Quan hệ ch a con

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của “Ngũ luân” trong triết học Nho giáo đến xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay (Trang 25 - 30)

Quan hệ cha và con là quan hệ tình cảm và nghĩa vụ sâu nặng bậc nhất, là một trong ba mối quan hệ cơ bản của con người trong gia đình. Để duy trì mối quan hệ cha - con duy trì tôn ti trật tự trong gia đình, củng cố trật tự kỷ cương, ổn định xã hội và ràng buộc trách nhiệm giữa con người với nhau, Nho giáo đưa ra hai chuẩn mực đạo đức là Từ và Hiếu. Đức từ (đối với con) cũng chính là để sai khiến chúng dân. Đức hiếu (đối với cha) cũng chính là để thờ vua. Nho giáo đề cao đức hiếu đức từ nhằm duy trì vĩnh viễn chế độ tông pháp chủ yếu là sự thống trị của nhà vua, của kẻ thống trị. Đối với cha, sinh con ra thì phải yêu thương, giáo dục và nuôi dưỡng con nên người. Khi con còn nhỏ phải có nghĩa vụ chăm sóc con khôn lớn, khi con trưởng thành phải biết dạy dỗ uốn nắn và làm gương cho con để con biết đạo làm người, biết trung với vua, biết hiếu với cha, biết kính với người trên, biết đễ với anh em, biết tin với bạn bè, biết thấy việc nghĩa thì phải làm, phải biết che chở bảo vệ cho con, sẵn sàng bao che cho con khỏi phải tội lỗi.

Trong quan hệ cha con thì người làm con phải có đức hiếu để thờ cha, yêu thương cha, phụng dưỡng cha phải có sự kính cẩn, ngoài việc giữ gìn thân thể mình khỏi ốm đau, bệnh tật và khỏe mạnh thì phải chăm sóc,

kính trọng cha, đề cao vai trò của người cha, cha là bề trên của con, sinh ra con, nhấn mạnh đức hiếu là nhấn mạnh trách nhiệm của con đối với cha, phải nuôi được cha. Trong các việc phụng sự thì phụng sự cha là trọng đại hơn hết, là gốc vậy.

Người con có hiếu là người con có ý thức đầy đủ về tình cảm và bổn phận của mình đối với cha, biết ơn công sinh thành, chăm sóc và nuôi dưỡng của cha. Nuôi cha với lòng thành kính, chỉ nuôi cha mà không kính trọng thì không phải là hiếu. Vậy muốn nuôi cha là cốt ở lòng thành kính, dẫu có ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho cha vui vẻ cũng sẵn lòng “Xuyến thúc ẩm thủy, tận kì hoan, tư chi vị hiếu” [18;141].

Hiếu với cha còn là việc đem cả thiên hạ ra mà phụng dưỡng cha. Mạnh Tử viết: “chỗ chí hiếu của con người, không gì lớn bằng làm cha được tôn trọng; chỗ làm cho cha được tôn trọng chí cực, không gì bằng đem cả thiên hạ mà phụng dưỡng cha” [14;89]. Nho giáo cho rằng “Hiếu cao nhất đối với cha là làm cho cha được tôn trọng; không làm nhục đến cha là bậc hiếu thứ hai; có thể nuôi được cha là bậc hiếu cuối cùng”, “đại hiếu tôn thân kỳ thứ phất phục, kỳ hạ năng dưỡng”[18;141].

Hiếu không những nuôi cha với lòng thành kính mà hiếu với cha còn là không làm cho cha phải lo buồn, tủi hổ. Khi cha còn sống, phận làm con không bao giờ làm điều gì sai trái để cho cha phải lo buồn, tủi hổ. Không đi chơi xa để cha mẹ lo lắng, có đi xa thì phải báo trước nơi cần đến để cha biết, nhỡ có việc đối với cha thì còn biết chỗ mà tìm, “phụ mẫu tại, bất viễn du, du bất hữu phương” [14;140]. Đó là lòng người con đối với cha mình, suốt đời yêu kính cha.

Con hiếu với cha là không làm điều gì phiền lụy đến cha, không ham mê sắc đẹp khiến cho cha phải xấu hổ với hàng xóm láng giềng, không làm những việc sai trái, phạm pháp liên lụy đến cha. Mạnh tử đã nêu ra 5 điều bất hiếu khiến cha buồn lòng: lười biếng chân tay; không suy nghĩ đến phụng dưỡng; ham đánh cờ bạc, uống rượu không nghĩ đến phụng sự; theo

sự ham muốn của tai mắt để hổ nhục cho cha; hay hung đánh nhau để nguy hiểm cho cha, “Nọa kỳ tứ chi, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, nhất bất hiếu giã. Bác, dịch, háo ẩm tửu, bất cố phụ mẫu chi đường nhị bất hiếu dã. Háo dung, đấu ngận, dĩ nguy phụ mẫu, ngũ bất hiếu giã” [14;64-67].

Hiếu còn là trước mắt cha dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ nét mặt vui tươi, việc đối xử với cha như việc lo cho cha, làm việc thay cho cha cũng không khó, còn việc chăm sóc cho cha khi ốm đau bệnh tật một cách chu toàn mới là việc khó làm và khó làm tốt. Duy chỉ có việc khó nhất là trước mặt cha dù có bất kỳ tình huống nào cũng giữ nét mặt vui vẻ. Đối xử với cha không có sự quan tâm từ đáy lòng thì không gọi là hiếu. Hiếu chân chính là trước mặt cha luôn giữ nét mặt vui tươi, chân thành từ nội tâm biểu hiện ra bên ngoài hoàn toàn thống nhất với nhau, không để cho cha phải ưu tư phiền muộn. “Sắc nan, hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu, tu tiên sanh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?” [14;59]. Trước mặt cha không được nói mình đã già. Con cái phải biết tuổi của cha mình, trước là để mừng cha được trường thọ, sau là dự phòng những chuyện đau ốm, chẳng may có thể xảy ra với cha mình.

Hiếu đối với cha là lấy lễ mà thờ cha. Hiếu là không làm điều trái lễ, phải biết phân biệt cái đúng thì theo, cái sai thì tránh. Khi cha còn sống thì con cái phải đối xử với cha theo lễ, khi cha chết cũng phải cho đúng lễ. Nhưng đúng lễ tức là vừa phải hợp lý, không thái quá cũng không bất cập. Con nên lấy lễ mà thờ cha nhưng không phải cha làm bất cứ việc gì trái đạo con cũng theo. Phụng dưỡng cha phải nhẹ nhàng khuyên giải, can ngăn khi cha có làm việc gì sai trái. Nếu khuyên can mà cha không nghe thì vẫn phải cung kính, không được trái lễ, dẫu cha có giận mà đánh mình chảy máu thì cũng không oán giận mà phải tìm cách lựa lời nói cho cha biết mà sửa đổi lại. Việc giữ gìn danh tiết của cha là bổn phận của con có hiếu vậy. “Phụ cơ gián, kiên chí bất tòng, hựu kính bất vi; lao nhi bất oán” [14;139].

Khổng Tử phản đối việc cha làm gì con cũng theo. Nếu cha làm điều trái lễ thì con phải hết sức can ngăn để cha không bị mắc lỗi nữa. Nhưng can ngăn phải hợp lễ. Hiếu thật sự không phải là lễ. Làm con có hiếu là phải biết nối được cái chí của cha, khéo nói được việc làm của cha, biết phân biệt phải trái, cái gì hay thì theo, cái gì dở thì bỏ chứ không làm theo cha một cách vô điều kiện “phụ hiếu giả, thiện kế nhơn chi chí, thiện thuật nhơn chi sự giả giã” [10; 64]. Hiếu của kẻ làm con là khi cha mình còn sống nên xem xét chí hướng, ý tứ của cha mình, nếu tốt lành chính đáng thì theo. Khi cha qua đời, mình nên xem xét những việc làm của cha, nếu đúng thì mình làm theo. Cha mất trong 3 năm mà mình không thay đổi cái đạo của cha, thì đó mới gọi là con có hiếu “phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hạnh. Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu kỹ” [10; 8].

Hiếu không chỉ là kính yêu, phụng dưỡng cha mà còn là việc lo tang ma khi cha qua đời một cách chu đáo. Khi cha còn sống thì phận làm con phải lo phụng dưỡng cha đó là chuyện thường tình của đạo làm người. Còn việc chôn cất cha là phải thành kính, tín cẩn, thể hiện được nỗi niềm thương xót đối với cha, không để xảy ra một chút gì sai sót để hối hận về sau. Việc tang ma là phần việc cuối cùng mà người con phải lo cho cha mình. Mạnh Tử viết: “Dưỡng sinh gia bất túc dĩ đương đại sự; duy tổng tử, khả dĩ dương đại sự” [10; 47].

Hiếu không chỉ lo tang ma cho cha một cách chu toàn mà còn thờ phụng cha và tổ tiên là việc làm rất thận trọng, nếu vậy thì dân chúng trở nên thuần hậu. Trong tang cha phải đúng lễ, tế tự tổ tiên phải xuất phát từ lòng thành, làm như vậy có thể cảm hóa được dân chúng. Coi trọng tang lễ là biểu hiện của mối tình thân thiết máu mủ từ trong lòng mà ra. “Chăm lo, nuôi dưỡng cha lúc còn sống không coi là việc quan trọng; hết lòng lo tang lễ cho cha mới là việc lớn”. Con phải để tang cha ba năm, con sinh ra phải ba năm mới rời khỏi vòng tay bế bồng, chăm ẵm của cha, công ơn sinh

thành, nuôi dưỡng của cha đối với con thì việc để tang ba năm cũng chẳng thấm thía gì.

Khổng Tử còn cho rằng hiếu phải đúng với lễ “Từ Thiên Tử đến vua chư hầu, quan đại phu, quan sĩ đến thường dân ai nấy đều phải theo lễ. Trong lễ chôn cha hay nói theo cách chức tước của cha mà chọn, còn trong việc tế lễ cha lại noi theo chức tước của sĩ. Nhưng cha làm quan sĩ mà còn làm quan đại phu thì, con chôn cha giữ theo lễ hàng quan sĩ, còn tế cha giữ theo lễ của mình là hàng quan đại phu. Phép để tang giáp năm thì bắt buộc từ dân thường đến quan đại phu đều phải thực hiện. Còn tang ba năm thì thông dụng từ thứ dân cho đến thiên tử. Phận làm con phải để tang cha mẹ, lệ ấy là như nhau đối với việc người trong nước, không phân biệt giàu nghèo, người sang kẻ hèn” [10;64].

Hiếu của người làm con là chuyên tâm chuyên trí vào thờ cha, lúc nào cũng tưởng tượng cha ngồi trước mặt, nghe thấy lời cha dạy bảo mình. Hiếu với cha là phải sinh con để duy trì nòi giống và kế nghiệp cha ông. Đạo hiếu của Nho giáo là đạo đức cao nhất ở đời. Hiếu được gắn liền với tư tưởng phụ quyền, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Theo Mạnh Tử “trong ba tội bất hiếu đối với gia đình, họ tộc, tội không có con là nặng nhất”. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” [14;34]. Không có con không những không kế thừa hiếu đạo mà tổ tiên gia tộc không có người thờ cúng, tổ chức thân tộc sẽ bị phá hủy. Không có tổ chức gia tộc thì cũng chẳng có giá trị đạo hiếu. Ai không có con được coi là vô đạo đức. Xã hội lúc bấy giờ đề cao con trai quá mức mà con gái bị coi thường khinh rẻ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Chính tư tưởng này đặt nặng về đường con cái để nối dõi tông đường, để kế thừa sản nghiệp của gia đình, dòng họ làm cho con cái cảm thấy tội lỗi và cứ thế đắm chìm trong việc kiếm tìm cho được người kế tục sản nghiệp của tổ tiên.

Trong mối quan hệ cha con, Nho giáo yêu cầu “cha ra cha, con ra con”, “phụ từ, tử hiếu”. Nhưng Nho giáo thường tuyệt đối hóa uy quyền

của người cha, đồng thời chỉ nhắc nhở bổn phận làm con đối với cha mà thôi. Từ Đổng Trọng Thư trở đi, các nhà Nho đã khéo lồng quan hệ cha con vào quan hệ vua tôi và cho rằng: “cha là trời của con”. Ngoài nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và kính trọng cha, đức hiếu của người con là tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của người cha. Qua nhiều triều đại phong kiến, người ta càng nhấn mạnh đến bổn phận của bề tôi, của người con, đã tạo nên thái độ trung hiếu mà mù quáng. Đến hậu Nho “thiên hạ vô bất thị để phụ mẫu” tức là trong thiên hạ không có cha nào là không đúng. Đối với cha không thực hiện đạo từ nhưng con thì không thể không thực hiện đạo hiếu. Vua bất nhân nhưng bề tôi không thể không trung thành. Vua khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung, cha khiến con chết mà con không chết là bất hiếu.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của “Ngũ luân” trong triết học Nho giáo đến xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w