Những bứt phá mớ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 123 - 131)

TỔ CHỨC VĂN BẢN NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT THƠ MỚ

4.2.3. Những bứt phá mớ

Theo Dương Quảng Hàm, Thơ mới được hiểu là “lối thơ không theo quy củ của lối thơ cũ, nghĩa là không hạn chế số câu, số chữ, không theo niêm – luật”[62, tr.429]. Cùng với nhu cầu giải phóng cái tôi cá nhân, Thơ mới đã tìm đến sự tự do cho cái biểu đạt. Các nhà thơ mới tìm cách phá bỏ các quy tắc nghiêm ngặt về định lượng, cấu trúc câu thơ.

Khi bài thơ Con ve sầu và con kiến của La Fontaine được Nguyễn Văn Vĩnh dịch (đăng trên Đông Dương tạp chí số 40, năm 1914), độc giả được tiếp cận bài thơ quốc văn hoàn toàn lạ lẫm: không theo niêm luật, độ dài tự do (dòng 3 chữ, dòng 5 chữ), vận luật rất lạ:

Con ve sầu kêu ve ve Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi Nguồn cơn thật bối rối

Bài thơ dịch ngay lập tức nhận được những phản hồi trái chiều và dường như “cửa đã hé mở từ lâu ngọn gió xa đón hoài không thấy tới”(Hoài Thanh). Đến khi Phan Khôi mang bài Tình già “trình chánh giữa làng thơ”, cuộc “cách mạng thi ca” đã thực sự “nhóm lên” cùng với sự rạn nứt của thành trì thơ cũ, là sự “xâm thực” của một hình thức Thơ mới.

Dấu hiệu đầu tiên của sự đổi mới là sự thể nghiệm ở thơ tự do. Nhưng xét kĩ, lối thơ “chân ngắn” so le dòng hai, ba, bốn chữ của Lưu Trọng Lư

(Xuân về, Chị em), H. Minh Tuyền (Chơi thuyền, Hy vọng)… chỉ là hợp thể tự nhiên từ khả năng tùy biến của câu đồng dao hay ca dao. Lối thơ “chân dài” chín, mười, mười một, mười hai chữ xuất hiện trong thơ Phạm Văn Hạnh (Giọt sương hoa), Phạm Huy Thông (Bông hồng), Nguyễn Thị Manh Manh (Bức thư gửi tất cả ai ưa hay là ghét bỏ lối Thơ mới, Bà La Fugie nhà thám hiểm và họa sĩ)… chỉ là sự nới giãn của thể tám chữ. Ngay cả bài Tình già

của Phan Khôi cũng chưa thoát khỏi bóng dáng cổ phong, từ khúc mà còn mang hơi hướng câu văn biền ngẫu:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

- “Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng, Mà lấy nhau hẳn là không đặng,

Để đến nỗi tình trước phụ sau,

Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!” - “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ?

Buông nhau làm cho sao nỡ!

Thương được chừng nào hay chừng ấy, Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy! Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng Mà tính việc thủy chung?”

Tuy nhiên bài thơ đã gây xôn xao luận bởi chính lối làm thơ tự do, không hạn định số câu, số chữ. Sự xuất hiện của Tình già như một sự chống lại, phủ định lễ nghi sáng tác trung đại. Thậm chí câu chuyện tình hai mươi bốn năm xưa ấy còn được diễn thành văn xuôi. Cùng với lối viết tự do, tác giả đã phô bày trực tiếp những uẩn khúc, nỗi niềm thầm kín riêng tư vốn chỉ của hai kẻ yêu nhau. Ở thời điểm mà bài thơ xuất hiện, có thể thấy tư tưởng của tác giả thật mới, thật táo bạo.

Trên tinh thần tiếp nhận phương Tây, các nhà thơ mới đã làm mới câu thơ Việt. Câu thơ Thơ mới trở nên linh hoạt và đầy sáng tạo. Biểu hiện đầu tiên của sự đổi mới này cho thấy: câu thơ không còn trùng khít với dòng thơ.

Ảnh hưởng từ lối bắc cầu của thơ Pháp, hiện tượng vắt dòng khá phổ biến ở Thơ mới. Mỗi câu thơ có thể gồm nhiều dòng thơ:

“- Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy Giam hãm thân trong cảnh nặng nề Vẫn để hồn theo người lận đận Vẫn hằng trông đếm bước anh đi”

(Giây phút chạnh lòng – Thế Lữ)

Câu thơ vắt dòng phá vỡ sự thống nhất của cấu trúc câu thơ truyền thống. Câu thơ tràn sang địa hạt văn xuôi và mang cấu trúc giãi bày. Nó khiến Thơ mới gần với ngữ điệu nói. Ví dụ: “Yêu ngẩn ngơ rồi đau xót xa – Số anh là khổ, phận anh là – Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực – Đem ái tình dâng kẻ phụ ta…”(Muộn màng - Xuân Diệu). Những câu thơ vắt dòng tạo nên sự liên tục của mạch thơ giống như một cảm hứng tạm ngừng lấy hơi để rồi còn tiếp tục: “Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ, - Nghiêng xuống làn rêu, một lối đầy(Với bàn tay ấy – Xuân Diệu).

Năng lượng cảm xúc dồi dào khiến các nhà thơ mới phá tung những khuôn hình chật hẹp và gò bó của câu thơ, nhịp thơ. Câu thơ không theo khuôn hình cố định mà tuôn chảy theo cảm xúc:

Mới mẻ người mang một mối tình Bàng hoàng cơ thể chói tâm linh Từ ta – như – thế sang ta – phải Người đứng cao hơn số phận mình

(Người mẹ - Tế Hanh)

Bên cạnh đó lại có những dòng thơ lớn hơn câu. Dòng thơ là tập hợp những câu ngắn mà theo cách định danh của các nhà ngôn ngữ đó là kiểu câu đơn, câu đặc biệt. Đồng thời sự xuất hiện của các dấu giọng trong tổ chức câu thơ cũng có ý nghĩa lớn trong cách tân câu thơ. Ngoài chức năng ngữ pháp,

dấu giọng còn mang chức năng biểu cảm, vừa tạo thành điểm nhấn trong ngữ lưu vừa thể hiện trạng thái cảm xúc:

- Anh nhớ tiếng! Anh nhớ hình! Anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!

(Tương tư, chiều – Xuân Diệu)

- Trời trở buồn – Ai hiểu làm sao?

Mây lạc nẻo, tim nghe chừng thất vọng (Giữ gìn – Hồ Dzếnh)

Lại có những cấu trúc câu thơ khá phức tạp: vừa ngắt câu, vừa vắt dòng. Tổ chức câu thơ không theo trật tự ngữ pháp mà tuân theo dòng cảm xúc:

Thì ra chỉ có thế mà thôi! Yêu đấy. Không yêu đấy, để rồi Mắc hẳn đường tơ sang cửi khác

(Vâng – Nguyễn Bính)

Nhịp thơ luôn thay đổi, dấu chấm giữa dòng ngắt câu thơ làm đôi, từ ngữ luôn đảo cực, khẳng định (yêu đấy) rồi phủ định (không yêu đấy) khiến lời thơ như nghẹn ngào, chua xót.

Có thể thấy, đến phong trào Thơ mới, câu thơ Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Những phá cách, những sáng tạo mới đã đem đến thi đàn một sắc thái mới. Những câu thơ trên như đã minh chứng cho khẳng định của tác giả Thi nhân Việt Nam: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy” [172, tr.17]. Cùng với đó là sự xuất hiện của hình thức thơ văn xuôi. Sự ra đời của thể thơ văn xuôi mang đến cho Thơ mới khả năng thể hiện mới. Câu thơ văn xuôi hoàn toàn tự do, không bị câu thúc bởi số chữ trong mỗi câu, số câu trong bài. Mạch câu thơ chảy tràn không theo một qui tắc nào. So với những kiểu câu thơ khác (như thơ bảy chữ, tám chữ vốn là thể thơ nổi trội của Thơ mới) thì câu thơ văn xuôi có một năng lực biểu đạt rất lớn. Chẳng hạn

câu thơ của Đinh Hùng: “Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này sông khác, cả núi và đèo và cả rừng, cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để hiểu thêm ít, nhớ thêm một ít và yêu thêm rất nhiều” (Cảm thu). Mùa thu vốn là thi đề quen thuộc trong thơ. Có không biết bao nhiêu bài thơ thu. Song cảm xúc mùa thu của Đinh Hùng thật mới mẻ, được mở rộng chiều kích ở cả không gian, thời gian. Tất cả chảy tràn theo câu thơ. Nhịp thơ ở đây được tạo bởi nhịp bước đi của tác giả (tôi đi hết sông này sông khác, cả núi và đèo và cả rừng, cả suối...), nhịp điệu của từ với phép lặp từ (cả rừng, cả suối, hiểu thêm ít, nhớ thêm một ít và yêu thêm rất nhiều) tạo nên một giai điệu rất riêng và sự du dương nội tại của câu thơ.

Có thể nói, tư tưởng của thi nhân thơ mới được diễn đạt khá đầy đủ qua câu thơ văn xuôi. Điệu tâm hồn đắm say, mơ mộng có khi cuồng điên, réo rắt, lúc buồn bã thê lương trở nên mênh mang, viên miễn mà ý, lời còn vượt rất xa câu thơ. Chẳng hạn Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử: “Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung sẽ nhận thấy nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả... Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chữ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động...”. Câu thơ mở ra không gian ba chiều rợn ngợp, ngập ngụa ánh trăng. Thứ ánh sáng vừa rất thực, rất ảo, vô lượng, hoang vu ấy khiến cho chủ thể ngây ngất, đê mê. Trăng được cảm nhận bằng thị giác (ánh sáng càng thêm kì ảo), khứu giác (thơm thơm), thính giác (lắng nghe, nhạc say say)...

Khát vọng vượt thoát mọi sự kiềm tỏa của các nhà thơ mới tìm được cách thể hiện có lẽ hữu hiệu nhất là trong thơ văn xuôi - thể thơ ít giới hạn nhất trong các thể thơ. Song nếu thợ thơ vụng về thì thơ sẽ trở thành thứ văn xuôi tồi tệ nhất. Có lẽ vì thế mà những bài thơ văn xuôi chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong Thơ mới: 13/1081 bài (chiếm 0,012%)[172]. Trong số các nhà thơ

mới, Phạm Văn Hạnh có nhiều trải nghiệm nhất ở thể thơ văn xuôi. Giai điệu chung trong câu thơ văn xuôi của Nguyễn Văn Hạnh rất réo rắt, du dương nhưng cũng rất buồn và đậm chất triết lý, đằng sau câu chữ thường để lại những câu hỏi bâng khuâng: “Tuổi thơ dại thường dễ cảm, dễ buồn. Đó là hạnh phúc, ơn riêng của Trời, việc chi mà hổ thẹn. Có ai cho tôi đổi hết trí khôn, sáng suốt, kinh nghiệm lấy những hạt lệ trong đã cạn tự bao giờ? Những cái lãng mạn trái mùa không đáng cho ta cười cợt. Bao giờ nó cũng là dấu hiệu của xuân tuơi mà ta nhớ nhung như một trích tiên nhớ những ngày vui trên Thượng Giới”(Cây gạo); “Màu nhiệm của ngòi viết là mang lại cho ta một cái quên. Cũng như ái tình, cũng như hành động (dù về cách nào: học, chơi, kinh doanh) miễn là ta biết ham mê. Nhưng tại sao lòng ta chán nản, bơ vơ, không ham mê, không sôi nổi. – không bao giờ được biết tia ấm của ngày xanh? Tâm hồn ta hãy ngả trên mảnh giấy, thật thà, hỗn tạp, đầy đủ… Đó là cái rừng rậm có cây cao bóng cả, có cỏ nát hoa hèn, ta có quyền gì xâm phạm đến cảnh thâm u?” (Xuân)…

Như nhận xét của Mã Giang Lân: “Cùng với việc thay đổi quan niệm thẩm mỹ thể loại, niêm luật, hệ thống từ ngữ… thì cú pháp là đạo diễn hướng người đọc thơ như khán giả trước màn hình hoặc ngước mắt lên sân khấu. Không thể chỉ nghe, người tiếp nhận phải nhìn, phải đọc (đọc thành tiếng hoặc đọc thầm)” [94, tr.35].

Cùng với kiểu bài thơ “đọc”, trong Thơ mới xuất hiện kiểu bài thơ “thị giác”. Bài thơ là sự mô phỏng một sự vật, hiện tượng và là sự xếp chồng của nhiều câu thơ theo một chủ ý nào đó như bài Hồ Tây của Lê Khánh Đồng, Tối

của Trần Huấn Chương, Sương rơi, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa, Mưa của Nguyễn Vỹ…

Chẳng hạn bài Hoàng hôn của Nguyễn Vỹ là sự mô phỏng hình ảnh cánh cò bay trong buổi chiều tà. Đàn cò đang sải cánh bay trong buổi hoàng hôn nhưng luôn gợi một cảm giác mệt mỏi, buồn tẻ:

Một đàn Cò con Trắng nõn Trắng non Bay về Sườn non Gió giục, Mây dồn, Tiếng gọi Hoàng hôn Buồn bã Nỉ non Từ giã Cô thôn… Còn con Cò con Trắng non Nào kia… Lạc bầy, Lại bay Vào mây Ô kìa!

Hay bài Tối của Trần Huấn Chương được xếp theo hình tam giác mà đỉnh của nó là một từ. Bài thơ mở ra một không gian đêm. Theo hình dáng bài

thơ, từ cảm nhận thị giác, một không gian tối đang lan tỏa. Không gian càng rộng ra theo bước chân, con người càng thấy mình nhỏ bé, lẻ loi. Theo nhịp bước đi ta như đang dấn thân vào “quãng đường” đầy “gai góc”, vất vả, những “gập ghềnh”, khó khăn ngày càng tăng tiến, “đi hoài” “chân mỏi” mà vẫn chưa tới đích. Cùng với hình ảnh ấy, một nỗi buồn lan tỏa mênh mông, nhịp thời gian như chậm lại, buồn tẻ, nặng nề:

Tối Đi hoài Chân mỏi Giăng ló ngàn Chim về núi Muôn dặm mịt mù Một mình lặn lội Đèo ải bước gập ghềnh Quãng vắng quan trường vòi vọi Ô hay gai góc quãng đường đời Vất vả thâu đêm đi chưa khỏi

Câu thơ hoàn toàn tự do không bị câu thúc bởi niêm luật. Song về bản chất, câu thơ mô phỏng của Trần Huấn Chương vẫn có mối liên hệ mật thiết với truyền thống. Sự sắp đặt các âm tiết ở cuối mỗi dòng thơ cho thấy tác giả khá công phu trong hòa âm, cứ một thanh trắc lại đi liền với thanh bằng theo âm vận truyền thống. Tuy nhiên những thử nghiệm theo hướng trên cho thấy nếu chỉ chú trọng đến hình thức mà không quan tâm đến nội dung, thì bài thơ, tự nó sẽ bị lãng quên. Song điều đáng mừng là những hiện tượng như vậy không nhiều ở Thơ mới.

Cuộc cách mạng Thơ mới bề ngoài tỏ ra quyết liệt với thơ cũ nhưng thực tế vẫn có sự liên hệ với truyền thống. Vì vậy, ở hướng thứ nhất, Thơ mới là kế thừa câu thơ điệu hát truyền thống qua sự mở rộng không giới hạn cú pháp lục bát hay song thất lục bát và đổi mới trên cơ sở nới lỏng cú pháp câu thơ Đường luật (như đã trình bày ở 3.2.1). Ở hướng thứ hai, Thơ mới chịu ảnh hưởng từ lối tổ chức của câu thơ Pháp. Cũng chính vì thế có ý kiến cho rằng Thơ mới là sự mô phỏng thơ Pháp. Đó là sự nhận xét đơn giản, một chiều. Trong qui luật sáng tạo một yếu tố không thể không thừa nhận là sự giao lưu và tiếp biến. Hiện tượng mô phỏng chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu của Thơ mới để đi tới sự Việt hóa hoàn toàn. Có thể nói, trong khi biểu đạt những cảm xúc cá nhân các nhà thơ mới, bằng nhiều nỗ lực đã “tạo dáng lại câu thơ”, thay đổi cú pháp câu thơ truyền thống.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn hóa Việt nam (Trang 123 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)