ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ
3.3.2. Sự ra đời của một hình thức ngôn từ mới: hiện đại đầy cá tính
“Ngôi nhà Thơ mới” (Phương Lựu) đã nồng nhiệt tiếp đón hai vị khách quý vốn xa nhau cả về không gian và thời gian. Cuộc gặp gỡ tuyệt vời này đã sáng tạo nên một loại hình ngôn từ mới hiện đại và đầy cá tính.
Vẻ đẹp ngôn từ Thơ mới là vẻ đẹp cuộc đời với những rung động, sự xôn xao của con tim, gắn với cách nhìn và cách diễn đạt mới về thế giới. Với quan niệm mới mẻ, hiện đại, các nhà thơ mới khát khao sáng tạo một thứ ngôn từ “Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong” (Duy tân – Bích Khê). Thơ là “Lời truyền sóng đánh điện khắp muôn trời – Chữ bí mật chứa ngầm hơi chất nổ…” (Nàng bước tới… – Bích Khê). Mỗi chữ ngầm chứa những bứt phá thoát khỏi
những ràng buộc. Nhập tịch quan niệm về cái đẹp từ phương Tây, các nhà thơ mới cũng hướng tới cái đẹp đầy “nghịch lý” với “một hỗn độn đẹp xô bồ say dậy”(Duy tân - Bích Khê).
Cùng với sự tiếp nhận phương Tây, các nhà thơ mới luôn có ý thức trở về với truyền thống, tiếp thu truyền thống. Kế thừa thơ cổ điển nhưng Thơ mới đã khác với vẻ đẹp trang sức, trang trí vốn tồn tại hàng nghìn năm trong thơ cổ. “Các nhà “thơ mới” đã thực hiện được một bước tổng hợp quan trọng giữa những tinh hoa của văn hóa Đông Tây với truyền thống văn học dân tộc do đó đã đẩy thi ca Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa”[39, tr.216].
Trong không khí lặng lẽ kín đáo, trang nghiêm của Đường thi, Thơ mới có cái băn khoăn rạo rực khó nói của cái tôi cá nhân vừa được đánh thức. Trong Thơ mới, ngôn từ thơ vẫn trang trọng, cổ kính, mực thước, câu thơ du dương, trầm bổng, tha thiết nhưng nội dung trữ tình rất mới. Tràng giang, Vạn lý tình, Nhạc sầu của Huy Cận; Nguyệt cầm, Nhị hồ, Viễn khách của Xuân Diệu; Tỳ bà của Bích Khê; Tống biệt hành của Thâm Tâm; Cảnh đoạn trường của Thái Can; Vọng hải đài của Phạm Hầu; Bi xuân nương của Phan Văn Dật, Dương liễu tân thanh của Mộng Tuyết; Tống biệt của Nguyễn Đình Thư… mang sắc thái trang trọng, cổ kính ngay từ tiêu đề nhưng nội dung biểu đạt hoàn toàn mới mẻ.
Trong bài Nhớ rừng, Thế Lữ đã mượn hình ảnh con hổ, mượn hình ảnh của một thời quá khứ oanh liệt phi thường, của một thuở tự do tung hoành để giãi bày lòng mình với khát vọng cháy bỏng về sự tự do trong hiện tại. Niềm uất hận hiển hiện trong sự tù túng: “Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt”. Qua hoài niệm, bằng hoài niệm với sự lựa chọn những từ ngữ cổ, Thế Lữ đã làm hiện lên vẻ đẹp của một thời vàng son của sơn lâm với bóng cả, cây già
thân như cuộn sóng, bước chân dõng dạc đường hoàng của chúa sơn lâm và nếu không dùng ngôn từ cổ e khó diễn đạt điều đó.
Ở những bài thơ khác như Tống biệt hành của Thâm Tâm, Tống biệt của Nguyễn Đình Thư… tác giả đã làm sống lại “không khí riêng của nhiều bài thơ cổ”(Hoài Thanh) và có lẽ ít ai quên được bài ca Dịch Thủy:
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn (Gió vi vu, sông Dịch lạnh
Tráng sĩ một đi không trở về)
Hình ảnh tráng sĩ Kinh Kha trong Sử kí của Tư Mã Thiên và cuộc tống biệt trên sông Dịch Thủy đã trở thành điển cố văn học. Ra đi vì chí lớn, quyết tâm “một đi không trở về” là hình ảnh đẹp mà đấng trượng phu xưa hằng đeo đuổi. Trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, hình ảnh người chinh phu cũng xiết bao lộng lẫy, oai hùng. Giữa cảnh náo động của chiến tranh, khói lửa mịt mù, tiếng trống Tràng Thành giục giã, tiếng hịch truyền nửa đêm, “nước thanh bình ba trăm năm cũ” không còn nữa, người chinh phu xuất hiện trong tư thế một tráng sĩ, với ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, nếu cần hy sinh thì sẵn sàng chết nơi chiến địa tỏ rõ “chí làm trai”: “Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời - Chí làm trai dặm nghìn da ngựa”. Bài Tống biệt hành của Thâm Tâm vì thế tạo được không khí cổ kính, bi hùng và “đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”.
Ý thức khẳng định cá thể, cá tính, tự do tìm tòi, khát vọng được giãi bày thôi thúc các nhà thơ mới tìm chữ, tìm câu để diễn tả những rung động của tâm hồn. Để nói được nỗi niềm tâm trạng, để tìm sự thông cảm họ cần một ngôn ngữ mới gợi cảm, giàu hình ảnh, nhạc điệu, lôi cuốn, say mê, làm xuất hiện những cách diễn đạt lạ trong Thơ mới. Ví dụ, trong câu thơ của Huy Cận: “Rưng rưng hoa phượng màu thương nhớ - Son đậm trên cành một sắc xưa”
(Giấc ngủ chiều). Nếu chủ nghĩa tượng trưng quan niệm tính hiện đại là một phẩm chất của thơ và hiện đại là giải thoát mình khỏi những qui định, ước lệ và vượt lên trên ranh giới của những cái đã biết, đã quen thuộc thì các nhà thơ mới, trong quá trình hiện đại hóa đã giải phóng cách diễn đạt của mình. Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc (son đậm, sắc xưa) câu thơ của Huy Cận đã đem đến một cảm nhận mới mẻ (hoa phượng rưng rưng màu thương nhớ) bằng cả thị giác, thính giác, bằng cả cảm giác, ảo giác làm hữu hình hóa những cái vô hình. Các nhà thơ mới đã sáng tạo những câu thơ, bài thơ mang sức ám gợi: “Không gian như có dây tơ – Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” (Chiều - Xuân Diệu), “Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió – Tưởng chừng như trong đó có hương – Của người mình nhớ mình thương” (Muôn năm sầu thảm – Hàn Mặc Tử)...
Chẳng hạn cùng nói về mùa xuân, mỗi nhà thơ mới có cái nhìn riêng, một cách cảm nhận riêng. Trong bức tranh mùa xuân của Hàn Mặc Tử, thiên nhiên cựa cậy, sống động: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan – Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng – Sột soạt gió trêu tà áo biếc – Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (Mùa xuân chín). Bức tranh xuân của Anh Thơ là một cảnh chiều xuân yên bình nơi thôn dã: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng – Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi – Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng – Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Chiều xuân)...
Đây là mùa xuân trong thơ Xuân Diệu: “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui – Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời – Sao buổi đầu xuân êm ái thế – Cánh hồng kết những nụ cười tươi” (Nụ cười xuân). Đó là một mùa xuân trong trẻo, thi vị. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu chính là biểu tượng của tình yêu, sức trẻ với khát khao giao cảm. Bởi vậy, trong cảm nhận của thi nhân xuân luôn mang theo vẻ rộn rã, sắc “yêu yêu”: “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm – Mấy cành xanh, năm bẩy sắc yêu yêu – Thế là xuân tôi không hỏi chi nhiều – Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng” (Xuân không mùa)...
Bằng nhiều nỗ lực và sức sáng tạo không ngừng, các nhà thơ mới đã nhanh chóng tạo được những dấu ấn riêng trên thi đàn. Trong bản tổng kết “có ngay” về Thơ mới, Hoài Thanh đã quả quyết rằng: “trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu”[172, tr.29]. Nói như Hoài Thanh hãy sánh “thời đại với thời đại” chưa bao giờ thơ Việt Nam lại đầy cá tính như thời đại Thơ mới.
Cá tính trong Thơ mới đồng thời lý giải sự đa dạng, phong phú trong phong cách ngôn ngữ thời đại. Bên cạnh một Huy Cận trang trọng, cổ điển ta thấy một Nguyễn Bính dân dã, mềm mại uyển chuyển. Lấy hai ví dụ: Buồn đêm mưa của Huy Cận; Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính. Về chủ đề, hai bài thơ cùng nói về
nỗi buồn đêm mưa. Huy Cận đã cảm nhận nỗi buồn bằng các giác quan diễn tả tài tình những cung bậc tình cảm như không thể nào nắm bắt được:
Đêm mưa làm nhớ không gian Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn Bước chân xa vắng dặm mòn lẻ loi.
Đọc những vần thơ này, Nguyễn Đăng Điệp nhận xét:“Đây không đơn giản là những bước chân, những dặm mòn của hiện thực ngoài đời mà còn là những chuyển động rời rạc, lẻ loi của một hiện thực – hiện thực tâm trạng. Chỉ trên cơ sở sự cộng hưởng ấy ta mới nhận thấy cái rã rời của những nhịp gõ bên trong tâm khản nhà thơ”[43, tr. 277]. Giọt mưa trong thơ Huy Cận vừa
phảng phất âm hưởng Đường thi vừa có bóng dáng của Velére nhưng lại rất Huy Cận, rất Việt Nam. Buồn đêm mưa được đánh giá là một trong những đỉnh cao của lục bát Việt Nam. “Vẻ đẹp của lục bát Huy Cận là vẻ đẹp đậm chất cổ điển, sang trọng, mực thước”[43, tr. 278].
Giời mưa ở Huế mang sắc thái cụ thể của sự vật gắn với một không gian xác định, ngôn từ đậm chất điệu nói: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế - Cứ kéo dài ra đến mấy ngày - Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói - Giời mờ ngao ngán một loài mây...”. Ngay cả khi khoác chiếc áo cổ điển (sử dụng thể thơ bảy chữ) thì chính lời nói đã bộc lộ “chất” thơ của Nguyễn Bính: nôm na, quê kiểng.
Thơ mới đã thực hiện một quá trình tích hợp nghệ thuật độc đáo. Nó là sự kết nối, chuyển hóa nhuần nhụy, hai nền văn minh, hai nền thi ca xa nhau vời vợi trên cơ sở nền tảng thi ca và văn hóa Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, Thơ mới ngày càng có xu hướng xa rời những nguyên tắc truyền thống tiến nhanh theo hướng hiện đại. Lối thơ thiên về kể tả sự vật khách quan theo kiểu “đối cảnh sinh tình” dần dần ít xuất hiện mà thiên về lối thơ diễn đạt những tương quan vô hình, bên trong, mang tính tinh thần của bản thân sự vật, gắn với cảm quan về một thế giới thống nhất (cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, thể chất và tâm linh…). Đồng thời tạo ra những cách diễn đạt độc đáo dựa trên sự liên tưởng bất định, có thể dẫn ra vô số ví dụ như:
- Cốc rượu hồng, hy vọng sáng rung rinh Mùi son phấn khác gì hương trinh bạch?
(Hương trinh bạch - Đinh Hùng)
- Anh đã đón tình em bay phất phới
Như hương trăng đằm thắm cõi không gian
(Sáng láng - Hàn Mặc Tử)
Đó là những cách diễn đạt độc đáo, lạ lẫm, mang dấu ấn của thời đại Thơ mới. Trong những ví dụ trên, rõ ràng năng lực liên tưởng đầy tính trực giác và
thần cảm trở thành nguồn năng lượng vô tận cho sáng tạo. Sự vận dụng ngôn từ ở đây không còn theo qui luật miêu tả mà theo qui luật của sự liên tưởng. Như Nguyễn Hữu Hiếu nhận xét: “ở bình diện ngôn từ Thơ mới đã đặt ra một vấn đề mới về vai trò của cái biểu đạt: sáng tạo không phải chỉ là một sự lựa chọn, sắp xếp, mà bản thân ngôn từ đã là một sáng tạo, nó không chỉ đóng vai trò thừa hành sự sai bảo của lí trí, mà chính nó đã là một thế giới có giá trị tự thân, nó không chỉ là phương tiện của thơ mà còn là chính bản thân thơ”[68].
Trong các nhà thơ mới, Bích Khê là người thể hiện khả năng sáng tạo ở độ linh hoạt và sung mãn nhất. Ngôn từ thơ ông đúng nghĩa là một thứ ngôn từ nhào nặn và chinh phục chất liệu. Ông giống như một vị tướng tài ba điều khiển đạo quân chữ nghĩa. Thơ Bích Khê bởi vậy luôn có được cái ma lực cuốn hút người đọc do những ý nghĩa, những cảm giác bất ngờ. Trong Thơ mới, có lẽ ông cũng là người gia công nhiều trong kĩ thuật biểu đạt, thậm chí một số bài thơ khá cầu kì, nhưng đó không phải sự “luyện kim ngôn từ” một cách thuần túy mà điều quan trọng ở chỗ đằng sau những sáng tạo đó là quan niệm mới về vẻ đẹp của từ ngữ và khả năng lớn lao của thơ: thơ phải đạt đến sức mạnh đánh thức một thế giới chưa biết, một thế giới ngầm không phải tĩnh tại mà vô cùng linh động, huyền diệu, không giới hạn. Bích Khê đã sáng tạo nên một thứ thơ làm rung động tất cả các giác quan, cả tinh thần và thể chất, đem lại cho người đọc những cảm giác mới mẻ. Đặc biệt trong thi giới Bích Khê, ngôn từ thân thể có một quyền uy riêng. Trong Thơ mới, thân thể không còn là phạm trù của phàm tục, tầm thường, tội lỗi phải che giấu mà được biểu hiện tự nhiên, kiêu hãnh, là hiện thân của cái đẹp. Khi J.Leiba viết: “Nàng đẹp. Tóc tơ buông rủ má – Mắt xanh phẳng lặng nước mơ hồ - Má non xanh nhuốm màu xuân đỏ - Thắm mịn môi son, hé nụ chờ” (Người đẹp vườn xuân) đã trình bày cảm nhận riêng về đẹp thuần khiết của người thiếu nữ. Khi Xuân Diệu viết: “Mai yếu đuối, sao bằng thông mạnh mẽ?- Dáng yêu kiều,
sao bằng vẻ hùng anh – Những chàng trai đương sức lực tươi xanh – Bước vạm vỡ như là đi chinh phục – Em đẹp, khi em phồng nét ngực – Hít không gian và ngó thẳng trời xa – Khi cánh tay dang ôm cả sơn hà – Chân vút thẳng sắp lên đường vượt trải”(Đẹp) thì vẻ đẹp được nói đến ở đây mang tính quan niệm. Đến Bích Khê ngôn từ thân thể đầy ám gợi: “Nàng ở mô! Xiêm áo bỏ đâu đây/ Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm” (Tranh lõa thể).
Thơ Bích Khê đã vượt qua sự giãi bày, thổ lộ nỗi niềm mang tính chất lãng mạn. Chất tượng trưng đưa ngôn từ thơ Bích Khê rời xa nhục thể bình thường dẫn vào thế giới ý nghĩa cao siêu:
Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc; Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương; Là nơi đây đoàn tụ nhạc mười phương Ứ thành xuân cho niên hoa bất tuyệt, Cho mở rộng muôn cảm hoài tinh khiết; Cả thời gian dồn lại ở bàn tay;
Hồn hoa men ôm cả trí đêm nay Tìm thi vị bay rờn qua ý sắc…
(Nàng bước tới…)
“Nàng” không phải là danh từ chung chỉ một con người cụ thể với một nhục thể của người nữ nữa. “Nàng” là hiện thân của cái đẹp toàn bích, sáng chói mà hóa công ban tặng cho con người, để làm mê đắm lòng người. Bích Khê đã bị chinh phục: “Nàng bước tới là tim tôi lay đổ! -...- Hỡi trần gian! hãy chết ngột trong sao - Cho chân lý ngời ra như lưỡi kiếm - Cho tình ta xô dồn sang cực điểm - Và hào quang khiêu vũ với hào quang…” (Nàng bước tới…).
Đó là quan niệm thơ nhưng cũng là một cách nhìn thế giới trong chiều sâu và sự vô tận. Tất nhiên, sự gia công quá rõ rệt về từ ngữ cũng như những phương tiện biểu đạt khác khiến cho thơ Bích Khê nói riêng, Thơ mới nói
chung có lúc cũng đưa lại cho người đọc cảm giác tác giả của nó đã quá thiên về kĩ xảo ngôn từ, mà ít chăm chút cho phương diện cảm xúc.
Tiểu kết
Trong vòng một thời gian ngắn, ngôn từ nghệ thuật Thơ mới đã có những cách tân mạnh mẽ. Sự đổi mới ngôn từ Thơ mới, trước hết, nhằm biểu đạt những nhận thức mới về đời sống, về xã hội, nhằm diễn đạt những cảm xúc, những khát vọng. Từ thực tế biểu hiện ấy, các nhà thơ mới đã tạo cho ngôn từ một quyền lực mới. Đồng thời với nỗ lực biểu đạt những cảm nhận mới, tư duy ngôn ngữ của các nhà thơ mới đã thay đổi. Họ đã tạo ra những dấu ấn ngôn từ riêng của thế hệ mình. Quá trình ấy, các nhà thơ mới đã thực