Vai trò của các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 35)

định hướng xã hội chủ nghĩa

Vai trò của sở hữu nhà nước

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Nhưng trong đó sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất phải là chủ chốt, có như vậy mới đảm bảo cho nền kinh tế thị trường phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Sở hữu nhà nước có thời kỳ đã phát huy rất tốt vai trò chủ đạo của mình, nhưng trong thực tiễn hiện nay đang nảy sinh rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để có thể phát huy đầy đủ vai trò chủ đạo của nó, đó là quan điểm của nhiều tác giả. Theo Nguyễn Cúc (trong bài viết “Một số vấn đề về sở

hữu nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”) thì có những cách hiểu khác nhau về sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Sở hữu nhà nước là nòng cốt trong việc thực hiện quản lý nhà nước; tạo lập các quan hệ sản xuất mới; thực hiện mục tiêu chính trị, xã hội bảo đảm sự phát triển bền vững. Sở hữu nhà nước có vai trò hướng dẫn, mở đường, là công cụ điều tiết kinh tế, khắc phục khuyết tật của kinh tế thị trường. Mặc dù sở hữu nhà nước có vai trò to lớn trong chiến tranh nhưng sau này nó trở thành rào cản cho tăng trưởng kinh tế, vì vậy cần có sự đổi mới về nhận thức và tư duy để khắc phục những hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện [88]. Tác giả Nguyễn Văn Thức (trong cuốn “Sở hữu: lý luân và vận dụng ở Việt Nam”, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2004), cho rằng sở hữu nhà nước là nhân tố mở đường, định hướng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế; là bà đỡ cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và hài hòa trên tất cả các vùng lãnh thổ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Nhà nước nắm vững những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân để bảo đảm cho sự phát triển ổn định bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước giữ vị trí nền tảng trong nền kinh tế quốc dân và là lực lượng vật chất quan trọng để định hướng và cân đối vĩ mô nền kinh tế [180].

Do vai trò của sở hữu thường được thể hiện thông qua thành phần kinh tế nhà nước và các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước nên có những tác giả đi vào phân tích vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Tác giả Đoàn Duy Thành cho rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều hình thức sở hữu đan xen thì doanh nghiệp nhà nước phải làm gì để giữ vững vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật. Làm rõ thực trạng,

nguyên nhân làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước mới có thể tìm được lời giải thỏa đáng cho việc nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý, sử dụng nguồn lực kinh tế nhà nước trong vai trò chủ đạo với lực lượng doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tác giả, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chịu sự tác động trực tiếp của ba nhân tố cơ bản là: thể chế, chính sách; tổ chức bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh; con người trực tiếp chỉ đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó chính là những nguyên nhân đã làm cho bức tranh kinh tế của nhà nước bị méo mó, xấu xí. Nếu để cho các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài thì sẽ gây nên những tổn thất to lớn về tài sản của quốc gia, của nhân dân, tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng phát sinh ngày càng sâu rộng và vẫn chưa có điểm dừng [171].

Theo tác giả Tô Đức Hạnh trong bài Vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,

kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo vì trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tồn tại nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế; sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất phải là chủ chốt thì mới đảm bảo cho nền kinh tế thị trường phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chế độ xã hội, suy cho cùng, khác nhau ở chế độ sở hữu. Sở hữu vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho sự phát triển của lực lượng sản xuất; sự tiến bộ của quan hệ sở hữu là do tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định. Ngược lại, quan hệ sở hữu cũng có tác động hoặc thúc đẩy (nếu phù hợp) hoặc kìm hãm (nếu không phù hợp) sự phát triển của lực lượng sản xuất. Mọi khuyết tật của chủ nghĩa tư bản (như phân hóa giàu nghèo, bóc lột, phân phối bất bình đẳng, khủng hoảng, thất nghiệp, sản xuất vô chính phủ, lãng phí, phá hoại, gây ra và tăng thêm, sự ô nhiễm môi trường; áp bức, bất bình đẳng, thiếu tự do, thiếu dân chủ; suy

đồi đạo đức..), suy cho cùng, đều bắt nguồn từ chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, tức là do chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa gây ra. Bởi vậy, để đạt mục tiêu phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh thì xóa bỏ chế độ tư hữu chính là tiêu chí cơ bản phân biệt chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhằm hướng nền kinh tế thị trường phát triển theo chủ nghĩa xã hội. Để sở hữu nhà nước thực sự giữ vai trò chủ đạo và thực hiện được vai trò chủ đạo của mình thì cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém của nó hiện nay [100].

Vai trò của sở hữu tập thể

Vai trò của sở hữu tập thể thường được thể hiện thông qua vai trò của các hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã kinh doanh, dịch vụ…, trong đó xã viên đóng vai trò chủ sở hữu. Trong thời kỳ bao cấp trước đây, kinh tế hợp tác xã cũng đã phát huy những giá trị tích cực phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, khi chuyển sang thời kỳ hòa bình, người dân lao động trong hợp tác xã chưa thấy được lợi ích thiết thân của việc tham gia hợp tác xã nên tỏ ra không mặn mà với mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Làm thế nào để xây dựng được những hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả trong cơ chế thị trường nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? Đó là vấn đề được nhiều tác giả quan tâm.

Trong cuốn Vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng

xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Kế Tuấn cho rằng, các hợp tác

xã hiện còn giữ vị trí khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế và đóng góp phần nhỏ bé vào sự tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Các hợp tác xã là lực lượng hỗ trợ phát huy vai trò tích cực của kinh tế hộ nông thôn, là cầu nối thúc đẩy áp dụng những thành tựu khoa học – công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động

của kinh tế hộ. Các hợp tác xã cũng có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa – xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn các hợp tác xã đều gặp khó khăn trong việc xác định phương hướng, chiến lược dài hạn do những hạn chế về năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành hợp tác xã [192]. Ông Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều cho rằng, những sửa đổi trong Luật hợp tác xã sẽ thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã, khi đó người nông dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích như được mua hàng hóa, sản phẩm của hợp tác xã với giá cả phải chăng, tiện lợi và đảm bảo chất lượng. Với việc tiêu thụ hàng hóa dễ dàng thông qua hợp tác xã, hình thức hợp tác sẽ giảm bớt các khâu trung gian, giúp người nông dân mua được tận gốc, bán được tận ngọn, có thể né tránh được rủi ro “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay. Đặc biệt, các hộ nông dân khi tham gia hợp tác xã sẽ liên kết lại với nhau sử dụng hết công suất máy móc, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, với việc phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sẽ không khó để hình thành những cánh đồng mẫu lớn với sự tham gia của nhiều hộ nông dân có ít đất. Từ đó sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng đồng nhất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Trong bài Về các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị

trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, tác giả Lương

Minh Cừ cho rằng, ở nước ta trước đây, hình thức sở hữu tập thể chủ yếu tồn tại dưới hình thức hợp tác xã (gồm cả hợp tác xã nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp) với nội dung là cả giá trị lẫn giá trị sử dụng của đối tượng sở hữu đều là của chung, mà các xã viên là chủ sở hữu. Chính vì vậy, với hình thức sở hữu này, quyền mua, bán hoặc chuyển nhượng tư liệu sản xuất, trong thực tế sản xuất và lưu thông ở nước ta đã diễn ra hết sức phức tạp. Quyền của các tập thể sản xuất thường rất hạn chế, song đôi khi lại có tình trạng lạm quyền. Sự không xác định, “sự nhập nhằng” với quyền sở

hữu nhà nước và với sở hữu tư nhân trá hình cũng là hiện tượng phổ biến. Để thoát ra khỏi tình trạng đó, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay thì phải xác định rõ quyền mua, bán và chuyển nhượng tư liệu sản xuất đối với các tập thể sản xuất, kinh doanh. Chỉ có như vậy thì sở hữu tập thể mới có thể trở thành một hình thức sở hữu có hiệu quả. Theo tác giả, hợp tác xã không phải là hình thức đặc trưng cho chủ nghĩa xã hội, nhưng nó là một hình thức sở hữu kinh tế tiến bộ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chúng ta cần phải duy trì và phát triển hơn nữa hình thức sở hữu này khi xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin đã khẳng định rằng, chế độ của những xã viên hợp tác xã văn minh là chế độ xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã là nhu cầu thiết thân của kinh tế hộ gia đình, của nền sản xuất hàng hóa. Khi lực lượng sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp nhỏ phát triển tới trình độ nhất định thì nó sẽ thúc đẩy quá trình hợp tác. Trong điều kiện của nền kinh tế hàng hóa, các nhu cầu về vốn, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, các hộ sản xuất phải hợp tác với nhau mới có khả năng cạnh tranh và phát triển. Chính nhu cầu đó đã liên kết người lao động lại với nhau và làm nảy sinh quan hệ sở hữu tập thể. Thực tiễn cho thấy, ở nước ta hiện nay đã có những hình thức hợp tác xã kiểu mới ra đời do nhu cầu tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường. Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở đóng góp cổ phần và sự tham gia lao động trực tiếp của xã viên, phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần, mỗi xã viên có quyền như nhau đối với công việc chung. Điều này cho thấy kết cấu bên trong của sở hữu tập thể đã thay đổi phù hợp với thực tiễn ở nước ta hiện nay [33].

Sở hữu tập thể đã giúp giải quyết các nhu cầu kinh tế về vốn, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Và vai trò đó hiện còn chưa được phân tích kỹ càng. Trong đề tài luận án của mình, tôi sẽ góp thêm những ý kiến để làm rõ vai trò của hình thức sở hữu này ở Việt Nam hiện nay.

Vai trò của sở hữu tư nhân gần đây được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu và cũng đã có những đề tài nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này. Trong cuốn Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường

định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Thanh Tuyền cho

rằng, kinh tế tư nhân gắn liền với sở hữu tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trong đó các chủ thể được tiến hành sản xuất, kinh doanh một cách tự chủ vì lợi ích của bản thân, và thông qua đó thực hiện lợi ích xã hội. Cho đến nay, kinh tế tư nhân được coi là khu vực cung cấp khối lượng sản phẩm lớn nhất cho xã hội. Sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân là một tất yếu, bắt nguồn từ quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là khu vực kinh tế rất nhạy cảm với những đặc trưng của kinh tế thị trường, có tiềm lực lớn trong việc nâng cao năng lực nội sinh của đất nước, tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, phát triển kinh tế tư nhân là có lợi cho chủ nghĩa xã hội và được coi là điều kiện không thể thiếu để xây dựng thành công kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài, là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa [199].

Theo tác giả Đào Phương Liên (trong bài Về mối quan hệ giữa sở

hữu công cộng và sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam), sở hữu tư nhân không phải do pháp luật tạo ra, nó có

trước pháp luật. Sở hữu tư nhân ra đời rồi mới phân chia xã hội thành giai cấp, khi đó mới có nhà nước, mới có pháp luật. Khi nhà nước và luật pháp ra đời thì luật pháp chỉ quy định giới hạn, thừa nhận tính hợp pháp của sở hữu mà thôi. Trong các học thuyết kinh tế và chính trị phương Tây, sở hữu tư nhân thường rất được coi trọng. Theo họ, sở hữu tư nhân gắn với yếu tố cá nhân trong con người; vì vậy, nó mang tính bản năng. Nếu biết tôn trọng

và khai thác yếu tố cá nhân trong con người sẽ tạo ra được động lực to lớn để thúc đẩy sự phát triển của xã hội nói chung. Aristốt, nhà tư tưởng hơn 300 năm trước công nguyên, đã từng nói rằng “con người sẽ hòa hợp với nhau nếu mỗi người tự lo công việc của mình”. F.Quesnay, nhà trọng nông người Pháp, cũng đã cho rằng một chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đi đôi với việc coi trọng, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân sẽ là giải pháp để sử dụng một cách tối ưu nguồn tài nguyên vật chất và con người của toàn xã hội. A.Smith, nhà kinh tế học tư sản người Anh cho rằng, con người khi theo đuổi quyền lợi của bản thân mình thường làm lợi cho xã hội hơn khi có chủ đích làm lợi cho xã hội ngay từ đầu. Có thể nói, những tư tưởng nêu trên không phải là không có căn cứ thực tiễn. Từ hàng nghìn năm trước đây, người ta đã nhận thấy rằng trong nông nghiệp khi chia đất chung thành đất riêng thì sản lượng và năng suất tăng lên nhanh chóng.

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 35)