Việc áp dụng các kiến thức về khoa học kĩ thuật mới vào thực tiễn sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Để nâng cao hơn nửa hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào, theo tôi các giải pháp về kĩ thuật cần thực hiện đó là:
- Đối với cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng:
Do giới hạn về quỹ đất phục vụ, sản xuất nông nghiệp, yêu cầu cấp thiết đối với các nông hộ là tăng cường đầu tư sản xuất thâm canh để tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó yếu tố giống là yếu tố được quan tâm hàng đầu của bà con nông dân, kể từ khi bắt đầu tiến hành sản xuất, giống quyết định đến khả năng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trên địa bàn hiện nay bà con thường sử dụng các giống lúa ngắn ngày như: Khang Dân, HT1… Yêu cầu đặt ra cần nâng cao tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao, đặc biệt là các loại giống HT1, Nếp IRI 352, Xi 23: nâng tỷ lệ và chất lượng giống xác nhận do HTX tự sản xuất và yêu cầu các nông hộ phải sử dụng hoàn toàn giống lúa cấp một để giảm thiểu khả năng rủi ro. Đối với hộ nông dân còn dùng giống lúa cấp hai thì cần phải thay đổi suy nghĩ chuyển sang giống lúa cấp 1 để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, nắm bắt được lịch thời vụ gieo trồng cũng quyết định không nhỏ đến thành quả đạt được. Vì vậy, công tác chỉ đạo kế hoạch thời vụ trong sản xuất là hết sức cần thiết, HTX căn cứ vào hướng dẫn lịch thời vụ của phong NN & PTNT huyện để nghiên cứu vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương mà xây dựng lịch thời vụ đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển trong điều kiện thuận lợi và an toàn từ khi gieo đến khi thu hoạch. Theo quy luật thời vụ gieo cấy hàng năm thì vụ Đông Xuân yêu cầu phải thu hoạch dứt điểm trước ngày 25/05 và vụ Hè Thu phải thu hoạch trước ngày 02-09/09 nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra.
- Đối với phân bón:
Do khó khăn về giao thông cũng như thiếu thốn trang thiết bị, vật chất kĩ thuật và chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, các vụ trồng trọt hiện nay chủ yếu là dung phân bón hóa học thay cho phân bón hữu cơ. Điều này vừa làm tốn chi phí vừa gây thoái hóa đất đai. Qua điều tra cho thấy các nông hộ ít sử dụng phân chuồng. Vấn đề đặt ra cần nhận thức vai trò của nó ảnh hưởng đến năng suất lúa là rất lớn. Đồng thời biết kết hợp cân đối giữa các loại phân bón sẽ góp phần cải tạo
Để đảm bảo nâng cao năng suất lúa, việc bón phân đúng thời điểm và đủ liều lượng là điều kiện hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng. Hiện nay hầu hết các nông hộ trên địa bàn đều nắm được kĩ thuật bón phân đúng quy trình ( bón lót lần đầu bằng cách vùi phân vào đất, tiếp theo bón thúc đúng thời điểm) và chọn thời điểm thích hợp ( không quá nóng hay quá lạnh) nên mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong cơ cấu bón phân hóa học các hộ nông dân thường lạm dụng phân đạm nên độ chua trong đất có khuynh hướng tăng nhanh đặc biệt là đối với các chân ruộng trũng. Thời gian gần đây nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật nên các loại phân bón tổng hợp như NPK đã cải thiện phần nào độ chua trong đất mang lại năng suất lao động cao hơn.
- Đối với công tác BVTV:
Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm năng suất lúa. Phát hiện sớm và phòng trừ sâu bệnh kịp thời là biện pháp vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao năng suất. Qua điều tra cho thấy hầu hết các nông hộ sử dụng thuốc hóa học như một biện pháp chủ yếu để phòng trừ sâu bệnh. Việc sử dụng thuốc hóa học có thể mang lại sản lượng cao hơn nhưng tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn cho người tiêu dùng và môi trường. Thiết nghĩ cần phải có những biện pháp để “phòng trừ” dịch bệnh tổng hợp sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là “chống” sâu bệnh như hiện nay.
Giải pháp đặt ra đó là thường xuyên tuyên truyền thực hiện chương trình quản lí phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM cho người dân, áp dụng mô hình ba tăng ba giảm một cách có hiệu quả nhất. HTX cần kết hợp với trạm BVTV để kiểm tra dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh nhằm thông báo kịp thời chi bà con nông dân biết. Bên cạnh đó công tác diệt chuột cần được quan tâm ngay từ đầu vụ. Vụ Hè Thu sau lụt tiểu mãn thì tiến hành bỏ bã và triễn khai toàn dân ra quân diệt chuột. Các công tác này cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nông hộ với HTX mới đạt hiệu quả cao.
- Đối với công tác làm đất và thủy lợi:
Trong khâu làm đất, việc đầu tư mua sắm các thiết bị máy móc cơ giới để thay thế dần sức kéo của gia súc cũng như hoạt động cơ bắp của con người là hết sức cần thiết. Qua điều tra cho thấy các nông hộ đều thuê lao động bên ngoài phục vụ cho khâu làm đất điều này cũng dể hiểu bởi bà con chưa đủ điều kiện để trang bị các công cụ máy móc phục vụ sản xuất. Do vậy, các nông hộ hợp đồng với HTX, HTX hợp đồng cụ thể với các chủ máy để tổ chức điều hành khâu làm đất. Bên cạnh đó, HTX cần chú trọng công tác giám sát kiểm tra tránh việc làm đất không kĩ gây khó khăn cho việc gieo trồng và diệt cỏ dại.
Về công tác thủy lợi- đây là khâu mà HTX tham gia đảm trách làm công tác dịch vụ cần đảm bảo công tác dẫn nước vào ruộng, trỗ bông và vào mẩy. HTX cùng với hộ nông dân cần kiểm tra làm đường khe bờ giử nước, kiểm tra hang mội,rò rỉ.
- Đối với công tác chăm sóc:
Ngoài việc sử dụng những giống lúa kháng sâu bệnh, cần chú trọng đầu tư công chăm sóc trong quy trình canh tác. Đặc biệt là công chăm sóc, tỉa dặm, làm cỏ… ảnh hưởng tích cực đến việc sản xuất lúa. Những hộ nào đầu tư nhiều công chăm sóc thường mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn. Do đó trong thời gian tới, các hộ cần chú trọng đầu tư thời gian và công sức hơn nữa, cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện những dịch bệnh có nguy cơ làm giảm năng suất cây trồng.