Sở hữu tư nhân

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 98 - 104)

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức về kinh tế thị trường và khẳng định trong nền kinh tế thị trường không thể thiếu vắng sở hữu tư nhân. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thừa nhận đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam; đã làm cho kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh và có những đóng góp hết sức quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị – xã hội của đất nước, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Tại Đại hội X (năm 2006), Đảng ta xác định cơ cấu nền kinh tế nước ta gồm năm thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Điểm mới ở đây là đã gộp kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân thành thành phần kinh tế tư nhân, đồng thời khẳng định đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân. Văn kiện Đại hội X cũng khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau. Điều này có tác dụng tích cực tạo sự yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế. Trong cơ cấu nền kinh tế đó, kinh tế nhà nước được Đảng xác định là thành phần đóng vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế khác góp phần quan trọng trong việc huy động mọi tiềm năng, nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, phát triển lực lượng sản xuất. “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà

nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” [50, tr. 83].

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, sở hữu tư nhân tuy không đóng vai trò chủ đạo nhưng có những vai trò quan trọng. Chúng ta có thể kể ra những vai trò cơ bản của sơ hữu tư nhân như sau:

Thứ nhất, sở hữu tư nhân góp phần quan trọng vào việc giải quyết

công ăn việc làm cho người lao động. Với hơn 86 triệu dân, trong đó 40

triệu dân đang trong độ tuổi lao động rất nhiều người đang cần việc làm. Kinh tế tư nhân ra đời góp phần sử dụng được nguồn lao động nhàn rỗi trong dân cư, tăng thu nhập cho người dân. Nói đúng hơn, nó góp phần thu hút mọi nguồn lực của xã hội tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tăng thu nhập cho cá nhân và tăng trưởng cho đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, ngày 20 tháng 10 năm 2010, những con số cụ thể mà thành phần kinh tế này đóng góp như sau: “Năm 2010, có khoảng 85 nghìn doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng; bình quân đạt gần 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 125% so với năm 2009, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm mới” [7].

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, cả năm 2010 tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm mới; đã đào tạo nghề cho trên 1,7 triệu người. Hình thức sở hữu tư nhân nhỏ của kinh tế cá thể, của doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn Việt Nam cũng có vị trí rất quan trọng. Hình thức sở hữu này giúp cho kinh tế cá thể đi vào kinh tế thị trường thuận lợi hơn, tạo việc làm nhằm giải quyết

lao động dư thừa. Ở nông thôn, nhất là ở miền Bắc và miền Trung, đất đai dành cho nông nghiệp rất ít, đa số nông dân chỉ dành it thời gian cho mùa vụ, thời gian còn lại họ đi tìm thêm việc làm ở các thành phố, hoặc họ tự phát triển kinh tế tư nhân dưới hình thức cá thể, tiểu chủ để giải quyết công ăn việc làm cho bản thân và giúp người khác có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và một bộ phận nông dân đã trở thành những ông chủ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Thứ hai, sở hữu tư nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy sức sáng tạo của người lao động. Mỗi người đều

tiềm ẩn trong mình khả năng sáng tạo. Bản thân mỗi người luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tiện nghi hơn, thoải mái hơn cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, nhất là nhu cầu ăn, ở, mặc, đi lại. Để cải thiện đời sống của mình thì mỗi cá nhân luôn phấn đấu nỗ lực lao động sản xuất. Nếu có được những chính sách phù hợp thì mỗi người sẽ phát huy hết tài năng sáng tạo của mình. Sức sáng tạo; là nguồn tài nguyên vô giá, nhất là trong điều kiện cách mạng khoa học – công nghệ và sự ra đời của nền kinh tế tri thức.

Sở hữu tư nhân có vai trò kích thích và tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ sở hữu phát huy tài năng của mình. Trong hình thức sở hữu tư nhân, năng lực của chủ sở hữu được phát huy tối đa vì họ có quyền quản lý và quyết định phân phối sản phẩn. Họ tự quyết định sản xuất cái gì, với số lượng bao nhiêu, cần bao nhiêu nhân lực cho công ty. Nếu chủ doanh nghiệp không nắm bắt được xu thế của thị trường, quản lý yếu kém thì doanh nghiệp có thể bị phá sản. Ngược lại, những người thực sự có tài năng sẽ phát huy được năng lực của mình; họ tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả và trở nên giàu có. Nếu như ở các doanh nghiệp nhà nước thời bao

cấp, lãi đều phải nộp nhà nước, lỗ được nhà nước bù, thì hiện nay, mỗi chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệp trước pháp luật về công việc mình làm, chính bản thân chủ sở hữu là người được hưởng và gánh chịu kết quả kinh doanh của mình. Khi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân giàu có thì sự giàu có đó sẽ góp phần vào tăng trưởng của quốc gia.

Thứ ba, sở hữu tư nhân huy động ngày càng nhiều nguồn vốn trong xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh và làm tăng thu nhập quốc dân. Bên cạnh ngân sách nhà nước, sự đóng góp vốn đầu tư của cá nhân vào vào các hoạt động sản xuất kinh doanh có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của một quốc gia. Sở hữu tư nhân tạo điều kiện khuyến khích người lao động trực tiếp đầu tư vốn, giúp giảm dần mâu thuẫn căng thẳng về vốn của các công ty, xí nghiệp, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ chế kinh doanh cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân gần đây phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2000 vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đạt gần 14.000 tỷ đồng, đến năm 2010 đã lên 500.000 tỷ đồng, năm 2010 vốn đầu tư của dân cư và tư nhân là 31,2%, tăng 3,9% so với năm 2009. Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp với tỷ trọng khá lớn vào sự ổn định trong GDP. Năm 2000, kinh tế tư nhân đạt gần 187.720 tỷ đồng, chiếm hơn 42% GDP toàn quốc (khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 39%). Nếu xem xét cụ thể, riêng hộ kinh doanh đóng góp trên 154.560 tỷ đồng, chiếm gần 82,35%; doanh nghiệp đóng góp trên 33.150 tỷ đồng, chiếm trên 17,60% GDP của kinh tế tư nhân [52].

Thứ tư, sở hữu tư nhân góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao cả về số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người dân. Ở Việt Nam kinh

tế tư nhân trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng đã bắt đầu phát triển mạnh. Sức cạnh tranh của thành phần kinh tế này giúp cho các sản phẩm trên thị trường đa dạng hơn, phong phú hơn, kiểu dáng đẹp hơn, hợp thời trang hơn để cho người tiêu dùng có được nhiều sự lựa chọn phong phú hơn. Điều dễ thấy là, về tác phong làm việc, thái độ phục vụ và tính hiệu quả kinh tế thì kinh tế tư nhân có phần nổi trội hơn so với kinh tế nhà nước. Kinh tế tư nhân đã góp phần mở mang nhiều ngành nghề và lưu thông hàng hóa, sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng vùng và trong cả nước. Một số sản phẩm đã góp phần chặn đứng và đẩy lùi được sự xâm nhập của hàng ngoại nhập.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2010 đã đạt 64,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ và bằng 105,8% kế hoạch năm; nhập khẩu cùng thời kỳ đạt trên 75,5 tỷ USD, tăng 20,7% và bằng 102% kế hoạch. Nhập siêu đến cuối tháng 11 cũng đã xấp xỉ 11 tỷ USD, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ [120]. Kim ngạch xuất – nhập khẩu trực tiếp của kinh tế tư nhân ở khu vực phi nông nghiệp tăng khá nhanh, năm 2001 nhập khẩu đạt trên 3,30 tỷ USD, xuất khẩu đạt trên 2,85 tỷ USD. Đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động tốt, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng tín nhiệm. Số lượng công nhân lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của kinh tế tư nhân tăng lên nhanh. Năm 2000, số lao động làm việc trong công nghiệp trên 2,1 triệu người, chiếm gần 45,70% lao động trong khu vực phi nông nghiệp của kinh tế tư nhân, tăng trên 18,70% so với năm 1999, đây là mức tăng khá cao [52].

Từ khi có Luật doanh nghiệp và hàng loạt các biện pháp cải cách khác, môi trường kinh doanh ở nước ta đã có những cải thiện quan trọng.

Người dân được tự do kinh doanh ở tất cả những lĩnh vực mà luật pháp không cấm. Nhà nước khuyến khích người dân kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước; khuyến khích mọi doanh nghiệp tham gia các ngành xuất khẩu; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính trong môi trường đó, các doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng; đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước; mở rộng xuất khẩu; thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển các thị trường; đổi mới kinh tế và hành chính. Khu vực kinh tế tư nhân đang dần chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất và lượng của khu vực kinh tế tư nhân thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và thu hút nguồn nhân lực. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế ngày một sâu rộng, kinh tế tư nhân đã đứng vững, chiếm lĩnh thị trường nội địa và cạnh tranh cao với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay Việt Nam đã có tới hơn 500.000 doanh nghiệp được thành lập, trong số ấy có tới 97% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 50,1% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133.000 HTX, trang trại và các hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp vào tăng trưởng tới 60% GDP. Sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua là hết sức to lớn. Từ những mô hình kinh tế nhỏ đến nay các doanh nghiệp tư nhân đã từng bước xác lập được vị thế quan trọng của mình trong công cuộc đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà [95].

Những con số nói trên đã chứng minh rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ không phát triển nếu vắng sở hữu tư nhân; chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là một chủ trương rất sáng suốt của Đảng; chính sách xóa bỏ kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong thời kỳ trước đổi mới là rất sai lầm.

Thứ năm, sở hữu tư nhân tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn

đề xã hội. Trên thực tế, các thành phần kinh tế khi tham gia vào thị trường

đều phải có mục tiêu lợi nhuận. Có lợi nhuận thì các doanh nghiệp mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, cũng như mới có điều kiện để phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và từng bước hình thành những tập đoàn xuyên quốc gia. Có lợi nhuận thì thu nhập của nhân viên mới được nâng cao, đời sống mới từng bước cải thiện. Lợi nhuận của các công ty tư nhân càng nhiều thì việc đóng thuế của họ nộp cho Nhà nước càng lớn, nguồn ngân sách đó cũng góp phần không nhỏ vào việc đầu tư phát triển giáo dục, nâng cấp, xây dựng, cơ sở hạ tầng, mở rộng các công trình phúc lợi, làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình có công với cách mạng và giúp đỡ những người không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Như vậy, không phải chỉ có sở hữu nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước mà trên thực tế hiện nay sở hữu tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia rất tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội.

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 98 - 104)