Tăng cường đầu tư nguồn lực

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững về sinh thái và tài nguyên sinh vật ở Việt Nam (Trang 90 - 91)

4. Kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp thực hiện phát triển bền vững về sinh thái và tài nguyên sinh vật ở Việt Nam

4.2.Tăng cường đầu tư nguồn lực

Mục tiêu phát triển bền vững sẽ không trở thành hiện thực nếu chúng ta không có chiến lược đầu tư hợp lý, công bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài trên cơ sở chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, quan tâm đến an sinh xã hội và bố trí nguồn lực hợp lý cho bảo vệ tài nguyên và môi trường. Có như vậy, các trụ cột của tiến trình phát triển mới bền vững, nhu cầu của các thế hệ hiện tại được đáp ứng ngày càng tốt hơn và cơ hội phát triển của các thế hệ tương lai vẫn được gìn giữ.

Hiện nay, Nhà nước đã có chủ trương đầu tư ngày càng tăng cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tuy vậy, mức đầu tư này còn thấp so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển. Thực tế, việc cải tạo kênh mương, các dòng sông đã bị ô nhiễm, việc trồng lại rừng, cải tạo đất đã bị ô nhiễm và suy thoái, việc ngăn ngừa ô nhiễm không khí, lắp đặt hệ thống quan trắc, thông tin dự báo, cảnh báo tài nguyên và môi trường đòi hỏi các khoản kinh phí rất lớn. Nhà nước cần có chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường, có giải pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Ngoài việc đầu tư kinh phí thoả đáng, cần coi trọng việc xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý tài nguyên và môi trường ở các cấp, nhất là các cấp địa phương; tăng cường về lượng và chất đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường, phù hợp với yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững về sinh thái và tài nguyên sinh vật ở Việt Nam (Trang 90 - 91)