Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật thơ 1 Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 34 - 40)

CHƯƠNG 2: THƠ MỚI – MỘT HÌNH THỨC GIAO TIẾP NGHỆ THUẬT MỚ

2.1.2.Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật thơ 1 Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật

2.1.2.1. Đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật

Phương pháp truyền thống xác định đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật theo định tính. Với hướng này người ta đã liệt kê các tính chất, thuộc tính mà ngôn từ nghệ thuật có thể có, đó là: tính hình tượng, tính cụ thể, tính cá thể hóa, tính hàm súc, tính chính xác.v.v… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: Các thuộc tính đó đúng là có trong lời văn nghệ thuật, nhưng cách xác định không khoa học bởi nó cũng xuất hiện trong ngôn ngữ tự nhiên đời thường. Hiển nhiên lời của một người thuộc về một cá nhân nào đó và mang tính cá thể. Một ví dụ rất sinh động: Lời mẹ nói với con, người yêu nói với người yêu lẽ nào không có tính cụ thể, gợi cảm?; Con số các thuộc tính nêu trên là chưa đủ, một số người đã nói thêm về tính ước lệ, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính biểu hiện, tính nhịp điệu… thì ngay cả những tính chất này cũng có trong lời nói thực tế [48, tr.208-234].

R. Jacobson - nhà ngôn ngữ học và lý luận thơ xuất sắc của thế kỷ XX cho rằng: “Ngôn ngữ cần được nghiên cứu trong toàn bộ sự đa dạng về chức năng của nó”[149]. Theo R.Jacobson, để mô tả chức năng này, cần quan tâm đến những thành phần cơ bản tạo nên một sự kiện ngôn ngữ, một hành động giao tiếp. Trong đó, các yếu tố cần thiết cho sự giao tiếp này bao gồm một cấu trúc hạt nhân được hình dung qua sơ đồ sau:

R. Jacobson xem hoạt động giao tiếp như một quá trình sử dụng các “mã” (code) với quá trình lập mã và giải mã của người phát và người nhận. Trong đó giao tiếp nghệ thuật đặc biệt chú ý đến chức năng thơ (chức năng thẩm mỹ) của ngôn ngữ và xem đó như là “sự định hướng của thông báo”(bằng các kí hiệu ngôn ngữ) vào chính bản thân nó” tạo nên đặc trưng của hình thức biểu hiện mang tính thẩm mỹ [149].

R. Jacobson cũng lưu ý rằng chức năng thơ không chỉ có ở thơ ca mà ở khắp nơi trong mọi hình thức giao tiếp ngôn ngữ, cả ở lời nói hàng ngày và “trên xe điện”. Theo R. Jakobson ứng xử ngôn ngữ được thực hiện từ hai thao tác cơ bản qua sự lựa chọn phối hợp. Lý thuyết giao tiếp của R.Jakobson hướng sự chú ý vào bản thân tổ chức lời thơ tuy nhiên hạn chế của R. Jakobson là chỉ chú ý vào tổ chức vật liệu mà không chú ý đến mối quan hệ giữa cách tổ chức vật liệu với những người giao tiếp bằng vật liệu đó.

Bàn về ngôn từ, M. Bakhtin cũng đặt ngôn từ trong hoạt động giao tiếp. Nếu R. Jacobson chủ yếu quan tâm đến phương tiện biểu đạt thì M. Bakhtin lại đi xa hơn, quan tâm đến bản chất xã hội, thẩm mỹ của ngôn từ và xem đối thoại như thuộc tính nguyên sinh của lời nói. Theo chủ quan của Bakhtin, trong huyền thoại và trong lịch sử loài người, chỉ có chàng Adam đơn độc

Người phát Thông điệp Người nhận

Tiếp xúc Ngữ cảnh

trong thế giới trinh nguyên với tiếng nói đầu tiên mới né tránh được đến cùng sự đối thoại. Lời nói của con người mang tính lịch sử, cụ thể thì không thể né tránh được điều đó; chỉ là có lúc trong chừng mực nào đó tính đối thoại đã bị lãng quên đi một cách ước lệ. Vì vậy cần thiết phải xem xét ngôn từ trong tính đối thoại nội tại của nó và đó cũng chính là yếu tố “có một sức mạnh cấu tạo phong cách vô cùng to lớn”. Bakhtin cho rằng: Ngôn từ ra đời trong đối thoại như một lời đối đáp sống động, nó hình thành trong quá khứ tương tác đối thoại với lời của người khác về đối tượng; Tính đối thoại của ngôn từ không phải chỉ bởi sự thâu tiếp đối tượng, bất kỳ lời nói nào cũng nhằm để được đáp lại và không thể tránh khỏi ảnh hưởng sâu xa của lời đáp dự kiến [110, tr.87-101].

Như vậy lời đối thoại nào cũng bao gồm: lời người phát (lời người nói),

lời người nhận (lời đáp), đối tượng hoặc lời đáp dự kiến. Hoạt động giao tiếp bị chi phối bởi chất đối thoại và mang cấu trúc đối thoại đặc trưng.

Trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, các yếu tố trên có vị trí khác nhau. Trong giao tiếp hàng ngày, lời đối thoại gắn với ngữ cảnh của toàn bộ cuộc đối thoại, chất đối thoại thường được tách biệt thành một hoạt động độc lập đặc thù và mang tính trực tiếp. Trong thực tế giao tiếp này, tác giả lời nói, chủ thể lời nói, ý thức lời nói luôn luôn thống nhất làm một. Trong giao tiếp nghệ thuật, chất đối thoại chi phối việc lựa chọn và sắc thái biểu cảm của ngôn từ làm biến đổi ngữ nghĩa và cấu trúc cú pháp của nó. Lúc này, tác giả lời nói đứng ngoài tác phẩm, nhường lời cho chủ thể lời nói là một nhân vật văn học, một người kể chuyện với ý thức lời nói xuất hiện [48, tr.211-212]. Chẳng hạn, bài Nhớ rừng của Thế Lữ, tác giả ẩn đi, chủ thể lời nói là con hổ trong vườn bách thú, không những thế dưới tựa đề bài thơ, tác giả còn chú thích thêm hàng chữ: Lời con hổ ở vườn bách thú như một sự khẳng định tính khách quan của lời nói. Trong bài Bầm ơi, tác giả Tố Hữu ẩn đi. Lúc này chủ thể lời nói là anh bộ đội bày tỏ tình cảm tha thiết với người mẹ ở chốn quê nhà…

Như vậy, trong giao tiếp nghệ thuật, chủ thểlời nói thực chất là một yếu tố nghệ thuật tồn tại khách quan, không đồng nhất với tác giả nhưng thuộc ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Khi chủ thể lời nói trong văn học tách ra khỏi tác giả thì nó trở thành hình tượng nghệ thuật.

Theo đó, trong giao tiếp nghệ thuật, trước hết và cần thiết phải quan tâm tới hình tượng tác giả tức chủ thể lời nói. Hình tượng tác giả là hình tượng nghệ thuật do nhà văn hư cấu. Với ý nghĩa đó, chủ thể lời nói – nhân vật văn học có thể là ai, là kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, là anh bộ đội, chị dân công trong thơ Tố Hữu..., có khi là con dế mèn, cái cây, ngọn núi, dòng sông... mang điểm nhìn, giọng điệu khác nhau.

Tính hình tượng của chủ thể lời nói đồng thời chi phối tính hình tượng của ngôn từ nghệ thuật. Cấu trúc hình tượng hay nghĩa của ngôn từ phụ thuộc vào ngữ cảnh lịch sử, văn hóa của thời đại nhưng đồng thời cũng phụ thuộc vào đặc điểm ngữ cảnh – cá nhân. Vì vậy, “trong sự tìm hiểu, giao lưu trữ tình điều quan trọng là tìm được những qui ước giao tiếp, kênh giao tiếp”[134, tr.59]. Ngôn từ nghệ thuật vẫn sử dụng chuỗi kí hiệu với “nghĩa từ điển trung tính”, nhưng trong giao tiếp lời nói sống động bao giờ nó cũng mang “tính điển hình” và “ít nhiều bộc lộ rõ ràng (tùy thuộc vào thể loại) bình diện cá nhân do ngữ cảnh phát ngôn mang tính cá thể - độc đáo quy định”[129, tr.41]. Theo M. Bakhtin, với người nói, “từ nào cũng tồn tại ở ba bình diện: như một từ trung tính ngôn ngữ, chẳng thuộc về ai; như một từ lạ của những người khác, một từ đầy ắp âm vang của những phát ngôn lạ, và, cuối cùng, như một từ của tôi bởi vì do tôi sử dụng nó trong một tình huống cụ thể, với một ý đồ nói cụ thể nên nó thấm đẫm nội dung biểu cảm của tôi”[129, tr.42].

Như vậy, ngôn từ nghệ thuật là một hiện tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo ra theo nguyên tắc nghệ thuật. Ngôn từ nghệ thuật không đơn giản chỉ là tách tác giả lời nói ra ngoài, đưa chủ thể lời nói lên vị trí phát ngôn mà

còn thể hiện ở cấu trúc lời nói. Ngôn từ nghệ thuật “phá vỡ” cấu trúc ngôn ngữ thông thường để cấu tạo lại theo nguyên tắc nghệ thuật [45, tr.215]. Những “cấu trúc ngôn ngữ”, những “tổ chức ký hiệu” ấy hoàn toàn độc lập với hiện thực và người nói. Trong những hoạt động giao tiếp khác nhau, ngôn từ được tổ chức theo những nguyên tắc nghệ thuật và theo mục đích giao tiếp cụ thể.

Từ góc độ bản chất, nghiên cứu về ngôn từ của M. Bakhtin không tách rời khỏi yếu tố vật liệu. Tuy nhiên, điều khiến ông quan tâm nhiều hơn và chính là yếu tố xã hội – thẩm mỹ của ngôn từ. Theo ông, ngôn từ trong văn học được sáng tạo đặc biệt, thể hiện nhãn quan của những nhóm xã hội khác nhau với tư cách là những chủ thể giao tiếp thẩm mỹ. Văn bản nghệ thuật, vì vậy, trở thành một sản phẩm của hoạt động giao tiếp đặc thù. Tác phẩm văn học được xem như là sản phẩm và sự kiện của sự tương tác giữa ý thức của người nói và ý thức của người nghe, giữa người sáng tác và người thưởng thức. M. Bakhtin khẳng định: “Sự giao tiếp đối thoại chính là lĩnh vực đích thực của cuộc sống của ngôn ngữ”[109, tr. 191]. Với cách hiểu đó của M. Bakhtin, đối thoại ngôn từ, thực chất là đối thoại về ý thức xã hội. Ngôn từ văn học là sự thống nhất không tách rời giữa ngôn từ và ý thức. Bởi thế, ngôn từ văn học cần được nghiên cứu trong đời sống thực tiễn đích thực của nó. Như cách đánh giá của M.Bakhtin: “ngôn ngữ văn học là một hệ thống năng động đầy phức tạp… được tổ chức theo những nguyên lý riêng… có những sợi dây nối buộc từ lịch sử xã hội tới lịch sử ngôn ngữ” [111]. Điều đó dẫn tới một thực tế hiển nhiên là khi thời đại thay đổi, thì ngôn từ cũng thay đổi theo. Qua ngôn ngữ văn học, không chỉ thấy sự vận động của ngôn ngữ trong lịch sử mà có thể thấy sự thay đổi của đời sống xã hội qua những thời đại khác nhau. “Ở mỗi thời đại, trong mỗi nhóm xã hội đến từng phạm vi nhỏ bé trong gia đình, thân hữu nơi con người sinh sống bao giờ cũng có những truyền

thống nào đó được thể hiện gìn giữ trong “bộ lễ phục ngôn từ”. “Bao giờ cũng có những tư tưởng chủ đạo của các bậc “chúa tể trí tuệ” ở một thời đại nào đó, những khẩu hiệu, những nhiệm vụ cơ bản nào đó được thể hiện bằng ngôn từ”[111]. Theo đó có thể hình dung, mỗi thời đại văn học có một “mã” ngôn ngữ với những đặc trưng riêng bị chế ước bởi yếu tố thời đại, yếu tố văn hóa với những cơ chế tạo lập riêng.

Lý thuyết của M. Bakhtin đã hướng sự quan tâm đến bản chất xã hội, thẩm mỹ của ngôn từ và có điểm gần với những mệnh đề nổi tiếng trong lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại mà đại diện tiêu biểu là M. Foucault.

Có thể nói, đến khi M. Foucault đưa ra khái niệm diễn ngôn (discourse), thì vấn đề bản chất xã hội, thẩm mỹ của ngôn từ văn học đã được “hiện ra rõ thêm một bước”(Trần Đình Sử). M. Foucault đã xem xét ngôn ngữ từ nhiều góc độ và đặc biệt quan tâm tới hệ thống cơ chế biểu đạt, sự chi phối của mô hình tư duy, những quy tắc ràng buộc nhất định đối với ngôn từ. Trong cách hiểu của M. Foucault, diễn ngôn là hình thức biểu hiện ngôn ngữ của một quần thể người trong một điều kiện xã hội, lịch sử nhất định. Trong đó, cơ chế thầm kín chi phối ngôn từ đó là ý thức xã hội, trạng thái tri thức của con người và cơ chế quyền lực trong xã hội. Sự quan tâm của M. Foucault tới hệ thống các hạn chế, các giới hạn đối với hành vi ngôn ngữ là một bước tiến mới trong nhận thức luận. Theo M. Foucault, hướng nghiên cứu cấu trúc vô tình đã tước bỏ các điều kiện hình thành và tạo tác văn bản, khiến văn bản bị cô lập và như một thực thể tĩnh tại, còn các nhân tố tạo nên ý nghĩa của văn bản thì lại bị bỏ quên [164].

Theo đó, mỗi thời đại sẽ sản sinh ra những diễn ngôn tương ứng. Các loại hình diễn ngôn ấy tất nhiên chịu sự quy định của “khung tri thức” và tầm văn hóa của thời đại. Ngôn ngữ văn học, từ góc nhìn diễn ngôn, không phải là ngôn ngữ đã “ngủ quên” trong từ điển mà thứ ngôn ngữ mang chứa, khúc xạ trong đó nhiều tầng vỉa khác nhau của lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo, các

quan hệ đời sống… Điều này đã được Trần Đình Sử nhấn mạnh: “Sự phân tích diễn ngôn trong từng xã hội cho thấy cái logic nội tại, cái cơ chế thầm kín chi phối ngôn từ đó là hình thái ý thức xã hội, trạng thái tri thức của con người và cơ chế quyền lực trong xã hội…” [158]. Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đã diễn ra cuộc đảo lộn diễn ngôn một cách dữ dội. Cuộc xung đột Thơ cũ và Thơ mới thực chất là cuộc xung đột diễn ngôn, là sự xung đột giữa diễn ngôn cổ điển và diễn ngôn hiện đại... Ở góc độ hẹp hơn, diễn ngôn Thơ mới chủ yếu là diễn ngôn của văn học lãng mạn - loại hình nghệ thuật thể hiện những niềm hy vọng lớn và thất vọng lớn của con người trước thực tại.

Có thể thấy, từ nhiều góc độ và mức độ, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà thi học đều khẳng định: mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ tự nhiên và ngôn từ nghệ thuật. Trong đó ngôn từ nghệ thuật là sự “tái cấu trúc”(Trần Đình Sử) từ ngôn ngữ tự nhiên theo nguyên tắc nghệ thuật.

Sự phát triển của tri thức về ngôn ngữ, về lý luận ngôn từ, thi pháp ngôn từ cho thấy, nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật không tách rời yếu tố chất thể và bản chất xã hội của ngôn từ. Nói khác đi, ngôn từ nghệ thuật cần được đánh giá với tư cách một diễn ngôn nghệ thuật, một hình thức giao tiếp nghệ thuật đặc biệt.

Mặt khác, ngôn từ nghệ thuật còn bị chi phối bởi đặc trưng thể loại. Mỗi thể loại thể hiện một kiểu quan hệ đối với thực tiễn đời sống và đối với người đọc, tức là một kiểu giao tiếp.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 34 - 40)