Những tiền đề lịch sử, văn hóa, xã hội dẫn đến sự ra đời của Thơ mớ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 44 - 50)

CHƯƠNG 2: THƠ MỚI – MỘT HÌNH THỨC GIAO TIẾP NGHỆ THUẬT MỚ

2.2.1. Những tiền đề lịch sử, văn hóa, xã hội dẫn đến sự ra đời của Thơ mớ

một diễn ngôn hiện đại, có đặc trưng ngôn từ riêng một cách thức tổ chức đặc thù.

2.2. Giao tiếp nghệ thuật Thơ mới - một hiện tượng văn hóa mới

2.2.1. Những tiền đề lịch sử, văn hóa, xã hội dẫn đến sự ra đời của Thơ mới Thơ mới

Xung quanh khái niệm Thơ mới có nhiều cách quan niệm khác nhau. Khi Thơ mới vừa xuất hiện, căn cứa vào thể thơ, có người đã định nghĩa: Thơ mới là thơ tự do. Ý kiến khác lại khẳng định: Thơ mới là thơ lãng mạn và cho rằng Thơ mới là sản phẩm tinh thần của giai cấp tư sản, Thơ mới gắn liền với văn học lãng mạn của tiểu tư sản và tư sản... Tất nhiên, không thể phủ nhận tinh thần tự do, tinh thần lãng mạn là chủ âm của Thơ mới. Những theo chủ quan của chúng tôi, những khái niệm này đều có phần phiến diện.

Xét trên phương diện thể thơ, ngay khi mới xuất hiện, có những bài Thơ mới được viết theo thể tự do. Chẳng hạn: bài Tình già (Phan Khôi), Tiếng trúc tuyệt vời, Lời mỉa mai (Thế Lữ), Xuân về, Hồn nghệ sĩ (Lưu Trọng Lư),…

Chúng tôi tiến hành khảo sát 1081 bài thơ trong Thơ mới (1932 -1945): tác gia tác phẩm [187], kết quả như sau:

Bảng 1: Các thể thơ trong Thơ mới (1932 - 1945): tác giả và tác phẩm

Thể thơ 2 chữ 4 chữ 5 chữ 6 chữ, Song thất lục bát 7 chữ Thất ngôn (tứ tuyệt, bát cú) 8 chữ Lục bát Tự do Hợp thể, kịch thơ, thơ văn xuôi Số bài 3 8 65 7 363 114 253 161 42 62

Từ kết quả khảo sát có thể nhận thấy: thơ tự do chiếm một số lượng khá khiêm tốn; thể thơ nổi trội nhất trong Thơ mới là thơ 7 chữ, thứ hai là thơ 8 chữ, thứ ba là thơ lục bát; những thể thơ trên đều được xếp vào “các thể thơ ca cổ truyền Việt Nam”[125, tr. 161 - 166].

Theo Văn Tâm: “nhìn một cách bao quát theo trục lịch đại, Thơ mới chính là một sản phẩm văn hóa của dân tộc. Nó là kết quả sự vận động tự thân của thơ ca truyền thống ở một giai đoạn lịch sử mà văn hóa, văn học đất nước đòi hỏi phải duy tân để đuổi kịp, hòa nhập với sự phát triển của văn hóa toàn cầu đương đại”[13, tr. 173].

Chúng tôi cho rằng nhận định của Văn Tâm là hoàn toàn có cơ sở. Ở đây, xin lấy ba tiêu chí sau làm căn cứ:

Thứ nhất, căn cứ vào thể thơ, phần lớn các thể thơ trong Thơ mới đều tiếp nhận và đổi mới chủ yếu trên cơ sở các thể thơ truyền thống.

Thứ hai, căn cứ vào chủ thể sáng tác, chủ thể Thơ mới không phải chỉ có giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Thơ mới cũng không phải là một hiện tượng thuần nhất. Vì vậy, ngay cả cách gọi Thơ mới là thơ lãng mạn cũng chưa thỏa đáng. Bởi trong thực tế phát triển, Thơ mới bao gồm cả khuynh hướng lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, ở mỗi khuynh hướng lại có những nhánh rẽ. Từ thực tế Thơ mớicó thể thấy đây là một phong trào thơ phong phú và đa dạng. Thơ mới không thuần túy là lãng mạn hay tượng trưng, siêu thực (tất nhiên không thể phủ nhận chủ âm của Thơ mới là lãng mạn).

Thứ ba, về nhu cầu cách tân thơ. Có thể khẳng định, nhu cầu cách tân thơ không phải đến Thơ mới mới xuất hiện. Sáng tạo, đổi mới vừa là mục đích tự thân vừa là bản chất của nhận thức nghệ thuật. Bất kỳ một hoạt động nghệ thuật nào trở lại nhiều lần trên nẻo đường mòn quen thuộc sẽ nhanh chóng bị nhàm chán, bị lãng quên.

Trong văn học truyền thống, thơ ca trữ tình dân gian là sản phẩm của tập thể. Tính tập thể cho phép sự lặp lại của phát ngôn trong thể loại này. Song xuất phát từ ý thức sáng tạo,n thơ trữ tình dân gian ít có sự trùng khít hoàn toàn ở các phát ngôn. Để nói một trạng thái tình cảm, nghệ sĩ dân gian thường tìm đến nhiều cách thể hiện. Chẳng hạn: “Thương ai rồi lại nhớ ai/ Mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng” hoặc “Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu/ Một ngày ba bận ra cầu đứng trông/ Thấy người nam bắc tây đông/ Thấy người thiên hạ mà không thấy chàng”…

Trong thơ ca trung đại, chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm nho gia cùng với chế độ chuyên chế và khoa cử, sáng tác thơ trung đại bị quy định bởi tính công thức, tính ước lệ, tính quy phạm. Trong ý nghĩ, trong phương thức tư duy, thi nhân trung đại luôn có ý thức tuân thủ những nguyên tắc. Dù vậy, quyền lực và thiết chế vẫn không thể áp chế ý thức sáng tạo của các nhà thơ. Như nhận xét của Trần Đình Hượu: “để nói những cảm xúc rất riêng tư,

những sự việc rất độc đáo như nhiều trường hợp của những bài thơ tức cảnh, ngẫu hứng trong các thi tập vẫn tìm thấy cái hay trong việc giữ vững khuôn sáo, tìm cái tân kỳ trong sự gọt rũa khuôn sáo. Vì có thế mới là hay chữ, mới là văn chương”[78, tr.51]. Sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… là minh chứng hùng hồn cho ý thức cách tân của thi nhân Việt và là nguồn nội lực thúc đẩy sự phát triển của thơ ca.

Các nhà thơ mới đã tiếp thu tinh thần sáng tạo, ý thức cách tân ấy. Bởi thế chăng mà các tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhận thấy: “tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt”[172, tr. 47].

Có thể nói, truyền thống văn hóa, văn học là những yếu tố nội sinh nuôi dưỡng và phát triển Thơ mới… Tuy nhiên, những yếu tố đó chưa đủ để tạo ra được một biến cố mong đợi.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong sự chuyển mình của xã hội Việt Nam, nhu cầu đổi mới văn học được đặt ra một cách cấp bách. Trong vòng đô hộ của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam chuyển sang một hình thái mới: xã hội thực dân nửa phong kiến. Đây là “một phen thay đổi sơn hà” về cơ bản không thuận chiều nhưng rất mực lớn lao. Cùng với tiếng súng xâm lược và sau những cuộc khai thác thuộc địa của đế quốc Pháp, văn hóa phương Tây (chủ yếu là văn hóa Pháp) thực sự ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam. Mặc dù là sự tiếp nhận không tự giác, nhưng phương Tây như luồng gió mới làm thay đổi một nền văn hóa gần như đóng băng trong hàng nghìn năm ở Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam hội nhập vào nền văn hóa nhân loại.

Lần đầu tiên, văn hóa đô thị hiện đại xuất hiện ở Việt Nam, khác hẳn với văn hóa nông thôn cổ truyền và đô thị thời phong kiến tập quyền, tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong cơ tầng văn hóa Việt Nam. Cùng với sự phát triển của các mô hình đô thị công – thương nghiệp, các ngành nghề mới xuất hiện như khai

mỏ, chế biến nông lâm sản. Cơ cấu xã hội thay đổi. Tầng lớp tư sản, công nhân ra đời. Ngoài ra còn có các tiểu thương, tiểu chủ, những ngành nghề như bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà văn... Tầng lớp viên chức, giáo viên, sinh viên phát triển với số lượng lớn[37, tr. 24]. Trong đó tầng lớp trí thức tốt nghiệp ở Pháp hoặc trong các trường Pháp – Việt ngày càng đông. Văn minh đô thị làm thay đổi nếp sống, nếp cảm, thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, nhận thức và suy nghĩ của người Việt Nam. Người ta thấy ở nhà Tây hơn ở “nhà rường” nhiều cột, đi xe hơi tiện hơn đi “xe tay”, dùng quạt điện tiện hơn dùng quạt giấy, quạt mo cau. Người ta thích nghe nhạc Tây, thích nhảy đầm, đọc những tiểu thuyết tình ái lãng mạn... Các ấn phẩm văn học Pháp nguyên bản hoặc đã dịch ra chữ quốc ngữ được bày bán rộng rãi, giá rẻ đáp ứng văn hóa đọc của công chúng đô thị... Trong cuộc đổi thay như vậy, xuất hiện nhiều con người khác trước, nhiều quan niệm khác trước... Quan niệm và chức năng văn hóa thay đổi. Văn học với tư cách là một hình thái ý thức xã hội cũng phải canh tân để tìm cho mình chỗ đứng. Văn học chuyển từ chức năng công cụ sang chức năng nghệ thuật. Nếu trước đây văn học chủ yếu thực hiện nhiệm vụ truyên truyền, giáo hóa (văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí), đến giai đoạn này, văn học mang mục đích tự thân hướng đến những cảm xúc nhân bản, đến cái đẹp. Nhu cầu đổi mới khi ấy trở nên bức thiết. Chính sự đổi thay này đã đặt ra nhiều vấn đề mới. Tác phẩm văn học bắt đầu thành hàng hóa. Viết văn trở thành một nghề. Lực lượng sáng tác, công chúng văn học, phương tiện in ấn thay đổi... đòi hỏi văn học phải tự đổi mới. Đặc biệt, sự xuất hiện của chữ quốc ngữ đã thôi thúc họ nói lên nỗi niềm của mình, bằng “ngôn ngữ của mình”…

Hoàn cảnh lịch sử, quá trình tiếp xúc văn hóa, văn học phương Tây (đặc biệt là văn hóa, văn học Pháp) đã tạo thành một “cú hích” quan trọng đẩy nhanh quá trình đổi mới văn hóa, văn học Việt Nam. “Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đản tung bờ vỡ đê” (Hoài Thanh). Phương Tây đã làm thay

đổi mọi sinh hoạt, mọi quan niệm của người Việt Nam. Ý thức dân chủ lan tỏa trong đời sống dẫn đến những biến chuyển sâu sắc trong tinh thần thời đại. Yêu cầu hiện đại hóa văn học được đặt ra một cách cấp bách. Trong xu thế chung đó, “cuộc cách mạng thi ca” có đầy đủ điều kiện để nảy sinh và phát triển.

Ngọn cờ văn hóa dân tộc, dân chủ, đại chúng và “duy tân” lúc đầu được các trí thức sĩ phu thức thời yêu nước đề xướng và đảm nhiệm dần dần chuyển đến tay những lực lượng xã hội tiên tiến, trong đó có tầng lớp trí thức Âu hóa. Về tư tưởng các tầng lớp không đồng quy nhưng họ gặp gỡ nhau ở tinh thần dân tộc, dân chủ và đại chúng. Và vì vậy “Nằm trong lòng những đợt triều duy tân rồi tân duy tân văn nghệ văn hóa dân tộc ấy, mảnh đất văn chương không thể không chuyển biến”[13, tr. 183]. Ở văn xuôi là sự xuất hiện của Tự lực văn đoàn, ở sân khấu là kịch nói, và đáng kể là cuộc cách mạng về thơ với phong trào Thơ mới.

Sự xuất hiện Thơ mới nằm trong trào lưu văn hóa to lớntất yếu của dân tộc Việt Nam nảy sinh và phát triển trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, “một trào lưu văn hóa diễn tiến dưới các phương châm: dân tộc – dân chủ – đại chúng – hiện đại”[13, tr.184]. Chỉ trong khoảng thời gian hơn mười năm, Thơ mới đã trải qua cuộc hành trình một trăm năm của thơ ca Pháp, tạo nên một biến đổi lớn trong đời sống văn học dân tộc.

Sự phát triển của Thơ mới âu cũng là lẽ tự nhiên. Từ rất sớm, Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long đã bàn đến vấn đề “thời tự” (sự biến đổi của văn học theo các thời). Thời và vận chuyển đi, chất và văn thay nhau biến đổi. Cái tình và cái lí (của sự biến đổi) xưa nay có thể nói được chăng? Có lời tán rằng: “Trong văn chương mười đời, văn thái của lời đã biến đổi chín lần. Một khi cái then máy đã chạm đến thì nó xoay chuyển không mỏi. Khi chất phác, khi văn hoa cứ theo thời mà đổi. Việc sùng trọng thay đổi nhau, ngày xưa tuy xa nhưng vẫn rõ như trước mắt” [67, tr.145-154]. Ấy là theo sự đánh giá của cổ

nhân. Trong cái nhìn của người hiện đại, như cách diễn đạt của M. Foucault, sự thay đổi của diễn ngôn thực chất là sự thay đổi của ý thức hệ, trạng thái tri thức và hệ thống quyền lực.

Theo J.Tynianov, “sự tiến triển của văn học”, sự kiện văn học đối với một thời kỳ, sẽ là một hiện tượng ngôn ngữ học thuộc đời sống xã hội đối với một thời kỳ khác và ngược lại, tùy theo hệ thống văn học mà sự kiện đó được đem so sánh. Sự bành trướng ngược của văn học vào đời sống xã hội kích thích chúng ta chú ý đến chức năng ngôn từ. “Cá tính văn chương”, “con người văn chương”, “nhân vật văn chương” là hiện tượng chính đáng phụ thuộc vào vai trò của một hệ thống văn chương nào đấy gắn liền với sự định hướng quyền lực của ngôn từ [150, tr 170 - 190].

Sự “định hướng” ở đây được hiểu là “khuynh hướng sáng tác của tác giả”. Tuy nhiên “khuynh hướng của tác giả” chỉ nên xem là chất men. Xóa bỏ khỏi từ “định hướng” bất kỳ sắc thái của thuyết mục đích nào, bất kỳ “khuynh hướng” và “địa chỉ đến”nào, “định hướng của tác phẩm văn học sẽ là chức năng ngôn từ (diễn đạt bằng lời) của nó, quan hệ đối tác của nó đối với đời sống xã hội” [150, tr.190]. Thơ mới tự nó đã có sự chuẩn bị đầy đủ để tạo ra một cuộc cách mạng thi ca với định hướng mới và bằng một hình thức giao tiếp nghệ thuật mới.

Trong lịch sử thơ ca dân tộc, “Thơ mới” đã trở thành định danh của phong trào thơ mở đầu cho thơ ca hiện đại Việt Nam, xuất hiện và phát triển rực rỡ trong những năm đầu của thế kỷ XX, một nền thơ phong phú và đa dạng, hiện đại và đầy cá tính, một hiện tượng văn hóa độc đáo và giàu bản sắc.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)