Kết quả sản xuất kinh doanh của huyện Yên Thế qua 3 năm (04 06)

Một phần của tài liệu luận văn đánh giá kết quả và tác động từ hoạt động khuyến nông của trạm khuyến nông huyện yên thế - tỉnh bắc giang (Trang 37 - 40)

06)

Cùng với xu thế đổi mới chung của cả nước, những năm gần đây đặc biệt là từ năm 2000 đến nay nền KTXH của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Thế nói riêng đã thu được những kết quả phát triển vượt bậc. Trong công cuộc thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá đinh hướng XHCN, nền kinh tế Yên Thế có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục cao hơn so với bình quân trung của cả nước. Nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt trên 8,5%/năm.

Năm 2006, cùng với xu thế hội nhập, phát triển nền kinh tế của cả nước, thực hiện 6 chương trình phát triển KTXH của Huyện uỷ. Tình hình KTXH của huyện tiếp tục có bước phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%, vượt kế hoạch đề ra, sản lượng lương thực đạt cao, các đề án thuộc chương trình phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá được xây dựng đảm bảo quy trình kỹ thuật, đúng thời gian quy định. Một số đề án như: phát triển đàn bò, phát triển đàn gà thả vườn, phát triển đàn lợn theo hướng nạc hoá bước đầu phát huy hiệu quả. Sản xuất CN-TTCN có bước phát triển cao cả về giá trị và cơ cấu, thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, việc tranh thủ và khai thác các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn đạt kết quả tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH được tăng cường, các chương trình dự án lớn đều được đầu tư thực hiện theo đúng kế hoạch. Các lĩnh vực văn hoá xã hội, y tế, giáo dục, thông tin PTTH tiếp tục được chăm lo đúng mức, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Qua bảng 5 cho ta thấy, tổng giá trị sản xuất (GTSX) của huyện năm 2004 là 461.037 Trđ, đến năm 2006 tăng lên là 567.619 Trđ, bình quân 3 năm tăng 10,96%. Có được sự tăng trưởng này là do hầu hết GTSX các ngành đều tăng, trong đó hai ngành CN-TTCN và TM-DV có tốc độ tăng trưởng rất cao (gần

17% và 24%/năm). Trong khi đó ngành nông nghiệp tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất và cơ cấu ngành trồng trọt liên tục giảm qua 3 năm nhưng bù lại ngành CN-TS luôn có tốc độ tăng trưởng rất cao (bình quân 3 năm tăng 43,65%). Đây là kết quả đáng biểu dương của công tác phát triển mạnh đàn gà thả vườn trên địa bàn toàn huyện, phát triển đàn bò ở các xã trọng điểm và phát triển đàn lợn theo hướng nạc hoá tại một số xã đặc biệt khó khăn của huyện. Cần chú ý rằng trong 3 năm qua đặc biệt là năm 2006 thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã và đang nổi tiếng khắp các tỉnh và thành phố phía Bắc, từ Bắc Giang đến Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng…Mặt khác trong 3 năm trở lại đây do công tác phòng dịch được cơ quan chức năng và từng hộ dân thực hiện tốt cho nên không để dịch bệnh lớn xảy ra (Yên Thế chưa từng xảy ra dịch cúm gia cầm). Vì vậy với số lượng gà bán ra lớn lại gặp thuận lợi vì giá thị trường rất cao (năm 2006 giá gà bình quân đạt trên 50.000đ/kg) nên GTSX của ngành chăn nuôi đã kéo GTSX ngành nông nghiệp toàn huyện tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Bảng 5

Ngoài ra Yên Thế vốn có thế mạnh về sản xuất TTCN-VLXD (vôi, cay sỉ, khai thác than…) nên GTSX ngành CN-TTCN-XDCB của huyện cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân 16,98%. Các ngành kinh tế trọng điểm phát triển thúc đẩy ngành TM-DV cũng có bước tăng trưởng mạnh (bình quân 3 năm tăng 23,81%). Để từ đó làm tổng GTSX của huyện năm 2006 tăng 11,16% so với năm 2005, bình quân 3 năm từ 2004 đến 2006 tăng 10,96%. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực và quyết tâm đưa nền kinh tế đi lên của chính quyền và nhân dân huyện Yên Thế.

Vài năm trước đây trồng trọt còn được xem là ngành sản xuất chủ đạo của hầu hết các hộ dân ở huyện Yên Thế nhưng hiện nay cũng như qua số liệu thống kê của phòng thống kê huyện thì GTSX của ngành trồng trọt đang giảm với tốc độ nhanh chóng, năm 2004 ngành này còn chiếm tới 73,80% trong tổng GTSX ngành nông nghiệp nhưng đến năm 2006 chỉ còn 54,91%. Thêm vào đó lượng tuyệt đối cũng giảm từ 195.254 Trđ (năm 2004) xuống còn 155.222 Trđ

(năm 2006). Việc giảm này là do hai nguyên nhân: Thứ nhất là do diện tích cây hàng năm đặc biệt là cây lúa đang có xu hướng giảm nhằm chuyển mục đích sử dụng đất sang làm việc khác (xây dựng cụm công nghiệp và chuyển thành đất thổ cư); Thứ hai là do 3 năm qua cây Vải thiều - một loại cây đã từng đem lại nguồn thu lớn cho huyện Yên Thế trong những năm trước lại không còn cho nguồn thu ổn định nữa, năm 2005 giá vải trên thị trường chỉ đạt 2.500 - 3.000 đ/kg (bằng 1/3 giá năm 2000), năm 2006 vải mất mùa nên đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập các hộ dân và tổng GTSX của toàn huyện. Điều này đặt ra yêu cầu Yên Thế phải thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phá thế độc canh, nền kinh tế không được phụ thuộc nhiều vào trồng trọt như trước nữa.

Trong ngành CN-TS (đặc biệt là chăn nuôi gà và chăn nuôi bò), GTSX qua 3 năm tăng rất nhanh cả về lượng tuyệt đối và tương đối. Năm 2004 toàn huyện thu từ chăn nuôi chỉ đạt 47.369 Trđ (chiếm 17,90%) thì đến năm 2006 nguồn thu này đã tăng lên 97.750 Trđ (chiếm 34,58%), bình quân qua 3 năm tăng 43,65%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được đẩy mạnh bằng việc đưa các giống mới, kỹ thuật mới vào kết hợp với kinh nghiệm sản xuất truyền thống của bà con nông dân địa phương đã góp phần mở rộng quy mô chăn nuôi của từng hộ dân và từng bước làm tăng GTSX trên phạm vi toàn huyện.

Ngành lâm nghiệp có GTSX chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng GTSX của huyện, qua bảng 5 ta thấy nó cũng tăng cả về lượng tuyệt đối và tỷ trọng. Năm 2004 là 16.869 Trđ (chiếm 6,38%), đến năm 2006 là 22.064 Trđ (chiếm 7,80%), bình quân qua 3 năm tăng 14,37%. Nguyên nhân là do một phần diện tích rừng sản xuất trồng từ các năm trước đã cho thu hoạch và huyện tiếp tục chỉ đạo trồng các loại cây lâm nghiệp khác có giá trị kinh tế cao.

Ngành DVNN do chưa được đầu tư đúng mức và số liệu thống kê chưa đầy đủ cho nên có kết quả là năm 2005 tăng 43,97% so với năm 2004 nhưng năm 2006 chỉ tăng 4,53% so với năm 2005, bình quân 3 năm tăng 22,67%. Tuy nhiên

có thể thấy rằng, ngành này còn tạo ra giá trị thấp so với tiềm lực, chưa đáp ứng được nhu cầu của SXNN, cần được chú trọng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Xem xét một số chỉ tiêu bình quân ta thấy: năm 2004 bình quân GTSX trên nhân khẩu đạt 4,95 Trđ, đến năm 2006 tăng lên là 6,01 Trđ. Đối với nhân khẩu nông nghiệp thì GTSX của họ tạo ra cũng tăng từ 3,47 Trđ/năm (2004) lên 3,79 Trđ/năm (2006). Năm 2004 GTSX NN của một lao động là 9,60 Trđ, đến năm 2006 tăng lên 11,63 Trđ. Trong khi đó GTSX NN bình quân cho một LĐNN chỉ đạt 6,61 Trđ (năm 2004), đến năm 2006 đạt 7,22 Trđ. Đặc biệt là GTSX/ha đất nông nghiệp năm 2004 đã đạt 49,36 Trđ, đến năm 2006 còn tăng tới 60,94 Trđ. Qua đây ta thấy những thắng lợi của sự nghiệp đổi mới nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn để lại sự chênh lệch giàu nghèo đáng kể trong các hộ dân.

Qua những chỉ tiêu trên có thể thấy được những cố gắng của chính quyền và nhân dân toàn huyện trong việc cải thiện đời sống nhân dân cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của toàn huyện trong thời kỳ mới. Tuy nhiên qua những số liệu thống kê này cũng có thể thấy rằng việc thực hiện các công tác sản xuất ở Yên Thế đang gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là sản xuất ngành trồng trọt). Công tác thống kê và tính toán GTSX của huyện cũng vấp phải trở ngại vì giá cả thị trường liên tục biến đổi, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng do tác động từ sự thay đổi giá của các loại nguyên nhiên liệu đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu…). Vì vậy mà các số liệu này cần đối chiếu với giá so sánh (năm 1994) thì mới thấy được hết sự thay đổi về GTSX nói chung của toàn huyện và của từng ngành sản xuất.

Một phần của tài liệu luận văn đánh giá kết quả và tác động từ hoạt động khuyến nông của trạm khuyến nông huyện yên thế - tỉnh bắc giang (Trang 37 - 40)