Sự chủ thể hóa ngôn từ Thơ mớ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 59 - 62)

ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ

3.1.1. Sự chủ thể hóa ngôn từ Thơ mớ

Về bản chất, thơ trữ tình là phương thức biểu hiện trực tiếp các trạng thái cảm xúc và suy tư của nhà thơ trước các hiện tượng đời sống. Trong đó, tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Vì vậy thơ trữ tình đã được khẳng định là “vương quốc chủ quan” (Biêlinxki), là “sự biểu hiện và cảm thụ của chủ thể” (Hegel). Tuy nhiên không phải lúc nào đặc trưng này của thơ cũng được bộc lộ rõ.

Trong tiến trình văn học dân tộc, thơ trữ tình đã có bề dày lịch sử gắn với dòng chảy bốn ngàn năm của thơ trữ tình dân gian và hàng ngàn năm của thơ trữ tình trung đại. Song thơ trữ tình dân gian là sản phẩm của tập thể, hiển nhiên yếu tố chủ quan bị triệt tiêu. Chủ thể trữ tình thường xuất hiện qua cách xưng hô phiếm chỉ như: anh - em (Anh buồn có chốn thở than – Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya), thiếp – chàng (Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây – Như chim chèo bẻo xa cây măng vòi), mình – ta (Mình nói với ta mình vẫn còn son – Ta đi qua ngõ thấy con mình bò…). Cách xưng hô đó khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành chủ thể trữ tình khi người đó ngân lên lời ca với niềm đồng cảm.

Ở thơ trung đại, chủ thể trữ tình ít khi xuất hiện trực diện, yếu tố chủ quan, dấu ấn cá thể mờ nhòa: “Gậy men ngõ trúc dạo đường quai – Quá bước lên nhà bác Đặng chơi – Một lũ tóc râu đều tuổi tác – Nửa phần hàng xóm đã thay dời” (Đến chơi nhà bác Đặng – Nguyễn Khuyến). Ngay cả khi chủ thể

trữ tình, đối tượng trữ tình xuất hiện thì lời thơ vẫn như “tiếng nói giữa trời”: “Người về người ở khéo buồn sao – Tức tối mình thay biết lẽ nào – Tơ tóc lời kia còn nữa hết – Đá vàng lòng nọ xiết là bao” (Lưu biệt thời tại An Quảng, An Hưng ngụ thú – Hồ Xuân Hương). Đấy cũng là nét đặc trưng của thơ trữ tình trung đại.

Đến Thơ mới, ý thức chủ quan của chủ thể được bộc lộ một cách trực tiếp. Trước hết, ý thức chủ thể bộc lộ qua sự tự khẳng định của ý thức cá nhân. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, ý thức cá nhân được bộc lộ một cách đầy đủ. Trong rất nhiều biểu hiện của ý thức cá nhân, cái tôi chủ thể Thơ mới đã thể hiện khát vọng được “thành thực”, được nói lên “sự thật” của tâm hồn bằng tiếng nói riêng của mình. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân đã tạo cho cái tôi trữ tình trong Thơ mới một tư thế mới. Ngôn ngữ Thơ mới đã được chủ thể hóa cao độ. Cái tôi Thơ mới trở thành cái tôi chủ ngữ. Họ xác lập địa vị cái tôi trong thế giới để rồi phản chiếu cả tạo vật qua cái tôi tự ý thức. Cái tôi Thơ mới tự ngắm, tự nghiệm, tự mê... mình. Nhà thơ tự nhận: “Tôi là thi sĩ của yêu thương”(Một trời quan tái - Nguyễn Bính), là “tinh chất ngàn xuân” (Tinh chất ngàn xuân hiệp lại ta – Bích Khê), tự ví mình như “con chim đến từ núi lạ” (Lời thơ vào tập Gửi hương– Xuân Diệu), “kẻ đưa răng bấu mặt trời”(Hư vô – Xuân Diệu)...

Chủ thể trữ tình Thơ mới xác lập một “kênh” giao tiếp mới cho cuộc trò chuyện, giãi bày của mình, không phiếm chỉ như chủ thể trữ tình trong thơ ca dân gian, cũng không hòa vào “cái ta” hoặc hòa tan vào trạng thái “vô nhân xưng” thường thấy của chủ thể trữ tình trong thơ trung đại. Chủ thể trữ tình Thơ mới thường bày tỏ trực tiếp “cái tôi” chủ quan nội cảm. Sự tự khẳng định của ý thức cá nhân đã xác lập nội hàm mới của hình tượng chủ thể trữ tình trong Thơ mới. Một trong những biểu hiện cụ thể của nó là mô hình khái quát

kiểu từ ngữ chỉ sự sở hữu qua công thức: của + chủ thể [34, tr. 335] và sự xuất hiện với tần số lớn những từ ngữ nhấn mạnh sự sở hữu trong thơ:

Chúng tôi quen cảnh mịt mùng bát ngát Của non cao, rừng cả; cảnh đìu hiu

Chốn đồng xa sương trắng chập chờn gieo

(Trả lời – Thế Lữ)

Nhà thi sĩ nâng niu bầu cảm xúc

Của trời mây đúc lại mấy lời hoa

(Ý thơ – Thế Lữ)

Hỡi trăng gió đã nghe chàng kể lể Hồn các ngươi là hồn của người thơ

(Mai sau – Huy Cận)

Ý niệm sở hữu qua cách biểu hiện trên khoác lên mọi sự vật, hiện tượng màu sắc chủ quan của chủ thể trữ tình, cho phép chủ thể bộc lộ một cách trực tiếp cảm xúc, tâm trạng, “mã hóa” cảm xúc bằng sự lựa chọn hình thức văn bản theo những quy tắc riêng. Cấu trúc ngôn ngữ Thơ mới thể hiện tính chủ thể hóa cao độ, đúng như Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “Mô hình danh từ + là + danh từ trở thành mô hình cú pháp cơ bản khi các nhà thơ mới tìm cách xác lập và khẳng định vị thế của cái tôi cá thể trong thơ” [43, tr.211]: “Tôi là một kẻ mơ màng - Yêu sống trong đời giản dị, bình thường - Cùng với Nàng Thơ tháng năm ca hát”(Trả lời – Thế Lữ); “Tôi là một kẻ điên cuồng – Yêu những ái tình ngây dại” (Thở than – Xuân Diệu)…

Trong khi các nhà thơ trung đại cố gắng giấu “cái tôi” cá nhân bằng cách tỉnh lược đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất thì các nhà thơ mới lại muốn nói thật to, trình ra “cái tôi” của mình. Chẳng hạn, bài Dối trá của Xuân Diệu, 33 lần nhà thơ xưng “tôi”. Bài Trên bãi bể của Phạm Huy Thông, 160 lần nhà thơ

xưng “tôi”. Trong đó có những dòng thơ của Phạm Huy Thông từ “tôi” xuất hiện liên tục:

-Vì nàng tôi vui sướng, tôi say mê, tôi tê tái;

-Tôi cố công, tôi cố sức, tôi cười vang

Với ý thức bộc lộ “cái tôi” cá nhân một cách trực tiếp, Thơ mới giải phóng triệt để cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ cho phép sự nảy nở tự do của các phong cách nghệ thuật. Sự giải phóng cá tính đưa đến sự giải phóng cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt bằng những hình tượng mới, ngôn ngữ mới để trình bày thế giới tâm hồn phức tạp, đầy bí ẩn. Ngôn từ Thơ mới cũng hình thành một hệ thống với những đặc thù riêng mang đậm tính chủ quan.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)