“Ngũ luân” vẫn còn nhiều ảnh hưởng đến đời sống gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Nếp sống gia đình là "cách tổ chức cuộc sống, sinh hoạt ổn định của các thành viên trong gia đình, bao gồm cả hoạt động nghề nghiệp, vui chơi, giải trí, giáo dục con cái ăn, ngủ cũng như những ngày lễ tết. Đó là toàn bộ sự phân công thực hiện các nhiệm vụ khác nhau giữa các thành viên nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mỗi một gia đình"[5;57].Theo tiến trình của sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, thiết chế gia đình ở Thừa Thiên Huế đang có sự chuyển biến từ truyền thống sang hiện đại. Đảng ta khẳngđịnh: “Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải có môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam” [31;77].
Trong xã hội thì vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, bạn bè phải quý trọng nhau. Trong gia đình thì chồng ra chồng, vợ ra vợ, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em. Chồng vợ phải hòa thuận, "phu xướng phụ tùy"; là cha thì phải hiền từ, biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con cái học tập. Ngược lại phận làm con phải ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đã là anh em thì phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau; là anh chị phải biết nhường nhịn, là em phải biết nghe lời, lễ
phép... Những yêu cầu đạo đức, những quy tắc xử sự như vậy đã tạo nên nếp sống trong gia đình.Gia đình truyền thống ở Thừa Thiên Huế là mẫu gia đình phổ biến có ba thế hệ cùng chung sống dưới một nếp nhà. Tính nề nếp, gia phong trong quá khứ vẫn tồn tại một cách bền vững trước những biến đổi ngoài xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng nếp sống gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là nền tảng để nối kết các thành viên trong gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình vững mạnh, hạnh phúc tiến tới xây dựng một xã hội ổn định và phát triển[10;152].
Để xây dựng gia đình văn hóa, tổ văn hóa,“Ngũ luân” chủ trương, dùng các quan hệ để thể chế, ràng buộc các cá nhân, làm cho mỗi thành viên theo đó mà cư xử, tự kiềm chế không xảy ra xích mích trong gia đình. Theo “Ngũ luân” trong gia đình phải có người chủ, người trên, người dưới. Các mối quan hệ: cha - con, chồng - vợ, anh - em được quy định trên dưới rõ ràng và đặt ra nghĩa vụ người dưới phải nghe theo lời người trên để làm cho gia đình có thứ bậc, có trật tự chặt chẽ.Do sự ảnh hưởng của “Ngũ luân”, nên trong nếp sống người dân Thừa Thiên Huế có đặc trưng nổi bật là trong quan hệ ứng xử, ngườiThừa Thiên Huế rất nhạy cảm với cảnh sướng khổ, vui buồn của người xung quanh. Vì vậy, họ luôn sẵn sàng chia sẻ với người khác, chữ "tâm" là cái gốc để hình thành nên lối ứng xử như vậy của ngườiThừa Thiên Huế. Từ cái "tâm" con người chứa đựng tất cả tình yêu thương, sự bao dung, lòng nhân ái, vị tha. Tinh thần lá lành đùm lá rách được đề cao, hàng xóm láng giềng quan tâm giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn. Theo nếp sống văn hóa gia đình Thừa Thiên Huế, thì nếu "trong nhà có chuyện gì sai trái thì đóng cửa bảo nhau chứ đừng đem ra nói với người ngoài". Họ thường đề cao trách nhiệm với gia đình hơn hạnh phúc riêng tư cá nhân. Từ "tình" mà thành "nghĩa" đã tạo nên ý thức trách nhiệm của mọi người trong gia đình.
Với bản chất hiền lành, bình dị của mình, người Thừa Thiên Huế đánh giá cao sự hồn nhiên, sự tế nhị, dịu dàng và sâu sắc trong tính tình, trong giao tiếp. Họ rất khó chịu về sự khiếm nhã, suồng sã, thô bạo, gian dối. Chỉ một sự dửng dưng, lạnh nhạt, khách sáo, giả tạo cũng làm phiền lòng những con người vốn nhạy cảm ấy. Nhưng, sự phiền lòng nhiều khi cũng rất kín đáo hay là sự biểu lộ rất nhẹ nhàng, đặc biệt là từ "dạ" - một từ thể hiện sự khiêm tốn của người Thừa Thiên Huế. Thâm trầm, trầm tĩnh, trầm lắng là phong cách đặc biệt của con người Thừa Thiên Huế, từ đó cũng tạo nên nếp sống đặc biệt trong gia đình của Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cũng tạo ra lối sống của con người Thừa Thiên Huế là lối sống trọng lễ nghi trong gia đình, cung kính, nhường nhịn nhau trong xã hội. tức là cách biểu đạt lòng yêu thương, sự hòa mục, thái độ tôn kính, thương yêu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và xã hội. Từ những chuyện bình dị nhất trong cuộc sống như rót một chén nước, xới một bát cơm, thăm hỏi mọi người quen, lúc đi đứng, nói chuyện với nhau..., cũng kèm theo nghi thức thể hiện tình cảm chu đáo, trên dưới phân minh.
Theo “Ngũ luân” thì quan hệ chồng - vợ, là tiêu chuẩn, là chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ giữa chồng và vợ trong gia đình. Chồng vợ phải thương yêu và có trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, trong “Ngũ luân” nói riêng và Nho giáo nói chung người phụ nữ được đánh giá thấp hơn so với nam giới. Đây chính là điều làm cho vai trò người chồng, người con trưởng trong gia đình trở thành quan trọng và có ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình ngày nay.
Quan hệ chồng - vợ trong “Ngũ luân” đã có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ làm cho gia đìnhở Thừa Thiên Huế có cấu trúc vững chắc, có trên dưới rạch ròi tạo ra một gia đình hòa thuận,có trật tự, tôn ti tuyệt đối. Từ việc thiết lập các mối quan hệ trong gia đình có tôn ti trật tự, người đàn ông là chủ gia đình chịu trách nhiệm về mọi người trong gia đình với làng, với nước, đồng thời chịu trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với gia
đình mình. Đó là cơ sở tạo nên sự vững chắc trong kết cấu gia đình ở Thừa Thiên Huế. Bên cạnh vai trò của người chồng, người cha trong gia đình thì vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình ở Thừa Thiên Huế cũng được quan tâm đúng mức. Bởi, con người Thừa Thiên Huế quan niệm rằng người đàn ông phải gánh vác những công việc lớn lao ngoài xã hội những việc nhỏ nhặt thuộc về "bếp núc" là việc riêng của người phụ nữ. Đồng thời, quan hệ chồng - vợ, còn ràng buộc người phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân. Bởi “Ngũ luân” xem việc dựng vợ gả chồng cho con là việc hệ trọng, nó không chỉ liên quan đến hạnh phúc của con mà còn liên quan tới hạnh phúc của cả gia đình. Hôn nhân với nhiều nghi lễ, không chỉ làm cho việc lấy vợ, lấy chồng trở thành nghiêm trang, trọng thể mà còn nhằm giáo dục cho chồng vợ sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhờ vậy, "dù ở bất cứ loại hình nào, gia đình Thừa Thiên Huế tồn tại khá vững chắc, ít có trường hợp ly hôn, ly thân, ly dị. Các thành viên thường luôn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau tạo nên mái ấm gia đình có nề nếp, văn hóa...., tạo nên truyền thống riêng. Do các quan niệm cổ truyền như "đông con là nhà có phúc"..., nên gia đình thường có nhiều thành viên chung sống với nhau "Tam đại đồng đường", "Tứ đại đồng đường". Việc xây dựng nếp sống gia đình trên nền tảng coi trọng tổ tiên, coi trọng tình nghĩa là những chuẩn mực của gia đình truyền thống được giữ gìn, phát huy và khẳng định nó như những chuẩn mực giá trị chính cho các thành viên trong gia đình Thừa Thiên Huế hiện đại.
Tuy nhiên, thực trạng xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, như tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong nhận thức của con người. Quan hệ chồng - vợ được xem là chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình với nhau. Vợ phải yêu thương, chăm sóc, thủy chung, và có trách nhiệm với chồng. Tuy nhiên, địa vị xã hội và vai trò của người phụ nữ được nhìn nhận và đánh giá thấp hơn người đàn ông. Thậm chí tư tưởng
này còn đặt tình nghĩa anh em cao hơn tình nghĩa của chồng vợ. Phụ nữ là tầng lớp đã chịu nhiều thiệt thòi do chế độ hà khắc trong xã hội và gia đình gây nên. Phụ nữ không bao giờ là người chủ gia đình bởi họ bị buộc chặt với "Tam tòng" không thể thoát ra được: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" và người phụ nữ còn bị bủa vây bởi lưới của "Tứ đức" gồm Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Như vậy, người phụ nữ chỉ biết chịu sự sai khiến của chồng và gia đình bên chồng. Không những thế phụ nữ còn phải biết "vâng dạ", "tùy" và "tòng" theo người đàn ông suốt đời cho dù người đó là cha, chồng, hay là con trai mình. Nếu như chồng mất thì người phụ nữ phải giữ gìn danh tiết, còn đối với đàn ông thì họ tự cho mình cái quyền năm thê bảy thiếp và tiết liệt của họ cũng chẳng có gì để mà giữ gìn. Việc giáo dục đạo lý Tứ đức cho người phụ nữ không phải để tôn vinh đức tính cao đẹp của người phụ nữ mà để phục vụ Tam tòng và cột chặt người phụ nữ với gia đình. Làm cho phụ nữ tự kiềm chế và tước bỏ ham muốn cá nhân, chịu giáo dục để vâng lời, để hy sinh vì chồng con, vì gia đình nhà chồng. Phụ nữ dưới con mắt của các nhà Nho quả là không có nhân cách độc lập, chỉ thấy và chỉ biết khai thác vai trò của người phụ nữ trong gia đình mà chưa thấy hay cố tình không thấy vai trò của người phụ nữ ở trong xã hội. Nhà với nam giới là gốc của nước và thiên hạ thì đối với phụ nữ là ngục tối âm u, cách ly họ với xã hội bên ngoài. Rõ ràng đó là một thứ đạo đức lạc hậu, nó "Như người ngược đầu xuống đất, chân chổng lên trời"[23;320].
Ở Thừa Thiên Huế người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ sinh con đẻ cái và chăm lo chuyện bếp núc để phục vụ chồng con. Trong việc sinh con đẻ cái: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Do tư tưởng trọng nam khinh nữ mà nhiều gia đình cố sinh cho được người con trai để nối dõi tông đường, để làm đích tôn cho dòng họ. Ở Thừa Thiên Huế người dân thường sử dụng từ "vô hậu" để chỉ những gia đình không có con trai. Điều đó cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ biểu hiện trong cuộc sống hàng
ngày và có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay.
Ngày nay, tuy các phong trào vận động, tuyên truyền cũng được tổ chức thường xuyên nhưng sự phân biệt, đối xử giữa nam và nữ là một thực tế không thể phủ nhận được. Trong gia đình người đàn ông là trụ cột còn vai trò của người phụ nữ rất mờ nhạt. Đặc biệt một số huyện vùng núi như Nam Đông, A Luới, một số huyện ven biển như Phú Lộc, Quảng Điền... tư tưởng này còn ảnh hưởng khá nặng nề.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ở Thừa Thiên Huế tư tưởng trọng nam khinh nữ đã trở thành lực cản đối với người phụ nữ. Nếu phong trào xây dựng gia đình văn hóa chưa xóa bỏ được tư tưởng này thì chưa thể tạo cơ sở để người phụ nữ phát huy khả năng thúc đẩy sản xuất và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Điều đó tạo ra tâm lý tự ti, không dám thể hiện, thậm chí còn là sự khúm núm, sợ sệt của nhiều phụ nữ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn kéo theo nhiều hậu quả khác của xã hội như: Sự mất cân bằng dân số, nạn nạo phá thai, mâu thuẫn, bất hòa trong đời sống hôn nhân - gia đình dẫn đến tình trạng ly hôn. Bởi vậy, công tác giải phóng phụ nữ là rất quan trọng và trở nên cấp thiết để xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay.