Việc xác định đúng đối tượng của khoa học quản lý (có thể gọi là quản lý học) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần khắc phục hiện tượng khá phổ biến là đồng nhất khoa học quản lý với các khoa học quản lý chuyên ngành (nhất là với khoa học quản lý kinh tế) để từ đó xây dựng hệ thống tri thức và kết cấu của môn khoa học quản lý đúng với vị trí vốn có của nó.
Chúng ta biết rằng, quản lý là hoạt động mang tính tất yếu và phổ biến. Điều đó có nghĩa là: bất cứ lĩnh vực và cấp độ hoạt động nào của con người cũng cần tác nhân quản lý. Hơn thế nữa, để quản lý đạt hiệu quả, mọi lĩnh vực và cấp độ quản lý đều phải dựa vào cơ sở khoa học hay phải có khoa học về quản lý ở các lĩnh vực cụ thể tương ứng.
Đối tượng của các khoa học quản lý chuyên ngành (khoa học quản lý kinh tế, khoa học quản lý hành chính, khoa học quản lý văn hoá.v.v.) là nghiên cứu thực tiễn quản lý ở những lĩnh vực, quá trình, cấp độ cụ thể, đề từ đó vạch ra quy luật quản lý của từng lĩnh vực nhất định (quy luật quản lý kinh tế, quy luật quản lý hành chính và quy luật quản lý văn hoá.v.v..).
Khoa học quản lý như trên đã nói, không đồng nhất với các khoa học quản lý chuyên ngành (tất nhiên là nó có quan hệ hữu cơ với chúng). Nó là khoa học quản lý tổng quát hay thực chất là lý luận chung về quản lý.
Khoa học quản lý lấy thực tiễn quản lý (ở tất cả các lĩnh vực và cấp độ) làm đối tượng nghiên cứu nhằm vạch ra cái chung, cái giống nhau, cái lặp lại của hoạt động quản lý ở tất cả các lĩnh vực và cấp độ của nó, tức là quy luật quản lý.
Để làm rõ đối tượng của khoa học quản lý cần phải luận giải các nội dung liên quan tới các nhân tố cơ bản của hệ thống quản lý: Chủ thể quản lý; Đối tượng quản lý; Mối quan hệ quản lý và Quy luật quản lý.