Quan hệ chồng - vợ cũng là một trong năm mối quan hệ cơ bản của con người mà Nho giáo gọi là “Ngũ luân”. Cuộc sống chồng - vợ là cơ sở để tồn tại gia đình và xã hội. Để duy trì quan hệ chồng - vợ, Nho giáo đưa ra phạm trù nghĩa. Nghĩa là chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ chồng - vợ với nhau. Chồng - vợ phải thương yêu và có trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, địa vị xã hội và vai trò của người phụ nữ được nhìn nhận và đánh giá thấp hơn người đàn ông. Người chồng phải biết yêu thương vợ con, chăm lo cho vợ con và là chỗ dựa của vợ con. Người vợ phải biết chăm lo vun vén cho hạnh phúc gia đình mình và gia đình nhà chồng, phải biết nghe chồng một cách vô điều kiện.
Từ quan điểm coi trọng huyết thống và coi thường phụ nữ, Khổng Tử đã cho rằng đàn bà và bọn tiểu nhân là những kẻ khó dạy “duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã” [14;706]. Thậm chí Nho giáo còn đặt tình nghĩa anh em cao hơn tình nghĩa chồng - vợ. Phụ nữ là người phải chịu nhiều đau khổ thiệt thòi do chế độ hà khắc trong xã hội và gia đình gây nên. Người đàn bà không bao giờ là người chủ gia đình cả bởi suốt đời phải đeo đẳng cái đạo lý
tam tòng không thể thoát ra được. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử - tức là khi ở nhà con gái phải theo cha, lúc lấy chồng phải theo chồng, chồng chết theo con. Người đàn bà suốt đời phụ thuộc người đàn ông, đó là người cha, người chồng, người con trai mình.
Người đàn ông là chủ gia đình chịu trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với mọi người trong gia đình và với nước, với làng. Trong gia đình, khi người cha qua đời thì quyền chủ gia đình chuyển sang cho người con trai trưởng. Sự phân biệt nam nữ trong việc cai quản gia đình là một nguyên tắc bất di bất dịch. Đối với việc làng việc nước, việc họ tộc là việc của đàn ông, việc của người chồng, người cha, người con trai trưởng, người anh. Việc sắp xếp công việc làm ăn, việc tề gia nội trợ là công việc của người phụ nữ. Người phụ nữ không bao giờ là người chủ gia đình cả mà trên danh nghĩa giúp chồng, nghe theo lời chồng. Người phụ nữ không bao giờ được lấn quyền chồng mặc dù đó là người chồng hèn kém vô trách nhiệm, nhưng nếu người vợ lấn át chồng thì bị chê là không có nề nếp. Người phụ nữ do sự phân biệt đối xử của gia đình và xã hội theo tinh thần “nam tôn nữ ti”, “nam ngoại nữ nội”, suốt đời cứ phải “tuỳ”, “tòng” đối với chồng con. Chính tư tưởng này đã gây nên sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình và xã hội.
Người đàn bà bị bủa vây bởi màng lưới của tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), đó là thứ đạo đức biến người đàn bà thành một công cụ mua vui cho đàn ông. Người đàn ông lựa chọn người đàn bà quan trọng nhất là sắc đẹp. Họ sẵn sàng vứt bỏ những người vợ xấu để tìm cho mình những người phụ nữ trẻ đẹp hơn. Người phụ nữ là người đảm đương công việc trong gia đình và quan trọng hơn nữa là đưa lại cho đàn ông cuộc sống an nhàn. Người phụ nữ phải luôn biết cách ăn nói nhẹ nhàng đối với chồng, biết phục tùng chồng, biết vâng dạ khi chồng gọi “phu xướng vợ tuỳ”. Phải tuyệt đối lễ phép với chồng với cha mẹ chồng. Đức hạnh của người phụ nữ
là chỉ tập trung vào việc giữ gìn trinh tiết đối với chồng mặc dù người chồng có xấu xa, hèn nhát, tàn bạo hay có nhiều thê thiếp đi chăng nữa.
Gia đình là một nước nhỏ, trong đó người chồng là chúa tể của vợ, chồng nói vợ phải theo. Trong gia đình người vợ không có một chút quyền hành nào hết, họ chỉ là người chịu sự chỉ bảo sai khiến của chồng. Người chồng có năm thê bảy thiếp nhưng đối với người vợ thì chỉ chính chuyên một chồng. Nếu người phụ nữ nào đó không may mắn người chồng qua đời thì phải ở vậy đến suốt đời hoặc ít nhất là ba năm. Chính tứ đức một mặt nó thể hịên nét đẹp của người phụ nữ không chỉ về hình thể mà từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử, là những nội tướng tài giỏi trong gia đình mà còn là người biết giữ gìn tiết tháo. Tứ đức cũng làm cho người phụ nữ chỉ biết thân phận mình, nép vào khuôn phép, tự biết kiềm chế, tước bỏ những ham muốn cá nhân, chịu thuần dưỡng để vâng lời, nhường nhịn để được lòng chồng và bố mẹ chồng, kiên nhẫn suốt đời chịu đựng và hy sinh cho chồng và gia đình chồng. Người vợ phải luôn luôn biết kính thuận chồng – vợ, còn chồng có quyền đánh đập và bỏ vợ. Trước khi cô con gái về nhà chồng được mẹ dặn con về nhà con tức là về nhà chồng thì nên kính nhường, giữ gìn cho khéo đừng trái ý chồng “vãng chi nhữ gia, tất kính tất phái, vô vi phụ tử” [10;185]. Nếu lấy nết thuận tòng làm phép chính, đó là đạo làm vợ. Người phụ nữ suốt đời bị giam hãm, áp bức, bóc lột, ngoài việc tề gia nội trợ chỉ có vai trò quan trọng riêng hẳn của mình là đẻ con và gần như duy nhất đáng kể là đẻ con trai để nối dõi tông đường và giữ gìn của cải nhà chồng. Chỉ biết tuân lệnh (sự), vâng dạ (tuỳ) và theo (tòng) đối với chồng mà người phụ nữ không hề có và không hề biết đến cái gì gọi là quyền. Cả đến quyền yêu đương cũng không có. Trong gia đình, người gia trưởng quyết định tất cả, đối với việc lấy chồng của con gái thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nếu không còn cha mẹ thì chú, bác đứng ra lo liệu, con gái chỉ biết vâng dạ, phục vụ dù muốn hay không muốn.
Người phụ nữ suốt đời bị người đàn ông ức hiếp ngay cả khi làm con, làm vợ, làm mẹ. Chỉ có người con trai mới có quyền kế thừa sự nghiệp của cha ông, họ hôm nay là con em ngày mai là cha anh, hôm nay phục vụ mệnh của cha anh ngày mai họ sai khiến thế hệ con em.
Từ Đổng Trọng Thư người phụ nữ, người vợ trong gia đình phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của chồng, của bố mẹ chồng một cách vô điều kiện. Có như thế người vợ mới được coi là người có đạo đức, có tiết hạnh. Người đàn bà chồng chết thì cứ phải ở vậy, kể cả những người không có nơi nương tựa thì cũng không nên đi bước nữa vì chết đói là việc cực nhỏ, thất tiết mới là việc cực lớn “Nhiên ngạc tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại” [18;194].
Trong xã hội truyền thống Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng nhiều tư tưởng trọng nam khinh nữ song quan hệ chồng - vợ có sự bình đẳng hơn, người vợ không phải phục tùng chồng một cách vô điều kiện mà là một sự tự nguyện của người vợ đối với chồng con, với gia đình nhà chồng. Đặc biệt là người vợ luôn giữ trinh tiết đối với chồng. Khi chồng - vợ sống với nhau không còn tình cảm nữa hoặc khi người chồng đối xử ngược đãi đối với người vợ thì người vợ cũng không nỡ đứt bỏ mà ra đi, bởi người Việt Nam chúng ta quan niệm chồng - vợ sống chung với nhau không còn tình cảm nữa thì cũng còn cái nghĩa chồng - vợ. Chồng - vợ sống với nhau “một ngày cũng là nghĩa, là tình”. Pháp luật phong kiến nước ta một phần nào đó cũng bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Nếu người chồng không chăm sóc, bỏ rơi vợ từ 5 tháng trở lên thì người vợ có quyền kêu oan và đi lấy chồng khác…
Đạo chồng - vợ phải cung kính, yêu thương nhau, dốc lòng ân nghĩa. Vợ phải kính thờ cha mẹ chồng và không được trái lời dạy bảo của chồng, không được ghen tuông, không được chán cảnh nghèo đói mà chồng - vợ bỏ nhau làm mất luân thường đạo lý.