Tác động của tài chính vi mô

Một phần của tài liệu Phát triển Quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ tại Việt Nam.doc (Trang 32 - 35)

1.4.1 Phát triển kinh tế xã hội

Hoạt động tài chính vi mô góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Tài chính vi mô đã giúp người nghèo thay đổi cuộc sống theo hướng đi lên, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Điều này được khẳng định qua sự tác động: 1. Có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ, giảm hộ nghèo, tăng hộ trung bình và khá, an toàn lương thực được tăng cường; 2. Cải thiện nhà ở và mua sắm tài sản; 3. Đa dạng hóa các nguồn thu; 4. Có cơ hội chăm sóc y tế và giáo dục, cuộc sống văn hóa tinh thần.

Khai thác và phát huy tiềm năng của nhóm hộ nghèo sẽ góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế, bớt đi những chi phí cứu trợ, giúp cho họ đấu tranh với đói nghèo bằng việc cải thiện thu nhập. Cung cấp tín dụng vi mô cho người nghèo chính là đã cung cấp cho họ một công cụ lao động đặc biệt mà lâu nay họ rất khó tìm kiếm. Loại công cụ này đã tham gia vào quá trình lao động, nó giúp cho lao động của người nghèo có giá trị và đem lại hiệu quả. Cơ chế bắt buộc trả gốc và lãi hàng tháng đã khơi dậy bản tính cần cù, thông minh và làm việc chăm chỉ để có tiền hoàn trả đúng hạn. Người nghèo sử dụng những sản phẩm tín dụng đa dạng để tạo ra các việc làm đa dạng mà trước đó ít ai ngờ tới, để rồi có nhiều nguồn thu, cải thiện đời sống hoặc tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Tài chính vi mô sẽ làm giảm bớt sự tổn hại. Sự tổn hại gây ra bởi các tác động bất thường như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật, và các yếu tố khác dễ gây ra tổn thương đến người nghèo. Về khía cạnh kinh tế, những tác động trên được hiểu là mức tăng trưởng không dự đoán của tiền trả ra vượt quá tiền thu vào và luồng tiền. Tài chính vi mô sẽ giúp giải quyết các vấn đề về luồng tiền, giúp tránh được vay tiền với chi phí cao từ các nguồn tiền không chính thức và do đó, giảm mức độ mua bán khẩn cấp các tài sản sản xuất với mức giá thấp hơn.

Quá trình tham gia vào chương trình TCVM là quá trình các thành viên và cán bộ quản lý liên tục được đào tạo và thực hành, từ đó đã không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ và người dân tộc. Hầu hết phụ nữ được trang bị các kiến thức và phương pháp mới về quản lý hoạt động TCVM và quản lý phát triển được áp dụng những chuẩn mực quản lý, được học hỏi và chia sẻ thường xuyên lẫn nhau qua các cuộc họp thường kỳ. Với cơ chế phân quyền cao, TCVM đã mở ra nhiều cầp độ cho nhiều người tham gia vào quá trình vận hành chương trình. Từ đó có nhiều cán bộ giỏi, tự tin và có năng lực lãnh đạo có đủ năng lực tham gia các hoạt động đoàn thể khác.

Tài chính vi mô phát huy tính văn hóa truyền thống và hình thành các giá trị mới, quan hệ mới trong gia đình và cộng đồng. Trong quá trình hoạt động, các giá trị về đạo đức được đề cao, sự quan tâm thể hiện bằng hành động, sự chia sẻ sự tham gia hoạt động giữa các thành viên với nhau. Trong các cụm nhóm hoạt động, sự quan tâm thể hiện thông qua việc hỗ trợ quá trình vay vốn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quản lý. Một giá trị mới, quan hệ mới được hình thành và phát triển với những nét đặc trưng giữa các thành viên cùng tham gia hoạt động TCVM.

Tài chính vi mô còn tăng vị thế của người phụ nữ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động của tài chính vi mô, họ tham gia vào quản lý, vay vốn và giám sát các hoạt động của tổ chức. Từ đó việc nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận với các nguồn thông tin đã giúp người phụ nữ có tiếng nói hơn trong gia đình cũng như trong xã hội.

Nâng cao năng lực của các tổ chức đoàn thể vừa là mục tiêu vừa là điều kiện cần thiết để thực hành chương trình của cơ quan tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Các tổ chức đoàn thể đã được tham gia các khóa đào tạo về TCVM, trang bị nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật của tổ chức, quản lý tài chính và khoa học phát triển, bởi vậy họ đã vận dụng vào cải tiến hoạt động và phong cách của tổ chức. Những tổ chức được lựa chọn có nhiều cơ hội để trưởng thành và được đánh giá cao.

1.4.2 Thúc đẩy phát triển hoạt động tài chính

Hình thành một hệ thống cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính năng động, hấp dẫn và làm hài lòng nhóm khách hàng mục tiêu và cộng đồng. Khách hàng được hài lòng thông qua việc cung cấp tài chính kịp thời, thủ tục vay đơn giản và phương thức hoàn trả phù hợp. Ngoài dịch vụ tài chính, các tổ chức TCVM còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau vay vốn mà các tổ chức tín dụng chính thức khó có thể đáp ứng được.

Tham gia vào thị trường tài chính, TCVM đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, giảm cho vay nặng lãi. Với điều kiện cho vay tương đối dễ dàng nhưng nhiều khách hàng, đặc biệt là người nghèo vẫn tham gia vào hoạt động của TCVM, giảm tình trạng cho vay nặng lãi trên thị trường tài chính. Sự tồn tại của TCVM như một dòng chảy nhỏ, cùng với các kênh dẫn lớn đưa vốn về cộng đồng, phục vụ cho các hộ gia đình có mức kinh tế với các nhu cầu khác nhau.

Với hình thức tiếp cận mới, TCVM đã thực sự được khách hàng ưu thích và có ảnh hưởng nhất định đến các tổ chức tài chính khác. TCVM hoạt động với cơ chế phù hợp đã chiếm lĩnh một thị phần lớn khách hàng không phải chỉ dành riêng cho người nghèo mà điều quan trọng là nó đã cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu và yêu cầu của thị trường.

Một phần của tài liệu Phát triển Quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ tại Việt Nam.doc (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w