Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và theo WTO trong lĩnh vực đầu tư:
Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)
Nguyên tăc tối huệ quốc là nguyên tắc truyền thống trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản xuyên suốt toàn bộ nội dung Hiệp định. Nguyên tắc này được áp dụng đối với quan hệ đầu tư theo Điều 2 chương IV của Hiệp định Thương mại:
“Đối với việc thành lập, mua lại, mở rộng, quản lý, điều hành, vận hành, bán hoặc định đoạt bằng cách khác các khoản đầu tư theo Hiệp định này, trong những hoàn cảnh tương tự, mỗi Bên dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các khoản đầu tư của công dân hoặc công ty của mình trên lãnh thổ nước mình ở đây gọi là “đối xử quốc gia” hoặc sự đối xử dành cho các khoản đầu tư của công dân hoặc công ty của nước thứ 3 trên lãnh thổ nước mình sau đây gọi là “đối xử tối huệ quốc”, tuỳ thuộc vào sự đối xử nào thuận lợi nhất. Mỗi Bên đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhà nước của mình dành cho các khoản đầu tư theo Hiệp định này đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ của họ ”
Nguyên tắc tiếp cận thị trường
Nguyên tắc tiếp cận thị trường hay còn gọi là nguyên tắc mở cửa thị trường, thể hiện nguyên tắc tự do hoá thương mại của WTO, là nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ nội dung Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Các cam kết của Việt nam và Hoa Kỳ về mở cửa thị trường trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có liên quan chặt chẽ tới quy định của WTO. Phù hợp với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc mà hai Bên cam kết dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia, trong vấn đề mở cửa thị trường thông qua các phương thức cung cấp dịch vụ, mỗi Bên dành ngay lập tức và vô điều kiện cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác.
Phương thức mở cửa thị trường
Đối với việc mở cửa thị trường thông qua các phương thức cung cấp dịch vụ thì mỗi Bên dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử đã được quy định trong lộ trình cam kết cụ thể của mình tại phụ lục G của Hiệp định. Có 4 phương thức cung cấp dịch vụ:
- Phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới: là việc dịch vụ được cung cấp thông qua sự vận động của bản thân dịch vụ từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không cần đến sự dịch chuyển của người cung cấp dịch vụ.
- Phương thức tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài là việc dịch vụ do một nhà cung cấp dịch vụ tại một quốc gia cung cấp cho các công dần của một quốc gia khác khi công dân của quốc gia này hiện diện tại quốc gia cung cấp dịch vụ. - Phương thức hiện diện thương mại: là việc cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ một
quốc gia của một nhà cung cấp dịch vụ có quốc tịch của một quốc gia khác bằng việc thiết lập cơ sở thường trú hoặc thành lập công ty đặt trụ sở tại quốc gia dịch vụ được cung cấp.
- Phương thức hiện diện của thể nhân: là việc cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tiếp bởi nhà cung cấp dịch vụ có quốc tịch nước là cá nhân hoặc các cá nhân là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ tại quốc gia dịch vụ được cung cấp.
Về vấn đề quyền sở hữu, các Bên công nhận quyền sở hữu của nhau và không Bên nào được tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hoá các khoản đầu tư một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trường hợp vì mục đích công cộng mà phải tước quyền sở hữu thì phải bồi thường đúng giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu. Vấn đề này được quy định rõ trong Điều 10 chương IV của Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại được quy định trong điều 11 chương IV của Hiệp định. Theo đó, không Bên nào được áp dụng bất kỳ biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại nào (ở đây gọi là TRIMs) không phù hợp với Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đên thương mại của WTO. Danh mục minh hoạ các TRIMs được quy định tại Hiệp định WTO về TRIMs. Việt Nam sẽ xoá bỏ toàn bộ TRIMs không muộn hơn năm năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc vào ngày được yêu cầu theo quy định và điều kiện của WTO, tuỳ thuộc thời điểm nào diễn ra trước.
Theo quy định của WTO về TRIMs thì mỗi nước thành viên sẽ phải loại bỏ các TRIMs đã thông báo trong vòng 5 năm đối với các thành viên là các nước đang phát triển.
Các cam kết cụ thể của Việt Nam về đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trong Hiệp định Thương mại Việt nam – Hoa Kỳ
Về giới hạn tiếp cận thị trường, Hiệp định quy định các công ty cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ có thể cung cấp dịch vụ thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh với các nhà khai thác trạm cổng của Việt nam hoặc chỉ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Về mở cửa thị trường viễn thông:
- ngày 10/12/2003 cho phép liên doanh với tối đa 50% vốn góp từ phía Hoa Kỳ đối với các dịch vụ giá trị gia tăng bao gồm email, voice-mail, trao đổi dữ liệu điện tử, chuyển fax giá trị gia tăng, xử lý dữ liệu và thông tin trực tuyến.
- Ngày 10/12/2004 mở cửa các dịch vụ Internet, cho phép liên doanh có tối đa 50% vốn góp của Hoa Kỳ;
- Ngày 10/12/2005 cho phép liên doanh có tối đa 49% vốn góp của Hoa Kỳ đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản gồm chuyển bó, chuyển mạch, telex, fax, thuê mạch riêng, các dịch vụ dựa trên vô tuyến bao gồm dạng di động, vệ tinh. - Ngày 10/12/2007 cho phép liên doanh tối đa 49% vốn góp của Hoa Kỳ với
các dịch vụ điện thoại tiếng bao gồm nội hạt, đường dài, quốc tế.
Những yêu cầu về đầu tư trong quá trình đàm phán gia nhập WTO:
Với mục tiêu gia nhập WTO tại Hội nghị Bộ trưởng WTO vào tháng 12/2005, chúng ta phải đạt được những thoả thuận song phương với các nước. Các nước đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về đầu tư đối với lĩnh vực viễn thông. Các vấn đề này hiện đều là những vấn đề hết sức nhạy cảm đối với Việt Nam:
- Về cách đưa ra cam kết mở cửa thị trường viễn thông: yêu cầu Việt Nam đưa ra được lộ trình đi đến tự do hoá hoàn toàn (cho phép công ty 100% vốn nước ngoài), thời gian chuyển đổi có thể đàm phán. Liên quan đến đầu tư gián tiếp vào các nhà khai thác đã có, một số nước cho rằng giới hạn 30% như hiện thời là thấp, tuy nhiên họ hiểu mối quan ngại của Việt Nam đối với VNPT, VIETEL và do vậy sẵn sàng dành một giới hạn riêng cho các nhà khai thác then chốt này của Việt Nam.
- Dịch vụ viễn thông mới chưa được phân loại chính thức trong WTO – dịch vụ giá trị gia tăng: một nước đề nghị Việt Nam có cam kết chung cho tất cả các dịch vụ viễn thông được phân loại là dịch vụ giá trị gia tăng theo như định nghĩa trong WTO. Đối với những dịch vụ này, các nước đưa ra yêu cầu cho được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và đây là vấn đề nguyên tắc đối với họ.
Tự do lựa chọn đối tác Việt Nam để liên doanh: căn cứ vào cam kết của Trung Quốc cũng như của các nước khác, một số nước yêu cầu Việt Nam cho phép tự do lựa chọn đối tác khi thành lập liên doanh. Họ cho rằng theo pháp lệnh Bưu chính Viễn thông thì chỉ có các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối mới được cấp phép cung cấp hạ tầng mạng. Điều này có
nghĩa là Việt Nam hạ chế số lượng nhà cung cấp hạ tầng mạng và hạn chế trên thực tế sự lựa chọn đối tác khi thành lập liên doanh cung cấp hạ tầng mạng.