GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU CỦA DOANH NGHIỆP TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP MIỀN TRUNG
3.2.1.2. Kiến nghị về thủ tục hành chính tại các KCN miềnTrung
Chính sách của chính phủ luôn có tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp theo hai hướng hoặc là thúc đẩy hoặc là hạn chế. Một chính sách thông thoáng thuận tiện sẽ thúc đẩy xuất khẩu gia tăng. Hiện nay, mặc dù được hưởng quy chế một cửa, nhưng doanh nghiệp trong các KCN miền Trung còn
gặp khá nhiều khó khăn đối với các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Cần phải cải thiện môi trường pháp lý linh hoạt, đơn giản, hiệu quả hơn để thúc đẩy doanh nghiệp trong các KCN gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu cần phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại các
KCN miền Trung. Với cơ chế này, các doanh nghiệp sẽ thuận tiện về thời gian,
địa điểm và tiết kiệm cả chi phí trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, có chế “một cửa, tại chỗ” vẫn chưa được hoàn thiện tại các KCN. Phần lớn các quyết định vẫn phải xin ý kiến chỉ đạo của các cấp cao hơn. Chẳng hạn, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường… BQL các KCN vẫn chưa đủ thẩm quyền để cấp. Cần phải thực hiện ủy quyền hơn nữa cho các UBND tỉnh và BQL KCN cấp tỉnh, để tạo điều kiện cho những cơ quan này thực hiện triệt để cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường mối quan hệ giữa BQL, doanh nghiệp phát triển hạ tầng, doanh nghiệp SXKD KCN theo hướng đảm bảo một đầu mối giải quyết.
3.2.1.3.Kiến nghị về hệ thống CSHT
Tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mô hình KCN đã được hình thành từ sau khi đổi mới. KCN với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cùng những ưu đãi đang là điểm sáng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do có sự tương đồng và thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng, đã tạo thành yếu tố cản trở đối với sự phát triển chung của doanh nghiệp trong các KCN miền Trung. Cần phải quy hoạch lại các KCN, hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN để tạo ra những nét nổi bật cho từng tỉnh trên cơ sở liên kết giữa các tỉnh.
Cần phải có một kế hoạch phát triển các KCN trong vùng một các hợp lý.
Các KCN cần phải được xây dựng ở những khu vực gần nguồn nguyên nhiên vật liệu cung cấp cho sản xuất, hay gần thị trường đầu ra, hoặc gần các cảng
biển, sân bay để thuận lợi cho việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa đến thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, để miền Trung phát triển bền vững và ổn định, đã đến lúc cần phải có chiến lược thu hút đầu tư vào các ngành trong KCN một cách hợp lý, phải định hướng thu hút đầu tư sang một giai đoạn mới. Trong đó, dựa trên điều kiện lợi thế của mình, các địa phương nên khuyến khích, chọn lọc các dự án đầu tư vào các ngành dịch vụ, công nghiệp kỹ thuật cao, có hàm lượng chất xám và tạo ra giá trị gia tăng cao; các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử… Đây chính là điều kiện tiền đề để tạo ra sự bứt phá mới, cũng như xây dựng một hình ảnh mới của khu vực đối với các nhà đầu tư quốc tế. Để hướng các doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm có hàm chứa công nghệ cao hay đã qua chế biến thì bản thân cơ quan quản lý của các KCN miền Trung phải có những đánh giá xát thực về thuận lợi, khó khăn phát triển của cơ sở mình, qua đó thu hút đầu tư vào các ngành hợp lý và xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp.
Tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài KCN. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN phục vụ xuất khẩu của
doanh nghiệp trong các KCN là một yêu cầu cấp bách. Cần nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, để sớm đưa các KCN miền Trung vào giai đoạn vận hành, đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng KCN như hệ thống thông tin liên lạc, điện – nước…phục vụ tốt nhất cho quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Hệ thống cơ sở hạ tầng bên ngoài KCN được xây dựng tràn lan, không có điểm nhấm, tạo ra sự lãng phí và không hiệu quả. Do các tỉnh ở miền Trung đều có bờ biển, các bờ biển này tương đối ngắn nên rất cần sự liên kết với nhau. Mỗi tỉnh không nhất thiết cần có riêng một cảng biển, một sân bay mà nên tạo ra những cảng biển, sân bay lớn để giải quyết về vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả miền Trung. Miền Trung nên đầu tư vào 5 cảng trọng điểm: Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn và cảng chuyên dùng Dung Quất, đầu tư vào các
sân bay lớn: sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Huế), Đà Nẵng (Đà Nẵng).