Đặc điểm phân bổ và sử dụng đất đai

Một phần của tài liệu luận văn đánh giá kết quả và tác động từ hoạt động khuyến nông của trạm khuyến nông huyện yên thế - tỉnh bắc giang (Trang 29 - 32)

Theo số liệu thống kê của phòng địa chính nông nghiệp huyện Yên Thế thì tính đến ngày 31/12/2006 tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 30.125,15 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 30,92%, đất lâm nghiệp chiếm 48,54%, đất chuyên dùng chiếm 6,98%, đất thổ cư chiếm 4,74%, đất chưa sử dụng chiếm 3,66% và đất phi nông nghiệp khác chiếm 5,13%. Cụ thể qua số liệu bảng 2, chúng ta thấy tình hình sử dụng đất đai của huyện như sau:

Qua 3 năm diện tích đất nông nghiệp có xu hướng ngày càng giảm: năm 2006 là 9328,79 ha giảm 0,15% so với năm 2005 (tức giảm 13,69 ha) và năm 2005 là 9328,79 ha giảm 0,13% so với năm 2004 (tức giảm 12,22 ha). Bình quân 3 năm giảm 1,14%. Diện tích đất nông nghiệp giảm, nguyên nhân chủ yếu là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển từ SXNN sang sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), vật liệu xây dựng và chuyển sang làm đất thổ cư. Trong diện tích đất nông nghiệp thì đất trồng cây hàng năm chiếm phần lớn (56,08% vào năm 2006) và diện tích đất này lại có xu hướng giảm qua các năm, bình quân 3 năm giảm 0,32%. Nguyên nhân giảm là do một phần diện tích đất này chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là một số diện tích trũng cấy một vụ không ăn chắc.

Diện tích đất trồng cây lâu năm sau một số năm đột biến tăng nhanh thì 3 năm trở lại đây đã có xu hướng giảm nhẹ. Bình quân 3 năm diện tích đất trồng cây lâu năm của huyện giảm 0,02%. Nguyên nhân của việc giảm này là do trước đây toàn huyện không xác định được định hướng phát triển cây Vải thiều cũng như sức hấp dẫn của giá cả và sản lượng bán ra của quả Vải thiều là quá lớn nên đã thực hiện phương châm “nhà nhà trồng vải, đồi đồi trồng vải”. Diện tích trồng Vải chiếm đến trên 50% diện tích trồng cây lâu năm. Nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây Vải thiều khi được mùa lại mất giá, khi thì được giá lại bị mất mùa, đầu ra cho quả Vải thiều Yên Thế là cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy không ít chủ hộ, chủ trang trại đã nản lòng với cây Vải. Họ không những không đầu tư cho cây Vải nữa mà có một số hộ đã chặt Vải làm củi đun hàng ngày. Đây là một cảnh báo cho chính sách phát triển cây hàng hoá không chỉ của huyện Yên Thế mà cả nước ta cần quan tâm.

Diện tích đất dùng cho nuôi trồng thuỷ sản có xu hướng tăng lên nhưng không đều qua các năm. Bình quân 3 năm tăng 2,05%, tập trung cho việc phát triển diện tích ao nuôi cá thịt các loại như rôphi đơn tính, mè, chắm cỏ và nuôi cá giống bố mẹ. Riêng diện tích đất nông nghiệp khác của huyện thì theo số liệu

thống kê chưa đầy đủ của phòng Địa chính huyện qua 3 năm là không có nhiều thay đổi và chỉ chiếm 0,1% diện tích đất nông nghiệp.

Qua số liệu bảng 2 cho thấy, diện tích đất lâm nghiệp của huyện là khá lớn, chiếm 48,54% tổng diện tích đất tự nhiên (năm 2006) và diện tích đất này hầu như không thay đổi qua 3 năm. Nguyên nhân của việc giữ được diện tích đất lâm nghiệp như vậy là do hầu hết diện tích đất rừng đã được giao quyền sử dụng và quản lý cho các cá nhân và cơ quan kiểm lâm làm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Bảng 2

Về diện tích đất thổ cư và đất chuyên dùng của huyện qua 3 năm tăng nhưng tốc độ cũng không lớn. Bình quân qua 3 năm diện tích đất thổ cư tăng 0,42% (từ 4,72% năm 2004 lên 4,76% năm 2006) và diện tích đất chuyên dùng tăng 0,39% (từ 6,93% năm 2004 lên 6,98% năm 2006) trong tổng diện tích đất tự nhiên. Nguyên nhân của việc tăng này là do một phần diện tích đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng chuyển sang theo chương trình cấp đất thổ cư và đất sản xuất CN-TTCN cho các cá nhân và tập thể.

Với các loại đất còn lại như (đất chưa sử dụng, đất phi nông nghiệp khác) cũng có biến đổi qua từng năm nhưng bình quân 3 năm nhìn chung là khá ổn định (thay đổi dưới 0,5%). Công tác thống kê đo đạc về hiện trạng sử dụng các loại đất này ở Yên Thế chưa được chú trọng.

Tóm lại, Yên Thế là huyện có diện tích đất đai tương đối rộng, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 30,92% (năm 2006). Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho Yên Thế phát triển SXNN theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hoá. Bên cạnh đó diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, chiếm gần 50% tổng diện tích. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng phát triển nhằm góp phần từng bước làm cho bức tranh kinh tế toàn huyện ngày một thêm khởi sắc. Đây cũng là điều kiện tốt cho việc tạo ra các sản phẩm hàng hoá mũi nhọn trong nông lâm nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển vùng nguyên liệu

cho công nghiệp chế biến và cung cấp sản phẩm xuất khẩu (như: Vải thiều Yên Thế, Gà đồi Yên Thế…).

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là nông lâm nghiệp vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng về đất đai vốn có của huyện. Để khắc phục tình trạng này, nhằm khai thác tốt hơn diện tích đất đai thì chính quyền và nhân dân toàn huyện cần có biện pháp kinh tế kỹ thuật tác động thích hợp hơn nữa. Yên Thế cần đưa nhanh KHKT vào sản xuất như các loại cây trồng - con vật nuôi giống mới, áp dụng biện pháp thâm canh tăng vụ, cải tạo đất trên toàn huyện.

Một phần của tài liệu luận văn đánh giá kết quả và tác động từ hoạt động khuyến nông của trạm khuyến nông huyện yên thế - tỉnh bắc giang (Trang 29 - 32)