quốc mình, cho dân tộc mình, cho đồng bào mình.

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm của triết học mác lênin về con người vào vấn đề xây dựng con người việt nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (Trang 50 - 56)