6. Kết cấu của luận văn
3.2.1.2. Thực hiện “Tiêu chuẩn hóa, nhân văn hóa giáo dục – đào tạo”
Tiêu chuẩn hóa giáo dục - đào tạo là làm chuẩn hóa những yếu tố cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân, gồm : tiêu chuẩn hóa trường lớp học, tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tiêu chuẩn hóa nội dung, chương trình và phương pháp dạy và học, tiêu chuẩn hóa đầu vào và đầu ra của giáo dục đào tạo theo quy định của Bộ giáo dục – đào tạo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này chúng ta cần phải:
- Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư vào việc xây dựng tiêu chuẩn hóa trường lớp học cho khang trang, hiện đại; đồng thời trang bị đầy đủ các đồ dùng, phương tiện, các điều kiện vật chất phục vụ cho quá trình dạy và học.
- Nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa đạt chuẩn ở các cấp học bằng cách đào tạo và đào tạo lại; có chính sách định kỳ hàng năm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với tất cả các giáo viên, giảng viên ở các cấp học.
- Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục – đào tạo.
- Đổi mới toàn diện và làm chuẩn hóa chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục – đào tạo. Chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo phải phù hợp, đáp ứng yêu cầu của từng lứa tuổi học sinh, sinh viên, với từng cấp học và từng bậc học theo một tiêu chí nhất quán và khoa học. Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục – đào tạo phải bám sát theo những yêu cầu thay đổi của thực tiễn và xu thế của thời đại
Dân chủ hóa giáo dục – đào tạo là Nhà nước phải đảm bảo cho mọi người dân có cơ hội học tập, có được một nghề nghiệp xứng đáng để họ có thể có được một việc làm ổn định, có điều kiện cống hiến và hưởng thụ theo năng lực của mình; có được sự bình đẳng về cơ hội học tập, bởi vì, một xã hội càng có nhiều người được học tập và có nhiều cơ hội học tập thì sức mạnh của xã hội được nhân lên. Dân chủ hóa giáo dục – đào tạo là một động lực quan trọng thúc đẩy tính năng động, năng lực sáng tạo, tính tích cực xã hội của cả chủ thể và khách thể giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.
Nhân văn hóa giáo dục – đào tạo là phải hướng tới việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho người được giáo dục – đào tạo, làm sao để cho họ có một nhân cách phát triển toàn diện. Một con người phát triển toàn diện về tất cả các mặt Đức – Trí - Thể - Mỹ, đó là những con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức. Điều đó đòi hỏi giáo dục – đạo đức cần phải :
- Trang bị cho người được giáo dục – đào tạo không chỉ kiến thức khoa học, trình độ học vấn, mà cần phải trang bị hàng loạt các phẩm chất khác cần thiết ở con người.
- Phải làm cho người được giáo dục, đào tạo có được niềm tin trên cơ sở hiểu biết, nhờ đó họ có tinh thần phê phán, biết tôn trọng sự thật và chân lý, có quan niệm đúng về lẽ sống, về các chuẩn mực đạo đức, các giá trị thẩm mỹ, biết tôn trọng những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.
- Trang bị cho người được giáo dục – đào tạo một phương pháp tư duy khoa học, biết kết hợp giữa truyền thống với hiện đại và về những định hướng giá trị mà con người cần hướng tới để tự hoàn thiện mình.
3.2.1.3. Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hiện đại hóa giáo dục – đào tạo
Trong thời đại ngày nay, khi khoa học – công nghệ và nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giáo dục – đào tạo của nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Bước sang thế kỷ XXI, hầu hết các nước trên thế giới đang điều chỉnh chính sách, mô hình, hệ thống giáo dục trong một nền kinh tế mở linh hoạt, hiện đại, liên thông. Nếu chúng ta không có được những chủ trương, chính sách phù hợp, không đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hiện đại hóa giáo dục – đào tạo, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ, ngày càng tụt hậu so với các nước tiên tiến. Do vậy, cần phải có những nhận thức mới, quan điểm mới về giáo dục – đào tạo để từ đó xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hiện đại hóa giáo dục – đào tạo.
Mặc dù thời gian qua Đảng ta đã có những quan điểm, chủ trương, chính sách đúng đắn về giáo dục – đào tạo, lãnh đạo thành công sự nghiệp cải tổ, đổi mới, đã đổi mới từ tư duy, quan điểm cho đến cơ chế, chính sách, pháp luật…, làm cho nền kinh tế nước ta phát triển, tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi các quan điểm giáo dục – đào tạo của Đảng còn phải gắn kết hơn nữa với tư duy đổi mới kinh tế, phải thể hiện ra bằng một hệ thống chính sách luật pháp trong giáo dục – đào tạo phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát triển giáo dục – đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh. Cơ chế hoạt động giáo dục – đào tạo phải dựa trên quan hệ cung – cầu, hoạt động không vì lợi nhuận và do nhà nước thống nhất quản lý.
Thực hiện công bằng trong giáo dục – đào tạo, tạo điều kiện để ai cũng được học, mọi người dân học tập thường xuyên, học suốt đời. Giáo dục – đào
tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, do đó, gia đình, nhà trường và xã hội đều có trách nhiệm chăm lo cho giáo dục – đào tạo.
Những thay đổi về nhận thức, quan điểm như vậy về giáo dục – đào tạo là cơ sở để chúng ta xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ nhằm sớm hiện đại hóa giáo dục – đào tạo, như:
- Chính sách tạo môi trường cho việc học thường xuyên, học suốt đời - Chính sách đầu tư cho giáo dục – đào tạo
- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục – đào tạo
- Chính sách tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ… và các chính sách xã hội khác
- Chính sách công bằng trong giáo dục – đào tạo, v.v…
Con người là nhân tố giữ vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế, xã hội. Sự thành công của các quốc gia trên thế giới chính là nhờ yếu tố con người được đào tạo. Do vậy giáo dục – đào tạo con người luôn là ưu tiên hàng đầu. Đối với nước ta, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì chìa khóa của sự thành công chính là giáo dục – đào tạo, giáo dục – đào tạo phải đi trước một bước, chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, sớm hiện đại hóa giáo dục – đào tạo ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.
Trong thời đại ngày nay, các nước đang có những cải cách giáo dục – đào tạo, hợp tác quốc tế để nhanh chóng tiếp cận với nền giáo dục – đào tạo hiện đại. Hợp tác quốc tế bằng nhiều hình thức đa dạng, bằng nhiều loại hình khác nhau, bằng liên kết đào tạo theo những chương trình chuẩn quốc gia, quốc tế… Chúng ta có thể vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm của các nước đi trước để nhanh chóng hiện đại hóa giáo dục – đào tạo nước nhà bằng nhiều cách :
- Gửi học sinh, sinh viên đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài để tiếp cận với nền tri thức tiên tiến của thế giới.
- Cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm của các nước về mô hình, nội dung giáo dục – đào tạo…
- Tạo điều kiện cho những giáo viên, giảng viên Việt Nam có năng lực giảng dạy ở các trường, viện ở nước ngoài để học tập kinh nghiệm ứng dụng vào nước ta.
- Thu hút Việt kiều, các nhà khoa học có năng lực, các chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, xây dựng chương trình, nội dung giáo dục – đào tạo các chuyên ngành mới hoặc hiện đại hóa các chương trình đang có.
- Hoàn chỉnh hệ thống giáo dục – đào tạo quốc dân thống nhất và hiện đại.