Những vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực CNTT&TT

Một phần của tài liệu Ngành viễn thông việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 90 - 93)

Hệ thống cơ sở nghiên cứu và đào tạo về CNTT&TT còn mỏng, trình độ thấp, trang thiết bị lạc hậu. Số lượng và cơ cấu đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu thị trường dẫn đến tình trạng thừa những người có bằng cấp đại học, thiếu các chuyên gia giỏi trong tất cả các khâu quản lý, sản xuất, ứng dụng CNTT&TT (số các chuyên gia giỏi chỉ đáp ứng được 5 – 10% nhu cầu thực tế). Cấu trúc nguồn nhân lực CNTT&TT không cân đối ảnh hưởng đến việc triển khai ứng dụng CNTT&TT. Năng suất lao động bình quân ở Việt Nam còn thấp, bằng 50 – 60% năng suất lao động bình quân của các nước trong khu vực. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo phụ trách về CNTT (CIO) ở các cấp chưa hình thành và chưa được bồi dưỡng, đạo tạo hệ thống. Đa số người dân Việt Nam không biết tiếng Anh và không có khả năng tiếp cận và sử dụng các ứng dụng CNTT&TT.

Hiện tại Việt Nam thiếu chương trình, kế hoạch đào tạo toàn diện nguồn nhân lực cho CNTT&TT. Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương phát triển nguồn nhân lực cho CNTT&TT song chưa có chương trình, kế hoạch đào tạo toàn diện, cụ thể và thiếu đầu tư thích đáng để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường hiện tại và tương lai (bao gồm nguồn nhân lực lao động trực tiếp, quản lý, chuyên gia và những người sử dụng CNTT&TT), thiếu các biện pháp mạnh mẽ và mang tính đột phá với phát triển nguồn nhân lực cho CNTT&TT. Chất lượng đào tạo chuyên gia CNTT&TT còn thấp, đào tạo người sử dụng ít hiệu quả, đội ngũ cán bộ lãnh đạo phụ trách về CNTT&TT thiếu về số lượng và chưa được bồi dưỡng đào tạo đủ trình độ theo yêu cầu. Chương trình đào tạo CNTT&TT chưa thống nhất, chưa bắt kịp nhu cầu thực tiễn và nhu cầu xuất khẩu. Trình độ tiếng Anh của các giáo viên CNTT&TT còn yếu.

Như vậy, điều đáng lo ngại hiện nay đối với nguồn nhân lực CNTT&TT là chất lượng đào tạo. Số lượng sinh viên CNTT không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng là khá lớn. Tổng số sinh viên đã được đào tạo về CNTT hiện nay có hơn 20.000 nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó làm việc có liên quan trực tiếp đến CNTT(1). Các lý do chủ yếu được nêu ra bao gồm cơ sở vật chất giáo dục thiếu thốn, không hiện đại và hiệu quả nên sinh viên không có kỹ năng thực hành cần thiết, truy nhập Internet rất hạn chế, đào tạo chưa gắn liền với thực tế nhu cầu của nhà tuyển dụng, nội dung các môn học lạc hậu, ít thay đổi cho phù hợp với tốc độ phát triển nhanh của CNTT&TT, số lượng và trình độ giáo viên còn thiếu và yếu nhất là kinh nghiệm thực tế, đào tạo tiếng Anh trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Mức độ chênh lệch lớn về mọi mặt giữa các trường ở đô thị với vùng sâu, vùng xa cũng khiến cho chất lượng giáo dục phổ cập CNTT càng thiếu đồng đều.

Những vấn đề đặt ra về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành Viễn thông:

Thực hiện chính sách đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, Bộ Bưu chính Viễn thông cùng bước vào một giai đoạn mới tuy nhiều cơ hội cho phát triển song còn gặp phải không ít thách thức.

(1)Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ Bưu chính Viễn thông, Tạp chí Bưu chính Viễn thông T11/2003, “Phát triển ứng dụng CNTT và TT trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam”.

Một là, sự thay đổi môi trường quản lý, đó là chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh, sự phân định và bóc tách chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh, là trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công ích cho toàn xã hội đồng thời là bà đỡ, người định hướng cho dịch vụ, thương mại Bưu chính, Viễn thông, CNTT phát triển, trong khi hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ.

Hai là, với sự phát triển nhanh chóng, tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của CNTT và sự hội tụ của các công nghệ viễn thông – tin học – phát thanh truyền hình đã dẫn tới sự hội tụ về dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường viễn thông và CNTT phát triển nhưng cũng gây ra một áp lực lớn cho các nhà quản lý đó là sự hội tụ trong quản lý.

Ba là, phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trên nhiều mặt đã ảnh hưởng sâu sắc đối với ngành viễn thông. Thị trường viễn thông và CNTT dần được hình thành, cạnh tranh giữa các công ty trong nước và nước ngoài ngày càng quyết liệt hơn. Hơn nữa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh sự phát triển không ngừng của mạng thông tin cũng đã ra yêu cầu cao hơn đối với người quản lý. Việc kịp thời nghiên cứu, xây dựng chiến lược và chính sách phát triển, cải cách cơ chế kinh doanh và thể chế quản lý hiện có đó thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất, phát huy mọi nguồn lực của đất nước đã trở thành nhiệm vụ bức bách của ngành viễn thông và CNTT.

Những thách thức đối với ngành viễn thông chính là những vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đứng trước tình hình mới này, Bộ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện một quyết sách là phải thực hiện mục tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ với công việc, cả trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước, phục vụ tốt cho chiến lược phát triển của ngành viễn thông.

Từ năm 1997 đến 2003, Bộ đã chú trọng bồi dưỡng nâng cao tố chất chính trị và lý luận chính trị cho cán bộ, công chức trong đó đã chọn cử 53 lãnh đạo và cán bộ nguồn tham dự các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp dài hạn tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, Bộ cũng đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao chất lượng của đội ngũ quản lý. Đối với cán bộ lãnh đạo và công chức quản lý tiến hành nâng cao trình độ quản lý Nhà nước, bồi dưỡng năng lực quyết sách, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ mới. Đến năm 2003, trong số cán bộ, công chức Bộ tỷ lệ có trình độ tiến sỹ là 2,5%, thạc sỹ là 5%, đại học và cao đẳng là 90% và trung cấp 5%. Bình quân hàng năm đều đảm bảo có khoảng 55% cán bộ công chức của Bộ được tham gia bổ túc tại chức ở các cấp và trình độ khác nhau(1).

Một phần của tài liệu Ngành viễn thông việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 90 - 93)