Sản xuất giống lúa lai trong nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng sản xuất và một số biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa lai ở vùng bắc trung bộ (Trang 49 - 52)

Quy mô diện tích sản xuất hạt lai F1 tăng lên, đặc biệt ở vụ Mùa. Cơ cấu sản lượng hạt lai F1 theo các thành phần kinh tế khác nhau: Các công ty cổ phần (Trung ương, địa phương) chiếm khoảng 50%. Các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 40%. Các đơn vị sự nghiệp khoa học kỹ thuật (Viện nghiên cứu, trung tâm giống, trung tâm khuyến nông các tỉnh) chiếm khoảng 10% (Trần Đình Long, 2011)[28].

Theo số liệu tổng kết của Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất dòng bố mẹ vụ Đông Xuân năm sau tăng hơn năm trước đáng kể. Việc chọn và nhân thuần giống bố mẹ phục vụ cho sản xuất hạt lai ở trong nước cũng đã đạt được những kết quả tốt. Sự phối hợp của các cơ quan nghiên cứu với các đơn vị kinh doanh chuyển giao kỹ thuật chọn thuần và nhân lượng lớn dòng bố mẹ của một số tổ hợp lúa lai hệ Bác ưu gieo cấy ở vụ mùa, HYT83, HYT100, HYT92, các tổ hợp lúa lai 2 dòng VL20 và TH3-3.

Diện tích sản xuất hạt lai F1 vụ Đông Xuân 2010- 2011 đạt 1.360,9 ha, thấp hơn so với vụ Đông Xuân năm trước trên 600 ha, trong đó các tổ hợp lúa lai hai dòng là 115 ha, các tổ hợp lúa lai 3 dòng là 1.246 ha. Hai tỉnh có diện tích sản xuất hạt lai F1 lớn nhất là tỉnh Quảng Nam 304 ha, Đắc Lắc 471 ha, chiếm gần 60% diện tích cả nước, trong đó chủ yếu là các tổ hợp lúa lai ba dòng. Việc mở rộng diện tích sản xuất lúa lai tại các tỉnh Quảng Nam, Đắc Lắc, Long An, Cần Thơ đã mở ra triển vọng sản xuất giống lúa lai cho các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2002) [6].

Cơ cấu sản xuất các tổ hợp lúa lai F1 tại các tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, các tổ hợp lúa lai 2 dòng: TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH7-2, VL20, HC1, HYT102, HYT108... Các tổ hợp 3 dòng gồm: Nhị ưu 838, Bác ưu 903, Bio404, HYT 100, TN15, BTe1, Nam ưu 603, Nam ưu 604... Tại các tỉnh phía Bắc, các tổ hợp 3 dòng gồm: Nhị ưu 838, CT16, LC25, HYT100... Tại các tỉnh ĐBSCL như Hậu Giang và Cần Thơ sản xuất các tổ hợp 3 dòng gồm: Bác ưu 903, Nam ưu 603, Nam ưu 604...

Đại bộ phận diện tích lúa lai hiện nay trong sản xuất đều là những giống lai từ Trung Quốc. Các giống lúa lai vụ Xuân trà đầu, chủ yếu dùng lúa lai 3 dòng nhập nội: Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Dưu 527, Khải Phong số 1, Q ưu số 1, Syn 6, Thục Hưng 6, CNR36, N.ưu 69, Phú ưu số 1, Phú ưu 978... Một số giống có TGST ngắn hơn 125 ngày gieo cấy từ giữa đến cuối trà Xuân muộn gồm các giống lúa lai 3 dòng nhập nội: Nghi hương 2308, Vân Quang 14, Qưu 6, Đại dương 1, Khải phong số 7, Dưu 6511, Bio404…; và một số giống lúa lai hai dòng chọn tạo trong nước.

Vụ Mùa sớm và Hè Thu, các giống lúa lai ngắn ngày được sử dụng khá linh hoạt trong cơ cấu có thể gieo trà mùa sớm, mùa trung. Ở các tỉnh ĐBSH và Bắc Trung bộ sử dụng đa số giống nhập nội cảm ôn, TGST ngắn như: Nhị ưu 838, Q.ưu số 1, Q.ưu số 6, Khải phong 1, Khải phong số 7, Thục Hưng 6, N.ưu 69, Phú ưu số 1, Phú ưu số 4, D.ưu 527... Một số ít giống lúa lai trong nước được sử dụng nhằm thay thế dần giống nhập nội như: VL20, VL24, HYT83, HYT100, HYT92, TH3-3, TH3-4,… có chất lượng tốt mới được đưa vào sản xuất.

Như vậy, các tổ hợp lai trong nước đến nay đã công nhận đưa vào sản xuất chỉ được gieo cấy trên diện tích nhỏ ở một số địa phương. Diện tích lúa lai trong vụ Đông Xuân luôn cao hơn Hè Thu và Mùa (chỉ chiếm khoảng 1/3).

Nguyên nhân do chưa có các tổ hợp lúa lai ngắn ngày, phù hợp với điều kiện khí hậu ở phía Bắc.

Các quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận như: Quy trình sản suất hạt lai F1 tổ hợp Bác ưu 64; Quy trình sản suất hạt lai F1 tố hợp Bác ưu 903; Quy trình chọn tạo dòng TGMS; Quy trình nhân dòng TGMS; Quy trình sản suất hạt lai tổ hợp Nhị ưu 838... Những quy trình kỹ thuật trên đã được phổ biến rộng rãi và đóng góp quan trọng vào sự thành công của hệ thống sản xuất hạt lai ở trong nước. Các quy trình này đã giúp cho các cơ sở nghiên cứu và sản xuất hạt lai ở trong nước từng bước làm chủ công nghệ sản xuất hạt lai F1 đạt năng suất bình quân khá cao (2 - 2,3 tấn/ha) trên diện tích 1.500 – 2.000 ha/năm.

Trong thời gian qua, diện tích sản xuất hạt lai F1 chỉ tăng mạnh từ năm 2000 là 620 ha lên 1450 ha (năm 2001). Tuy nhiên sau 10 năm diện tích sản xuất hạt lai có năm tăng và giảm không đáng kể. Năng suất hạt F1 đạt trên 2 tấn/ha, cao nhất đạt 2,5 tấn/ha (năm 2009). Sản lượng hạt giống lúa lai từ 1426 tấn (năm 2000) tăng lên 4641 tấn (năm 2010). Tuy vậy tỷ lệ hạt lai F1 sản xuất trong nước vẫn thấp và chưa ổn định, chiếm từ 3,27 – 25,87% so với tổng lượng hạt giống lai cần cho sản xuất khoảng 20.000 tấn (Dẫn theo Nguyễn Thị Trâm, 2011)[48]. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa chọn tạo được nhiều giống lúa lai tốt trong nước có thể tham gia vào cơ cấu nhất là ở vụ Xuân.

Năng suất sản xuất hạt giống lúa lai bình quân đạt 20 tạ/ha. Nhiều tỉnh đạt năng suất cao là Nam Định: 32 tạ/ha, các tỉnh khác đạt từ 18-25 tạ/ha. Đặc biệt việc sản xuất hạt F1 tại một số tỉnh ở Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; ở đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Long An với kỹ thuật mới là cấy dòng bố, gieo thẳng dòng mẹ, năng suất đạt trên 30

tạ/ha, có điểm đạt 40 tạ/ha, đánh dấu sự tiến bộ mới trong sản xuất hạt giống (Cục Nông nghiệp, 2005; Lại Đình Hòe, 2005)[13], [25]

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện nay chúng ta chỉ mới cung cấp được khoảng 20-25% lượng hạt giống, còn lại 75% phải nhập từ Trung Quốc. Hiện nay sản xuất hạt lai trong nước đang gặp một số khó khăn là thiếu giống bố mẹ để mở rộng sản xuất hạt lai F1 (Nguyễn Văn Hoan, 2007; Trần Đình Long, 2011)[22], [30].

Cho đến nay sau hơn 20 năm nghiên cứu ứng dụng lúa lai, qua từng giai đoạn đã có những hội nghị tổng kết, đánh giá và tư vấn định hướng nghiên cứu phát triển lúa lai. Tình hình nghiên cứu và phát triển lúa lai ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1992 -1996 đã được đánh giá qua Hội nghị tổng kết Dự án TCP tại Hà Nội, tháng 5/1998. Hội thảo “Nghiên cứu và Phát triển lúa lai ở Việt Nam” tháng 8/2005 do Bộ Nông nghiệp & PTNT chủ trì và các hội nghị đánh giá tổng kết phát triển lúa lai ở các địa phương theo định kỳ. Gần đây nhất là Hội thảo tư vấn “Định hướng nghiên cứu và phát triển lúa lai tại Việt Nam 2011-2020”, tháng 6/2011 do Bộ NN & PTNT chủ trì. Hội thảo đã đánh giá những tồn tại, hạn chế trong sản xuất hạt lai F1 và đề xuất định hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Để thực hiện được nhiệm vụ góp phần đẩy mạnh sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước trong thời gian tới đạt 60 - 70% thì những khó khăn cần được tháo gỡ dứt điểm với các giải pháp đồng bộ và mang tính xã hội cao trong giai đoạn tới. Việc chọn ra những tổ hợp lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và dễ sản xuất hạt lai là yêu cầu bức thiết nhất để góp phần đạt mục tiêu tự túc 70% nhu cầu giống lúa lai của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng sản xuất và một số biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa lai ở vùng bắc trung bộ (Trang 49 - 52)