2.1.1 Tổ chức bộ máy
Về tổ chức bộ máy của CQT bao gồm:
• Tổng Cục thuế: được quy định tại Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009 của Thủ tướng Chính Phủ, là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các khoản thu nội địa, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN; tổ chức thực hiện QLT theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thuế thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Luật QLT, các luật thuế, các quy định pháp luật khác có liên quan và những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể trong đó có kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế đối với NNT, các tổ chức, cá nhân được ủy nhiệm thu thuế; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền,…
• Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: được quy định tại Quyết định số 108/QĐ-TCT ngày 14/01/2010 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính, là tổ chức
thuộc Tổng Cục thuế, có chức năng tổ chức, thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN thuộc phạm vi, nhiệm vụ của ngành thuế trên địa bàn theo qui định của pháp luật.
• Chi Cục thuế: được quy định tại Quyết định số 503/QĐ-TCT ngày 29/03/2010 của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục thuế, là tổ chức trực thuộc Cục Thuế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác của NSNN thuộc phạm vi, nhiệm vụ của ngành thuế trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Hệ thống kiểm tra thuế là bộ máy giúp việc của Thủ trưởng CQT các cấp, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của CQT cùng cấp. Trải qua các thời kỳ như sau:
Giai đoạn trước năm 1999: về cơ bản quy trình quản lý thu thuế ba bộ phận đã hướng tới mục tiêu quản lý thuế theo chức năng. Do vẫn duy trì chế độ chuyên quản ở khâu đôn đốc thu nộp, phương pháp quản lý chủ yếu thủ công nên hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra đối tượng nộp thuế các Chi cục cũng như tại văn phòng Cục chưa được chú trọng đúng mức. Công tác kiểm tra mới chỉ dừng chủ yếu theo từng vụ việc nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2004: công tác kiểm tra trong giai đoạn này được chú trọng đúng mức, bộ máy kiểm tra đủ mạnh để thực hiện chức năng kiểm tra các đối tượng nộp thuế. Phát hiện các trường hợp khai man, trốn lậu thuế nâng cao tính pháp lý, sự tuân thủ của đối tượng nộp thuế theo các quy định của các luật, pháp lệnh về thuế. Đưa ra các nhận xét, kiến nghị để xây dựng hệ thống chính sách thuế ngày càng bám sát với hoạt động kinh tế, có tác động tích cực tới việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp phát triển theo định hướng quản lý vĩ mô của Nhà nước, góp phần tăng nguồn thu thuế, tạo sự bình đẳng và công bằng về nghĩa vụ nộp thuế giữa các thành phần kinh tế.
Giai đoạn từ năm 2004 đến 30/06/2007: thực hiện quyết định số 218, Quyết định 188/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Ban và Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế, Quyết định số 189/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế và Quyết định số 1682 TCT/QĐ-BTC ngày ngày 14/11/2003 của Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Chi cục thuế thuộc Cục thuế, bộ phận kiểm tra thuế trực thuộc các phòng chuyên môn, các phòng thanh tra thuế thuộc Cục thuế và các tổ đội thuế thuộc Chi cục thuế. Nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra quyết toán thuế, kiểm tra sau hoàn thuế,... nhằm tăng thu cho NSNN.
Giai đoạn từ ngày 01/07/2007 đến nay: kể từ khi Luật QLT ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007, CQT chuyển sang mô hình quản lý theo chức năng, kiểm tra thuế là nhiệm vụ các phòng kiểm tra thuế thuộc Cục Thuế và các đội kiểm tra thuế thuộc Chi cục Thuế. Ngoài ra, các phòng thanh tra thuế cũng tham gia kiểm tra thuế theo chỉ đạo của Cục trưởng.