Trong “Ngũ luân” mục đích cao nhất trong việc giáo dục là tạo ra những con người đủ đức, đủ tài để ra làm quan giúp đời và để biết trật tự kỷ cương xã hội mà tuân theo. “Ngũ luân” cho rằng, điều quan trọng bậc nhất của tu thân là học tập, vì "muốn làm cho cái đức tính của mình sáng tỏ ra trong thiên hạ, trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình trước hết phải sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề, trước hết phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, trước hết phải giữ cho lòng dạ ngay thẳng, trước phải làm cho cái ý mình thành thật. Muốn cái ý mình thành thật, trước phải có cái tri thức thấu đáo. Muốn cho tri thức thấu đáo, ắt phải nghiên cứu sự
vật" (Đại học, Trung dung, 7). Đồng thời, các quan hệ trong gia đình cũng chứa đựng nhiều giá trị mà người dân Thừa Thiên Huế cần phải vận dụng trong quá trình giáo dục gia đình hiện nay.“Ngày nay, gần 80% dân số sống bằng nghề nông, dù có phát triển lên thị trấn hay thị tứ thì vẫn phố làng, con cái hay dở thế nào cũng dễ nhận thấy”[16;18]. Đa số dân cư Thừa Thiên Huế suốt đời quanh quẩn với gia đình, làng xóm, con cái nhà ai hay dở là tiếng đồn khắp đầu làng, cuối xóm. Gia đình nào có con hư hỏng, trộm cắp, cha mẹ không dám vác mặt ra đường, ra chốn đình trung, con cái nhà ai bị nhiếc móc là con nhà "vô gia giáo" đó là điều sỷ nhục. Cùng với phong trào khôi phục và xây dựng bản sắc dòng họ, gia tộc thì việc giáo dục gia đình "trong ấm - ngoài êm" giáo dục tình làng nghĩa xóm có ý nghĩa quan trọng trong phong trào xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay.
Hòa chung với nền giáo dục nước nhà, ở Thừa Thiên Huế, việc giáo dục trí, đức, thể, mỹ tạo nên trí tuệ cho mỗi một cấp học, bậc học từ trẻ mầm non cho đến giáo dục ở Đại học đều do vai trò của nhà trường đảm nhiệm[11;86]. “Ngũ luân” của Nho giáo đặt ra cho việc giáo dục gia đình theo: "Cha từ con khắc hiếu, anh rộng lượng em kính trọng"; "Có nên anh nên em trong nhà mới dạy được người trong nước"; "Nhà mình chẳng dạy được nhau mà dạy người ngoài là không có", (Đại học). Những khía cạnh đặt ra cho giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế ngày nay, trước hết là gương tốt, lao động sáng tạo về trí tuệ, tài năng, về thái độ chính trị đúng đắn của các người có uy tín trong xã hội,các bậc cha mẹ, anh chị có tác dụng giáo dục gương mẫu quan trọng đối với người Thừa Thiên Huế. Các thành viên trong gia đình có quan hệ gắn bó với nhau. Vợ có lỗi thì chồng bị trách cứ, con cái có lỗi thì cha mẹ bị trách cứ, em có lỗi thì anh cũng bị mắng. Người Thừa Thiên Huế có câu: "Con dại cái mang" là như vậy. Người Huế xưa cha được gọi là Nghiêm đường còn mẹ được gọi là Từ đường. Việc giáo dục gia đình được thực hiện bằng giáo dục tình cảm,
Nghiêm cha và Từ mẹ. Nghiêm cha nên con không dám làm bậy, Từ mẹ thương con nên không nỡ làm sai. Nhưng Nghiêm cha mà không có tình cảm thì con cái sợ cha mà dấu lỗi, Từ mẹ mà không biểu lộ tình cảm đúng mức mà con nhờn không biết lỗi, không nhận lỗi [5;129]. Nghiêm cha và Từ mẹ hòa hợp tốt đẹp, sẽ tạo thành tình cảm tự nhiên cho con cái hướng đến cái chân, cái thiện, cái mỹ, tạo nên nét riêng trong giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế.
“Ngũ luân” của Nho giáo cho rằng: Nhà nhà hòa mục, cả nước dấy lên hòa mục. Trong gia đình, nếu mỗi thành viên ai cũng nghĩ tới bản thân mình, lúc nào cũng so đo, tỵ nạnh thì làm sao diễn ra cảnh hòa mục, yên vui. Sự so đo tỵ nạnh này, chỉ có thể khắc phục bằng yêu thương, nhường nhịn, đùm bọc "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển", "Chị ngã, em nâng", trong tình cảm gia đình như thế có ý nghĩa thật thiêng liêng. Bởi thế, để tạo nên nếp sống gia đình người Thừa Thiên Huế thường cho rằng "Thuận vợ thuân chồng tát biển Đông cũng cạn" hay "Anh em hòa thuận, chân tay vui vầy", có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người hòa hiếu, hướng thiện bắt đầu từ trong giáo dục gia đình.
Do tính đặc thù của gia đìnhThừa Thiên Huế, mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất, nuôi dưỡng, dạy dỗ nên những con người, trong quan hệ giữa người với người, không phải là bình đẳng, dân chủ mà là uy quyền chặt chẽ, có trên có dưới tức là hình thành sẵn trong gia đình. Đồng thời môi trường này, quyền uy không phải biểu hiện ra bằng pháp chế, mà bằng tình nghĩa, bằng nêu gương. Trong mỗi gia đình, cha mẹ luôn nêu gương và luôn nhắc nhở con cái phải chấp hành đúng pháp luật thực hiện đầy đủ những quy ước của làng xóm, đường phố. Trong gia đình kính trên nhường dưới, kính già, yêu trẻ, đi thưa về gửi, ăn uống mời chào..., làm cho nghĩa tình gia đình, làng xóm được biểu đạt đẹp đẽ, ấy là gia đình lễ nhượng, cả nước dấy lên lễ nhượng.[1;18].
Trong việc giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế, chúng ta cần tiếp thu thái độ, tinh thần học tập và đề cao việc học của “Ngũ luân”. Đó là tinh thần "học không biết chán, dạykhông biết mỏi", học phải đi đôi với hành. Việc học tập phải được tiến hành trong cuộc đời của mỗi người. Có truyền thống hiếu học từ lâu đời người dân Thừa Thiên Huế cũng đề cao việc học. Muốn giáo dục gia đình thì các bậc cha mẹ ở Thừa Thiên Huế thường nhắc nhở con mình: "Nhân bất học bất tri lý" nghĩa là người mà không được học hành sẽ không hiểu biết gì và cũng không làm được việc gì cả. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ, đều lấy sự đỗ đạt của con cháu làm niềm tự hào. Vì vậy, dù khó khăn về kinh tế thì các gia đìnhThừa Thiên Huế vẫn cố gắng xoay xở cho các con đi học đại học. Có những gia đình chỉ làm nông nhưng vẫn nuôi ba, bốn người con đi học đại học cùng một lúc. Các bậc làm cha làm mẹ ở Thừa Thiên Huế cho rằng, dù vất vả đến mấy cũng cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, để sau này nở mày nở mặt với thiên hạ. Chính quan niệm về giáo dục gia đình của ngườiThừa Thiên Huế như vậy đã tạo ra truyền thống "tôn sư trọng đạo", "không thầy đố mày làm nên". Học trò luôn kính yêu, quý trọng, lễ phép với thầy nên ít xảy ra hành vi "lỗi đạo". Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề và người thầy giáo luôn được người dân quý trọng vì: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
Dù ở bất kỳ thời đại nào, người dân Thừa Thiên Huế cũng luôn coi trọng vấn đề giáo dục. Tuy nhiên, thực trạng việc giáo dục con người trong gia đình còn gặp phải hạn chế, Nho giáo đặc biệt đề cao quyền uy của người gia trưởng. Trong đó người gia trưởng là người hướng dẫn con em sống có nề nếp, giữ gìn trật tự trong gia đình, kỷ luật chặt chẽ, gia pháp nghiêm ngặt. Có thể nói bệnh gia trưởng ở Thừa Thiên Huế xuất phát từ sách lễ ký, ở thiên Tang phục tiểu ký có viết: "Biệt tử là tổ, người thừa kế biệt tử là tông, có tông trăm đời không đổi, có tông năm đời đã đổi. Biệt tử là con thứ, không được thừa kế chính thống nhưng hậu duệ tôn làm tổ. Dòng đích của biệt tử gọi là tông, không phải dòng đích nhưng lại thừa kế
cha mình nên gọi là tiểu tông. Từ đó tư tưởng gia trưởng của gia đình ngườiThừa Thiên Huế càng biểu hiện rõ nét. Gia đình, dòng tộc, gia tộc có nghĩa là một đại gia đình thì bệnh gia trưởng còn biểu hiện trầm trọng hơn. Trong các gia đình ở Thừa Thiên Huế thường dạy con theo chữ Lễ theo kiểu áp đặt, gò bó, không có môi trường cho sự sáng tạo phát triển. Ở trong gia đình ngườiThừa Thiên Huế chúng ta dễ dàng bắt gặp dạy con kiểu "cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư", hoặc là "Tre non dễ uốn, bé chẳng vững cành, cả gãy cành". Phương pháp giáo dục này thiên về sử dụng quyền gia trưởng, áp đặt một chiều. Cha mẹ ít quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của con mình, cách giáo dục nặng về chủ nghĩa vị kỷ gia đình. Đồng thời, phương pháp giáo dục của người Thừa Thiên Huế dễ tạo nên thói quen con cháu bắt chước ông bà, cha mẹ mình, tuân theo một chiều ý kiến không bàn cãi, theo khuôn sáo có sẵn, trì trệ ít phát huy được suy nghĩ độc lập trong những gia đình có bệnh gia trưởng.
Trách nhiệm của việc xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế là mỗi gia đình cần chú trọng việc nuôi dạy, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người con ngoan, trò giỏi. Có đủ phẩm chất năng lực là nhân tố quyết định cho sự thành công của Thừa Thiên Huế trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời góp phần đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.