Đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng vùng Bắc Trung bộ liên quan đến sản xuất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng sản xuất và một số biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa lai ở vùng bắc trung bộ (Trang 62 - 66)

sản xuất lúa

+ Đặc điểm thời tiết khí hậu Bắc Trung bộ:

Vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có mùa đông lạnh từ tháng 12 đến tháng 3, nhưng từ Thanh Hóa vào Huế nhiệt độ cao dần, phía Bắc Bắc Trung bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có 3 tháng nhiệt độ dưới 20oC xảy ra trong các tháng 1, 2 và 12, lùi vào phía Nam Bắc Trung bộ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ có 1 tháng nhiệt độ dưới 20oC là tháng 1. Vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có 2 tháng nóng (tháng 6 và tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng trên 29oC và tâm điểm nóng tập trung ở Vinh, với nhiệt độ trên 31oC. Gió Tây Nam (“gió Lào”) xuất hiện từ cuối tháng 4 và hoạt động mạnh từ tháng 5 với tần suất trung bình 10 ngày, tháng 6 là 18 ngày, tháng 7 giảm xuống 12 ngày, sang tháng 8 gió lào hầu như không xuất hiện. Những ngày gió Lào mạnh cũng trong tháng 5, 6 tần suất trung bình 3 – 5 ngày. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có 4 tháng số giờ nắng trung bình dưới 100 giờ (Các tháng 1, 2, 3 và 12). Số giờ nắng các tỉnh Nam khu vực Bắc Trung bộ có sự chuyển dịch khác, số giờ nắng dưới 100 giờ rơi vào các tháng 11, 12, 1 và 2. Tuy nhiên ở Huế số giờ nắng dưới 100 giờ chỉ có ở tháng 11, 12 và tháng 1. Như vậy ở Bắc Trung bộ những nơi có số giờ nắng nhiều sẽ thuận lợi cho cây lúa quang hợp, tăng sinh khối và sinh trưởng phát triển. Khu vực Bắc Trung bộ lượng mưa trong các tháng 2 và 3 là rất ít, nhất là Thanh Hóa trong tháng 2 (12,78mm), tuy nhiên ảnh hưởng đến cây trồng không nghiêm trọng do thời kỳ này, ẩm độ không khí cao, lượng bốc hơi cũng không nhiều. Tuy nhiên, từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế trong tháng 6 – 7 lượng mưa thấp, nhiều nơi dưới 50mm cùng với ẩm độ không khí thấp, lượng bốc hơi cao nhất trong năm cũng vào giai đoạn này, cho nên ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng, đặc biệt đối với cây lúa vào thời vụ gieo cấy Hè Thu và Mùa.

Lượng mưa bắt đầu tăng cao vào tháng 8, tháng 9 và tăng đột biến vào tháng 10 (Nghệ An trên 600mm, Huế trên 1000mm) đây là đặc điểm rất bất lợi cho vụ lúa Hè Thu, Mùa vào giai đoạn trỗ và chín (Chi tiết xem Phụ lục 1).

+ Đặc điểm thổ nhưỡng đất trồng lúa vùng Bắc Trung bộ ở bảng 1.2 là kết quả phân tích một số phẫu diện tầng canh tác của đất trồng lúa tại Bắc Trung bộ. Trong đó có 3 loại đất đặc trưng là đất cát (các phẫu diện lấy tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa; Nghi Lộc, Nghệ An; Thạch Hà, Hà Tĩnh), mẫu đất lấy tại Yên Định, Thanh Hóa đại diện cho phù sa sông Mã và phẫu diện lấy tại Hưng Nguyên, Nghệ An đại diện cho đất phù sa sông Lam.

Theo số liệu của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, vùng đất cát được phân bố ven biển các tỉnh Bắc trung bộ từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có diện tích 230 nghìn ha, đất này có thể trồng được nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và cây màu. Đất có độ phì tự nhiên thấp, khả năng giữ nước, giữ phân kém. Thành phần cơ giới cát pha thịt, đất trung tính, hàm lượng hữu cơ rất thấp, hàm lượng đạm tổng số, kali tổng số và dễ tiêu rất nghèo đến trung bình, hàm lượng lân tổng số trung bình. Cation trao đổi thấp (3-4 lđl/100 g đất), độ no bazơ trung bình, dung tích hấp thu (CEC) thấp (<9lđl/100 g đất). Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chủ yếu trồng lúa trên diện tích đất cát này. Để trồng lúa tốt cần bổ sung hữu cơ cho đất (tận dụng các nguồn hữu cơ có sẵn tại địa phương như thân lá lạc, đậu tương, ngô, rơm rạ.... chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, bón cân đối NPK, phân bón và tưới nước nên chia thành nhiều lần để bón (đất có thành phần cơ giới nhẹ, bón ít lần sẽ bị rửa trôi theo chiều thẳng đứng). Để khai thác và sử dụng có hiệu quả loại đất này, tăng năng suất cây trồng nên chọn phương án bổ sung hữu cơ cho đất là hiện thực nhất (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, 2001)[50].

Bên cạnh loại đất cát, diện tích đất lúa của Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh chủ yếu tập trung vào nhóm đất phù sa (phù sa sông Mã có diện tích

khoảng 230 nghìn ha, phù sa sông Lam khoảng 250 nghìn ha). Đất phù sa sông Mã và sông Lam có thành phần cơ giới biến đổi từ thịt pha cát đến thịt pha sét và limon. Một đặc trưng của các đất tại vùng này là hầu hết các đất đều hơi chua đến trung tính: pHH2O từ 5,6 - 7,6; pHKCl từ 4,6 - 6,2. Hầu hết nhóm đất này đều có dung tích hấp thu (CEC) từ thấp đến trung bình, thông thường CEC trong đất từ 6,4 - 19,9 lđl/100g đất và 12,5 - 27,9 lđl/100g sét. Độ no bazơ (BS) trong các loại đất này đều ở mức trung bình đến rất cao, khoảng 30 - 86%. Có sự khác biệt tương đối lớn giữa tầng đất mặt và các tầng phía dưới nó. Hàm lượng hữu cơ ở tầng mặt đạt mức trung bình (1,2 đến 1,9 % OC), hàm lượng đạm tổng số, lân tổng số và dễ tiêu, kali tổng số và kali dễ tiêu ở tầng mặt đạt mức trung bình. Nhìn chung trong toàn phẫu diện (ngoại trừ tầng mặt), các loại đất thường nghèo các chất dinh dưỡng, cacbon hữu cơ (OC) thường biến động trong khoảng 0,2 - 0,6 % OC; Hàm lượng đạm tổng số thường ở mức trung bình thấp, khoảng 0,04 - 0,08 % N. Lân tổng số trung bình thấp, thường từ 0,07 - 0,17 % P2O5, lân dễ tiêu thấp biến động trong khoảng 2,0 – 12,0 mg P2O5/100g đất. Kali tổng số ở mức trung bình đến giàu, thường dao động trong khoảng 1,92 - 2,85 % K2O; Kali dễ tiêu tương đối thấp, thường nhỏ hơn 10,0 mg K2O/100g đất. Tuy nhiên do quá trình canh tác sử dụng phân bón nên các đặc tính nông học tầng mặt thường cao hơn các tầng đất phía dưới khoảng 2,0 - 3,0 lần. Đặc biệt đối với lân và kali dễ tiêu tầng mặt có thể gấp tới hai đến bảy lần so với các tầng đất phía dưới. Đất phù sa của hệ thống sông Mã và sông Lam có độ phì tự nhiên thấp hơn đất phù sa sông Hồng và phù sa sông Cửu Long, nhưng chúng đều thích hợp cho việc trồng lúa, các loại rau màu và rau quả. Song để đạt năng suất cao và ổn định, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về tưới tiêu, giống cây trồng v.v cần chú ý tăng cường bón phân hữu cơ, lân và kali trong một tỷ lệ cân đối.

Bảng 1.2. Một số đặc điểm lý hóa tính của đất lúa tại Bắc Trung bộ

TT Địa điểm Tên đất %

OM pH H2O pH KCl N t.số % N P t.số % P2O5 K t.số % K2O Thành phần cấp hạt Cát thô Cát mịn Limon Sét 1 Yên Định- Thanh Hóa PSSM-Dystric Fluvisols 1,15 6,20 4,80 0,150 0,100 1,48 2,90 22,40 39,90 34,80 2 Tĩnh Gia- Thanh Hóa Đất cát – Haplic Arenosols 1,23 6,27 5,74 0,077 0,091 0,390 10,58 70,42 12,27 6,73 3 Nghi Lộc- Nghệ An Đất cát – Haplic Arenosols 0,80 6,04 5,62 0,066 0,077 0,383 14,72 70,86 10,27 4,15 4 Hưng Nguyên - Nghệ An PSSL-Dystric Fluvisols 1,93 5,80 4,70 0,190 0,140 1,770 2,50 29,7 35,90 31,90 5 Thạch Hà- Hà Tĩnh Đất cát – Haplic Arenosols 1,02 6,22 5,71 0,076 0,084 0,420 14,96 69,69 9,44 5,91

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng sản xuất và một số biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa lai ở vùng bắc trung bộ (Trang 62 - 66)