Xem ra, nhật thực xảy ra nhiều hơn nguyệt thực, vậy tại sao chúng ta thường có dịp quan sát nguyệt thực nhiều hơn?
Đúng vậy! Lý do là mỗi lần xảy ra nguyệt thực, nhân loại trên một nửa Trái Đất đều nhìn thấy, trong khi đó, mỗi lần xảy ra nhật thực, chỉ những người trong phạm vi bóng tối rất hẹp của Mặt Trăng mới nhìn thấy.
Trên Trái Đất, rất hiếm được khi chứng kiến nhật thực toàn phần. Ở một số miền trên Trái Đất, trung bình khoảng 200-300 năm mới nhìn thấy một lần nhật thực toàn phần.
Cũng cần nhớ rằng khi quan sát nhật thực, bạn phải nhìn qua tấm kính đã bôi đen, không nên nhìn trực tiếp bằng mắt thường. Nếu nhìn trực tiếp, mắt bạn sẽ giống như chiếc kính hội tụ ánh sáng Mặt Trời. Nhiệt năng của các tia Mặt Trời rất cao, sẽ gây ra bỏng, thậm chí mù mắt. Tuy nhiên, ở đúng thời điểm nhật thực toàn phần, bạn có thể quan sát hiện tượng kỳ vĩ này bằng mắt thường.
Làm thế nào để dự báo được nhật thực và nguyệt thực?
Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng gần như thẳng hàng còn nhật thực xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất gần như thẳng hàng.
Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời hết 1 năm còn Mặt Trăng quay quanh Trái Đất một vòng hết một tháng âm lịch. Ở trên Trái Đất ta lại nhìn thấy Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất theo một quỹ đạo là hoàng đạo, còn Mặt Trăng chuyển động theo quỹ đạo là bạch đạo. Nếu hai mặt phẳng hoàng đạo và bạch đạo trùng nhau thì nhật thực và nguyệt thực sẽ xảy ra liên tục. Nhưng chúng lại không trùng nhau, trên thiên cầu, chúng cắt nhau dưới một góc 5 độ 9 phút và cắt nhau tại hai giao điểm. Chỉ khi Mặt Trời và Mặt Trăng ở gần một trong hai giao điểm này thì bộ ba này mới có thể thẳng hàng hay gần như thẳng hàng, lúc đó mới có thể xảy ra nguyệt thực và nhật thực. Còn nếu cách xa hai giao điểm này thì khó có điều kiện để xảy ra nguyệt thực và nhật thực.
Hai giao điểm này thay đổi vị trí sau mỗi một chu kì chuyển động quanh Trái Đất nên đường thẳng nối hai giao điểm này đi qua tâm Trái Đất sẽ xoay dần sau mỗi chu kỳ chuyển động của Mặt Trăng và Mặt Trời quanh Trái Đất. Người ta tính rằng đường thẳng trên xoay một vòng.hết 6585 ngày 8 giờ. Tức là sau 6585 ngày 8 giờ thì hiện lượng nhật thực và nguyệt thực đã xảy ra sẽ lặp lại y như lần trước, chỉ khác là địa điểm nhìn thấy nó trên Trái Đất sẽ thay đổi.
Hiện nay lý thuyết chuyển động cửa Trái Đất và Mặt Trăng đã được tính toán rất chính xác. Các nhà thiên văn đã tính toán lại và dự báo tiếp những lần xảy ra nguyệt thực và nhật thực trong quá khứ cũng như trong tương lai. Như từ năm 1207 TCN đến 2161 sẽ có 8000 lần nhật thực, từ năm 2106 TCN đến 2163 có 5200 lần nguyệt thực.
Những con số trên cho thấy nhật thực hay xảy ra hơn nguyệt thực. Theo tính toán thì năm nhiều nhất là có 5 lần nhật thực và năm ít nhất là có 2 lần nhật thực và có năm không có nguyệt thực. Vậy tại sao trong chúng ta, ai cũng có cảm giác là nguyệt thực hay xảy ra hơn? Bởi vì mỗi khi nhật thực xảy ra thì chỉ một vùng nhỏ có thể nhìn thấy, còn khi nguyệt thực xảy ra thì cả bán cầu đêm của Trái Đất đều có thể nhìn thấy.
Con người đã thu được những gì nhờ quan sát Nhật thực và Nguyệt thực? Nguyệt thực?
Việc quan sát 2 hiện tượng này không chỉ giúp cho các nhà thiên văn tính toán được chính xác thời gian chúng xảy ra, bổ sung thêm chính xác vào lí thuyết chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất mà còn đem lại nhiều dữ liệu quan trọng trong nhiều vấn đề khác.
Như đã nói, tầng khí quyển của Mặt Trời gồm ba tầng: ngoài cùng là nhật hoa, giữa là quang cầu, trong là sắc cầu. Lượng vật chất của hai tầng trong rất loãng nên ánh sáng của chúng mờ nhạt đến nỗi ngày thường không thể nhìn thấy bởi chúng bị ánh sáng của tầng quang cầu che khuất
Ngoài ra, dùng kính viễn vọng Mặt Trời quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần, người ta có thể nghiên cứu thêm về các bức xạ vô tuyến, sự phân bố bức xạ vô tuyến, cấu trúc nguồn của bức xạ vô tuyến. Phần lớn các tư liệu về bức xạ vô tuyến Mặt Trời từ giữa thập kỉ 70 của thế kỉ 20 đến nay đều thu được từ việc quan sát nhật thực toàn phần.
Khi nhật thực xảy ra, Mặt Trời bị che khuất dần dần nên bức xạ Mặt Trời trên mặt đất cũng thay đổi, dẫn đến sự thay đổi của bầu khí quyển và điện tử trường của Trái Đất. Cũng trong lúc này, các nhà thiên văn mới có thể quan sát trực tiếp nhằm tìm kiếm thêm các thiên thể ở vùng không gian xung quanh Mặt Trời.
Mỗi lần nguyệt thực xảy ra, việc nghiên cứu sự biến đổi ánh sáng và màu sắc của Mặt Trăng khi bị che khuất giúp các nhà khoa học biết được cấu trúc hoá học trên thượng tầng khí quyển Trái Đất. Sự thay đổi nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trăng khi đó cũng giúp ta nghiên cứu được cấu tạo của lớp đất đá trên đó.
Cũng nhờ quan sát nhiều lần nguyệt thực mà nhà bác học Galile đã khẳng định rằng Trái Đất có hình cầu. Vì chỉ có vật hình cầu mới có cái bóng hình tròn trên Mặt Trăng trong bất kì lần nguyệt thực nào và ở bất kì nơi nào.