Không phải các sao Chổi đều có hình dạng giống nhau. Năm 1744, người ta phát hiện ra sao Chổi De Cheseaux có tới 6 đuôi tạo thành một góc rộng 44 độ giống như chiếc quạt giấy lớn trên bầu trời. Năm 1812, Đài Thiên văn Marseille ở Pháp phát hiện ra một sao Chổi lạ, thoạt đầu là một khối mây lớn, sau đó tỏa sáng nhấp nháy và cuối cùng lại biến thành một khối mây ở giữa có một khối tròn sáng mờ tỏa ra bốn phía. Đầu tháng 3 năm 1976 ở vùng Đông Bắc Trung Quốc xuất hiện một sao Chổi lạ có đuôi xoè rộng như đuôi chim công trắng, dân chúng từ đảo Hải Nam tới tỉnh Hắc Long Giang đều nhìn thấy.
Không một hành tinh nào trong hệ Mặt Trời có thể so sánh được với sao Chổi về mặt thể tích. Ví như sao Chổi Hallây nổi tiếng có đường kính vùng sợi chổi dài tới 570.000 km. Sao Chổi lớn nhất mà loài người ghi nhận được có đường kính vùng sợi chổi dài tới 18,5 triệu km và đuôi sao Chổi đó dài tới mấy trăm triệu km.
Nhưng sao Chổi chỉ là những khối khí loãng. Nếu ép thể khí của sao Chổi bằng mật độ khí quyển trên Trái Đất thì 8.000 mét khối thể khí trên đó vẫn chưa bằng mật độ 1 mét khối khí quyển trên Trái Đất. Nếu tiếp tục ép thể khí trên sao Chổi thành chất rắn như vỏ Trái Đất thì một sao Chổi khổng lồ e rằng không lớn hơn một quả đồi trên hành tinh chúng ta.
Trong vũ trụ bao la có rất nhiều sao Chổi nhưng tuyệt đại đa số đều có kích thước nhỏ. Chỉ có vài ba sao Chối lớn. Thời gian tồn tại của sao Chổi trong vũ trụ không lâu bền như các sao khác. Mỗi lần bay tới Mặt Trời, sao Chổi lại bị tổn hao khá nhiều, cứ vậy dần dần sao Chổi sẽ tan vỡ thành từng đám sao băng và bụi vũ trụ phân tán trong khoảng không mênh mông.