Sự vận động biến đổi của các hình thức sở hữu trong lịch sử

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 45 - 49)

Lịch sử loài người trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội. Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội luôn có sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu, tuy nhiên trong đó bao giờ cũng có một hình thức sở hữu đặc trưng cho chế độ sở hữu của hình thái kinh tế - xã hội đó.

Ở hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thủy, giai đoạn đầu tiên trong lịch sử phát triển có tổ chức của loài người, hình thức sở hữu đầu tiên là sở hữu thị tộc. Ở thời kỳ này lao động của con người chủ yếu là hái lượm và săn bắn, tức là sự sống của con người cơ bản dựa vào sự chiếm hữu những vật phẩm sẵn có trong tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu của mình. Khi hoạt động lao động của con người phát triển hơn, con người không chỉ biết chiếm hữu những vật phẩm sẵn có trong tự nhiên mà đã biết cải biến nó cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình thì sở hữu bộ lạc ra đời.

Khi loài người bước đầu biết chế tạo ra công cụ lao động đơn giản, như biết đẽo đá thành cái rìu, thì con người biết chăn nuôi và trồng trọt. Lao động của họ bắt đầu có tính chất sản xuất và con người không còn hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên như trước nữa. Biết trồng trọt thì đất đai đã bắt đầu trở thành của cải và là đối tượng chiếm hữu của con người. Lúc này hình thức sở hữu tiếp theo xuất hiện, đó là sở hữu công xã về ruộng đất. Nó tồn tại rất lâu trong lịch sử, tồn tại ở Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới cho đến đầu thế kỷ XX, thậm chí những tàn dư của hình thức sở hữu này còn tồn tại ở Việt Nam cho đến “khoán mười”. Ở cuối giai đoạn phát triển của chế độ cộng sản nguyên thủy, khi hoạt động chăn nuôi phát triển thì hình thức sở hữu cá thể về gia súc xuất hiện. Của cải của con người đã có nhiều, bên cạnh những vật phẩm kiếm được trong tự nhiên, đã bắt đầu xuất hiện của cải bằng nô lệ, bằng tiền. Hình thức sở hữu đặc trưng thời kỳ này là sở hữu công xã về ruộng đất mặc dù quyền sở hữu của những tư nhân và gia đình đối với những của cải được bộ lạc chia cho có thể đem trao đổi hoặc trả nợ. Sản xuất đã phát triển hơn so với trước nhưng về căn bản vẫn còn thấp kém, con người vẫn phải liên kết với nhau để chống chọi với thiên nhiên, dã thú và cả bộ lạc khác nữa. Nếu nhìn từ góc độ khái quát nhất thì công hữu nguyên thủy là đặc trưng chung. Nó được kết cấu bằng ba hình thức từ thấp đến cao là sở hữu bộ lạc, sở hữu công xã, sở hữu cá thể. Trong

xã hội nguyên thủy không chỉ có một hình thức, mà đã có nhiều hình thức sở hữu cùng tồn tại dù chỉ là thô sơ, bao gồm cả mầm mống của cái đối lập là tư hữu. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm mất dần tính cộng đồng trong quan hệ sản xuất cộng sản nguyên thủy.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, con người đã biết chế tạo ra và sử dụng công cụ sản xuất bằng kim loại, lực lượng sản xuất có bước phát triển quan trọng, năng suất lao động đã tăng lên một cách đáng kể. Lúc này, sở hữu tư nhân và nhà nước đầu tiên (nhà nước chủ nô) xuất hiện. Ở thời kỳ này, công cụ lao động tiếp tục được cải tiến, chiến tranh giành giật đất đai giữa các bộ lạc xảy ra quyết liệt. Sở hữu công xã không mất đi mà xuất hiện thêm hình thức sở hữu mới là sở hữu nhà nước. Khi các cuộc chiến tranh nổ ra, bên bại trận không bị giết nữa mà bị bắt làm tù binh và được giữ làm nô lệ. Những tù binh đã góp thêm sự phong phú về của cải. Lần đầu tiên trong lịch sử con người (tù binh) trở thành của cải, thành đối tượng chiếm hữu của kẻ khác dưới hình thức người nô lệ.

Sở hữu nô lệ trở thành nét đặc trưng của chế độ nô lệ bên cạnh sở hữu bộ lạc, sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân. Bóc lột nô lệ là một trong những hình thức bóc lột tàn bạo và dã man nhất, nhưng đó lại là một bước tiến của lịch sử so với chế độ cộng sản nguyên thủy. Nhờ bóc lột nô lệ mà lực lượng sản xuất trong giai đoạn này ngày càng phát triển nhanh chóng. Lực lượng “công cụ lao động biết nói” ngày càng đông đảo và mâu thuẫn gay gắt với chế độ chiếm hữu nô lệ. Họ đã vùng lên đấu tranh chống lại xã hội nô lệ, tự giải phóng mình để trở thành những người lao động tự do.

Chỉ đến khi lực lượng sản xuất phát triển đến một mức độ nhất định (con người biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động bằng kim loại) thì hình thức chiếm hữu nô lệ mới chiếm được ưu thế.

Sự vận động và phát triển của các hình thức sở hữu không đứt đoạn và không tách rời nhau. Trái lại, chúng luôn luôn vận động, tồn tại, tạo điều

kiện cho nhau phát triển phù hợp với lực lượng sản xuất. Quá trình đấu tranh giữa các hình thức sở hữu (thông qua đấu tranh giai cấp) là động lực phá vỡ hệ thống quan hệ sở hữu trong xã hội chiếm hữu nô lệ, hình thành hệ thống quan hệ sở hữu phong kiến.

Theo C.Mác, trong chế độ phong kiến, sở hữu tư nhân về ruộng đất chỉ tồn tại phổ biến ở phương Tây; còn ở châu Á, sở hữu công xã về ruộng đất là chủ yếu. Quá trình tồn tại phát triển của sở hữu tư nhân cũng chính là quá trình đấu tranh loại dần mặt bảo thủ của phương thức sản xuất châu Á [168, tr. 88].

Trong chế độ phong kiến, sở hữu công xã không mất đi, tàn dư của sở hữu nô lệ (con hầu, người ở) vẫn còn tồn tại bên cạnh sở hữu nhỏ của người nông dân về ruộng đất. Cùng với sở hữu tư nhân về ruộng đất, sở hữu phường hội xuất hiện do sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Ngoài ra, hình thức sở hữu (chủ yếu là ruộng đất) tư bản nhỏ cũng đã bắt đầu tồn tại và phát triển.

Các hình thức sở hữu trong chế độ phong kiến không chỉ tồn tại trong trạng thái liên hợp, mà còn có sự đan xen giữa các hình thức sở hữu tư nhân phong kiến với hình thức sở hữu tư nhân cá thể nhỏ - mầm mống của sở hữu tư nhân tư bản sau này.

Đến chủ nghĩa tư bản, lực lượng sản xuất đã có bước phát triển nhảy vọt so với trước. Máy móc xuất hiện, nền công nghiệp cơ khí phát triển mạnh mẽ. C.Mác đã nhận xét rằng, trong chưa đầy một thế kỷ, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một lực lượng của cải bằng tất cả sự phát triển từ trước tới lúc đó cộng lại. Kinh tế hàng hóa phát triển thay thế cho nền kinh tế tự cấp thời phong kiến, các hình thức sở hữu có sự biến đổi nhanh chóng. Sở hữu ruộng đất trong chế độ phong kiến đã tồn tại với tư cách hàng hóa - cạnh tranh quyết liệt và xuất hiện thêm các hình thức sở hữu mới, như sở hữu cổ phần, sở hữu tư bản nhà nước, sở hữu hợp tác xã và sở hữu tư nhân tư bản.

Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, sở hữu tư nhân tư bản vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng đã có những hình thức sở hữu mới so với thời C.Mác, như sở hữu của người lao động trong các xí nghiệp cổ phần, sở hữu hỗn hợp của các tập đoàn tư bản quốc tế…

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội sẽ xóa bỏ mọi hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chuyển toàn bộ tư liệu sản xuất xã hội thành sở hữu toàn dân. Mọi hình thức sở hữu khác, nếu phải thực hiện trong bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chỉ có thể là những hình thức trung gian quá độ, nằm trong thời kỳ quá độ. Không có một thứ chủ nghĩa xã hội đích thực nào mà trong đó lại còn tồn tại sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.

Cũng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự độc tôn với bất kỳ hình thức sở hữu nào cũng đều kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, bên cạnh hình thức sở hữu đặc trưng của một chế độ xã hội nhất định, bao giờ cũng có những hình thức sở hữu khác cùng tồn tại đan xen lẫn nhau. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định sự xuất hiện, tồn tại và phát huy vai trò của mỗi hình thức sở hữu. Nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người.

Nghiên cứu các hình thức sở hữu trong lịch sử sẽ giúp chúng ta có một phương pháp luận đúng đắn, nhìn ra cái logic và cái lịch sử của sự tồn tại, vận động và phát triển của chúng. Điều đó giúp lựa chọn, tổ chức các hình thức sở hữu phải phù hợp với điều kiện cụ thể trong sự nghiệp đổi mới và phát triển toàn bộ nền kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 45 - 49)