Bangladesh bắt đầu nghiên cứu lúa lai từ năm 1993 tại Viện nghiên cứu lúa Bangladesh (BRRI). Trong những năm đầu phát triển, thành tựu lúa lai của Bangladesh chưa được nổi bật. Đến năm 1996, nhờ sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), việc
phát triển lúa lai của Bangladesh có sự khởi sắc (Julfiquar A.W. et al, 2002; Matia Chowdhyry, 2002)[79] [91].
Vụ xuân năm 1996 - 1997, BRRI đã nhập nội một số dòng CMS và các dòng phục hồi từ IRRI và Trung Quốc dùng để làm vật liệu chọn tạo giống trong nước. Thử nghiệm đánh giá các dòng CMS nhập nội, kết quả cho thấy những dòng lúa CMS nhập nội từ Trung Quốc không thích nghi ở Bangladesh, còn các dòng CMS nhập từ IRRI thì phù hợp (Mahabubub Hosain, 2003)[88]. BRRI đã xác định được một số dòng CMS ổn định và thích ứng trong điều kiện Bangladesh như: IR6768A, IR68281A, IR68725 và IR66707A. Tỷ lệ nhận phấn ngoài đạt từ 22 - 43,4%. Đồng thời đã xác định được một số dòng R tốt, trên cơ sở các dòng bố mẹ này, đã lai thử và chọn ra một số tổ hợp lai có triển vọng.
Năm 2004, diện tích lúa lai của Bangladesh chiếm khoảng 0,5% tổng diện tích lúa cả nước (Critana C. David, 2006)[65]. Năm 2004 diện tích lúa lai của Bangladesh chỉ có 60.000 ha, đến năm 2008 diện tích trồng lúa lai của Bangladesh tăng lên 735.000 ha, cao hơn Việt Nam (654.000 ha) (Aldas, 2010)[56].
Tại Bangladesh đã tổ chức nhân dòng bất dục và sản xuất hạt lai F1, kết quả được ghi nhận là: Tỷ lệ dòng bố mẹ khi nhân là 2B: 6A đạt năng suất cao nhất. Trong sản xuất hạt lai F1, tỷ lệ là 2R: 14A. Những kết quả bước đầu này đã khẳng định triển vọng phát triển lúa lai ở Bangladesh. Theo Sanny Glavez (2011) [97] diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1 ở Bangladesh năm 2011 là 300 ha, chủ yếu giống lúa lai SL-8. Năng suất hạt F1 trung bình đạt 2,0 tấn/ha.
Chính phủ Bangladesh đã công nhận lúa lai có vai trò to lớn trong việc tăng năng suất và sản lượng lúa của quốc gia này và phấn đấu trong vài năm
tới, tăng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1 lên 3.000 ha để có đủ giống bán cho dân (Julfiquar A.W và cs, 2003)[80].