Quan hệ anh em

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của “Ngũ luân” trong triết học Nho giáo đến xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay (Trang 33 - 35)

Quan hệ anh em cũng là một trong năm mối quan hệ cơ bản của con người, anh chị em trong gia đình thì phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Anh chị thì phải nhường nhịn và dạy dỗ em, em thì phải biết nghe lời dạy bảo của anh chị, lễ phép với anh chị.

Trong quan hệ anh em, Nho giáo đòi hỏi và đưa ra tiêu chuẩn phải có “Đễ”. Có nghĩa là anh em trong nhà phảicó tình thân mật, lấy tình thương yêu mà đối xử với nhau. Anh phải biết bao bọc che chở cho em, phải biết nhường nhịn em. Em phải biết kính trọng anh, nghe lời anh. Để làm được điều đó, Nho giáo yêu cầu anh phải ra anh, em phải ra em “huynh huynh, đệ đệ”. Anh phải biết bao bọc, che chở cho em, nhường nhịn em. Mạnh Tử viết: “người nhân đối với em mình chẳng chứa mối giận hờn, chẳng giữ lòng oán ghét. Người chỉ một niềm thân mến và thương em thôi. Hễ thân mến em thì muốn cho em được sang trọng, hễ thương yêu em thì muốn cho em được giàu có và sang trọng vậy. Mình làm vua thiên tử, mà em mình làm kẻ thất phu thì có thể gọi mình thân mến và thương yêu em chăng?” [10;85]. Vì thương em nên vua Thuấn đã bỏ qua những lỗi lầm của em và mong em được giàu có, sang trọng.

“Làm anh thì phải giữ cho đúng phận anh, làm em thì giữ cho đúng phận em”, “Bậc quân tử làm em thì phải biết kính anh, làm anh thì phải biết thương em, ăn ở phải phận anh em” [10;25]. Trong gia đình, là anh em thì phải cùng nhau hòa thuận. Anh thì yêu em, em thì kính anh, anh em không nên tranh giành nhau về của cải, không nên nghe lời vợ mà quên đi cốt nhục. Thực chất quan hệ anh em trong Nho giáo cũng giống như quan hệ cha con. Bởi lẽ xã hội của Nho giáo là xã hội của quyền huynh thế phụ, anh là người có quyền thay cha quyết định mọi vấn đề xảy ra trong và ngoài gia đình. Chẳng hạn trong gia đình thường dân, người con trai trưởng luôn luôn được hưởng gia tài, giữ việc hương khói. Địa vị người đó quan trọng nhất trong gia đình, nhưng trách nhiệm cũng lớn nhất, lo cho mọi người trong nhà đủ ăn, đủ mặc, dạy dỗ người dưới. Chịu sự chê trách của gia đình và cả

xã hội nữa, nếu trong gia đình có kẻ nghèo đói hoặc hư hỏng, bị tội lỗi là nhục tổ tiên. Ngược lại người đó và cả vợ nữa được người trên nể, người dưới tuân lời. Khi em còn nhỏ ở chung nhà thì anh có quyền thay cha (đã mất), em lớn rồi ra ở riêng, may mà giàu có, sang trọng hơn anh thì về nhà cũng lễ phép với anh và có bổn phận giúp đỡ anh mà không được khoe giàu, khoe sang trước mặt anh. Con gái không có quyền thừa kế, không có địa vị gì trong gia đình, lấy chồng phải theo chồng, là thành viên của gia đình bên chồng.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của “Ngũ luân” trong triết học Nho giáo đến xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w