Với đối tượng và phương pháp nghiên cứu như đã trình bày ở trên, khoa học quản lý có những đặc điểm cơ bản sau.
Thứ nhất, khoa học quản lý là một hệ thống tri thức phản ánh thực tiễn quản lý ở một giai đoạn phát triển xã hội nhất định và là sự kế thừa những tư tưởng quản lý trong lịch sử.
Điều kiện kinh tế xã hội giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX làm nảy sinh nhu cầu tất yếu phải tách hoạt động quản lý thành một dạng hoạt động có tính độc lập, và đồng thời kéo theo nhu cầu ra đời của khoa học quản lý để đáp ứng thực tiễn quản lý.
Những tư tưởng quản lý đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, nhưng để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quản lý là một quá trình. Các lý thuyết về quản lý ra đời trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là tiền đề lý luận quan trọng cho sự hình thành hệ thống tri thức về quản lý.
Như vậy, nhu cầu của thực tiễn quản lý và nhận thức của con người về quản lý phải đạt tới một trình độ nhất định mới hội đủ các điều kiện cho sự ra đời của khoa học quản lý.
Thứ hai, hệ thống tri thức của khoa học quản lý mang tính khái quát hoá, trừu tượng hoá.
Các khoa học quản lý chuyên ngành (khoa học quản lý kinh tế, khoa học quản lý hành chính…) có đối tượng nghiên cứu là thực tiễn quản lý ở những lĩnh vực và cấp độ nhất định, do đó, hệ thống tri thức mà chúng xác lập gắn với những lĩnh vực cụ thể liên quan tới những quy luật và tính quy luật quản lý riêng.
Khoa học quản lý có đối tượng nghiên cứu là thực tiễn quản lý ở tất cả các lĩnh vực và cấp độ, do đó hệ thống tri thức mà nó xác lập là hệ thống tri thức cơ bản về quản lý liên quan tới những quy luật và tính quy luật quản lý chung.
Tính khái quát hoá và trừu tượng hoá của khoa học quản lý thể hiện ở hệ thống tri thức về:
- Chủ thể quản lý - Đối tượng quản lý - Mục tiêu quản lý - Quy luật quản lý - Nguyên tắc quản lý - Phương pháp quản lý - Các chức năng quản lý -.v.v.
Thứ ba, khoa học quản lý là khoa học xã hội - hành vi.
Khoa học quản lý hướng vào nghiên cứu về con người và mối quan hệ tác động giữa con người với con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới cơ sở và động lực của hành vi con người.
Khoa học quản lý khi nghiên cứu về chủ thể quản lý để chỉ ra những phẩm chất, năng lực cần phải có của một nhà quản lý, đồng thời xác định cách thức để tạo lập những phẩm chất và năng lực ấy.
Khoa học quản lý khi nghiên cứu về đối tượng quản lý nhằm làm rõ đời sống tâm lý cá nhân, tâm lý nhóm, tâm lý xã hội và những nhu cầu, lợi ích cũng như những động cơ thúc đẩy hành vi của họ.
Những phẩm chất, năng lực của chủ thể quản lý cũng như những đặc điểm của đối tượng quản lý luôn phải được xem xét trong một điều kiện kinh tế xã hội nhất định.
Chính vì vậy, khoa học quản lý cần thiết phải vận dụng những tri thức của các khoa học xã hội chung, đặc biệt là quan hệ với các khoa học xã hội cụ thể: tâm lý học, tâm lý nhóm, tâm lý hành vi, xã hội học, chính trị học.v.v.
Thứ tư, khoa học quản lý vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật.
Tính khoa học thể hiện ở chỗ, hoạt động quản lý phải được xây dựng trên cơ sở những tri thức khách quan chứ không phải là ý muốn chủ quan của người quản lý. Nói cụ thể hơn, những quyết định quản lý, những nguyên tắc quản lý, quy trình quản lý… không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm, thói quen, mà phải tuân theo quy luật khách quan của đời sống xã hội.
Tính nghệ thuật thể hiện ở chỗ, muốn cho hoạt động quản lý mang lại hiệu quả cao thì ngoài việc phải thực thi nó một cách khoa học thì cần phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với các hàm biến số xác định.
Tính khoa học và tính nghệ thuật không loại trừ nhau mà chúng thống nhất hữu cơ với nhau. Đó là mối quan hệ cộng sinh, cộng trưởng. Tính khoa học và tính nghệ thuật của khoa học quản lý thể hiện ở tất cả các khía cạnh của hoạt động quản lý. Tuy nhiên, tính khoa học thể hiện rõ nét hơn ở các khía cạnh liên quan tới nguyên tắc quản lý, quy trình quản lý,… Tính nghệ thuật thể hiện rõ nét ở các khía cạnh liên quan tới phương pháp quản lý, phong cách quản lý, nghệ thuật quản lý.
Hệ thống tri thức về quản lý là mang tính khái quát hoá và trừu tượng hoá. Nó là sự chưng cất, tinh lọc từ thực tiễn quản lý hết sức đa dạng và phong phú để có được những nguyên lý, quy luật, phạm trù, khái niệm về quản lý. Tuy nhiên, không vì thế mà cho rằng khoa học quản lý chỉ là sản phẩm của ý thức thuần tuý. Nhờ có hệ thống tri thức chung về quản lý mà có thể tạo lập để hình thành nên tư duy về quản lý. Tư duy quản lý là công cụ sắc bén giúp cho các nhà quản lý vận dụng một cách hữu hiệu vào thực tiễn quản lý trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của họ.
Thứ sáu, khoa học quản lý có quan hệ với nhiều lĩnh vực tri thức của các khoa học khác.
Khoa học quản lý coi các khoa học chung (triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học) là cơ sở lý luận và phương pháp luận.
Khoa học quản lý có quan hệ mật thiết và hữu cơ với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và các khoa học hành vi.
Khoa học quản lý có quan hệ với các khoa học quản lý chuyên ngành. Khoa học quản lý đóng vai trò là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho các khoa học quản lý chuyên ngành. Thành tựu của các khoa học quản lý chuyên ngành góp phần làm cơ sở để khoa học quản lý khái quát những nguyên lý, lý luận quản lý.