Những giải pháp cho vấn đề sở hữu

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 39)

Những giải pháp cho việc phát huy vai trò của các hình thức sở hữu nhìn chung còn được ít tác giả nghiên cứu. Theo tác giả Trương Gia Long, việc đa dạng hóa sở hữu và các thành phần kinh tế góp phần vào việc phát triển sản xuất; giải quyết các vấn đề xã hội; làm lành mạnh hóa xã hội; giúp sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế cùng tồn tại phát triển sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh mẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Muốn phát huy được những vai trò đó thì cần phải thường xuyên đổi mới cơ chế chính sách, pháp luật; khuyến khích mở rộng, thu hút đầu tư nước ngoài; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân để đưa nước ta phát triển, hội nhập

cùng dòng chảy chung của nền văn minh nhân loại [111]. Còn theo các tác giả của cuốn Nền kinh tế trước ngã ba đường do Nguyễn Đức Thành chủ biên thì trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều biến động kinh tế - xã hội - chính trị phức tạp sau giai đoạn hai năm suy thoái nghiêm trọng (2008-2009), nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển mới sau một thập niên tăng trưởng dựa nhiều vào năng lượng. Năm 2011 cũng là năm mở đầu chiến lược 5 năm, hướng tới năm 2020 và xa hơn nữa, nhưng trước mắt nền kinh tế đang chứng kiến những bất ổn vĩ mô tiềm tàng (lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tiếp tục tích lũy, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện, cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vấn đề). Điều đó cho thấy Việt Nam đang đứng trước một ngã ba đường. Việt Nam cần quyết tâm tiếp tục cải cách kinh tế - xã hội, thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế để tạo ra những động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội một cách vững chắc trong trung và dài hạn [174].

Các tác giả Trần Văn Tùng và Vũ Đức Thanh trong cuốn Thể chế -

yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, đã đi sâu nghiên cứu, giải thích tăng

trưởng kinh tế tại một số quốc gia khu vực, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị về con đường cải cách thể chế của Việt Nam. Theo các tác giả, thể chế là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế; nền chính trị dân chủ gắn liền với kinh tế thị trường tự do là điều kiện tiên quyết cho một quốc gia trở nên thịnh vượng. Ảnh hưởng quan trọng nhất đến kết quả kinh tế là thể chế kinh tế trong xã hội, bao gồm cơ cấu quyền sở hữu, sự hiện diện của thị trường và tính hoàn hảo của nó. Các thể chế kinh tế là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng tới cấu trúc của các động lực kinh tế trong xã hội. Nếu không có quyền sở hữu, cá nhân sẽ không có động lực để đầu tư vốn hay áp dụng công nghệ đạt năng suất cao hơn. Thể chế kinh tế cũng rất quan trọng; bởi vì nó giúp cho việc phân bổ các nguồn lực để sử dụng hợp lý, nó xác định

quyền của người được hưởng lợi, doanh thu và các quyền quản lý khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh [197].

Quan điểm nêu trên của tác giả có rất nhiều điểm rất hợp lý, cách giải thích của tác giả về thể chế cũng cho người ta thấy rõ vai trò của thể chế đối với sự phát triển kinh tế. Nhưng nền chính trị dân chủ gắn liền với kinh tế thị trường tự do là điều kiện tiên quyết cho một quốc gia trở nên thịnh vượng thì theo tôi cũng không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, một quốc gia có trở nên thịnh vượng hay không còn phải phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể từng nước, chứ không bao giờ có một công thức chung cho tất cả các nước khi vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống và tính đặc thù của các quốc gia khác nhau.

Theo đa số các tác giả, những giải pháp cho việc phát triển kinh tế đất nước nói chung là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế; đổi mới chế độ sở hữu. Có rất ít tác giả đưa ra những giải pháp cụ thể cho việc phát huy vai trò của các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chính vì vậy, theo tôi, đây vẫn còn là một vấn đề cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu.

Kết luận chương 1

Vấn đề sở hữu là vấn đề quan trọng của bất cứ xã hội nào, bởi nó là yếu tố quyết định nhất trong quan hệ sản xuất, nó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chính vì vậy, các nhà sáng lập

chủ nghĩa Mác – Lênin rất quan tâm tới vấn đề này. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã luận chứng cho việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa. Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lênin là người đầu tiên đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, vấn đề sở hữu cũng lần đầu tiên được đưa ra kiểm chứng. Chính V.I.Lênin đã có những nghiên cứu, điều chỉnh nhất định ở tầm sách lược và đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn bấy giờ.

Ở Việt Nam, trước khi tiến hành công cuộc đổi mới, một số tác giả đã đề cập đến đề tài này, quan tâm khai thác luận điểm mácxít về vấn đề xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất để khẳng định tính tất yếu của việc quốc hữu hóa và tập thể hóa. Từ Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng, đặc biệt từ sau Đại hội VII, Đảng ta chủ trương cải cách nền kinh tế ở Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định xây dựng một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Điều đó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Một số sách chuyên khảo, nhiều bài nghiên cứu vấn đề sở hữu đã được công bố đăng trên tạp chí “Cộng sản”, “Triết học”, “Kinh tế”, “Nghiên cứu lý luận”…Nhìn chung, các tác giả tập trung phân tích quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu và xóa bỏ chế độ tư hữu; luận chứng tính tất yếu phải đa dạng hóa các hình thức sở hữu, xem các vấn đề sở hữu có tính chất cơ bản nhất đối với mọi sự cải cách kinh tế; phê phán những quan điểm cho rằng sở hữu trong chủ nghĩa xã hội chỉ có hai hình thức độc tôn là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể; phê phán tính chất vô chủ do hai hình thức sở hữu đó gây ra.

Các tác giả cũng tập trung phân tích sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa; vị trí, vai trò của từng hình thức sở hữu; sự đan xen

giữa các hình thức sở hữu với nhau trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về sở hữu là mục tiêu hay là phương tiện. Đã có những quan niệm khác nhau về khái niệm sở hữu, chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu, chế độ sở hữu, hình thức sở hữu, quan hệ giữa các quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền kinh doanh; quan hệ giữa sở hữu và pháp lý, sở hữu và chính trị…

Mặc dù sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thừa nhận, nhưng vai trò của các hình thức sở hữu và phương thức để phát huy vai trò của các hình thức sở hữu đó thì vẫn chưa được các tác giả đề cập đến nhiều và chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Đề tài “Các hình thức sở hữu và vai trò của

chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay” vẫn đang cần được nghiên cứu sâu sắc hơn nữa, nhất là từ góc độ

triết học.

Chương 2: SỞ HỮU TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

Một phần của tài liệu Các hình thức sở hữu và vai trò của chúng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 39)