Sở hữu nhà nước

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 81 - 87)

Sở hữu nhà nước là sở hữu của toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu. Trong bất kỳ chế độ xã hội nào, nhà nước đều có quyền quản lý toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và được coi là đại diện của cả cộng đồng quốc gia, được nhân dân bầu ra, được giao quyền và trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý đất nước. Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhà nước được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng toàn bộ nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân để đầu tư có hiệu quả cho mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Hiện nay, Nhà nước ta đang nắm trong tay lực lượng vật chất to lớn; lực lượng vật chất này cùng với luật pháp, kế hoạch, chính sách tạo cho Nhà nước một sức mạnh to lớn để chi phối, hướng dẫn, điều tiết sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc xác định đúng đắn vai trò chủ đạo của sở hữu nhà nước có ý nghĩa to lớn, mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, sở hữu nhà nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các tài sản thuộc sở hữu nhà nước (như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các nguồn dự trữ, ngân sách, các quỹ quốc gia và kể cả phần vốn mà Nhà nước góp vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác).

Việt Nam sử dụng sở hữu nhà nước để hỗ trợ, đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhà nước sử dụng một phần vốn thuộc sở hữu nhà nước để tổ chức, tham gia đầu tư nhiều hình thức (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối, hoặc không chi phối). Vì vậy, khi đánh giá

vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phải xét trên tổng thể đó chứ không chỉ căn cứ vào bộ phận doanh nghiệp 100% vốn của nhà nước.

Đảng ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Vai trò chủ đạo này được thể hiện ở những điểm sau:

Một là, sở hữu nhà nước định hướng phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, hài hòa. Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước tập trung đầu

tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, như an ninh, quốc phòng, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, các ngành công nghiệp mũi nhọn… Nhà nước nắm vững những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu quan trọng, thiết yếu của đất nước, đặc biệt là những hàng hóa dịch vụ công cộng. Các lĩnh vực trọng yếu đó yêu cầu nguồn vốn lớn và khả năng thu hồi vốn lâu nên các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác thường không muốn đầu tư hoặc không đủ khả năng đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước là công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/7/2013 ước tính đạt 381,7 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 251,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1%; thu từ dầu thô 58,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 68,6 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 73,4 nghìn tỷ đồng, bằng 42,1% dự toán năm; Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/7/2013 ước tính đạt 483,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 83,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản

81 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính đạt 343,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51%; chi trả nợ và viện trợ 56,2 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% [185].

Con số trên cho thấy các lĩnh vực quan trọng thì Nhà nước phải giữ vai trò nòng cốt nhằm ổn định thị trường, thực hiện các mục tiêu chính trị - xã hội. Kinh tế nhà nước là nhân tố mở đường, định hướng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, là nhân tố quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, hài hòa trong tất cả các vùng lãnh thổ, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Hai là, với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc mở đường, nêu gương, định hướng cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Chủ trương của Đảng ta là phải tạo ra môi trường hoạt

động bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế nhằm khai thác hết nội lực của các thành phần kinh tế phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, mặc dù kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng không độc quyền, cứng nhắc, mà phải có sự hợp tác, liên kết hợp lý giữa các thành phần kinh tế khác nhau, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu và công nghiệp. Sự điều tiết của nhà nước cũng cần diễn ra một cách linh hoạt căn cứ vào từng thời kỳ và từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, ở thời kỳ đầu khi tư nhân chưa đảm đương được các ngành sản xuất mới, các lĩnh vực cần có sự đầu tư lớn, thì kinh tế nhà nước đóng vai trò mở đường; nhưng đến khi ngành sản xuất mới đã đi vào ổn định, không nhất thiết cần sự đầu tư của Nhà nước thì có thể chuyển giao nó cho các thành phần kinh tế khác. Cũng có những cơ sở kinh tế mà Nhà nước chưa đầu tư trong thời kỳ trước nhưng đến nay lại rất cần có sự đầu tư trực tiếp của Nhà nước, thì có thể chuyển những cơ sở kinh tế đó sang hình thức sở hữu nhà nước dưới dạng Nhà nước mua cổ phiếu hoặc quốc hữu hóa có đền bù. Thành phần kinh tế nhà

nước còn có vai trò nêu gương trong việc ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nêu gương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nêu gương trong việc thực hiện pháp luật và đóng góp thuế.

Bộ Tài chính cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2013, số thu ngân sách nhà nước từ khối các doanh nghiệp lớn đạt 110.651 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi tháng các doanh nghiệp nhà nước đóng góp vào ngân sách 19.000 tỷ đồng [198], góp phần định hướng cho các thành phần kinh tế khác cùng phát phát triển. Bởi, suy cho cùng, muốn kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững thì phải có sự kết hợp hài hòa giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.

Ba là, kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết, hướng dẫn hoạt động các thành phần kinh tế khác bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây

dựng chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là vì con người, vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột. Chính vì mục tiêu đó nên trong từng chặng đường, từng bước, từng chính sách phát triển cần phải bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Nhà nước ta xem lợi nhuận là quan trọng trong việc quyết định đầu tư sản xuất, nhưng hết sức coi trọng sự tác động tốt hay xấu của việc đầu tư đối với toàn bộ sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước và lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân. Vì vậy, mục tiêu lợi nhuận không phải là mục tiêu cao nhất.

Khi nói đến vai trò của sở hữu nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các tài sản công để các nguồn lực này được quản lý, sử dụng có hiệu quả. Đẩy mạnh đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; xây dựng một số tập đoàn

kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối” [51, tr. 35-36].

Khi khẳng định vai trò to lớn của kinh tế nhà nước, Đại hội cũng tuyên bố rõ rằng, các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; Đảng cam kết lãnh đạo Nhà nước thi hành các chính sách kinh tế không phân biệt đối xử với các hình thức sở hữu. Đây là một bước tiến mới trong quan điểm về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Đảng ta. Hơn nữa, Đảng chủ trương đưa hệ thống doanh nghiệp nhà nước vào hoạt động trong môi trường công khai, minh bạch và cạnh tranh thực sự; xoá bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, buộc doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động hiệu quả mới được tồn tại.

Chính vì vậy, phải tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước trong những ngành, những lĩnh vực trọng yếu; những cơ sở sản xuất thương mại, dịch vụ quan trọng; một số doanh nghiệp thực hiện những nhiệm vụ có quan hệ đến quốc phòng, an ninh… Những doanh nghiệp điển hình cần phải kể đến theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, xét cả về vốn, tài sản và đóng góp cho ngân sách Nhà nước, trong nhiều năm, đóng góp của Tập đoàn lên đến 30% tổng nguồn thu ngân sách. Tập đoàn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi tham gia cung cấp các sản phẩm dầu, khí đốt và điện năng cho nhu cầu năng lượng của đất nước. Chính vì đó, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn

thông Việt Nam (VNPT) và một số tập đoàn khác đều đạt doanh thu cao, có lãi [36].

Mặc dù vậy Nhà nước chỉ nên nắm một những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, tức là những vị trí kinh tế then chốt, yết hầu, thông qua đó mà điều tiết, chi phối, hướng dẫn hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù sở hữu nhà nước đóng vai trò rất quan trọng như đã nêu ở trên, nhưng nó vẫn còn một số nhược điểm cần phải được khắc phục. Đó là khả năng cạnh tranh của thành phần kinh tế nhà nước chưa cao, tăng trưởng chậm, hiệu quả kinh tế thấp; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, sản xuất chưa ổn định. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào khu vực kinh tế nhà nước còn chậm, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc Nhà nước quản lý chậm đổi mới và còn rất lạc hậu. Việc sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước còn chưa hợp lý; gây nhiều tổn hại, thất thoát. Việc xây dựng các tập đoàn lớn một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc thấu đáo, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Tuy có vốn đầu tư lớn và được nhiều ưu đãi nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.

Để phát huy vai trò của sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước thì cần phải có những giải pháp tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc đang cản trở cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động. Đó là, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp; tách chức năng quản lý hành chính của Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp; tách hệ thống hành chính ra khỏi hệ thống

cơ quan sự nghiệp; tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với yêu cầu sản xuất – kinh doanh trong điều kiện mới.

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 81 - 87)