Nếu như nói quan sát thiên văn là công việc của các nhà thiên văn học và là sở thích của những người đam mê thiên văn thì trận mưa sao băng vào giữa tháng 11 năm 2001 đã khơi dậy hứng thú quan sát thiên văn của rất nhiều người. Hôm đó có biết bao người trên Trái Đất này ngước mắt nhìn lên bầu trời ngắm nhìn trận mưa sao băng trong sự thích thú.
Ban đêm, trên bầu trời thỉnh thoáng lại loé sáng, tiếp đó một vật sáng trắng hình thành cánh cung rạch ngang bầu trời và biến đi rất nhanh. Những người chứng kiến thốt lên: "Sao băng". Truyền thuyết của Trung Quốc và một số nước châu Á đều thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ về sao băng. Trong đó, truyền thuyết phổ biến nhất cho rằng: mỗi người sống trên Trái Đất tương ứng với một vì sao trên trời. Khi người nào chết, vì sao tương ứng với người đó sẽ rơi xuống đất.
Cách đặt vấn đề như vậy rõ ràng không có cơ sở khoa học. Theo thống kê, trên Trái Đất hiện có hơn 5 tỷ người đang sống, trong khi đó tổng số các vì sao trên trời kể cả những vì sao mắt thường không nhìn thấy là hơn 100 tỷ. Hơn nữa, nếu nói sao băng là sao rơi xuống đất cũng không đúng. Các vì sao dày đặc trên bầu trời mà chúng ta nhìn thấy, trừ mấy hành tinh anh em gần Trái Đất, còn lại đều là những thiên thể khổng lồ tương đương với Mặt Trời. Vì chúng cách Trái Đất quá xa, rất ít có khả năng va chạm với Trái Đất. Bởi vậy trong lịch sử của loài người chưa bao giờ xảy ra hiện tượng các vì sao "rơi xuống" Trái Đất.
Vậy “sao băng" là gì? Giải thích một cách khoa học, sao băng là hiện tượng một loại vật chất vũ trụ bay vào tầng khí quyển của Trái Đất bị cọ xát và phát sáng. Trong khoảng không gian vũ trụ, ngoài các hành tinh còn có các loại vật chất vũ trụ khác, cũng giống như ở đại dương ngoài cá; tôm, nghêu sò còn có các loại sinh vật nhỏ khác. Trong số vật chất vũ trụ đó, loại nhỏ như hạt bụi, loại lớn như trái núi, chúng vận hành theo tốc độ và quỹ đạo riêng. Bản thân chúng không tự phát sáng. Đôi khi chúng bay thẳng về phía Trái Đất với tốc độ rất nhanh, từ 10 km tới 70-80 km/giây, nhanh gấp nhiều lần máy bay nhanh nhất hiện nay. Nhưng khi bay vào khí quyển Trái Đất với tốc độ nhanh như vậy. Chúng cọ xát với các phần tử của khí quyển khiến không khí bị đốt nóng tới mấy nghìn độ, thậm chí mấy vạn độ, bản thân của vật chất vũ trụ cũng bị đốt cháy và phát sáng. Nhưng chúng không cháy hết ngay mà cháy dần dần theo quá trình chuyển động, tạo thành vật chất sáng hình vòng cung mà ta nhìn thấy. Có trường hợp vật chất vũ trụ quá lớn không kịp cháy hết và rơi xuống Trái Đất, người ta gọi chúng là các thiên thạch. Do mật độ khí quyển dày đặc nên rất ít khi có thiên thạch rơi xuống mặt đất, mà thường cháy kiệt trên đường đi. Cấu tạo của thiên thạch chủ yếu gồm sắt, niken, hoặc toàn là đá. Có người cho rằng chúng có chứa những nguyên tố mà Trái Đất không có. Có những sao băng chỉ là các vị khách qua đường. Chúng sượt ngang bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ cực lớn rồi lại tiếp tục hành trình vào vũ trụ xa xăm.