Tổ chức bài thơ theo dòng cảm xúc

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 141 - 146)

TỔ CHỨC VĂN BẢN NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ

4.3.2. Tổ chức bài thơ theo dòng cảm xúc

Cuộc cách mạng Thơ mới đã đem lại một ngôn từ thơ gắn với lời nói và dòng ngữ điệu cảm xúc của con người. Lời thơ, bài thơ được tổ chức theo một nguyên tắc khác: “tâm thế sáng tạo thơ chuyển từ ý, hình sang lời, giọng điệu” [45, tr.585]. Hệ quả là từ Thơ mới, câu thơ mất dần tính độc lập, ngữ điệu cảm xúc thống trị, quyền lực của ngôn ngữ thuộc về cá nhân. Điều này theo cách lí giải của R. Jakobson, yếu tố quyền uy thống trị ấy, tùy theo sự lựa

chọn có tính lịch sử mà tạo nên các hình thái chủ âm ở vần, âm tiết, ngữ điệu

[150, tr.198].

Đến Thơ mới, cùng với sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, của khát vọng được “thành thực” các nhà thơ đã tìm cách biểu đạt mới cho dòng cảm xúc trào dâng. Việc tôn trọng dòng chảy tự nhiên của cảm xúc có một ý nghĩa quan trọng trong việc giải phóng thơ khỏi những ràng buộc. Tổ chức bài thơ không chịu sự quy định của niêm luật với số dòng, số câu nhất định mà tuôn theo dòng chảy của cảm xúc. Nhưng đó không phải là dòng cảm xúc bất định mà là sự vận động có hướng. Tuân theo dòng cảm xúc, thơ đến với các thi nhân thơ mới một cách tự nhiên. Tổ chức bài thơ là tổ chức của dòng cảm xúc với các trạng thái: Tỉnh giấc, (Thế Lữ); Nhớ nhung, Âm thầm, Thao thức (Hàn Mặc Tử); Tương tư, Vẩn vơ (Nguyễn Bính); Gặp gỡ, Xa cách, Phải nói, Buồn trăng, Im lặng (Xuân Diệu)... Tên các bài thơ cũng là khoảnh khắc tâm trạng, những xúc cảm chân thành của các nhà thơ mới. Nhìn bề ngoài nó có vẻ dễ dãi song đã phản ánh những nỗi niềm u uẩn của cá nhân mà không bị giáo điều bởi bất kỳ công thức nào. Hãy đọc Tương tư của Nguyễn Bính. Các cung bậc cảm xúc trong bài thơ cũng vẫn là nỗi niềm của kẻ đang thương thầm nhớ trộm. Trạng thái ấy dường như ca dao đã từng nói nhiều: “Bao giờ cho gạo bén sàng/ Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh...”.Các cung bậc cảm xúc ấy cũng là mạch chính của bài thơ:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Một người chín nhớ mười mong một người.

Nắng mưa là bệnh của trời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Nhịp cầu cho khoảng cách không gian là nỗi nhớ! Nguyễn Bính đã cụ thể hoá cái trừu tượng của ca dao và tạo ra một cấu trúc thơ đặc biệt: “Một người chín nhớ mười mong một người”. "Một người" đứng ở hai đầu câu thơ,

tạo nên một cấu trúc độc đáo diễn tả sự xa cách, nhớ mong! Tâm trạng của người tình đơn phương như rộng mở cùng cũng trời đất. Nếu ở câu trên mới chỉ là "ngồi nhớ", mới chỉ có một dáng dấp, một nét nghĩ suy thì ở câu sau "chín nhớ mười mong" cho thấy tâm trạng bồn chồn đứng ngồi không yên. Bằng một khái niệm phiếm chỉ "thôn Đoài", "thôn Đông" rồi bằng một từ xác định "một người", không vòng vo, không mượn cảnh tả tình chủ thể trữ tình đã bày tỏ khát vọng tình yêu, bày tỏ sự đòi hỏi hạnh phúc lứa đôi. Câu thơ mới nhưng không lạc điệu mà vẫn đằm thắm, ngọt ngào.

Hai câu sau nói lên một quy luật: “Gió mưa là bệnh của giời - Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Quả là một so sánh độc đáo, nếu gió mưa là “căn bệnh”, là sự vận động thường xuyên của thiên nhiên thì nhớ mong là căn bệnh cố hữu diễn ra như một quy luật tất yếu của những người đa tình, đa cảm, dường như có mặt ở trên đời này chỉ để thương thầm nhớ vụng. Nỗi niềm chờ mong đáng trân trọng ấy đã được nhà thơ thể hiện một cách mới mẻ, không chút vòng vo. Giữa chàng trai – nhân vật trữ tình – và cô gái dường như chẳng có cách trở gì về cả không gian lẫn thời gian? “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”? Khiến cho nhân vật trữ tình càng thêm băn khoăn thêm hờn dỗi. Lấy cái“chung lại một làng” Nguyễn Bính đã làm nổi bật cái chưa chung

giữa hai người như một sự trớ trêu. Cái vô nguyên cớ ấy trở thành bức rào ngăn trở lứa đôi:

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Cái sâu sắc nếu không thấm thía nỗi buồn ca dao có lẽ Nguyễn Bính khó hạ những dòng như vậy: “Cách sông cách núi cho cam - Cách một chỗ lội thiếp chàng xa nhau”; “Cách nhau một bức rào thưa - Tay quệt nước mắt

tay đưa chén trầu”. Nhớ mong mà chẳng gặp, khách tương tư ngao ngán phàn nàn: “Tương tư thức mấy đêm rồi - Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Tiếp thu văn học dân gian, nhưng trong cách tổ chức lời thơ, Nguyễn Bính đã có những sáng tạo mới qua sự hoán cải vị trí, trạng thái trữ tình: “Bao giờ bến mới gặp đò? Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”. Tín hiệu thẩm mỹ trong bài ca tình yêu dân gian một lần nữa trở lại trong bài thơ này: “Nhà em có một giàn giầu - Nhà anh có một hàng cau liên phòng...”. Nhưng nếu với dân gian, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, “miếng trầu nên dâu nhà người”, là biểu tượng của sự gắn kết, của tình yêu lứa đôi, thì với Nguyễn Bính “giàn giầu” và “hàng cau liên phòng” chẳng thể nói được nhiều mà càng gợi cảm giác xa cách.

Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi. Cấu trúc ngôn từ ở đầu bài thơ "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" được nhắc lại, cặp biểu tượng tình yêu với trầu – cau thường mang tính chất sóng đôi trong ca dao đến thơ Nguyễn Bính đã được đặt ở hai không gian khác nhau khiến mong ước gắn kết càng trở nên vô vọng. Sức hấp dẫn của Tương tư không chỉ là ở chuyện tình yêu lứa đôi mà còn ở tấm lòng tha thiết của nhà thơ đối với quê hương, với người với cảnh, ở sự nâng niu trân trọng của nhà thơ đối với nghệ thuật dân tộc, ở lối tư duy thơ đậm màu sắc dân gian. Ngữ điệu bài thơ liên tục thay đổi được xây dựng trên những phương tiện tu từ của phép ảo hóa, hình ảnh từ tượng trưng đến cụ thể được bố trí song hành từng cặp: thôn Đoài – thôn Đông, một người – một người, bên ấy – bên này, bến – đò, hoa khuê các – bướm giang hồ, nhà anh – nhà em, giầu – cau. Những địa danh, tên gọi cứ mơ hồ, bàng bạc trong tâm tưởng của kẻ tương tư...

Bài Buồn trăng của Xuân Diệu lại đưa chúng ta vào dòng tâm trạng khác. Ngay câu mở đầu bài thơ đã ngân lên một giai điệu buồn:

Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ;

Thương ai không biết, đứng buồn trăng.

Thi đề, thi liệu rất quen thuộc. Vầng trăng trong thơ tưởng như đã ổn định, tròn đầy. Nhưng những hình ảnh mới như vụt xuất hiện từ khi Xuân Diệu buồn trăng:Huy hoàng trăng rộng nguy nga gió - Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng”. Ở đây gió và trăng đang luân chuyển, vũ trụ được mở ra ở cả chiều rộng và chiều cao, cao đến “xanh biếc trời”, rộng đến “huy hoàng trăng”. Chiếm lĩnh không gian là sắc màu rực rỡ của trăng và sự lộng lẫy, uy nghi của gió. Những hữu thể tự nhiên như nhờ trăng mà tầm vóc, lớn đẹp hơn.

Cùng với trăng, gió, là mây, là biển và những vì tinh tú tưởng như đã ở miền viên miễn đang về đây hội tụ: “Mây trắng ngang hàng tự thuở xưa – Bao giờ viễn vọng đến bay giờ”... Tất cả gợi nên một không khí xa xôi. Trong biển trăng “huy hoàng” kia ngoài đám mây vô định mơ màng, chính trăng lại chơ vơ đơn chiếc: “Sao vàng lẻ một, riêng đơn chiếc – Đêm ngọc tê ngời men với tơ... Quả là một đêm trăng tuyệt diệu. Nhưng trong chính sự kì diệu của tự nhiên (được nhà thơ tái tạo) con người càng cảm nhận rõ sự cô đơn, lẻ loi. Đất trời rộng thênh cơ hồ hồn thơ sẽ lạc lối. Đúng lúc ấy mùi hương bưởi thoáng qua, nó đánh thức thi nhân, là cứu cánh của thi nhân làm thức dậy một tứ thơ độc đáo: “Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ – Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya”. Trong cái khuôn khổ mực thước, cổ điển, thậm chí được sắp đặt cố tình ấy, là một cấu tứ lạ, một tâm hồn lai láng. Thi nhân trốn khỏi mặt đất, khỏi cuộc đời để bay lên cùng vũ trụ. Nhưng cảm xúc lại rất đời, rất trần thế. Bài thơ đầy mê hoặc mà rất tỉnh táo trong thức nhận. Tài năng của thi nhân là ở đấy. Tất nhiên đây chỉ là một trong nhiều bài thơ của Xuân Diệu và chỉ là một nét điểm xuyết của Thơ mới.

Tuân theo dòng ngữ điệu cảm xúc, tổ chức bài thơ trong Thơ mới chịu sự chế ước của tình cảm. Dung lượng bài thơ được nới lỏng theo dung lượng cảm xúc. Tự nó có một nhạc điệu riêng mà chủ âm là tiếng nhạc lòng với sự hòa điệu của những cung bậc tình cảm.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 141 - 146)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)