ĐẶC TRƯNG NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ
3.1.2. Sự đa điệu của cảm xúc, cảm giác
Sự phát triển của Thơ mới chính là bước cải tạo hết sức quan trọng của thơ trữ tình Việt Nam. Tiếp xúc với luồng sinh khí mới từ phương Tây, tư duy, cảm xúc của các nhà thơ mới có những thay đổi. “Tư duy thơ hướng vào phía trong để phân tích cảm giác, trình bày các trạng thái tình cảm” [41, tr.899]. Chủ trương đào sâu nội cảm, các nhà thơ mới đã hữu hình hóa những vi diệu của đời sống tâm hồn.
Thơ mới bộc lộ một cách trực tiếp tất cả mọi cung bậc và sắc thái tình cảm: vui, buồn, hờn, giận, thiết tha, say đắm, mộng mơ, cay đắng, xót xa... Đây cũng là xu hướng chính của Thơ mới ở giai đoạn đầu phát triển. Ngôn ngữ Thơ mới mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn. Cái tôi trữ tình Thơ mới trở về đúng nghĩa của nó – một cái tôi cảm xúc. Có thể xem Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ, Cảm xúc của Xuân Diệu... như tuyên ngôn của các nhà thơ thơ mới. “Muôn điệu” chính là sự đa dạng trong trạng thái cảm xúc của các nhà thơ thơ mới.
Sự đa dạng của cảm xúc hiện ra trong từng “mao mạch” của thế giới ngôn từ. Trong chặng mở đầu, ngôn ngữ Thơ mới thường mang theo cái rạo
rực, mê say tạo nên những khúc ca vui, niềm hy vọng với chất lãng mạn say người... Tâm hồn nhà thơ như cây đàn “ngàn phím” ngân lên khúc ca cuộc đời. Thi sĩ như “khách tình si” đắm đuối trước vẻ đẹp “muôn hình, muôn thể” của ngoại giới:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
(Cây đàn muôn điệu - Thế Lữ)
Trong hành trình của các nhà thơ mới, cảm xúc của họ thăng hoa theo nhiều ngả, nó tựa như những nguồn sáng muôn sắc màu kết thành một tổng phổ nhiều cung bậc.
Nỗi buồn Thơ mới buổi ban đầu thường nhẹ mà man mác bâng khuâng: “Tiếng đưa hiu hắt bên lòng – Buồn ơi! xa vắng mênh mông là buồn…” (Tiếng sáo Thiên Thai - Thế Lữ); “Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều – Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn” (Chiều - Xuân Diệu); “Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ - Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ” (Cuối thu - Hàn Mặc Tử)... Càng về sau, cảm xúc của các nhà thơ càng nhức nhối, đau đớn tựa như những con sóng tràn bờ, miên man một giai điệu buồn: “Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa – Chết không gian, khô héo cả hồn cao!” (Hè - Xuân Diệu); “Trời ơi! Chán Nản đương vây phủ – Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!” (Thu - Chế Lan Viên)…
Cùng với sự đa điệu của cảm xúc, ngôn ngữ Thơ mới đầy cảm giác. Thơ mới phá tung ước lệ cổ điển để đi đến tận cùng của cảm giác.
Trước Thơ mới, tâm hồn dân tộc trong mười thế kỷ trung đại đã được các thế hệ thi sĩ nho gia chạm khắc vào thơ trong những “ngọn bút có thần”, biểu đạt sâu lắng nỗi niềm tâm trạng. Những câu thơ như thế này chắc chắn đã ở lại trong trí nhớ của nhiều người:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn, Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố, Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
(Chiều hôm nhớ nhà - Bà huyện Thanh Quan) Bốn câu thơ của Bà huyện Thanh Quan đã vẽ lên một bức tranh tâm cảnh. Bà huyện đã đặt tâm trạng vào một thời điểm chênh vênh, khắc khoải nhất của ngày giữa cái phiêu diêu ẩn hiện mơ màng của sáng và tối trong thời khắc chuyển giao của vũ trụ. “Bảng lảng” là một trạng thái được cảm nhận bằng tất cả các giác quan nhưng rõ nhất là sự cảm nhận của thị giác. Bức tranh chiều dường như được mở hết tầm, ở đó “bóng hoàng hôn” như đang ôm trùm tất cả. Trong khung cảnh ấy, âm thanh trở nên nhạt nhòa với “Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn” và tiết tấu chậm chạp, uể oải: “gác mái”, “gõ sừng”... Trong cái mênh mang rợn ngợp của đất trời, trước nỗi u hoài, tĩnh mịch của vũ trụ cảm giác cô đơn lan tỏa... Tuy nhiên, có thể thấy, thơ trung đại chú ý nhiều đến kênh nghe và kênh nhìn. Lấy cảm xúc nghe, nhìn làm tâm điểm miêu tả, thể hiện, cho nên ở thơ trung đại, yếu tố họa, yếu tố nhạc phát triển. Mỗi bài thơ tựa như một bức tranh thủy mặc hài hòa, thanh tĩnh, một khúc nhạc tuyệt diệu, trang nhã.
Khác với cây bút Nho gia, thi sĩ thơ mới đã “Sống toàn thân! và thức nhọn giác quan”(Xuân Diệu), cảm nhận cuộc sống bằng tất cả những rung động của tâm hồn. Thơ mới đã bước ra khỏi truyền thống, tiếp nhận lối tư duy mới từ nền thi ca phương Tây mà chủ yếu là thơ Pháp. Các nhà thơ mới tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều trường phái thơ Pháp như thơ lãng mạn, thơ của nhóm Thi Sơn, thơ tượng trưng, thơ siêu thực...
Thơ mới đặc biệt chịu ảnh hưởng sâu sắc thuyết tương giao, tương hợp của thơ tượng trưng Pháp mà tiêu biểu là ảnh hưởng của Baudelaire - người đã
mở đường cho dòng thơ tượng trưng Pháp và các dòng thơ hiện đại khác. Các nhà thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên... đã bị Baudelaire chinh phục. Tư tưởng về sự hòa hợp cảm giác đã được Baudelaire trình bày trong bài Tương ứng [207, tr. 31-32]. Bài thơ như một giải thích và sự minh họa cho tựa đề. Baudelaire khẳng định lòng tin vào một vũ trụ đơn nhất và tuyên xưng một niềm hy vọng lớn. Tương ứng gợi lên một cái nhìn đa chiều về thế giới nơi mà tất cả đều tương tác với nhau: Tương ứng giữa cái thế giới mà ta nhận biết được và thế giới vô hình. Theo hình dung của Baudelaire, vũ trụ được kiến trúc như một biểu tượng gồm hai thành tố có những điểm tương đồng. Trong đó cái cụ thể có thể tri giác được, nhưng đôi khi ta mơ hồ cảm thấy cái vô hình ẩn sau cái hữu hình; Tương ứng giữa các cảm giác do giác quan đưa lại. Đó là những tương ứng giữa âm thanh, mùi hương, màu sắc cùng với xúc giác, vị giác; Cuối cùng là sự tương ứng giữa cái được nhận thức với cái đang ở trong trí tưởng tượng.
Qua Tương ứng, Baudelaire đã khẳng định sáng tạo thơ là một hành động sống. Baudelaire chủ trương thông qua sự tương ứng cảm giác để tìm sự bí ẩn bên trong. Hình tượng thơ theo Baudelaire không đơn giản để tạo nên bối cảnh, hình sắc bên ngoài mà là một phương tiện vượt qua bề mặt của sự vật, hiện tượng, chế ngự vẻ tầm thường của chúng để gọi ra sự sâu thẳm bên trong.
Bằng sự phối hợp của giác quan và của ngôn ngữ, Baudelaire đã đưa thơ đến một địa hạt mới, huyền diệu và độc đáo bằng chính trải nghiệm của mình để tâm hồn bay bổng đến cõi vô tận. Tuy nhiên khi cổ vũ cho cái mới, tư tưởng Baudelaire đã bộc lộ hạn chế nhất định khi gắn liên tưởng qua những trải nghiệm với rượu, với cần sa và nha phiến.
Dù vậy, Baudelaire vẫn được xem là tấm gương lớn của thi ca hiện đại. Tinh thần tương ứng của ông lan tỏa nhanh trong giới thơ Pháp và vượt qua
biên giới nước Pháp. Vẻ vang lớn nhất của ông là làm xuất hiện nhiều nhà thơ lớn ở Pháp và trên thế giới, trong đó có các nhà thơ mới Việt Nam. “Lịch sử đã đưa thơ Baudelaire đến giải đất Việt Nam, đúng vào lúc nền thi ca Việt Nam cần thoát khỏi thơ truyền thống, cần có một ngôn ngữ mới, một nhạc điệu mới và một cái nhìn mới mẻ về vũ trụ, nhân sinh. Baudelaire đã mở đường cho thơ hiện đại ở phương Tây và đã góp phần vào việc hiện đại hóa thơ Việt Nam”[207, tr.46]. Và tất nhiên đó không phải là ảnh hưởng duy nhất đến các thi nhân thơ mới. Trước Baudelaire, thi nhân thơ mới đã biết đến Edgar Poe, Lamartine... và sau Baudelaire là Mallarmé, là Valéry... nhưng công đầu thuộc về Baudelaire.
Ảnh hưởng từ Baudelaire, Thơ mới cũng mang dấu ấn của sự hòa hợp của cảm giác. Không phải ngẫu nhiên Xuân Diệu lấy câu thơ nổi tiếng của Baudelaire: “Les parfums, les couleurs et les sons se répondent” (Những mùi hương, những màu sắc và những âm thanh đáp ứng với nhau) làm đề từ cho một bài thơ của mình. Sự bùng nổ cảm giác trong thơ Xuân Diệu qua bài
Huyền diệu bộc lộ trạng thái náo nức đến đắm say của một tâm hồn nồng nhiệt, thiết tha giao cảm với đời. Năng lượng cảm xúc được dồn nén đến mức tối đa, nhà thơ cảm nhận “khúc nhạc” bằng cả thính giác, thị giác, khứu giác. Sự “tương ứng cảm giác” đưa chủ thể trữ tình vào “thế giới của Du Dương” để “Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn”. Sau tất cả sự ngân rung của khúc nhạc huyền diệu là sự huyền diệu của trái tim, tiếng nhạc đã ngừng im mà tiếng lòng vẫn vang ngân:
Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim Còn cứ run hoài, như chiếc lá Sau khi trận gió đã im lìm.
Huyền diệu rất tiêu biểu cho tiêu chuẩn mà thi phái tượng trưng đòi hỏi: “âm nhạc trước hết mọi thứ” (Valéry), mỗi từ, mỗi chữ phải là một nốt nhạc làm nên bản giao hưởng của tâm hồn. Sự giao thoa - cộng hưởng (Chu Văn Sơn) giữa nhạc và thơ, giữa nghệ thuật và thiên nhiên... đã tạo nên sự phức hợp của nhiều trường cảm giác trong Thơ mới nói chung và thơ Xuân Diệu nói riêng.
Tất nhiên, không phải đến Thơ mới các thi nhân Việt Nam mới có ý thức sử dụng thi pháp của “sự tương ứng”. Trong thơ trung đại, nhà thơ cũng đã diễn tả một cách khéo léo sự hòa hợp cảm giác: “Càng đàn, càng địch, càng mê - Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)... Song thơ trung đại không hướng tới sự chủ quan hóa cái khách thể, không phải là sự chiếm hữu của cái chủ quan đối với ngoại giới như Thơ mới. Trong Thơ mới Xuân Diệu, tác giả không chỉ cảm nhận tiếng đàn mà còn nghe được những cung bậc khác nhau của tình đàn: “Đàn buồn, đàn lạnh, ôi đàn chậm!” (Nguyệt cầm). Sự giao thoa, cộng hưởng của cảm xúc, cảm giác đã chủ quan hóa khách thể. Sự tổng hòa ấy, Hoàng Ngọc Hiến lại cho rằng, đó là cơ sở tạo nên một thi pháp quan trọng của thơ tượng trưng và thơ hiện đại nói chung, có thể gọi là “sự chuyển kênh”. Tác giả đã lấy ví dụ trong hai câu thơ kết bản trường ca Mỵ Châu, Trọng Thủy của Xuân Diệu: “Lạy cha ở lại, thiếp theo chàng – Tôi đã chết rồi, em vẫn thương” và phân tích “sự chuyển kênh mau lẹ và táo bạo trong tư duy thơ”: Câu thơ trên đương nói với
cha bỗng chuyển sang nói với chàng (chuyển từ kênh cha – con sang kênh thiếp - chàng), chuyển từ lời nói trực tiếp (“lạy cha ở lại”), sang lời nói trong tâm tưởng (“thiếp theo chàng”); Từ câu thơ trên đến câu thơ dưới có sự chuyển “cõi”, từ “cõi dương sống” đến “cõi đã chết rồi”; Trong hai câu thơ ngôi thứ nhất chuyển cách xưng ba lần: xưng “thiếp”, xưng “tôi” rồi lại xưng “em”. Giữa quan hệ “thiếp chàng” và quan hệ “anh em” là “cuộc biến thiên
lớn nhất trong lịch sử Việt Nam mấy mươi thế kỷ”. Xen vào giữa hai quan hệ này là “tôi đã chết rồi”: đó là cái “tôi” trong quan hệ với chính mình. “Tôi đã chết rồi”: đó là cái “tôi” tuyệt đối. Cảm giác cô đơn của cá nhân – cảm hứng chủ đạo này của Thơ mới chỉ có thể bộc lộ một cách đầy đủ nhất trong quan hệ của cái “tôi” với chính mình. Mọi bi kịch có thể có xung quanh câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy đều bị lu mờ trước cảm giác cô đơn tuyệt đối của Mỵ Châu. Với “tôi đã chết rồi” Xuân Diệu cao hơn Tự lực văn đoàn và Phong trào Thơ mới của ông một đầu[13, tr.138]. Đấy chỉ là một trạng thái, một cảm nhận mà Hoàng Ngọc Hiến bằng sự tinh tế và sâu sắc đã nhận ra. Bài thơ Mỵ Châu, Trọng Thủy
không phải đặc sắc và hai câu thơ được lựa chọn cũng không phải là tiêu biểu, nhưng chúng tôi cho rằng, nó lại rất tiêu biểu cho “cái tôi” Thơ mới.
Trong Thơ mới có nhiều bài đã sử dụng thi pháp “chuyển kênh” một cách đặc biệt và tạo được sức sống riêng. Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một bài thơ như thế. Ngay nhan đề bài thơ đã đưa người đọc vào một kênh lạ. Thời gian của Đoàn Phú Tứ không được đo đếm theo nhịp điệu vật lý bình thường mà cảm nhận qua kênh nhìn và bằng thị giác. Trong bài thơ chỉ có duy nhất khổ mở đầu mang tính xác định: xác định về thời gian, xác định về không gian, về cảm xúc. Bài thơ như đã tìm được một điểm tựa vững chắc cho cảm xúc:
Sớm nay tiếng chim thanh Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Song liền sau đó kênh thời gian đã chuyển một cách mau lẹ ở ngay khổ thứ hai. Mới “sớm nay” thôi mà đã thành “ngàn xưa” rồi, phút chốc hiện tại đã thành quá khứ: “Ngàn xưa không lạnh nữa – Tần phi – Ta lặng dâng nàng – Trời mây phẳng phất nhuốm thời gian”... Thoắt cái những điều vừa hiện hữu đã trở thành xa xăm: Ý thơ đi giữa chuyện nay với chuyện xưa bằng một
thái độ trân trọng, một cảm tình tha thiết. Hình ảnh cung nhân xưa khiến người nay nao nao. Trong dòng cảm xúc ấy, cảm nhận của thi nhân thật riêng:
Màu thời gian không xanh Màu thời gian tím ngát Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh
Nếu xem thời gian như một tín hiệu thẩm mỹ, văn hóa thì màu xanh của thời gian theo quan niệm của người Pháp gắn liền với sự lạc quan, nồng nàn, tươi trẻ. Trong Thơ mới, các nhà thơ cũng nói đến thời gian với những cảm nhận rất riêng. Thời gian trong thơ Xuân Diệu đồng nghĩa với sự tiêu trôi: “Ngọn gió thời gian không ngớt thổi, Giờ tàn như những cánh hoa rơi...”(Giờ tàn). Thời gian trong thơ Hàn Mặc Tử: “Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân” (Thời gian)... Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là màu kỷ niệm, là màu của thủy chung. Thời gian có thể luân chuyển (sớm nay – ngàn xưa), vạn vật có thể biến dời, đổi thay (cũng là một sự chuyển kênh) thì dù trong xa cách, trong nghìn trùng cách trở, tình yêu vẫn không thay đổi, biến dời. Nhà thơ đã lấy cái biến dời, đổi thay để nói cái bất biến, sự vĩnh cửu của tình yêu.
Ở đây thi pháp “chuyển kênh” mở rộng khả năng biểu đạt và sức sáng tạo của nhà thơ. Không chỉ mở rộng kênh nhìn, thi nhân thơ mới còn nghe
được tiếng thu (Tiếng thu – Lưu Trọng Lư), nghe được“rét mướt luồn trong gió” (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu), cảm nhận hơi lạnh của trăng: “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh”(Nguyệt cầm – Xuân Diệu)... Các nhà thơ mới “nhào nặn” lại thiên nhiên theo quan điểm chủ quan của mình, mở rộng khả năng biểu đạt của thơ, bài thơ đầy sức ám gợi.
Thơ mới được định vị trong tiến trình lịch sử thơ ca dân tộc với vai trò mở đường cho thơ hiện đại. Sự mở đường này, trước hết là ở khả năng chiếm lĩnh một cách đầy chủ quan thế giới ngoại cảnh. Cách quan sát ngoại giới và
bộc lộ xúc cảm trong Thơ mới như một sự xác nhận và khẳng định quyền uy của con người đối với tự nhiên, khẳng định lối tư duy hiện đại.