Đánh giá chương trình khuyến nông của các kênh khác

Một phần của tài liệu luận văn đánh giá kết quả và tác động từ hoạt động khuyến nông của trạm khuyến nông huyện yên thế - tỉnh bắc giang (Trang 83 - 85)

- Nông dân sản xuất giỏi

4.2.5.3. Đánh giá chương trình khuyến nông của các kênh khác

Qua nghiên cứu cho thấy, hoạt động khuyến nông ở Yên Thế ngoài vai trò chủ đạo của chương trình khuyến nông Nhà nước ra còn có 3 chương trình khuyến nông khác đó là khuyến nông của các dự án quốc tế (Đồng Kỳ, Hương Vĩ, Phồn Xương, Tân Sỏi, Đồng Lạc); khuyến nông do cộng đồng tiến hành (Tân Sỏi, An Thượng); và khuyến nông do các doanh nghiệp tiến hành (Đồng Kỳ, Đồng Hưu). Các chương trình khuyến nông này hoạt động không liên tục và có tính thời điểm nên đem lại những ưu và nhược điểm như sau:

Chương trình khuyến nông của các dự án quốc tế (WB, PLAN) có ưu điểm là: (1) Gắn sự tham gia của nhân dân vào toàn bộ quá trình chuyển giao KTTB; (2) Đưa được nhiều KTTB tới nông dân, tập trung dứt điểm, có quy mô và kết quả cụ thể; (3) Hướng mạnh vào xoá đói giảm nghèo, tập trung vào xây dựng tính bền vững trong cộng đồng. Tuy nhiên các chương trình khuyến nông

này cũng bộc lộ một số hạn chế: (1) Các chương trình này thường yêu cầu nguồn kinh phí lớn; (2) Thực hiện các chương trình không thường xuyên, chỉ làm khi có dự án, phạm vi hẹp hơn, triển khai theo một nguyên tắc cứng nhắc.

Chương trình khuyến nông của các doanh nghiệp (Hope, Anvest, Việt Thắng, Con heo vàng…) có ưu điểm là: (1) Kỹ thuật được chuyển giao mang tính trọng tâm chuyên ngành; (2) Tập trung vào sản phẩm hàng hoá mà doanh nghiệp kinh doanh; (3) Kỹ thuật đã được khẳng định và đúc rút ở nhiều nơi nên phương thức chuyển giao phù hợp - linh hoạt. Tuy nhiên thực tiễn hoạt động các chương trình khuyến nông của các doanh nghiệp cũng bộc lộ một số hạn chế: (1) Nếu doanh nghiệp không gắn kết với nông dân thì cả doanh nghiệp và nông dân cùng gặp khó khăn; (2) Tình trạng nông dân nợ đọng vốn của doanh nghiệp sau khi kết thúc chương trình dễ xảy ra.

Trên địa bàn xã Tân Sỏi có tới 6 CLBKN nên hoạt động khuyến nông do cộng đồng thực hiện đang có những đóng góp tích cực cho tình hình phát triển nông nghiệp của xã. Hệ thống khuyến nông do cộng đồng (CLBKN) tiến hành có một số ưu điểm là: (1) Cần ít vốn, phù hợp với trình độ, điều kiện và nhu cầu của nông dân; (2) Xã hội hoá được công tác khuyến nông, phối hợp với các đoàn thể làm công tác khuyến nông; (3) Phát huy tốt sự tham gia của dân trong xác định nhu cầu, kỹ thuật chuyển giao, tổ chức chuyển giao, đóng góp nguồn lực; (4) Trách nhiệm của CBKN gắn với kết quả chuyển giao. Tuy nhiên, khuyến nông cộng đồng cũng có một số điểm cần hoàn thiện: (1) Hiện nay chưa có cơ chế chính sách thống nhất cho khuyến nông viên cơ sở, nhất là khuyến nông viên của cộng đồng; (2) CBKN cộng đồng thường ít được đào tạo một cách chính thống. Đôi khi họ là những nông dân do dân bầu ra, nên thiếu kiến thức và kỹ năng trong chuyển giao (Đỗ Kim Chung, 2005(7)).

Tóm lại, hoạt động khuyến nông trên địa bàn huyện Yên Thế có tác động lớn đến kết quả SXNN. Tuy nhiên các hoạt động lại chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người nông dân. Hầu hết các hoạt động khuyến nông chỉ quan

tâm đến kỹ thuật mà chưa có sự lồng ghép các hoạt động khác như: dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, thông tin thị trường… chưa xác định rõ ảnh hưởng của hoạt động khuyến nông đối với người nông dân để từ đó có kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông. Vì vậy trong những năm tới trạm khuyến nông và BQL dự án - chương trình khuyến nông của các kênh khác cần hoàn thiện hệ thống tổ chức cũng như hoàn thiện về nội dung hoạt động của mình nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân.

Một phần của tài liệu luận văn đánh giá kết quả và tác động từ hoạt động khuyến nông của trạm khuyến nông huyện yên thế - tỉnh bắc giang (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w