Ở Việt Nam trước khi diễn ra công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, do nhiều nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan khác nhau, đã từng tồn tại trong một thời gian dài quan niệm sai lầm cho rằng quan hệ sản xuất có thể đi trước một bước và mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Chính vì thế, trong thời kỳ đó, chúng ta đã đồng nhất chủ nghĩa xã hội với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; thậm chí còn xem chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, thành phần kinh tế nhà nước là mẫu mực của chủ nghĩa xã hội. Với quan niệm giản đơn như vậy, chúng ta đã tiến hành cách mạng quan hệ sản xuất trên quy mô cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, đó là việc thực hiện quốc hữu hóa, xây dựng các xí nghiệp, nhà máy do Nhà nước trực tiếp quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất theo kế hoạch lập sẵn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là việc tiến hành xây dựng ồ ạt các hợp tác xã nông nghiệp. Quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa được mở rộng sang cả lĩnh vực thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Nói tóm lại, trong thời kỳ trước khi diễn ra công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta chỉ thừa nhận một chế độ sở hữu duy nhất, đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Mọi hình thức sở hữu khác và các thành phần kinh tế tương ứng với chúng đều nhanh chóng bị xóa bỏ.
Mục tiêu của việc xã hội hóa sở hữu tư liệu sản xuất trong thời kỳ trước đổi mới là nhằm xóa bỏ tình trạng áp bức bóc lột, đồng thời khắc phục tình trạng vô chính phủ, tạo cơ sở kinh tế - xã hội cho việc tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm theo kế hoạch tập trung thống nhất từ trung ương tới địa phương. Chúng ta đã lầm tưởng rằng khi giải quyết xong vấn đề sở hữu, cụ thể là thiết lập được chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể thì có thể
giải quyết được các mặt cơ bản khác của quan hệ sản xuất, thiết lập xong quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chính vì nóng vội, chủ quan và duy ý chí, tưởng rằng có thể nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội chỉ sau vài kế hoạch 5 năm, cho nên chúng ta đã tiến hành cải tạo và chuyển toàn bộ các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tư nhân, cá thể thành sở hữu công cộng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Cụ thể là ở miền Bắc, phong trào đưa những người sản xuất nhỏ là nông dân, thợ thủ công vào các hợp tác xã bắt đầu từ năm 1958 đến cuối năm 1960 đã được coi là căn bản hoàn thành. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại hội IV của Đảng (1976) cũng xác định đến năm 1980, miền Nam phải hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Miền Nam cũng như Miền Bắc đều mắc chung một sai lầm đó là nóng vội, chạy theo quy mô lớn một cách hình thức, bất chấp quy luật khách quan về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, vi phạm các nguyên tắc tự nguyện, dân chủ… Chính vì quan niệm một cách máy móc, giản đơn về sở hữu tập thể cho nên khi xây dựng các hợp tác xã quy mô lớn trong nông nghiệp, rồi các tập đoàn sản xuất thì các hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất đó đã hoạt động một cách rất khó khăn và không hiệu quả. Người nông dân không hứng thú với công việc, sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất không được gắn bó chặt chẽ, điều đó làm cho sản xuất không phát triển. Nhà nước đầu tư vốn liên tục cho nông nghiệp nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể, ruộng đất thì nhiều mà trên thực tế nhân dân không đủ ăn.
Tình trạng thừa lao động trong nông nghiệp là một vấn đề lớn lúc đó. Nhiều người có sức lao động nhưng không có việc làm hoặc người có việc làm thì cũng chưa sử dụng hết thời gian lao động. Việc kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất ngay trong khu vực kinh tế nhà nước và kinh
tế tập thể cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Kinh tế quốc doanh cũng đã bộc lộ những nhược điểm của nó. Nhu cầu cần phải thoát khỏi tình trạng này bằng cách tạo ra những điều kiện cho việc kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất, khơi dậy và vận dụng được mọi tiềm năng lao động, vốn, tư liệu sản xuất bắt đầu được đặt ra. Nói cách khác, cần phải tìm ra những hình thức sở hữu, những hình thức kinh tế quá độ sao cho phù hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá IV), Đảng ta đã thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần; thừa nhận sự tồn tại của kinh tế hộ xã viên với tư cách một bộ phận hợp thành của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngày 13-1-1981 Ban bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 CT/ TƯ. Đại hội Đảng lần thứ V đã khẳng định tính đúng đắn của Chỉ thị 100, coi đó là một giải pháp đúng đắn, là một sự khởi đầu cho quá trình đổi mới từng bước cơ chế quản lý nông nghiệp nói chung, quản lý hợp tác xã nói riêng, tạo điều kiện phù hợp cho sự kết hợp sức lao động với tư liệu lao động. Thành phần kinh tế quốc doanh tuy quy mô rất lớn, đồ sộ nhưng do những điều kiện cụ thể về khách quan cũng như chủ quan đã có những biểu hiện không bền vững và kém hiệu quả. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân tuy chưa được thừa nhận hoàn toàn về mặt pháp lý nhưng lại có sức sống mãnh liệt, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nhập quốc dân. Nó không những tự khẳng định mình, mà còn tác động mạnh mẽ đến các thành phần kinh tế khác.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) có ý nghĩa rất quan trọng, được xem như điểm mốc đánh dấu sự đổi mới quan điểm của Đảng về sở hữu. Đại hội VI chủ trương thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách thường xuyên, với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tăng cường kinh tế xã hội chủ nghĩa trên cả ba mặt chế độ sở hữu, chế độ quản lý, chế độ phân phối, làm cho kinh tế quốc doanh phát huy được vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể giữ vị trí quyết định trong nền kinh tế quốc dân, chi phối được các thành phần kinh tế khác. Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình. Sử dụng khả năng tích cực của kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá, đồng thời vận động và tổ chức những người lao động cá thể vào các hình thức làm ăn tập thể để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; sắp xếp, cải tạo và sử dụng tiểu thương, giúp đỡ số người không cần thiết trong lĩnh vực lưu thông chuyển sang sản xuất và dịch vụ. Sử dụng kinh tế tư bản tư nhân (tư sản nhỏ) trong một số ngành, nghề, đi đôi với cải tạo họ từng bước bằng nhiều hình thức kinh tế tư bản nhà nước. Xoá bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân. Mở rộng nhiều hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế theo nguyên tắc cùng có lợi, bình đẳng trước pháp luật.
Như vậy, xuất phát từ quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất, Đại hội VI của Đảng đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam còn đang trong thời kỳ quá độ lâu dài lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy nó có đặc trưng của nền kinh tế nhiều thành phần. Đại hội VI của Đảng coi quá trình chuyển sang kinh tế thị trường như bộ phận hữu cơ của quá trình từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã có thay đổi quan trọng trong nhận thức về vai trò của sở hữu đối với sự phát triển kinh tế nước nhà. Nếu như trước đây sở hữu được coi là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì sau Đại hội VI sở hữu lại được coi là phương tiện để đạt được hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội. Đại hội VI cũng đưa ra một quan điểm rất quan trọng cho rằng lực lượng sản xuất không chỉ bị kìm hãm khi quan hệ sản xuất không phù hợp mà ngay cả khi nó vượt trước.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt thống nhất biện chứng của phương thức sản xuất, trong đó vai trò quyết định thuộc về lực lượng sản xuất. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định tính chất của quan hệ sản xuất. Mỗi loại hình quan hệ sản xuất được xác lập trên cơ sở thích ứng với một trạng thái, trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Khi lực lượng sản xuất biến đổi thì quan hệ sản xuất cũng biến đổi theo. C.Mác viết: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp” [132, tr. 187].
Như vậy, không thể chủ quan trong việc thiết lập quan hệ sản xuất mới khi chưa có được lực lượng sản xuất tương ứng và cũng không thể tùy tiện xóa bỏ quan hệ sản xuất hiện có khi nó còn là hình thức kinh tế thích hợp, có khả năng tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất hiện đại phát triển.
Trong quá trình đổi mới, với tác động của nền kinh tế thế giới, với tính đa dạng về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chúng ta đã thực hiện từng bước điều chỉnh, cởi trói đối với quan hệ sản xuất trên cả ba mặt (sở hữu, tổ chức, quản lý và phân phối); đã thừa nhận các thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển. Đường lối đổi mới thừa nhận tính đa dạng của của các hình thức sở hữu; thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” trong đó chính thức sử dụng khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”, chính thức sử dụng khái niệm “cơ chế thị trường”. Trong Cương lĩnh đã nêu lên 5 thành phần kinh tế là: Kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đề ra lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng, luận đề này được bổ sung quan điểm “xây dựng đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này có nghĩa là về mặt nhận thức đã có sự cởi mở hơn đối với kinh tế thị trường, song có sự nhấn mạnh phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng khẳng định: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng” [48, tr. 97].
Đại hội VIII cũng nêu lên 5 thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là: Kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng ta đã đề ra khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nội hàm của khái niệm này được khẳng định là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ. Đại hội IX cũng đã nêu lên 6 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Để phản ánh đúng tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều tổ chức và cá nhân người nước ngoài đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, Đại hội IX đã xác định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thêm thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế nói trên được xác định là bình đẳng trước pháp luật và được khuyến khích phát triển, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể được xác định là ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng ta nhận định: “Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Khu vực kinh tế nhà nước đang được tổ chức lại, đổi mới và chiếm 38,4% GDP vào năm 2005, chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào những lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Kinh tế dân doanh phát triển khá nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, chiếm 45,7% GDP, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân, trong đó, kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển khá đa dạng (đóng góp 6,8% GDP). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, chiếm 15,9% GDP, là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế” [50, tr.146]. Đại hội X khẳng định về các thành phần kinh tế như sau: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư ngoài. “Phát triển nền kinh
tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” [50, tr.329].
Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển, phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu. Còn vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở chỗ lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỷ trọng đóng góp vào GDP cao hay thấp mà ở chỗ, đó là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. So với