Phần lớn các sao Chổi đều quay quanh Mặt Trời theo các quỹ đạo hình elip dẹt, người ta gọi chúng là loại sao Chổi chu kỳ. Cứ cách một thời gian nhất định, chúng lại vận hành tới quỹ đạo tương đối gần Mặt Trời và Trái Đất nên chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy chúng. Chu kỳ quay quanh Mặt Trời của các sao Chổi rất khác nhau. Sao Chổi Encke có chu kỳ ngắn nhất là 3,3 năm, tức là cứ cách 3,3 năm ta lại nhìn thấy nó một lần. Từ năm 1786, phát hiện ra sao Chổi Encke đến nay, nó đã xuất hiện 50 lần. Có những sao Chổi có chu kỳ quay dài hơn. Mấy chục, thậm chí mấy trăm năm mới nhìn thấy chúng một lần. Có những sao Chổi có chu kỳ quay dài tới mấy vạn năm, thậm chí
lâu hơn nữa. Những sao Chổi đó giống như "khách qua đường" xuất hiện một lần rồi không biết đến chân trời góc biển nào nữa. Sao Chổi sáng rực Hyakutate, được nhìn thấy từ Trái Đất năm 1996, có chu kỳ ước khoảng 10.000 năm.
Sao Chổi Halây, theo các ghi chép tìm thấy ở Trung Quốc thì từ năm 240 trước công nguyên đến năm 1910 thì nó đã xuất hiện 29 lần. Sao Chổi Halây chuyển động trên quĩ đạo hình elip với chu kì 76 năm. Như vậy người ta có thể dự đoán được khi nào thì sao Chổi Halây xuất hiện và theo tính toán thì đến năm 2061 nó lại xuất hiện lần nữa.
Bộ Giáo dục và Bộ khoa học Mĩ đã đưa ra kế hoạch 2061 tức là khi sao Chổi Halây xuất hiện sẽ tiến hành hàng loạt các nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật. Trong kế hoạch sẽ cần đến một khối lượng lớn các máy móc thiết bị hàng không, các máy thăm dò và hi vọng là sẽ có thể hạ cánh được lên sao Chổi Halây lấy được mẫu vật đem về nghiên cứu.