Vai trò con người trong lịch sử

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm của triết học mác lênin về con người vào vấn đề xây dựng con người việt nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (Trang 25 - 29)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Vai trò con người trong lịch sử

Khi khẳng định con người là thực thể sinh vật – xã hội, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ đề cập đến mối quan hệ con người – tự nhiên – xã hội, mà còn tiến hành phân tích vị thế chủ thể, vai trò sáng tạo lịch sử của con người. Trong quan niệm của các ông, con người vừa là sản phẩm của lịch sử (tức sản phẩm của tự nhiên và xã hội), đồng thời là chủ thể sáng tạo ra chính quá trình lịch sử ấy.

Trước hết, “con người là sản phẩm của lịch sử” – sản phẩm của tự nhiên và xã hội, luận điểm này cho thấy con người là một bộ phận của tự nhiên, là sản phẩm của sự phát triển cao nhất của tự nhiên, gắn bó chặt chẽ với tự nhiên - thân thể vô cơ của nó. Thông qua hoạt động thực tiễn của mình, nhất là thực tiễn lao động sản xuất vật chất, con người biến thuộc tính tự nhiên của mình thành bản chất xã hội. Với tư cách là vật thể tự nhiên, con người tác động vào các vật thể tự nhiên khác, cải biến chúng và phục tùng các quy luật của chúng, để tạo ra “giới tự nhiên thứ hai” – tự nhiên – con người. Mối quan hệ tự nhiên – con người là mối quan hệ mang tính lịch sử - cụ thể, con người bằng hoạt động thực tiễn của mình, từng bước chinh phục tự nhiên nhằm phục vụ cho các nhu cầu của con người. Thông qua đó, con người tiến hành cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, đồng thời cải tạo chính bản thân con người. Ở đây, con người vừa là tiền đề, là chủ thể, đồng thời là kết quả của hoạt động của mình. Con người không chỉ sống trong môi trường tự nhiên, mà còn sống trong môi trường xã hội, bởi vì con người là con người xã hội, xã hội là xã hội của con người, hoạt động của con người là hoạt động xã hội. Tính quy định loài của con người, sức mạnh loài của nó làm cho nó trở thành một thực thể xã hội, mang lại tính xã hội cho nó. Cho nên, xem xét bản chất của con người, ngoài xem xét quan hệ giữa con người với tự nhiên, chúng ta còn phải xem xét mối quan hệ giữa con người với con người, trong các mối quan hệ hiện thực của con người. Sức mạnh bản chất của con người không thể thực hiện được nếu không tính đến bản chất xã hội của con người, đến quan hệ xã hội hiện thực của con người, và trong các quan hệ ấy thì “xã hội sản xuất ra con người như thế nào thì con người cũng sản xuất ra xã hội như thế”. Con người vừa là sản phảm của tự nhiên, vừa là sản phẩm của xã hội. Do vậy, con người luôn luôn có hai mặt không thể tách rời – mặt tự nhiên và mặt xã hội. Tự nhiên và xã hội trong mỗi con người gắn bó chặt chẽ với nhau. Yếu tố sinh học trong mỗi con người không phải tồn tại bên cạnh yếu tố xã hội, mà chúng hòa quyện vào nhau và tồn tại trong yếu tố xã hội. Bản chất tự nhiên của con người được chuyển vào bản tính xã hội của con người và được cải biến ở trong đó. Trong quan niệm của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lênin, con người không chỉ

là sản phẩm của lịch sử, con người còn là chủ thể của hoạt động sản xuất, chủ thể của hoạt động lịch sử, là kẻ sáng tạo ra lịch sử. Thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người tác động vào giới tự nhiên, tác động vào xã hội, qua đó con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình. Con người tồn tại trong tự nhiên, gắn bó chặt chẽ với giới tự nhiên, “giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người”. Khi khẳng định điều này, C. Mác nhấn mạnh: “như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của tự nhiên” [38; 135]. Như vậy, theo C. Mác, con người là một bộ phận không thể tách rời của giới tự nhiên và luôn tồn tại gắn liền với một điều kiện tự nhiên nhất định. Thế nhưng, con người tồn tại trong tự nhiên khác với những con vật khác, con người tồn tại với tư cách là chủ thể của quá trình hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân con người. Để tồn tại, con vật cũng phải kiếm sống, nhưng cách kiếm sống của chúng khác hẳn với hoạt động sản suất của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của mình. Về điểm này, C. Mác viết: “Cố nhiên, con vật cũng sản xuất. Nó xây dựng tổ, chỗ ở của nó, như con ong, con hải ly, con kiến... nhưng con vật chỉ sản xuất cái mà bản thân nó hoặc con nó trực tiếp cần đến, nó sản xuất một cách phiến diện, trong khi con người sản xuất một cách toàn diện. Con vật chỉ sản xuất và bị chi phối bởi nhu cầu thể xác trực tiếp, còn con người sản xuất ngay cả khi không bị nhu cầu đó ràng buộc” [38; 137] và, “con vật chỉ sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên”. Không những thế con vật chỉ sản xuất nhằm giải quyết những nhu cầu vật chất, con người sản xuất ngoài việc giải quyết nhu cầu vật chất còn nhằm giải quyết những nhu cầu tinh thần. Do đó, theo C. Mác: “con vật chỉ xây dựng theo kích thước và nhu cầu loài của nó, còn con người có thể sản xuất theo kích thước của bất kỳ loài nào và ở đâu cũng biết vận dụng bản chất cố hữu của mình vào đối tượng, do đó con người cũng xây dựng theo quy luật của cái đẹp” [38; 137]

Trong quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin, con người không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất vật chất, mà con người còn là chủ thể của hoạt động lịch sử, là kẻ sáng tạo ra lịch sử. Bởi vì, lịch sử là lịch sử của con người, do con người, vì con người. Con người là điểm khởi đầu, là trung tâm và là điểm kết thúc của mọi sự kiện chính trị xã hội. Khi xem xét vị thế của con người trong tiến trình phát triển lịch sử nhân loại, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, tiến trình phát triển lịch sử của nhân loại suy cho cùng, nó được quy định bởi tiến tiến trình phát triển của sản xuất, quy định bởi sự phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội, bao gồm con người và những tư liệu sản xuất với những công cụ lao động do con người sáng tạo ra để con người tác động vào tự nhiên, cải biến các dạng vật chất của tự nhiên, nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho con người. Sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, tự nó đã nói lên trình độ phát triển của xã hội, bởi lẽ, theo C. Mác: “nó là kết quả của nghị lực thực tiễn của con người”. Nghị lực thực tiễn này, đến lượt nó, lại bị quy định bởi những điều kiện sinh tồn của con người, bởi “một hình thức xã hội đã tồn tại trước khi có những lực lượng sản xuất ấy”. Mỗi thế hệ con người bao giờ cũng tiếp nhận được những lực lượng sản xuất do thế hệ trước tạo ra và sử dụng chúng làm phương tiện cho hoạt động sản xuất mới. Nhờ sự chuyển giao lực lượng sản xuất ấy mà con người đã “hình thành nên mối liên hệ trong lịch sử loài người, hình thành nên lịch sử loài người” [52; 515-516].

Khi giải thích sự vận động của lịch sử nhân loại, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin luôn nhấn mạnh, đó là lịch sử của con người, do con người làm ra. Trong mọi hoàn cảnh, các cá nhân bao giờ cũng xuất phát từ bản thân. Do vậy, đối với các ông, con người vừa được coi vừa là những tác giả, vừa là những diễn viên của lịch sử của bản thân họ. Lịch sử xã hội của con người, - C. Mác khẳng định, - “luôn chỉ là lịch sử của sự phát triển cá nhân của những con người” [34; 658]. Qua các đoạn trích dẫn trên cho thấy, trong quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin, hiện thực của xã hội, của sự vận động lịch sử là những con người, những cá nhân hiện thực với “những hoạt động vật chất và hoạt động cá nhân của họ”.

Luận điểm, “con người vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là chủ thể sáng tạo ra chính quá trình lịch sử ấy” còn cho thấy, con người làm nên lịch sử của mình. Đó là lịch sử của con người, do con người, vì con người, lịch sử của con người chính là những hoạt động do con người thực hiện, cùng với những biến cố được tạo nên bởi những điều kiện khách quan. Do vậy, con người vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, vừa là chủ thể của mọi sự biến đổi của hoàn cảnh.

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm của triết học mác lênin về con người vào vấn đề xây dựng con người việt nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (Trang 25 - 29)